Cú bắn trượt Su-22 để lộ điểm yếu tên lửa trên tiêm kích Mỹ


Tên lửa AIM-9X không thể hạ gục Su-22 Syria trong phát bắn đầu tiên, dù khai hỏa ở cự ly gần và có khả năng kháng mồi bẫy nhiệt.
Tên lửa AIM-9X được lắp trên tiêm kích F/A-18E. Ảnh: Military.com.
Tiêm kích F/A-18E Mỹ hôm 18/6 phải phóng liên tiếp hai quả tên lửa đối không mới có thể bắn rơi cường kích Su-22 của Syria ở cự ly gần. Các chuyên gia của National Interest cho rằng đây là minh chứng cho thấy vũ khí không phải lúc nào cũng tốt như quảng cáo, đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại.
Khi tiếp cận cường kích Su-22 ở cự ly 800 m trên bầu trời gần Raqqa, tiêm kích F/A-18E đã phóng tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, nhưng quả đạn tối tân này vẫn bị mồi bẫy nhiệt của chiếc Su-22 đánh lừa. Phi công tiêm kích Mỹ buộc phải phóng tiếp AIM-120C AMRAAM, tên lửa dẫn đường tầm trung đắt đỏ hơn, để khuất phục chiếc cường kích lạc hậu.
Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar, tên lửa AIM-9X mới nhất được nhà sản xuất Raytheon quảng cáo là có tính năng tấn công mục tiêu ở góc lệch trục đạn lớn. Trong tình huống cận chiến, AIM-9X được coi là vũ khí hiệu quả nhất, có khả năng cơ động và kháng nhiễu cao hơn so với mẫu AIM-120 AMRAAM sử dụng đầu dò radar.
Việc mồi bẫy nhiệt trên Su-22 có thể đánh lừa đầu dò hồng ngoại ảnh nhiệt của tên lửa AIM-9X ở khoảng cách chưa đầy một km khiến giới chuyên gia rất sửng sốt, bởi loại tên lửa này vốn được thiết kế để tránh bị đánh lừa bằng mồi bẫy.
Kể từ thập niên 1980, mọi tên lửa thuộc dòng Sidewinder đều có tính năng này, trong đó biến thể AIM-9X là loại có uy lực nhất. Chuyên gia Majumdar cho rằng điểm mấu chốt là không có công nghệ nào hoàn hảo, trong khi đối phương thường có kỹ năng khắc chế bí mật.
Nhìn chung, nhà sản xuất tên lửa không đối không Mỹ thường khoe tỷ lệ diệt mục tiêu (PK) tuyệt vời trong quá trình thử nghiệm và diễn tập bắn đạn thật. Tuy nhiên, chúng lại không chứng tỏ được hiệu suất cao như vậy trong thực chiến.
Chẳng hạn như khi phát triển tên lửa AIM-7 Sparrow vào thập niên 1960-1970. Raytheon tuyên bố nó có tỷ lệ diệt mục tiêu ở mức 80-90%. Thế nhưng khi đưa vào thử nghiệm vận hành, tỷ lệ đó giảm xuống còn 50-60%, mức thấp đến thảm họa trong thực chiến.
Khi được đưa vào thực chiến trong thập niên 1960, phiên bản đầu tiên của AIM-9 chỉ có tỷ lệ PK ở mức 16%, tương đương 29/187 quả trúng mục tiêu, kém hơn dòng AIM-7. Sang thập niên 1970, mẫu AIM-7 chỉ có PK đạt mốc 11%, trong khi AIM-9 là 19%. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, biến thể AIM-7 mới hơn có tỷ lệ PK 51%, so với 67% của AIM-9.
Chỉ số PK của các loại tên lửa hiện đại như AIM-120 và AIM-9X vẫn được giữ bí mật, dù chúng đã phô diễn khả năng tuyệt vời trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật.  Kể từ lần đầu tham chiến trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, mẫu AIM-120 AMRAAM đã diệt 6 mục tiêu trong 13 lần khai hỏa ngoài tầm nhìn thị giác, đạt tỷ lệ PK 46%. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa bắn hạ chiếc Su-22 Syria lại diễn ra ở tầm gần.
Cú bắn trượt Su-22 được xem là thất bại gây sốc với công nghệ tối tân trên tên lửa AIM-9X. Mồi bẫy nhiệt lạc hậu từ thời Liên Xô vẫn gây không ít khó khăn cho Mỹ trong những năm gần đây. Trên thực tế, trong thập niên 1980, tên lửa AIM-9P, tiền thân của AIM-9X, thường nhắm vào mồi bẫy nhiệt thay vì mục tiêu thật. 
"Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đưa cho chúng tôi một quả pháo sáng lấy từ cường kích Su-25 bị bắn hạ ở Afghanistan, chúng tôi rút dây cháy chậm để bảo quản. 4 giờ sau, nó hoạt động tốt trên một chiếc MiG-21. Trong lần thử năm 1987, tên lửa AIM-9P đối phó hiệu quả với mồi bẫy của Mỹ, nhưng hoàn toàn bất lực trước mồi bẫy nhiệt của Liên Xô", John Manclark, chỉ huy Phi đội Đánh giá và Thử nghiệm tinh nhuệ số 4477 của không quân Mỹ giai đoạn 1985-1987, tiết lộ.
Vụ bắn trượt Su-22 của tên lửa AIM-9X có lẽ cũng tương tự như vậy. Sự việc này một lần nữa cho thấy trong chiến tranh hiện đại, không phải lúc nào vũ khí cũng phát huy được uy lực như quảng cáo, chuyên gia Majumdar nhận định.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?