Tin Việt Nam – 27/06/2017


Tin Việt Nam – 27/06/2017

Thanh tra tài sản em trai Bí thư Yên Bái

Thanh tra Chính phủ đến Yên Bái công bố quyết định thanh tra tài sản, đất đai của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này.
“Việc thanh tra khối tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường Yên Bái là thẩm quyền của Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên ở đây ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nên Chủ tịch tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ vào cuộc giúp để đảm bảo công tâm,” Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Phạm Trọng Đạt được VnExpress dẫn lời.
Trước câu hỏi về “khối tài sản” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý bao gồm biệt thự, nhà sàn, hồ nước, sân thể thao…, ông Đạt nói chúng ta mới chỉ nắm bắt được hiện tượng, chưa biết bản chất sự việc như thế nào thì chưa thể đưa ra đánh giá.
“Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêm, ông Đạt nói thêm.
Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêmPhạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng
Truyền thông trong nước gần đây đưa tin trong năm 2015, tỉnh Yên Bái có nhiều quyết định cho phép chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.
Cục trưởng Chống tham nhũng cho biết cuộc thanh tra này sẽ diễn ra trong 15 ngày, có thể kéo dài hơn, nhưng dự kiến trong tháng Bảy Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận.
Trước đó, Chánh thanh tra tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý), sử dụng đất đai tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, theo Tuổi Trẻ hôm 27/6.
“Tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra này sau khi báo chí phản ánh 13.000m2 đất rừng được chuyển đổi sang thành đất ở của gia đình ông Quý chỉ trong một ngày,” báo này viết.
Trong một diễn biến khác, nhà báo Lê Duy Phong của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bị khởi tố hình sự về tội ‘lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.
Ông Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam, bị truy tố theo Điều 280 Bộ luật Hình sự và bị tạm giam bốn tháng.
Ông Phong được cho là “người trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.”
Hôm 22/6, tại nhà hàng Oanh Hiện, TP Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Yên Bái “bắt quả tang ông Lê Duy Phong đang có hành vi nhận tiền của một doanh nghiệp trên địa bàn”, theo truyền thông Việt Nam.
“Theo Công an tỉnh Yên Bái, ngoài vụ lấy 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, ông Lê Duy Phong còn lấy tiền của nhiều cá nhân khác,” báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 26/6 tường thuật.
“Theo lời khai ban đầu, ông Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn.”
“Về một số thông tin cho rằng Công an thành phố Yên Bái “gài bẫy” để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, Cơ quan điều tra làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng,” báo này tường thuật.

‘Viện kiểm sát phải hủy việc tạm giam nhà báo Lê Duy Phong’

Luật sư Trần Vũ Hải nói nhà chức trách không có cơ sở pháp lý đúng để bắt nhà báo Lê Duy Phong, trong khi nhiều người bất bình cho rằng công an thành phố Yên Bái đã “gài bẫy thô bỉ” để bắt ông Phong với tội danh “chiếm đoạt tài sản”.
Ông Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị công an thành phố Yên Bái bắt trưa ngày 22/6 khi “đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một nhà hàng”. Sau đó 4 ngày, công an ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhà báo này 4 tháng.
Không lâu sau khi ông Phong bị bắt, bà Nguyễn Quỳnh Nga, vợ ông, đưa lên mạng xã hội bản tường trình của một nữ nhân chứng có mặt trong suốt quá trình ông Phong đi đến và bị bắt ở Yên Bái.
Trong văn bản 5 trang được nhiều người lan truyền trên mạng, nhân chứng đề nghị chưa nêu tên cho hay vào cuối bữa trưa hôm 22/6, một người đàn ông tên là Hoàng Trung Thực đã cố dúi tiền vào túi ông Phong khi ông “gần say rượu”, chỉ ít phút trước khi công an “ập vào bắt”.
Bản tường trình nói ông Phong đã từ chối nhận tiền và không có chuyện nhà báo này đe dọa viết bài để vòi vĩnh tiền của ông Thực, người tự giới thiệu là một doanh nhân.
…việc bắt giữ anh Phong là sai với các quy định luật pháp Việt Nam, không phải là phạm pháp quả tang, không có lệnh bắt khác hoặc lệnh truy nã. Từ đó, những hành vi sau này về tố tụng, theo chúng tôi là cũng không thể chấp nhận được … Viện kiểm sát phải hủy bỏ việc tạm giữ anh Duy Phong
luật sư Trần Vũ Hải
Căn cứ vào bản tường trình của nhân chứng, đối chiếu với quy định trong Bộ luật Hình sự về bắt tạm giam đối với các trường hợp khẩn cấp, hoặc người phạm tội quả tang hay đang bị truy nã, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nhận định với VOA:
“Chúng tôi đặt vấn đề là việc bắt giữ anh Phong là sai với các quy định luật pháp Việt Nam, không phải là phạm pháp quả tang, không có lệnh bắt khác hoặc lệnh truy nã. Từ đó, những hành vi sau này về tố tụng, theo chúng tôi là cũng không thể chấp nhận được. Tức là vi phạm các thủ tục ban đầu. Theo tôi, Viện kiểm sát phải hủy bỏ việc tạm giữ anh Duy Phong”.
Thông tin từ phía công an cung cấp với báo chí trong nước cho hay ông Phong khai rằng ông đã nhận 250 triệu đồng từ một số doanh nghiệp.
Về vấn đề này, luật sư Hải nói cần phải xem xét những người đưa tiền cho ông Phong có tự nguyện không. Trong trường hợp không tự nguyện, nếu coi nhà báo giữ chức Trưởng ban Bạn đọc là người có chức vụ, việc nhận tiền của ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, để khẳng định về tội này, phải có đơn tố giác từ người đưa tiền. Nhưng thông tin từ công an không thể hiện đã có người nào nộp đơn tố giác ông Phong.
Theo luật sư Hải, điều này đặt ra hai khả năng. Thứ nhất, nếu sắp tới có người tố cáo ông Phong, một mặt ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ khi cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ, nhưng mặt khác, người tố cáo không được xem là người bị chiếm đoạt tài sản nữa mà thậm chí cũng phải bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Điều này sẽ là một sự đánh đổi không dễ dàng đối với những doanh nhân và người có địa vị ở Yên Bái, nếu họ quả thật đã đưa hối lộ cho nhà báo. Luật sư Hải phân tích:
“Trong trường hợp đấy, người đưa đó là người đưa hối lộ. Theo luật Việt Nam, người đưa hối lộ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp họ tố giác trước khi được phát hiện. Bây giờ công an được coi là phát hiện rồi. Nếu công an nói đúng, thì những người đấy không được miễn trách nhiệm hình sự. Giả thiết rằng đến giờ họ mới khai ra vấn đề đấy, thì họ không được miễn trách nhiệm hình sự, thì họ có khai không?”
Nếu họ [người đưa tiền] không khai, thì lời khai một phía của anh Duy Phong lại không được chấp nhận. Theo luật, lời khai một phía mà không có bằng chứng thì không được coi là chứng cứ để chống lại anh ta. Trong trường hợp đấy là lời khai không xác định được thì cơ quan [pháp luật] cũng không có căn cứ để truy tố anh ta về tội có khả năng bị coi là tội nhận hối lộ
luật sư Trần Vũ Hải
Khả năng thứ hai là không có người tố cáo. Trong trường hợp này, ông Hải nói nhà chức trách không thể truy tố ông Phong:
“Nếu họ [người đưa tiền] không khai, thì lời khai một phía của anh Duy Phong lại không được chấp nhận. Theo luật, lời khai một phía mà không có bằng chứng thì không được coi là chứng cứ để chống lại anh ta. Trong trường hợp đấy là lời khai không xác định được thì cơ quan [pháp luật] cũng không có căn cứ để truy tố anh ta về tội có khả năng bị coi là tội nhận hối lộ”.
Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt chỉ ít ngày sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài của ông phản ánh những tiêu cực đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó có nói đến các tư dinh hoành tráng của hai giám đốc Sở Công an và Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh.
Loạt bài của ông đã gây rúng động dư luận, tạo ra sức ép dẫn đến một cuộc thanh tra về đất đai, tài sản của các quan chức tỉnh.
Nhiều người viết trên mạng xã hội rằng họ tin có nhiều khả năng ông Phong bị nhà chức trách “gài bẫy”.
Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân rằng “nếu chấp nhận nghiệp vụ này, nay mai bất cứ nhà báo, quan chức hay thường dân nào cũng có thể bị bắt ‘tào lao’, xã hội vô pháp lên ngôi”.

‘Xử cả cán bộ vô trách nhiệm và phần tử quá khích’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tỏ ý tán thành khởi tố vụ bắt giữ người ở xã Đồng Tâm, nhưng nói phải xử lý cán bộ làm sai trước tiên.
Gặp cử tri ở Hải Phòng hôm 26/6, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận một câu hỏi về việc công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm.
Thủ tướng Việt Nam trả lời: “Đồng Tâm, tôi đã chủ trì kết luận về những sai trái của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, rồi những phần tử quá khích.”
“Chế độ chúng ta mà bắt giữ mất chục người, sao có chuyện như vậy.”
“Tội giữ người trái phép đó phải được điều tra xử lý nghiêm túc, cũng như tội phá hoại tài sản.”
“Tôi đã nói phương châm, trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại cái xã đó.”
Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4.
Các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án “nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự”.
Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.

Cuộc truy lùng người tung tin ‘Hun Sen chết khi đi VN’

Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Hai đã yêu cầu giới chức phải tìm bắt một người dùng Facebook liên quan tới vụ đăng tin ông thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay khi đi Việt Nam, báo chí Campuchia viết.
Phát biểu tại một lễ tốt nghiệp ở Viện Giáo dục Quốc gia tại Phnom Penh, ông nói việc người dùng Facebook tung tin trên là sỉ nhục ông, và đáng phải chịu hành động pháp l‎ý, trang tin Cambodia Daily tường thuật.
“Hành vi sỉ nhục đó dẫn tới các vụ kiện pháp l‎ý. Những vụ đánh đập trong các quán mỳ có thể bắt nguồn từ những ngôn ngữ như thế này, và chiến tranh cũng có thể phát sinh từ loại ngôn ngữ này,” ông Hun Sen được Cambodia Daily dẫn lời. “Nếu như thủ tướng chết thì đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn.”
Ông thủ tướng cũng thẳng thừng lên án phe đối lập Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) và các tổ chức phi chính phủ liên quan tới những chỉ trích về mức độ tự do, công bằng trong kỳ bầu cử địa phương, theo trang tin Khmer Times.
Hôm Chủ Nhật, phát ngôn viên của CNPR Yim Sovann nói rằng bầu không khí chính trị vẫn chưa tự do, công bằng.
Phòng giám sát bầu cử, với sự tham gia của 40 tổ chức phi chính phủ, cũng nói rằng vẫn còn các hạn chế về tự do chính trị và sự công bằng, nhưng công tác quản l‎y bầu cử nhìn chung đã được cải thiện.
‘Đăng tin trên mạng xã hội’
Một ảnh chụp màn hình nội dung được đăng lên hôm Chủ Nhật tại trang Facebook của người dùng có tên ‘Crazy Program But Happy’ có nội dung rằng ông Hun Sen đã chết vào lúc 11:30 sáng hôm thứ Bảy trước đó, 24/6. “Nay ông đã chết. Rất tiếc,” Cambodia Daily trich thuật.
Ngoài ra, nội dung tin đăng còn kèm theo video một chiếc phi cơ gặp nạn cùng các ảnh chụp một tang lễ, Khmer Times nói.
Ông Hun Sen nói người dùng này “phải bị tìm ra” và cần bị truy tố.
“Này cháu, hãy chạy càng xa càng tốt nếu không muốn họ bắt cháu,” ông nói thêm. “Cháu cho rằng đây là tự do ngôn luận ư?”
Hồi đầu tháng, Tòa án Phnom Penh đã buộc tội một viên chức Bộ Nội vụ, người bị cho là đã đăng tải lời dọa giết ông thủ tướng và gia đình trên Facebook.
Một ảnh chụp màn hình được lan truyền trên mạng cho thấy cảnh có vẻ như là lời bình luận của ông Leang La trong một video do ông Hun Sen phát trực tiếp. “Hun Sen sẽ chết, lời cảnh báo cho cả nhà Hun là hãy bỏ chạy trước năm 2018,” nội dung bình luận này viết.
Ông La, 45 tuổi, đối diện hai năm tù nếu bị kết tội là đã đăng lời đe dọa.

Việt Nam ‘sẽ truy nã quốc tế’ cựu lãnh đạo PVTEX

Bộ Công an Việt Nam hôm 26/06/2017 ra quyết định truy nã ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Bản tin đăng trên trang web bộ này nói “Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án ngày 16/6/2017.
“… Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 238/C46-P12 và ngày 26/6/2017 ra Quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc số 15/C46-P12 đối với Vũ Đình Duy về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời BBC tiếng Việt hôm 27/06, điều tra viên Đinh Quốc Thiện, thuộc C46, Bộ Công an, mô tả điều ông gọi là lệnh truy nã này là “có tính thủ tục” bởi đối tượng bị truy nã đã ra nước ngoài từ tháng 10 năm 2016.
“Chúng tôi vẫn phải ra lệnh truy nã trong nước theo thủ tục và sau đó mới làm việc với các cơ quan chức năng để phối hợp truy nã quốc tế”.
“Đối tượng bị truy nã đã xuất cảnh sang Thái Lan từ tháng 10/2016 còn sau đó đi đâu thì không biết,” ông Thiện nói thêm.
Ông Vũ Đình Duy là một trong 5 người bị khởi tố trong vụ án hình sự của dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ của PVTEX.
Dự án này có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng trong đó chủ đầu tư chỉ có 30% vốn còn lại “toàn bộ đều đi vay”.
Hai năm kể từ khi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy gặp khó khăn về kinh doanh và thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng và dừng hoạt động hẳn vào cuối năm 2015.
‘Không còn thuộc biên chế’
PVTEX, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), mới đây ra thông cáo báo chí nói về lệnh khởi tố “dàn lãnh đạo cũ” của họ. Thông cáo viết:
Các bị can vụ án
1. Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX.
2. Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX.
3. Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX.
4. Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX.
5. Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC.KBC.
“…Liên quan đến sai phạm của một số cá nhân thuộc Công ty PVTEX trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Công ty PVTEX và cấp có thẩm quyền đã tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý. Hiện nay các cá nhân này không còn thuộc biên chế của Công ty.
“Công ty PVTEX cũng đã tham mưu cấp có thẩm quyền các phương án tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Công ty PVTEX sẽ nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”.
Vào tuần trước trang tin Bộ Công an nói Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước”.
‘Vấp nhưng chưa ngã’
Truyền thông Việt Nam đưa tin ông Duy được điều động về Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) hồi giữa tháng 4/2016, chỉ một ngày trước khi tân bộ trưởng Trần Tuấn Anh về Bộ Công Thương thay ông Vũ Huy Hoàng.
Vinachem cho biết ông Duy đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10 sau khi nhận được các đơn xin nghỉ phép để đi khám bệnh tại nước ngoài, nghỉ phép năm, và nghỉ việc không hưởng lương.
Trước đó, ông Vũ Đình Duy từng giữ nhiều chức vụ như Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn.
Trong giai đoạn 2009-2014, ông Duy về PVTEX và trùng với thời gian PVTEX đầu tư xây dựng phát triển dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ.
Vào tuần trước truyền thông trong nước đưa tin Bộ Công Thương và các bộ ngành đã ban hành 120 văn bản để “xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ”.
Hồi tháng 1/2017 năm nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói năm 2016 ngành Công Thương “đã bị vấp nhưng chưa ngã” và “có sự vươn lên mạnh mẽ”.
Vào tháng 10 2016, Thanh tra Chính phủ loan báo kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ do PVTEX làm chủ đầu tư.

Trung tá quân đội VN ‘nhận 8,2 tỷ để chạy việc’

Một trung tá quân đội tại Việt Nam bị khai trừ khỏi Đảng, hạ cấp bậc vì cáo buộc nhận hơn 8,2 tỷ đồng để “chạy việc, chạy dự án”.
Ông Đặng Quang Trung nguyên là Bí thư chi bộ, chủ nhiệm hậu cần, kỹ thuật, Ban chỉ huy quân sự huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Đại diện Huyện ủy Can Lộc nói đã kỷ luật khai trừ khỏi Đảng với ông Trung.
Ông Trung vẫn đang tiếp tục công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Can Lộc, tuy đã bị hạ cấp bậc từ trung tá xuống thiếu tá.
Báo Hà Tĩnh tường thuật ông Trung nhận tiền của 24 người, hứa giúp xin việc làm, xin dự án nhưng “không thực hiện được lời hứa”.
Tại Việt Nam vẫn thường xảy ra các vụ nhận tiền để “chạy dự án”.
Hồi tháng Năm, một nghi phạm, Nguyễn Thiên Hưởng, bị bắt giữ về tội giả danh Trung tướng Bộ Quốc phòng để giúp doanh nghiệp “chạy dự án”, lừa hàng tỷ đồng.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy lại bị bắt

Hai cha con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Nhà nước quản lý, Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm lại bị bắt giữ. Trước đó hai cha con ông này cùng 3 người thân trong gia đình bị công an huyện An Phú, tỉnh Anh Giang câu lưu hôm thứ Hai, ngày 26 tháng 6.
Vụ việc xảy ra lúc 11 giờ trưa, khi ông Bùi Văn Trung cùng với 2 người con và 2 người cháu trên đường ăn giỗ trở về nhà.
Cô con gái của ông Trung, tên Bùi Thị Thắm, bị hai người mặc thường phục bóp cổ đến xỉu và đưa lên xe. Vào khoảng 3:45 phút chiều cùng ngày, cô Thắm được xe cứu thương của bệnh viện chở về nhà.
Hai cha con ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm, đều là cựu tù nhân lương tâm, được nhìn thấy bị còng tay và đưa lên xe bít bùng, chở đi khỏi đồn công an huyện An Phú vào lúc 6 giờ chiều.
Vào chiều ngày 27 tháng 6, cô Bùi Thị Diễm Thúy, con gái ông Bùi Văn Trung, cho Đài Á Châu Tự do biết:
Ngày hôm qua cha (Bùi Văn Trung) đang trên đường đi đám giỗ cách nhà khoảng 7 cây số, đi về thì có một số công an bận đồ thường phục có, sắc phục có và một xe giao thông.  Ngừng xe lại cha đang chạy, em (Bùi Văn Thâm)  thì chở cha và một người em gái (Bùi Thị Thắm) họ nhào tới họ thúc ké, giật và hốt luôn chứ không nói gì hết.  Sáng nay công an lại đưa giấy thông báo cho hay tạm giam cha ở huyện An phú, còn em Bùi văn Thâm thì ở châu đốc. Tội danh em Bùi văn Thâm là chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng, còn cha gây rối trật tự công cộng khoản 2.”
Xin được nhắc lại, anh Bùi Văn Thâm bị bắt hồi tháng 7 năm 2012 và bị kết án 30 tháng tù với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Ông Bùi Văn Trung bị bắt tháng 10  năm 2012 và bị kết án 4 năm tù cũng với cáo buộc chống người thi hành công vụ.
Việc hai người bị bắt được nói có liên quan đến hoạt động thành lập đạo tràng, khuyến khích các đạo hữu khác tu học theo giáo lý mà Đức Huỳnh Giáo Chủ truyền dạy.
Những người theo Phật giáo Hòa Hảo không theo phái được Nhà nước lập nên nói những người của chính quyền không tuân thủ giáo lý chân truyền và các thực hành đạo pháp chính thống.

Người Việt Nam thích Mỹ

nhưng không thích chính sách của Tổng thống Trump

Có đến 84% người Việt được hỏi trong một cuộc điều tra được công bố hôm 26 tháng 6 của viện nghiên cứu Pew, Mỹ, cho biết họ  thích nước Mỹ, cao hơn 6% so với cuối thời kỳ của Tổng thống Obama được điều tra năm 2014.
Báo cáo của Pew cho thấy công chúng ở khu vực châu  Á Thái Bình Dương nói chung có cái nhìn tích cực hơn với nước Mỹ. Cụ thể cứ 10 người Việt Nam thì có 7 người nói ảnh hưởng của người Mỹ là tốt. Có đến 63% người Nhật và người Philippines cũng cho rằng như vậy.
Liên quan đến nền dân chủ kiểu Mỹ, có đến 69% người Việt được hỏi nói họ thích các ý tưởng dân chủ kiểu Mỹ. Con số này cũng khá cao ở những nước châu Á khác như Nam Hàn, Nhật  Bản và Philippines nhưng lại thấp ở Indonesia nơi chỉ có 35% số người được hỏi nói họ thích nền dân chủ kiểu Mỹ.
Phần đông người dân châu Á nhìn nhận nước Mỹ như là một người bảo vệ các quyền tự do dân sự. Ở Việt Nam, con số này là 87%. Tại các nước Nam Hàn, Philippines và Nhật Bản, số người nhìn nhận như vậy cũng trên 60%.
Tuy nhiên niềm tin của người dân Việt Nam vào Tổng Thống Donald Trump không tương đồng với ý kiến của họ về nước Mỹ. 58% người Việt được hỏi nói rằng họ tin tưởng vào Tổng thống Trump.
Những chính sách mà  Tổng thống Donald Trump thực hiện kể từ khi lên nắm quyền không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân trên thế giới. Đó là các chính sách về khí hậu, biên giới với Mexico và thương mại.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương bao gồm 12 nước, trong đó có Việt Nam. Trong nghiên cứu mới của Pew, phần đông người dân ở những nước tham gia TPP không ủng hộ quyết định này của Tổng thống Donald Trump. Khoảng gần 80% người Việt được hỏi không đồng ý với quyết định này.
Nghiên cứu của Pew được tiến hành ở 37 nước trên khắp các châu lục từ ngày 16 tháng 2 đến 8 tháng 5 năm nay. Số người được hỏi là 40,447 người.

Công ty quân đội khai thác đá tại vịnh Hạ Long

Một công ty của quân đội Việt Nam bị dân chúng địa phương tố cáo hủy hoại cảnh quan và môi trường vịnh Hạ Long qua hoạt động khai thác đá.
Báo chí trong nước loan tin trong những ngày qua, Lữ đoàn 170, Bộ Tư Lệnh Vùng I Hải quân, liên tục triển khai các hoạt động khai thác đá tại một số núi ở vùng đệm vịnh Hạ Long, xâm phạm đến di sản thiên nhiên này.
Trước đó, người dân địa phương đã phàn nàn về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực phường Hà Tu, thành phố Hạ Long và phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, phá hỏng nhiều núi đá của vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh sau đó đã yêu cầu Sở Tài Nguyên Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng để xác minh thông tin liên quan.
Thông tin mới nhất vào ngày 27 tháng 6 được các báo trong nước loan đi cho biết sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Lữ đoàn 170 đã cho chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác đá tại khu vực Vịnh Hạ Long. Báo Dân Trí trích lời Đại tá Đỗ Văn Hùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 170 cho biết việc khai thác đá là vì mục đích quốc phòng.
Chính phủ luôn ủng hộ quân đội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đảng, nhà nước và nhân dân luôn ủng hộ quân đội, tạo điều kiện tốt nhất cho quân đội trong quá trình tổ chức lực lượng, trang bị và thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Quân chính toàn quân được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 27 tháng 6.
Liên quan đến nhiệm vụ thời gian tới của quân đội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra các nội dung cụ thể bao gồm: thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc, làm tốt công tác xây dựng thể chế, đảm báo tiến độ chất lượng việc thực hiện các dự án luật quan trọng do bộ chủ trì, tiếp tục thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về ‘xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020’.
Đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam xác định nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 của quân đội là đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, tức là có thể vừa phục vụ mục đích vũ khí quốc phòng, vừa dùng cho đời sống.

Việt Nam cần làm gì để giảm án oan sai?

Hòa Ái, phóng viên RFA
Tại buổi thảo luận về Báo cáo giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 6 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội cho rằng hậu quả từ những vụ án oan sai rất nặng nề cũng như đề nghị cần có giải pháp nghiêm túc và chiến lược lâu dài.
Vì sao nhiều án oan sai?
Tại buổi thảo luận về Báo cáo giám sát oan sai vào chiều ngày 5/6/2017, một số Đại biểu Quốc hội nêu lên các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều án oan sai tồn tại ở Việt Nam mà không thể giải quyết được.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Lâm Đồng khẳng định Việt Nam có nhiều án oan sai là do ý thức chủ quan của những người thực thi công vụ. Trong đó, công tác khám nghiệm hiện trường rất yếu, thu thập chứng cứ không đầy đủ cũng như đánh giá chứng cứ khác nhau giữa Công an, Tòa án và Kiểm sát…
Đại biểu của Cử tri đoàn Hải Dương, ông Lê Đình Khanh viện dẫn yếu tố dẫn đến oan sai; bao gồm hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và rõ ràng, cơ chế giám sát chưa hợp lý và thiếu chặt chẽ…Đại biểu Lê Đình Khanh nhấn mạnh đội ngũ cán bộ tham gia điều tra, truy tố xét xử thiếu trách nhiệm và vì muốn đạt thành tích nên gây ra những bản án oan sai cho người dân. Trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng được ông Lê Đình Khanh đưa ra làm ví dụ điển hình.
Xin được nhắc lại, phạm nhân Nguyễn Văn Chưởng, ở Hải Dương, bị tuyên án tử hình do bị tố cáo là chủ mưu trong vụ án giết chết một thiếu tá công an ở Hải Phòng hồi trung tuần tháng 7, năm 2007.
Mặc dù có chứng cứ ngoại phạm tại thời điểm xảy ra án mạng, nhưng tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã thụ án gần 10 năm và không biết khi nào bị hành hình.
Em trai tử tù Nguyễn Văn Chưởng, anh Nguyễn Trọng Đoàn bị bắt giữ khi đến Công an thành phố Hải Phòng khiếu nại cho anh mình. Anh Nguyễn Trọng Đoàn kể lại đã bị tra tấn, ép cung để nhận tội “che giấu tội phạm” như thế nào:
Nguyên nhân là do “án bỏ túi” là án đã định sẵn. Những người trong vụ án thông thường đi kháng cáo. Nhưng cấp trên bao che cấp dưới. 
- Luật sư Võ An Đôn 
“Họ đánh rất nhiều. Xong rồi, còn chỉ em nói rằng là ‘vết máu dính trên cửa là máu của anh mày. Thằng anh mày nó to như thế mà còn không chịu được, liệu mày có chịu được không?’ Em không ngờ được rằng một cơ quan pháp luật của Nhà nước Việt Nam lại đánh người dã man còn hơn xã hội đen ở ngoài xã hội, dùng đủ mọi thủ đoạn để đánh người, đủ các vật dụng có thể làm sao có thể tra tấn được người thì họ đều lấy ra. Đến lúc ra tòa thì em cũng nói toàn bộ sự thật nhưng tòa chỉ căn cứ vào chứng cứ điều tra của Cơ quan Công an và tất cả những nhân chứng biết vụ việc thì tòa không hề công nhận”.
Cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con trai suốt 10 năm qua từ địa phương đến Trung ương nhưng kết quả vẫn là vô vọng. Phụ thân, ông Nguyễn Trường Chinh chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về những gì luật sư nói với ông trong quá trình gia đình làm đơn kháng cáo:
“Chúng tôi thuê luật sư mà nhà chúng tôi rất nghèo, bán hết đất, hết vườn, cầm hết nhà để thuê luật sư. Nhưng luật sư bảo rằng ‘Việt Nam không có luật. Nếu thực hiện đúng luật thì chúng tôi có thể cãi cho ông. Luật như các nước khác thì chúng tôi cãi được, còn Việt Nam không có luật nào cả, luật của chúng nó nên chúng tôi chịu thua’.”
Trường hợp án oan sai của tử tù Hồ Duy Hải, ở Long An cũng được Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, thuộc đoàn Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh, nêu lên làm bằng chứng cho việc cán bộ ngành Tư pháp bất chấp các quyền hợp pháp của nghi phạm cũng như có thói quen suy đoán tội dựa vào lời cung khai chứ không theo chứng cứ, lạm dụng nhục hình và thậm chí bao che khi xảy ra vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đôn đáo kêu cứu cho con trai từ cuối tháng 4, năm 2009 cho đến giờ, chia sẻ trong nước mắt:
“Năm nào cũng chạy tiền ra vô (Bắc-Nam) mà không ai để ý tới hết. Cứ kêu la, hết hơi nằm đó rồi công an đuổi về. Không có ai giải quyết giùm hết.”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nói rõ trong số hơn 20 ngàn vụ án thì có hơn 70 vụ án oan sai. Ông Tuyền còn quả quyết tiếng nói của luật sư trong các vụ án oan sai chẳng bao giờ được lắng nghe.
Lên tiếng với RFA xoay quanh ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về báo cáo giám sát oan sai, Luật sư Võ An Đôn, một luật sư thường nhận bào chữa cho các trường hợp bị oan khiên, khuất tất xác nhận phản ảnh của các vị Đại biểu Quốc hội đúng với thực trạng tố tụng và xét xử tại Việt Nam. Luật sư Đôn cho biết không chỉ những án oan sai về hình sự, như hai trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, mà còn có án oan sai về dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…Luật sư Võ An Đôn nêu ra nguyên nhân chính dẫn đến án oan sai là do các cơ quan xét xử, tiến hành tố tụng không độc lập.
Nguyên nhân là do “án bỏ túi” là án đã định sẵn. Những người trong vụ án thông thường đi kháng cáo. Nhưng cấp trên bao che cấp dưới. Khi sửa bản án, ngoại trừ đưa ra được bằng chứng rõ ràng, còn không thì rất khó. Cho nên luật sư như chúng tôi nhiều khi nản lắm. Không có xét xử công minh theo luật pháp mà người ta đã chỉ định sẵn thôi.”
Giải pháp giảm án oan sai
Các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng hậu quả của các bản án oan sai là hết sức nặng nề, mà sâu xa là làm giảm niềm tin của dân chúng đối với cơ quan bảo vệ luật pháp. Các Đại biểu Quốc hội lần lượt đề nghị những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để tránh tình trạng án oan sai xảy ra. Theo kiến nghị của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội cần sửa đổi ban hành Luật tạm giam, giam giữ theo tinh thần Hiến pháp 2013, sửa Bộ Luật tố tụng Hình sự, thiết kế hệ thống kiểm tra chéo để nghiêm trị khi vi phạm.
Tuy nhiên, một số luật sư trong nước mà chúng tôi tiếp xúc cho biết những giải pháp vừa nêu cũng không mang lại hiệu quả gì cho quá trình xét xử và tố tụng tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hà Luân, trong một lần thảo luận với RFA về án oan sai, ông nói rằng các phiên tòa xét xử từ sơ thẩm cho đến phúc thẩm đều chỉ dựa vào hồ sơ vụ án:
“Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dạn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó cũng vẫn chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.”
Gia đình và tất cả người thân cũng mong có tam quyền phân lập để người dân có được công lý và công bằng, mà không bị oan sai
- Mẹ tử tù Hồ Duy Hải 
Qua thực tiễn xét xử và tố tụng tại Việt Nam, giới luật sư trong nước lập luận cho dù những luật định hiện hành được sửa đổi theo như kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội mà tệ trạng mang tính chủ quan của cán bộ ba ngành Công an, Tòa án và Kiểm sát cũng như việc bức cung, dùng nhục hình để ngụy tạo hồ sơ vụ án vẫn tồn tại thì án oan tại Việt Nam không bao giờ được cải thiện. Các luật sư cho rằng chỉ một cách duy nhất là Việt Nam có tam quyền phân lập thì tình trạng án oan sai mới được giải quyết và giảm thiểu tối đa. Luật sư Võ An Đôn nêu lên ý kiến của ông:
“Theo tôi dù có chỉnh sửa đến đâu thì cũng như thế, không có gì mới. Trừ trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng độc lập và có tam quyền phân lập thì khi xét xử mới được công minh và có công lý theo đúng luật pháp. Cho nên có sửa đổi thế nào cũng như vậy. Tôi nghĩ không bao giờ thay đổi được.”
Những gia đình có thân nhân đang gánh chịu các bản án oan sai cũng có cùng mong muốn Chính phủ Việt Nam cần tách bạch “tam quyền phân lập”, như nguyện vọng của mẹ tử tù Hồ Duy Hải rằng “Gia đình và tất cả người thân cũng mong có tam quyền phân lập để người dân có được công lý và công bằng, mà không bị oan sai.”

Giới trẻ lo ngại về giá trị tấm bằng đại học

Lan Hương, RFA
Hiện tượng giới trẻ hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học đã xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây. Điển hình gần đây nhất là vụ việc một hot girl 20 tuổi ở Biên Hòa đã so sánh giá trị của tấm bằng đại học với cuộn giấy vệ sinh. Bài viết của cô được đăng tải trên trang cá nhân và đã “gây bão” mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Vì sao một bộ phận người trẻ không còn tin vào giá trị “đổi đời” của bằng cấp và những thay đổi gì cần được hệ thống giáo dục và các sinh viên thực hiện để tấm bằng đại học phát huy đúng giá trị của nó.
Tấm bằng đại học thời nay
Trên trang cá nhân của mình, cô gái trẻ tuyên bố:
“Tấm bằng Đại học đẹp đấy, oai đấy, nhưng một ngày không có nó không ai đi tìm nó cả…. Còn một cuốn giấy vệ sinh thì không thể thiếu”.
Nếu ai đó hỏi tôi: Tấm bằng Đại học có thật sự quan trọng không? Tôi sẽ nói “Không”! Tôi đã tự đi một con đường dài, bằng đôi chân của một cô gái không bằng cấp 2, chưa giàu bằng ai, chỉ nỗ lực bằng ước mơ và niềm tin vào chính mình.”
Những chia sẻ của cô gái này nhanh chóng nhận được các luồng ý kiến trái ngược nhau. Bạn trẻ Giang Bùi nói trên Facebook:
“Em không biết chị thành công thế nào, cũng không tranh cãi giàu nghèo nhưng em chỉ muốn nói là học đại học không phải con đường duy nhất, nhưng là con đường nhanh nhất và có thể chính là bằng phẳng nhất.
‘Tâm lý của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân, họ nhìn thấy rằng việc có tấm bằng đại học có thể thay đổi cuộc sống cho con cháu tương lai cho nên họ dồn hết sức cho đi học đại học’
- GS. Tiến sĩ Vũ Minh Giang
Bạn K.T.V 23 tuổi lại đồng tình với quan điểm của cô gái này:
Tôi đã đọc rất kỹ bài viết của cô gái này. Dù không quen biết, chưa từng một lần gặp gỡ nhưng tôi đồng tình với những ý kiến của bạn gái này.
Thực tế là tôi đã từng học Đại học ở Việt Nam nhưng sau đó cảm thấy không thật sự phù hợp nên đã quyết định lựa chọn con đường vừa du học vừa làm thêm trải nghiệm.
Còn theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát ngôn của cô gái mặc dù thiếu văn hóa, nhưng cũng phần nào thể hiện đúng thực trạng giáo dục hiện nay của Việt Nam. Theo ông, một trong những lý do dẫn tới giá trị của bằng đại học Việt Nam bị suy giảm là vì số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm quá nhiều:
Tâm lý của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân, họ nhìn thấy rằng việc có tấm bằng đại học có thể thay đổi cuộc sống cho con cháu tương lai cho nên họ dồn hết sức cho đi học đại học. Đứng về góc độ giáo dục, hiện tại Việt Nam đang thiếu hụt giáo dục hướng nghiệp, còn thiếu và yếu. Hầu hết các trường phổ thông không có hướng nghiệp nên người ta cứ nghĩ học xong phổ thông là phải thi đại học.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang dẫn một ví dụ về một khảo sát do chính ông thực hiện với hàng ngàn hộ nông dân Việt Nam. Câu hỏi là nếu có điều kiện cho con học đến đâu, thì hơn 70% người được hỏi chọn cấp Tiến sĩ.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS tự giải thể, nhiều người trẻ tỏ ra nghi ngại về giá trị bằng đại học của Việt Nam là vì chất lượng giáo dục đại học không cao, và nó đào tạo ra một số lượng đông người thất nghiệp:
Không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, tình trạng thương mại hóa giáo dục đã xảy ra. Mọi thứ bằng cấp trở thành thứ đồ hàng hóa để mua bán. Đây là một xu hướng rất đáng tiếc trên thế giới nói chung và ở Việt Nam điều này càng thể hiện rõ hơn trong thời gian vừa qua.
Một trong những biểu hiện của hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục là tình trạng mua bằng giả tràn lan. Theo Bộ GD&ĐT, tính đến đầu năm 2001, đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp sử dụng văn bằng bất hợp pháp, trong đó có hơn 1.000 công chức bị phát hiện dùng bằng giả. Còn theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng năm 2011, toàn tỉnh có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục.
Một báo cáo khác của Bộ LĐ-TB&XH công bố đầu năm nay cho thấy tính đến quý 4 năm ngoái, cả nước có hơn 218.000 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người có bằng đại học thất nghiệp là do tư tưởng “phải làm quan” trong bộ máy Nhà nước:
Ở Việt Nam người ta có tâm lý từ xa xưa là học ra muốn để làm quan, chạy đổ xô vào khu vực nhà nước. Trong khi bộ máy nhà nước đã phình rất to rồi, và nó cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ lượng công ăn việc làm. Mà tuyệt đại bộ phận việc làm phải ở khu vực tư nhân tạo ra.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang lại cho rằng việc đổ sô vào học các ngành được đồn đoán là “hot” chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm bằng trong tay mà việc không có:
Thực tế là việc làm không có nhiều đến vậy cho những người tốt nghiệp đại học. Chương trình đào tạo cũng có nhiều điều cần cải tiến, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đấy là còn chưa kể đến việc tư vấn yếu, do đó vào đại học sinh viên cứ sô vào những ngành nghe đồn là dễ kiếm việc, lương cao thì tự nhiên khối đó rất đông ví dụ như quản trị kinh doanh, luật,…
Mới đầu tháng 6 vừa qua, công luận xôn xao vụ một cử nhân đại học đã treo cổ tự sát. Theo lời kể của một người bạn thân, anh này tốt nghiệp đại học đã nhiều năm nhưng không kiếm được việc làm đúng chuyên ngành và thời gian trước đó liên tục than phiền với bạn bè về công việc.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương bình – Xã hội năm 2011, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề đang chiếm khoảng 60%.
‘Ở Việt Nam người ta có tâm lý từ xa xưa là học ra muốn để làm quan, chạy đổ xô vào khu vực nhà nước.’
- TS. Nguyễn Quang A
Tập bơi trong nước lớn
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang cho rằng để giảm tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp cần điều chỉnh chất lượng nền giáo dục và thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT:
Trước hết phải có cách nào đó để nâng cao chất lượng giáo dục, không phải cứ cao lên là thành chất lượng cao mà phải phù hợp với xu thế chung của thế giới, với hoàn cảnh của Việt Nam và trình độ kinh tế của một đất nước. Thứ hai, phải sớm đưa vào trường phổ thông lực lượng chuyên gia hướng nghiệp. Họ sẽ theo dõi từng học sinh và có những lời khuyên cho học sinh nên đi hướng nào là tốt.
Bổ sung quan điểm của Giáo sư Vũ Minh Giang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mặc dù nền giáo dục Việt Nam hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng học sinh cũng không nên vì vậy mà chán nản buông xuôi việc học, mà thay vào đó hãy tự chủ và năng động hơn trong học tập để tương lai sau khi ra trường thuận lợi hơn:
Thái độ tích cực nhất của sinh viên trong hoàn cảnh này là tự chủ, tìm mọi cách để học, không chỉ học ở trường, mà còn học qua công việc, qua mối quan hệ và phải học suốt đời. Như vậy để thấy rằng dù học đại học hay cao đẳng cũng chỉ là một bước để cho mình một nền tảng nhất định.
Ông nói thêm rằng đội ngũ sinh viên là những người nếu được giáo dục đúng đắn sẽ trở thành một lực lượng có tiếng nói rất ảnh hưởng, và thậm chí có thể thay đổi được cả thể chế giáo dục hiện nay.
Ngoài chuyện ôm tấm bằng đại học “chạy ngược chạy xuôi” tìm việc, sinh viên mới ra trường còn phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền khi đồng lương ít ỏi so với chi phí đắt đỏ ở đô thị.  Theo khảo sát của trang dịch vụ việc làm trực tuyến JobStreet công bố hồi tháng 7/2015 thì mức lương của đa số sinh viên mới ra trường ở Việt Nam phần lớn dao động ở mức 2 – 5 triệu đồng/tháng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?