Cảm nhận về Đất Nước ngày nay
Bauxite VN
Có lẽ bất cứ ai trải qua năm tháng cắp sách tới trường đều được học về Trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong đó chương V có bài thơ Đất Nước của ông trong chương trình học phổ thông Trung học. Đất Nước là gì trong trái tim của mỗi người con dân đất Việt, càng lớn lên, càng trưởng thành thì cảm nhận về Đất Nước thêm rõ ràng và thấm đậm hơn trước những biến cố mà Đất Nước đang trải qua.
Đề thi ngữ văn năm nay đưa ra trích đoạn trong bài Đất Nước, từ đó nói lên cảm nhận và quan điểm của mình. Đất Nước là gì sao mà nghe mông lung trừu tượng đến như vậy? Nhưng nó lại gần gũi, thân thương như chính sinh hoạt cuộc sống của ta. Đó là nơi anh đến trường, là nơi em tắm, là điểm hẹn hò, là nỗi nhớ, là tình yêu đôi lứa.
Nhưng hiện thực đất nước có bình an như vậy không? Giờ đây nơi trường học bạo lực học đường diễn ra triền miên. Suối nguồn, sông cả và biển lớn bị nhiễm độc thành một hệ thống bởi xả thải hủy hoại môi sinh.
Rừng xanh bị tàn phá còn tổ ấm nào cho chim phượng hoàng có chốn dung thân, kỳ hoa dị thảo trở nên héo úa tàn tạ. Biển xanh đại dương bao la liệu còn là môi trường sống an toàn cho cá? Ngư ông “móng nước biển khơi” khi Formosa xả độc tố ngày ngày không ngưng nghỉ?
Đất Nước ta không gian rộng lớn, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, nơi đảo xa lấp ló vọng về, bất cứ đâu cũng có dấu chân của giặc Tàu lẩn khuất. Đằng đẵng Bốn ngàn năm Văn Hiến, tự hỏi lòng mình văn hóa nước Việt đi về đâu bởi như đang tan dần trong văn vật lân bang phương Bắc.
Đất Nước như là một người Mẹ hiền từ nhẫn nại đầy yêu thương, dang rộng vòng tay ôm ấp tất cả con mình. Nhưng tiếc rằng con cái đang bị tản mác khắp năm châu cũng chỉ vì lòng hận thù quá khứ. Lòng đất Mẹ quặn thắt nhớ thương, nhưng những đứa con đang cầm quyền vương quốc không một chút tâm an, vẫn lo sợ những điều hoang tưởng mà quên đi sự hòa hợp đoàn viên. Mà sao rất lạ, mỗi năm trong nhiều ngày, họ vẫn rả rích kêu gọi hòa giải trên đầu môi chót lưỡi.
Cứ như vậy đến bao giờ Đất Nước mới là nơi dân ta đoàn tụ?
Không chỉ thế, mới đây thôi họ còn nhẫn tâm chia cắt đồng bào ta phải đi ra khỏi đất nước, chặn đứng mạch nguồn yêu thương từ lòng đất Mẹ bằng cái lệnh trục xuất công dân. Than ôi! Đâu là nơi Chim về, đâu là chốn Rồng ở?
Tôi cảm thấy Lạc Long Quân, Âu Cơ đang cố chạy quanh, vùng vẫy để tìm cho mình một chốn dung thân, lên non, non mòn, xuống bể, bể cạn, còn nơi đâu êm ái để nâng, để hứng bọc trứng trăm con? Kiếp đời nay sao nó sống bạc đến vậy! Nó đâu còn đếm xỉa đến cuội nguồn, nó bàng quan với những ai đã khuất.
Núi xương, sông máu ông cha để lại qua lịch sử những chiến tích đánh tan giặc thù để Đất Nước không bị Hán tộc đô hộ, thế mà giờ đây Việt Nam còn hay đã mất, hình hài lân bang đang hiện hữu lan tràn trên quê hương từ Hoàng, Trường Sa đến bao người dân vô tội bị chết bởi tay súng giặc Tàu.
Những ai ai bây giờ còn sống có cảm nhận được gì từ Đất Nước yêu thương ? Những bậc làm cha mẹ, từ sáng sớm đến lúc nhắm mắt ngủ có truyền lại cho con mình tâm thức yêu quê hương và bảo vệ từng tấc đất, biển cả và trời xanh.
Muốn giữ được Đất Nước trường tồn mai sau thì hiện tại mỗi người hãy ghé đôi vai của mình gánh vác một phần giang sơn xã tắc. Thiết nghĩ đó là quyền và bổn phận của mỗi người. Cái quyền đó là quyền được chống lại kẻ đang có dã tâm biến Đất Nước này như không còn Đất Nước.
Để rồi… bình yên lại trở về trên quê hương và cùng nhau:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mệnh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”
(Trích trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, đề thi ngữ văn 2017).
22.6.2011
L.S.
Tác giả gửi BVN
Nhận xét
Đăng nhận xét