Tin Biển Đông – 26/06/2017

Tin Biển Đông – 26/06/2017

Bill Hayton nói ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’

Liệu có phải một số dự án dầu khí của Việt Nam được thúc đẩy mạnh gần đây khiến Trung Quốc phật lòng, dẫn tới việc Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam?
Sau khi Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc rời Hà Nội hôm 18/6, hai nước cũng hủy giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới.
Giải thích chính thức của Trung Quốc không đề cập gì đến khả năng có mâu thuẫn giữa hai bên.
Tuy nhiên, Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải đặt tại Hải Nam, nói với South China Morning Post:
“Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải.”
Ông này nói: “Việt Nam gần đây cũng quan hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật.”
Phần nào tán thành đánh giá này, chuyên gia về Biển Đông của BBC, Bill Hayton, nhắc đến hai dự án quan trọng trên Biển Đông.
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á” (2014), hiện ở Anh Quốc, nhận định:
Bill Hayton: Trung Quốc quan ngại về hai dự án khai thác ngoài khơi cụ thể của Việt Nam. Đó là dự án Mỏ Cá Voi Xanh của ExxonMobil trong lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, và dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 136-03 hợp tác với Talisman.
Exxon trước đây đã chống lại sức ép của Trung Quốc. Talisman của Canada cũng bỏ qua yêu cầu ngừng hoạt động của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2015 Repsol của Tây Ban Nha đã mua lại Talisman. Không rõ Repsol sẽ cứng rắn thế nào trước sức ép Trung Quốc.
Theo thông tin chính thức, Repsol có liên doanh với Sinopec ở Biển Bắc và Brazil. Việc này có thể giúp bảo vệ Repsol trước sức ép của nhà nước Trung Quốc.
Talisman-Vietnam (công ty địa phương vẫn giữ tên cũ cả sau vụ mua lại) đã khoan thăm dò ở lô 136-3 cuối năm 2014, và đã tìm cách khoan định giá kể từ thời gian đó. Lô 136-03 ở cạnh các giếng dầu của Talisman ở lô 07-03, cách bờ biển đông nam của Việt Nam khoảng 450 cây số – ở ngay sát rìa vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Trung Quốc thì đã bán quyền khai thác cùng khu này, mà họ gọi là Wan-an Bei 21 – cho một công ty Mỹ Crestone năm 1992. Rồi một công ty đặt ở Hong Kong, Brightoil, lại mua lại quyền này tháng Bảy 2014. Một số giám đốc trong Brightoil là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam đã từng từ chối nhiều đề nghị để tránh làm phật lòng Trung Quốc. Tuy vậy, theo tôi biết, gần đây Việt Nam lại cho phép. Vì thế chính phủ Trung Quốc mới giận như vậy.
Tướng Phạm Trường Long đã thăm Tây Ban Nha trước khi đến Việt Nam. Rất ít thông tin được công bố, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy yêu cầu Tây Ban Nha gây sức ép buộc Repsol từ bỏ dự án.
Tướng Phạm Trường Long đã thăm Tây Ban Nha trước khi đến Việt Nam. Rất ít thông tin được công bố, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy yêu cầu Tây Ban Nha gây sức ép buộc Repsol từ bỏ dự án.Bill Hayton
BBC: Dự án Cá voi Xanh được Việt Nam ký với Exxon Mobil gần đây. Ông cho biết quan điểm của Trung Quốc về dự án này?
Dự án Cá voi Xanh của Exxon thì gần bờ biển Việt Nam hơn. Mỏ khí chỉ cách bờ khoảng 88 cây số (ở lô 118). Tuy nhiên, “đường 9 đoạn” (đường Lưỡi Bò) mơ hồ của Trung Quốc lại đi vào giữa lô. Đây là nguồn cơn phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc chưa từng giải thích ý nghĩa của “đường 9 đoạn”.
Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc như ông Ngô Sĩ Tồn ở Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam cho rằng Trung Quốc có “quyền lịch sử” với tài nguyên của biển, hơn cả những gì ghi trong Công ước Luật biển 1982. Không quốc gia nào đồng tình với diễn giải này. Năm ngoái một tòa án quốc tế đã phán quyết rằng đòi hỏi này không có cơ sở theo luật quốc tế. Exxon tự tin rằng họ có đủ quyền về luật pháp để khai thác dự án Cá voi Xanh.
BBC: Vì sao Việt Nam vẫn tiến hành các dự án này dù biết rằng Trung Quốc bực bội? Liệu Việt Nam có đánh giá thấp sức ép từ Bắc Kinh?
Theo tôi, có thể chính phủ Việt Nam cảm thấy Trung Quốc không sẵn sàng gây đối đầu vào thời điểm hiện nay, vì sắp diễn ra Đại hội Đảng tại Bắc Kinh [cuối 2017-BBC], và Trung Quốc đang muốn quảng cáo cho ‘Một vành đai, Một con đường’.
Chúng ta sẽ phải chờ xem sẽ xảy ra chuyện gì – liệu Việt Nam sẽ nhượng bộ hay sẽ vẫn tiến hành và dám thách thức Trung Quốc.
Các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Có thể Việt Nam cho rằng tốt hơn là hành động bây giờ trước khi các căn cứ này đi vào hoạt động.
Bill Hayton, đang làm việc tại kênh truyền hình BBC World News, là tác giả hai cuốn sách về Đông Nam Á. Cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010) dựa trên các tư liệu thu thập trong một năm ông thường trú ở Việt Nam. Năm 2014, ông ra mắt cuốn South China Sea: The struggle for power in Asia, viết về tranh chấp Biển Đông. Hiện ông cũng là thành viên Viện nghiên cứu Chatham House tại London.

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc ra khơi diễn tập

Một đội tàu của Trung Quốc dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vừa rời cảng Thanh Đảo vào hôm chủ nhật, 25 tháng 6 chuẩn bị cho cuộc diễn tập thường kỳ ở Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan tin này.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cùng đi với đội tàu có tàu khu trục Jinan và Yinchuan, tàu chiến Yantai cùng các máy bay chiến đấu J 15 và trực thăng.
Nhiệm vụ của cuộc diễn tập theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tương tự như các cuộc diễn tập trước kia, nhằm tăng cường hợp tác giữa các tàu, cải thiện kỹ năng của các thủy thủ và phi công.
Hôm thứ sáu, 23 tháng 6 trích nguồn tin không xác nhận cho biết hàng không mẫu hạm Liêu Ninh sau đó sẽ đến thăm Hong Kong vào tháng tới nhân lễ kỷ niệm 20 năm sau khi lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc. Trước khi Liêu Ninh ghé thăm cảng Hong Kong, theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hong Kong từ ngày 29 tháng 6 đến 1 tháng 7. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Hong Kong kể từ sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2013. Khi có mặt ở Hong Kong, ông Tập Cận Bình sẽ chứng kiến lễ nhậm chức của tân Trưởng đặc khu hành chính, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Trong khi đó, một tàu khảo sát viễn dương của Trung Quốc cũng vừa khởi hành từ Quảng Châu hôm 26 tháng 6 để tới Thái Bình Dương, thực hiện hành trình điều tra địa chất biển sâu.
Tân Hoa Xã cho biết tàu khảo sát khoa học ‘Hải Dương 6’của sở điều tra biển Quảng Châu thuộc cục Điều tra địa chất Trung Quốc sẽ có hải trình dài 240 ngày. Giám đốc Sở Điều tra địa chất biển Quảng Châu cho biết nhiệm vụ của tàu Hải dương 6 lần này rất nặng nề. Tàu sẽ sử dụng robot lặn xuống biển sâu, tiến hành điều tra đối với tài nguyên cơ bản lớp vỏ và tài nguyên biển sâu và vật chất dưới đáy biển.
20 năm sau khi Hong Kong được người Anh trao trả về cho Trung Quốc với những lời hứa từ chính quyền Trung Quốc rằng sẽ cho người Hong Kong những quyền tự do, thực hiện cơ chế một đất nước hai chế độ, nhưng người Hong Kong vẫn không thấy lời hứa được thực hiện.
Hãng tin Reuters hôm 26 tháng 6 trích các nguồn tin tại Bắc Kinh và Hong Kong cho biết những lời hứa này sẽ không được thực hiện.
Hồi năm 2014, Bắc Kinh cho phép Hong Kong được bầu trực tiếp trưởng đặc khu hành chính dựa trên danh sách mà Bắc Kinh đã chọn từ trước. Đề nghị này đã bị các dân biểu Hong Kong khước từ, và bị chỉ trích là dân chủ giả tạo. Tuy nhiên, tân trưởng đặc khu hành chính mới được chọn vẫn là người nằm trong nhóm trung thành với Bắc Kinh.
Reuters trích nguồn tin thân với Bắc Kinh cho biết sẽ không bao giờ có chuyên Bắc Kinh cho phép người Hong Kong được bầu cử dân chủ và nếu điều này thành hiện thực thì đó sẽ là một thảm họa cho Hong Kong vì nó sẽ chỉ dẫn đến bế tắc và người Hong Kong sẽ phải chịu đựng.
Cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong, lãnh thổ với hơn 7 triệu dân, trong các năm qua đã cho thấy sự mất long tin giữa Hong Kong và Trung Quốc. Nổi bật nhất trong cuộc đấu tranh này là phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn đòi dân chủ kéo dài 79 ngày tại lãnh thổ này vào năm 2014. Phong trào này đã không thể làm cho Bắc Kinh thay đổi quyết định về một cuộc bầu cử dân chủ cho Hong Kong.
Giới trẻ Hong Kong qua cuộc đấu tranh này đòi phải có một sự tự chủ nhiều hơn cho Hong Kong. Chính quyền Hong Kong đã tiến hành dập tắt phong trào này từ giới trẻ với việc bắt giữ 9 nhà hoạt động là những người lãnh đạo phong trào chiếm lĩnh Trung Hoàn vào tháng 3 năm nay. Những dân biểu được bầu một cách dân chủ đã bị loại khỏi quốc hội Hong Kong vào hồi cuối năm ngoái.
Thủ lãnh phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn, Joshua Wong và khoảng hơn một chục các nhà hoạt động đã biểu tình phản đối Trung quốc chỉ vài ngày trước ngày 1 tháng 7 là lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong về lại Trung Quốc.
Những người biểu tình mặc áo đen, phủ đen một bức tượng hoa Bauhinia (hoa ban), biểu tượng của lãnh thổ Trung Quốc để cho thấy cái mà họ gọi là sự tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. Những người biểu tình giơ cao nắm tay và hô, một đất nước hai chế độ là lời nói dối đã 20 năm.
Dự kiến hàng chục ngàn người sẽ tham dự hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hong Kong vào ngày 1 tháng 7 tới đây với chủ đề ‘đòi lại Hong Kong vì một chế độ dân chủ’.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?