Tin khắp nơi – 23/06/2017
Brexit: Anh Quốc đồng ý cho 3 triệu dân EU ở lại
Khoảng ba triệu công dân Liên hiệp châu Âu (EU) sống ở Anh sẽ được ở lại sau Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất.
Một “quy chế định cư ở Anh” mới sẽ cho phép những người nhập cư là công dân EU đã vào sống ở Vương quốc Anh trong 5 năm hưởng quyền cư trú vĩnh viễn và các phúc lợi y tế, giáo dục và an sinh xã hội khác.
Các đề xuất này được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Brussels nhưng để được thông qua nó phụ thuộc vào các quốc gia EU khác có bảo đảm công dân Anh được quyền tương tự hay không.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi kế hoạch này là “khởi đầu tốt”, nhưng đảng Lao động tại Anh nói thư thế là “quá ít và quá muộn”.
Nhiều công dân EU ở Anh, và người Anh sống ở nước ngoài, đang lo lắng về vị thế định cư của họ khi Brexit diễn ra. Thời hạn Vương quốc Anh phải rời khỏi EU là ngày 30 tháng 3 năm 2019.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên kể từ sau tổng tuyển cử tại Anh Quốc, Thủ tướng Anh nói bà không muốn bất cứ ai phải rời đi hay các gia đình bị ly tán.
Bà nói: “Quan điểm của Vương quốc Anh thể hiện một đề nghị công bằng và nghiêm túc, nhằm đem lại một sự ổn định, chắc chắn nhất có thể cho những người định cư tại Anh, những người đang xây dựng sự nghiệp và cuộc sống của họ cũng như đang đóng góp rất nhiều cho xã hội của chúng ta”.
Bà May nói Anh Quốc muốn bảo vệ quyền của công dân EU tại Anh và quyền của người Anh làm việc ở các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh vẫn chưa nêu cụ thể kể từ ngày nào những người nhập cư mới sẽ không đươc tính thể theo bảo đảm này. Nó sẽ không sớm hơn tháng Ba năm 2017, khi Anh Quốc chính thức bắt đầu ròi khỏi EU khi bấm nút khởi động Điều khoản 50 và không muộn hơn tháng Ba năm 2019 là ngày Anh Quốc chính thức rời khỏi
Những người vào Anh tính tới điểm Anh Quốc rời khỏi EU sẽ có một giai đoạn “tạm dung” – dự kiến sẽ là hai năm – để tính vào thời gian đòi hỏi được hưởng “quy chế định cư ở Anh”, bà nói với các nhà lãnh đạo EU.
Bà May cũng cho biết quy chế này sẽ được giản lược, loại bỏ mẫu đơn đăng ký định cư dài hạn dài tới 85 trang vốn đã bị nhiều phàn nàn.
‘Tình trạng bất an trong một năm’
Keir Starmer, phụ trách về Brexit của đảng Lao động đối lập, nói: “Đảng Lao động đã nêu rõ rằng người dân không nên trở thành con bài thương lượng trong đàm phán Brexit.
“Đề nghị của Thủ tướng Anh là quá chậm và quá ít so với việc bảo đảm hoàn toàn và đơn phương mà đảng Lao Động sẽ làm”.
Ông nói thêm rằng đưa ra “cam kết rõ ràng” rằng sẽ không có sự thay đổi về tình trạng của các công dân EU ở Anh sẽ giúp đem lại một thoả thuận tương tự cho người Anh sống ở EU.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tim Farron nói kế hoạch này vẫn để lại quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các phóng viên rằng bà muốn có “đảm bảo an toàn nhất có thể có cho các công dân EU” từ thỏa thuận Brexit và gọi đó là “một khởi đầu tốt đẹp”.
Bà Merkel nói thêm:
Còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến việc Anh rời khỏi EU, bao gồm cả vấn đề tài chính và mối quan hệ với IrelandBà Angela Merkel
“Nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến việc Anh rời khỏi EU, bao gồm cả vấn đề tài chính và mối quan hệ với Ireland. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm từ nay tới [Hội nghị Thượng đỉnh EU sắp tới] vào tháng 10″.
Cả Anh Quốc lẫn các nước khác trong khối EU nói rằng họ muốn có một dàn xếp để bảo đảm vị thế của 3,2 triệu công dân EU ở Anh và khoảng 1,2 triệu người Anh sống ở các nước EU.
Liên hiệp châu Âu cho biết các công dân của họ nên được tiếp tục hưởng những quyền tương tự, có hiệu lực thi hành trước Toà án Tư pháp châu Âu.
Bà May không tham gia cuộc họp ngắn của các nhà lãnh đạo 27 quốc gia còn lại trong EU để bàn về Brexit sau bài phát biểu của bà tại Brussels.
Các tướng Thái Lan ‘làm kinh tế’ thế nào sau đảo chính
Ba năm sau cuộc đảo chính quân đội ở Thái Lan, số sĩ quan quân đội làm chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước đã tăng hơn 5 lần, lên con số 16 hiện nay.
Số các tướng đang đương chức và đã về hưu được bầu làm giám đốc đã tăng gần gấp đôi, lên tới 40 người.
Mời quý vị đọc bài phân tích của BBC Tiếng Thái mà nguyên bản có tựa đề ‘Thai Military: Cash and Coup’:
Thái Lan hiện có 56 doanh nghiệp nhà nước thuộc quản lý của 15 bộ, với tổng tài sản trị giá 14 ngàn tỷ baht (khoảng 412 tỷ USD), doanh thu 4.3 ngàn tỷ baht và lợi nhuận ròng 190 tỷ baht.
Các doanh nghiệp này được coi là “quả trứng vàng” mà các chính phủ dân sự và quân đội đều muốn chiếm dụng.
Ngay sau cuộc đảo chính năm 2014, chính phủ do quân đội nắm quyền đã cam kết cải cách, tăng hiệu quả hoạt động và tái cơ cấu ban quản trị các doanh nghiệp nhà nước để ngăn không cho các chính trị gia lợi dụng các công ty nhà nước để trục lợi cá nhân.
Các doanh nghiệp nhà nước lớn cỡ nào?
Ba năm sau cuộc đảo chính quân đội, các tướng tá Thái Lan đã thưởng cho thuộc cấp của họ chức giám đốc hay chủ tịch ở một số doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Họp các giám đốc rất khó vì các sĩ quan không chấp nhận có sự bất đồng về ý kiếnÝ kiến về sự quản trị của tướng tá
BBC Thái kiểm tra danh sách tên hội đồng quản trị của 56 doanh nghiệp nhà nước và phát hiện số quan chức quân đội đã tăng gần gấp đôi, từ 42 người có tên trong 24 doanh nghiệp năm 2013 lên tới 80 người trong 40 doanh nghiệp năm 2016. Số doanh nghiệp nhà nước có sĩ quan quân đội làm chủ tịch tăng năm lần, lên 16 người.
Có sĩ quan quân đội giữ vị trí trong nhiều doanh nghiệp nhà nước, và một số người là thành viên của Hội đồng Luật pháp Quốc gia, gây lo ngại về hiệu quả công việc của họ vì giữ nhiều vai trò khác nhau.
Có thể sĩ quan quân đội cần tham gia trong một số doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn Trung tâm Huấn luyện Hàng không Dân dụng hay Công ty Đóng tàu Bangkok.
Nhưng nhiều sĩ quan có vị trí trong các doanh nghiệp không đòi hỏi chuyên môn của quân đội, chẳng hạn Công ty Đường sắt Quốc gia Thái Lan, Cục quản lý bất động sản Công nghiệp Thái Lan hay Cục Dược phẩm Nhà nước hay Ngân hàng Krung Thai Bank.
Bổng lộc
Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha nói sĩ quan quân đội có vai trò quan sát trong doanh nghiệp nhà nước, và họ được cử vào các hội đồng quản trị để “giải quyết khó khăn”.
“Họ không ngồi đó để giơ tay phát biểu hay đưa ra bình luận,” Tướng Prayut viết trong thư trả lời BBC Thai.
Giám đốc Cơ quan về Chính sách doanh nghiệp nhà nước Ekniti Nitithanprapa nói với BBC Tiếng Thái rằng một điều luật mới về cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ được ban hành vào cuối năm 2017.
Ông nói luật này sẽ yêu cầu hội đồng quản trị phải có các kỹ năng phù hợp để giúp phát triển doanh nghiệp. Luật này còn đưa ra khung thời gian để thay thế hội đồng quản trị bằng hội đồng quản trị mới.
“Không quan trọng họ có là sĩ quan quân đội hay không. Quan trọng là liệu họ có đủ kỹ năng phù hợp để phát triển doanh nghiệp đó hay không. Ví dụ, có thể sẽ phù hợp nếu một sĩ quan hải quân giám sát Công ty Đóng tàu Bangkok, một công ty đại tu tàu biển,” ông nói.
Hội đồng quản trị không những có thẩm quyền cao nhất trong công ty nhà nước, mà họ còn nhận được nhiều quyền lợi dưới hình thức tiền mặt, và vì thế nhiều người được ‘biệt phái’ đến giữ chức ở mấy công ty một lúc.
Cựu tổng tư lệnh quân đội Tướng Chatchalerm Chalermsukh không những là thành viên của Ban Lập pháp Quốc gia mà còn là thành viên ban giám đốc của ba doanh nghiệp nhà nước.
Kể từ khi có đảo chính năm 2014, ông nhận được tổng số là 11.77 triệu baht ((khoảng 347.000 USD) nhờ làm việc trong những công ty bên ngoài quân đội.
Tướng Chatchalerm từ chối trả lời phỏng vấn của BBC Thai.
Từ lãi đến lỗ
BBC Tiếng Thái chọn sáu trong số 16 doanh nghiệp nhà nước có tướng quân đội làm chủ tịch công ty và xem xét kết quả hoạt động tài chính của các công ty này trong ba năm qua:
Dưới sự quản lý của tướng quân đội, doanh thu của công ty tàu điện ngầm Mass Rapid Transit Authority of Thailand (MRTA) đã sa sút và thua lỗ, từ có lãi ròng 3.47 tỷ baht năm 2014 đến lỗ ròng 1.78 tỷ baht năm 2016. Báo cáo hàng năm của MRTA năm 2016 nói thua lỗ là do đồng baht Thái mất giá so với đồng yen Nhật.
Công ty viễn thông nhà nước, TOT Plc, cũng có chủ tịch là một vị tướng, cũng có doanh thu sụt giảm từ lãi ròng 1.94 tỷ baht năm 2014 xuống lỗ ròng 5.88 tỷ baht năm 2015.
Ông Pongthiti Pongsilamanee, chủ tịch công đoàn của TOT, nói với BBC Tiếng Thái rằng có sĩ quan quân đội trong ban giám đốc là rất rắc rối, vì các sĩ quan ‘không chấp nhận có sự bất đồng về ý kiến”, cũng như do họ không có chuyên môn về kinh doanh. Ông nói thêm chủ tịch công ty, Tướng Surapong Suwana-adt không có nhiều thời gian để quan tâm đến công ty sau khi ông được phong tướng.
Tướng Surapong Suwana-adt, chủ tịch công ty, nói với BBC hầu hết các vấn đề trong nhiệm kỳ ba năm của ông đều đã được giải quyết, và ông đã tham dự tất cả các cuộc họp hội đồng quản trị.
Có sự tăng trưởng nhất định
Mặc dù các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn bị thua lỗ, các doanh nghiệp cỡ vừa do tướng quân đội làm chủ tịch lại có lãi.
“Tôi rất mừng là tôi có thể giải quyết vấn đề giá vé xổ số quá cao,” Trung tướng Apirat Kongsompong, chủ tịch hội đồng quản trị của Cơ quan Xổ số Chính phủ nói.
Trong một bài phỏng vấn trước đó với truyền thông địa phương, Trung tướng Apirat nói ông được cử vào vị trí này vì quân đội Thái muốn xử lý tình trạng vé số được bán với giá quá cao. Sau đó, lượng vé số phát hành được tăng từ 37 lên 50 triệu để đáp ứng nhu cầu, và được bán với giá 80 baht một vé.
Trong số 16 doanh nghiệp nhà nước do 15 sĩ quan quân đội làm chủ tịch, 13 vị tướng có bằng đại học từ các trường sĩ quan quân đội Thái Lan, hầu hết trong lĩnh vực khoa học. Có bốn vị tướng có bằng thạc sĩ.
Riêng Đại tướng Chatchalerm làm chủ tịch hai công ty lớn. Chín vị tướng có các vị trí khác ngoài quân đội hiện là thành viên của Quốc hội Lập pháp và các vị trí khác trong chính phủ.
Chủ tịch Tập Cận Bình sắp thăm Hong Kong
Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm lãnh thổ Hồng Kong vào tuần tới để kỷ niệm 20 năm ngày cựu thuộc địa Anh Quốc này được trao trả lại cho Trung Quốc.
Tin này được báo chí tại Hồng Kong loan đi vào ngày 23 tháng 6, tuy nhiên vẫn chưa có tin chính thức về chuyến thăm ông Tập từ Bắc Kinh.
Đây sẽ là chuyến thăm Hồng Kong đầu tiên của ông Tập trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, kể từ khi ông nắm chức vụ này vào năm 2013.
Ông sẽ cùng phu nhân là bà Bành Lệ Quân đến Hồng Kong vào ngày thứ năm 29 tháng sáu, và ở lại cho đến ngày 1 tháng bảy, ngày mà 20 năm trước Trung Quốc tiếp quản Hồng Kong từ Anh Quốc.
Chương trình thăm viếng Hồng kong của ông Tập cũng sẽ bao gồm việc tham dự vào buổi lễ nhậm chức của Tân đặc khu trưởng Hồng Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Các nhà hoạt động xã hội tại Hồng Kong cho biết là họ đang chuẩn bị tổ chức biểu tình nhân chuyến thăm của ông Tập và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng cường các biện pháp an ninh tại Hồng Kong.
Hồng Kong hiện được xem là một lãnh thổ thuộc Trung Quốc, nhưng theo qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ với hiến pháp riêng và duy trì một số quyền tự do báo chí, ngôn luận riêng.
Đó là thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn khi thuộc địa này được trao lại cho Hoa Lục vào năm 1997.
Nam Hàn phóng thử hỏa tiễn dằn mặt Bắc Hàn
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ngày 23/6 đã thị sát vụ phóng thử hỏa tiễn Hyunmoo do nước này tự sản xuất. Hoạt động này được cho là một lời cảnh báo gửi đến Bắc Triều Tiên.
Hiện chưa có thông tin chính xác hỏa tiễn bay được bao xa nhưng phát ngôn phát ngôn nhân của Tổng thống Moon Jae-in – ông Park Soo-hyun nói với hãng AP là hỏa tiễn chạm đến đích.
Ông Park cũng cho biết Tổng thống Moon nói rằng Nam Hàn cần duy trì khả năng quân sự để áp đảo Triều Tiên nhằm giữ gìn hòa bình trên bán đảo này, bảo thêm rằng việc đối thoại với Bắc Hàn chỉ có thể thực hiện khi Nam Hàn có lực lượng quân sự đủ mạnh và các chính sách ràng buộc với Bình Nhưỡng cũng chỉ khả thi nếu Seoul có khả năng áp đảo Bình Nhưỡng về quân sự.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nhấn mạnh cần phải áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hay tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Bắc Hàn thử nghiệm động cơ tên lửa
Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm khác về động cơ hỏa tiễn mà Hoa Kỳ tin rằng có thể nằm trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Một quan chức Hoa Kỳ cho Reuters biết hôm thứ 22 tháng 6.
Một vị khác cũng của Hoa Kỳ cũng xác nhận điều này nhưng không cung cấp thêm chi tiết về loại cơ phận hỏa tiễn được thử nghiệm hoặc liệu nó có đúng là một phần của chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay không. Có quan chức tin rằng cuộc thử nghiệm diễn ra trong vòng 24 giờ qua.
Hệ thống truyền thông của nhà nước Bắc Triều Tiên thường nhanh chóng công bố những tiến triển liên quan đến việc phóng hỏa tiễn nhưng lần này chưa có thông tin gì về cuộc thử nghiệm động cơ hỏa tiễn như vừa nêu
Úc gửi máy bay trinh sát đến Philippines
Australia hôm 23 tháng 6 đồng ý gửi 2 máy bay do thám đến giúp Philippines chống lại phiến quân Hồi Giáo ở miền Nam Philippines.
Đây là hay máy bay AP – 3C Orion. Hai máy bay này có nhiệm vụ do thám ở khu vực thành phố Marawi nơi giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân Maute đã kéo dài 5 tuần lễ. Phiến quân tuyên bố khu vực này là lãnh thổ Hồi Giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Marise Payne cho biết đe dọa khu vực đến từ chủ nghĩa khủng bố và đặc biệt là các tay súng Nhà nước Hồi Giáo và nước ngoài đang là mối đe dọa trực tiếp đối với Australia và lợi ích của nước này.
Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết hai chiếc máy bay sẽ giúp đối phó với tình trạng quá khích ở Mindanao, miền Nam Philippines, nơi có 22 triệu người dân. Đây là nơi những kẻ ly khai, và các nhóm cướp biển, bắc cóc đang phát triển mạnh trogn các thập niên qua.
TT Trump đặt dấu hỏi
về tình bạn giữa biện lý Mueller và cựu Giám Đốc FBI
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực diện đầu tiên trong 6 tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói “thật đáng nghi ngại” khi người phụ trách điều tra những liên hệ có thể có giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga lại là bạn của cựu Giám Đốc FBI James Comey.
Phát biểu trong chương trình “Fox & Friends” của kênh truyền hình Fox, ông Trump nói việc biện lý đặc biệt Robert Mueller là “bạn, bạn rất tốt của ông Comey, là điều rất đáng nghi ngại.”
Cuộc phỏng vấn thực hiện hôm 22/6 tại Toà Bạch Ốc, được phát hình vào sáng thứ Sáu 23/6 giữa lúc ông Trump đang cứu xét việc giảm bớt độ thường xuyên của các cuộc họp báo với giới truyền thông, xuống chỉ còn 1 cuộc họp báo mỗi tuần, đồng thời đòi phóng viên phải nộp trước bảng câu hỏi.
Ông Mueller được bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để lãnh đạo cuộc điều tra sau khi Tổng thống Trump sa thải ông James Comey, lúc đó là người dẫn đầu cuộc điều tra.
Ông Mueller và nhiều ủy ban quốc hội Mỹ đang điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái với mục đích giúp ông Trump thắng cử. Ông Mueller còn điều tra xem liệu ông Trump có cản trở công lý hay không.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã bác bỏ những cuộc điều tra vào việc Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ, ông gọi các cuộc điều tra đó là cuộc “săn lùng phù thủy”, và cho rằng đây chỉ là một cái cớ của các thành viên Đảng Dân chủ nhằm lý giải sự thất bại của bà Clinton trong cuộc bầu cử.
Một ngày sau khi tuyên bố ông không có những băng ghi âm các cuộc đối thoại riêng với ông Comey, Tổng thống Trump nói với đài Fox rằng bao giờ ông cũng “nói thẳng khi trình bày câu chuyện”.
Ông Trump cũng phản bác lời khai của ông Comey rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông, lúc đó là Giám Đốc FBI, thề trung thành trong một cuộc gặp gỡ riêng.
Khi lời khai của ông Comey được công bố, ông Trump viết trên trang Twitter của ông rằng ông Comey “tốt hơn nên hy vọng là không có đoạn băng nào ghi âm lại các cuộc đối thoại giữa hai ông trước khi tiết lộ thông tin cho truyền thông.”
Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng rằng thủ lãnh Đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, duy trì chức vụ này bởi vì như vậy có lợi cho Đảng Cộng hoà.
Ông Trump nói:
“Tôi hy vọng bà Pelosi sẽ không từ bỏ chức vụ. Sẽ là một ngày rất buồn cho Đảng Cộng hoà, nếu bà từ nhiệm.”
Ông Trump đơn cử thắng lợi của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử bất thường ở bang Georgia mới đây. Các chương trình quảng cáo do Đảng Cộng hoà tài trợ trong thời gian vận động tranh cử, liên kết ứng cử viên Đảng Dân chủ Jon Ossoff với bà Pelosi, người thường bị Đảng Cộng hoà chỉ trích vì ‘đại diện cho những quan điểm cấp tiến cực đoan’.
Bà Pelosi đã bị chất vấn về khả năng lãnh đạo của bà từ sau thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử mà cả hai bên đã dồn hết sức để chiếm phần thắng.
Tối cao Pháp viện Mỹ nâng tiêu chuẩn tước quốc tịch
Tối cao Pháp viện Mỹ ngày 22/6 ra phán quyết gây khó khăn cho chính quyền ông Trump trong việc tước quốc tịch Mỹ của di dân trong một vụ kiện liên hệ đến một phụ nữ sắc tộc Serb, người đã khai gian về những hoạt động quân sự của chồng bà sau khi Nam Tư sụp đổ.
Các thẩm phán tối cao, với 9 phiếu thuận và 0 phiếu chống, quyết định một công dân nhập tịch Mỹ không thể bị tước quốc tịch nếu việc khai gian hay sai sót trong đơn xin nhập tịch không liên quan gì đến quyết định nguyên thủy mà chính phủ cho vào Mỹ.
Các thẩm phán đứng về bà Divna Maslenjak, người bị tước quốc tịch và trục xuất về Serbia sau khi bị kết tội vi phạm luật di trú vì khai gian rằng chồng bà không hề phục vụ trong quân đội Bosnian Serb trong những năm 1990.
Các thẩm phán tối cao bác bỏ phán quyết của tòa dưới đứng về phía chính phủ và trả hồ sơ lại cho tòa này để xem xét thêm. Tòa Kháng cáo liên bang khu vực 6 có trụ sở tại Cincinnati, khi cứu xét lại trường hợp này có thể phán rằng việc kết tội và tước quốc tịch bà Maslenjak có giá trị vì các lời khai của bà là tài liệu thực tế để bà được vào nước Mỹ.
Bà Maslenjak vào Hoa Kỳ với chồng và hai con vào năm 2000 và định cư tại Ohio. Bà được cấp qui chế tị nạn vì khai rằng bà sợ bị những người Hồi Giáo đàn áp sắc tộc tại Bosnia. Bà trở thành công dân Mỹ vào năm 2007. Vấn đề chính của trường hợp này là bà không khai chồng bà, ông Ratko, từng phục vụ trong một lữ đoàn quân đội Bosnia Serb tham dự vào cuộc tàn sát 8.000 người Hồi Giáo tại thị trấn Bosnia Srebrenica vào năm 1995.
Vấn đề pháp lý được đặt ra là liệu lời khai gian của bà Maslenjak có ảnh hưởng đối với quyết định của Mỹ cấp tình trạng người tị nạn cho bà hay không. Chính quyền ông Trump cho rằng vấn đề chính là bà khai gian, chứ không phải là vấn đề có ảnh hưởng hay không tới quyết định của chính quyền trong việc cấp tình trạng tị nạn cho bà.
Tổng thống Donald Trump tìm cách hạn chế di dân và trục xuất những người vào nước Mỹ bất hợp pháp. Sau khi nhận trường hợp này hồi năm ngoái, chính quyền Trump có cùng lập trường với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đối với trường hợp bà Maslenjak.
Bà Maslenjak và chồng bà đã bị trục xuất về Serbia tháng 10 năm ngoái.
Mỹ hạ sát thủ lĩnh al Qaeda ở Yemen
Quân đội Mỹ ngày 2/6 loan báo đã thực hiện một đợt không kích tại Yemen hạ sát Abu Khattab al Awlaqi, thủ lĩnh của al Qaeda, cùng hai phần tử chủ chiến khác ở tỉnh Shabwa trong bán đảo Ả Rập.
“Al Awlaqi là thủ lĩnh cao cấp chịu trách nhiệm hoạch định và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố chống lại thường dân,”Bộ Tư lệnh miền trung Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo.
Thông cáo nói thêm rằng Al Awlaqi có tầm ảnh hưởng quan trọng xuyên suốt cứ địa của khủng bố al Qaeda ở bán đảo Ả Rập, có các mối liên lạc và tiếp cận với các thủ lĩnh cao cấp khác của nhóm này, cũng như có nhiệm vụ lên kế hoạch, đứng đầu các âm mưu gây bất ổn ở miền Nam Yemen.
Áp lực gia tăng lên Tòa Bạch Ốc về vụ Nga-Trump
Các dân biểu Dân chủ trong một ủy ban Hạ viện đang áp lực Tòa Bạch Ốc phải công bố một loạt các tài liệu về việc cho phép cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và ông Jared Kushner, con rể kiêm phụ tá cao cấp của Tổng thống Trump, được tiếp cận với các tài liệu mật.
Trong một bức thư đề ngày 21/6, 18 thành viên của Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ nói họ hết sức quan ngại về cách Tòa Bạch Ốc xử lý thông tin mật và chọn lọc người được phép tiếp cận những tài liệu nhạy cảm.
Bức thư viện dẫn tin tức báo chí nói ông Kushner đã không tiết lộ nhiều mối liên lạc với các giới chức nước ngoài trong bảng câu hỏi điều tra an ninh. Bức thư cũng thắc mắc tại sao Tòa Bạch Ốc cho phép ông Flynn tiếp cận thông tin mật sau khi đã biết ông khai gian với các giới chức chính quyền về nội dung những cuộc trao đổi với một nhà ngoại giao Nga.
Khi phóng viên hỏi là liệu Tòa Bạch Ốc sẽ thôi cho phép con rể ông Trump tiếp cận các tài liệu mật hoặc có chịu trao những tài liệu mà các dân biểu Dân chủ yêu cầu hay không, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Lindsay Walters trả lời “Tôi sẽ trả lời với quý vị sau.”
Luật sư của ông Kushner, bà Jamie Gorelick, nói chưa được biết về lá thư của các dân biểu bên đảng Dân chủ và rằng bà đang ở nước ngoài. Luật sư ông Flynn, Robert Kelner, từ chối bình luận.
Ông Flynn đã bị cách chức về những tuyên bố gây ngộ nhận và đang bị Quốc hội cũng như công tố viên đặc biệt Robert Muller điều tra trong vụ Nga can thiệp bầu cử Tổng thống 2016 mà trong đó có thể có sự thông đồng của những phụ tá của ông Trump.
Ông Kushner hiện đang có mặt tại Trung Đông để giàn xếp một thỏa thuận hòa bình giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Ông Kushner cho biết sẵn sàng trao đổi với các nhà điều tra Quốc hội và liên bang về những mối liên lạc hải ngoại và những việc ông làm trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Trước đây luật sư Gorelick thừa nhận là ông Kushner, khi ông điền bảng câu hỏi điều tra an ninh, đã không tiết lộ một số liên lạc của ông với các giới chức chính phủ Nga. Ông Gorelich vào tháng 4 năm nay nói sai sót đó là “lỗi hành chánh,” và “không có ý định che dấu bất cứ cuộc gặp nào với người nước ngoài, kể cả với người Nga.”
Trong số những cuộc gặp ông không tiết lộ có cuộc gặp với ông Sergey Kislyak, Đại sứ Nga tại Mỹ, và một buổi họp khác với người đứng đầu Ngân hàng Nga.
Trong cuộc họp với Đại sứ Kislyak tại Trump Tower ở New York vào tháng 12 năm ngoái, ông Kushner đề nghị một kênh thông tin mật giữa điện Kremlin với toán chuyển tiếp của ông Trump, theo tin từ một nguồn biết rõ việc này.
Trong những cuộc thảo luận với ông Kislyak, ông Kushner đưa ra ý kiến thiết lập một đường dây liên lạc với Nga để khuyến khích những cuộc thảo luận nhạy cảm cứu xét những giải pháp khả dĩ của chính quyền Trump tại Syria. Theo một nguồn thạo tin, mục đích của ông Kushner nhằm nối kết ông Flynn, cố vấn an ninh cao cấp của ông Trump lúc bấy giờ, với các nhà lãnh đạo quân đội Nga. Báo Washington Post, nguồn đầu tiên đăng tin về cuộc gặp này, nói ông Flynn cũng có tham dự.
Trong giai đoạn chuyển tiếp chính quyền từ Obama sang Trump, ông Kushner cũng gặp riêng ông Sergey Gorkov, giám đốc điều hành hàng đầu của ngân hàng VEB do nhà nước Nga yểm trợ. Tòa Bạch Ốc nói lúc đó ông Kushner đã hành động trong tư cách là một giới chức chuyển tiếp. Ngân hàng nói cuộc gặp nằm trong khuôn khổ một chiến lược đầu tư mới được thông báo cho các định chế tổ chức hàng đầu thế giới cũng như “người đứng đầu tập đoàn Kushner.”
Trong thư, các dân biểu Dân chủ thuộc Ủy ban giám sát yêu cầu Tòa Bạch Ốc cung cấp các tài liệu hay những liên lạc liên hệ đến những cuộc gặp này và những cuộc tiếp xúc khác của ông Kushner với các giới chức chính phủ Nga và giới kinh doanh, cũng như những tài liệu hay những tin tức chi tiết về những thông tin mật mà Kushner và ông Flynn tiếp cận được kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các dân biểu Dân chủ cũng yêu cầu giao nộp những tài liệu liên hệ đến bất cứ giới chức Tòa Bạch Ốc nào được phép tiếp cận những tin tức mật trong khi đang bị cơ quan thi hành luật pháp điều tra, hay bất cứ giới chức nào của Tòa Bạch Ốc từ chức hay bị sa thải vì đang bị điều tra hình sự hay không được phép tiếp cận tài liệu mật.
Bức thư được sao gởi cho tân Chủ tịch của Ủy ban, một người thuộc đảng Cộng hòa, dân biểu Trey Gowdy. Tuy nhiên, hiện không rõ bức thư có thành công trong việc thu thập những tài liệu của Tòa Bạch Ốc hay không. Cho tới nay, chính quyền Trump phần lớn phớt lờ những yêu cầu của các nhà lập pháp Dân chủ, chỉ trao tài liệu khi đảng Cộng hòa cùng yêu cầu.
Thượng viện Mỹ công bố dự luật y tế mới
Cuối cùng thì các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã công bố phiên bản dự luật chăm sóc sức khỏe mới, nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng, một thành tựu lập pháp của cựu Tổng thống Barack Obama.
Sau nhiều tuần họp kín, trưởng khối đa số Thượng viện, Mitch McConnell, lần đầu tiên công bố bản đề xuất vào ngày thứ Năm cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa, trước khi công bố phiên bản dài 142 trang lên mạng.
“Chúng ta phải hành động,” ông McConnell nói ở Thượng viện, và thêm rằng “Obamacare là cuộc tấn công trực tiếp vào tầng lớp trung lưu.”
Theo các trợ lý của đảng Cộng hòa và các nhà vận động hành lang, bản dự thảo luật được thảo ra như một thỏa hiệp giữa luật chăm sóc sức khỏe hiện hành, thường được gọi là Obamacare, và một giải pháp đã được Hạ viện thông qua hồi tháng trước.
Dự luật sẽ cắt giảm ngân quỹ liên bang dành cho chương trình Medicaid, một chương trình ở tiểu bang dành cho người có thu nhập thấp, bãi bỏ các khoản thuế đối với người giàu, và chấm dứt khoản tài trợ cho Planned Parenthood, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.
Các trợ lý và các nhà vận động hành lang đã xem bản dự thảo cho biết nội dung phần lớn giống như phiên bản của Tòa Bạch Ốc, mặc dù cũng có những khác biệt đáng chú ý.
Giải pháp của Hạ viện quy định các khoản trợ cấp bảo hiểm liên bang dựa trên tuổi tác, trong khi phiên bản của Thượng viện phân phối trợ cấp dựa theo thu nhập.
Dự luật của Thượng viện sẽ chấm dứt việc cấp ngân quỹ cho chương trình Medicaid tại các tiểu bang chậm hơn so với phiên bản luật của Hạ viện, nhưng lại áp dụng cắt giảm dài hạn nhiều hơn đối với chương trình này. Đề xuất của Thượng viện cũng loại bỏ quyết định của Hạ viện chuẩn thuận cho các tiểu bang cho phép các hãng bảo hiểm sức khỏe tăng phí bảo hiểm đối với một số người có tiền sử bệnh.
Phát biểu tại một sự kiện về công nghệ hôm thứ Năm tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump nói ông ông hy vọng Thượng viện sẽ thông qua kế hoạch chăm sóc sức khỏe “bằng trái tim.” Ông Trump từng gọi phiên bản của Hạ viện là “không tốt” trong một tình huống riêng tư.
Lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer chỉ trích đề xuất tại thượng viện, nói rằng “Chúng ta đang sống ở đất nước giàu có nhất trên địa cầu. Chắc chắn chúng ta có thể làm tốt hơn kế hoạch chăm sóc sức khỏe mà đảng Cộng hòa cam kết.”
Các cuộc họp kín trong thời gian dự luật của Thượng viện được hình thành đã khiến đảng Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa tức giận. Các nghị sĩ Thượng viện dự định phản đối giải pháp này và yêu cầu thêm nhiều thời gian xem xét nó hơn so với ông McConnell dự định cho phép. Vì không có đảng viên Dân chủ nào dự kiến bỏ phiếu cho giải pháp này, các đảng viên Cộng hòa đang cố đẩy nhanh quá trình phê chuẩn nhằm tránh tình trạng “thủ tục câu giờ” (fillibuster).
Ông McConnell hy vọng gói giải pháp sẽ nhận đủ sự ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa trung lập và bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu mà ông dự định đưa ra vào tuần tới.
Các đảng viên Cộng hòa thông thạo tình hình cho biết cần phải nỗ lực nhiều hơn để có được 50 phiếu của Đảng Cộng hòa, điều cần thiết để dự luật được phê chuẩn, với Phó Tổng thống Mike Pence sẵn sàng đưa ra giải pháp “hiệp phụ” để đưa ra quyết định.
Ước tính có khoảng 23 triệu người có thể bị mất bảo hiểm sức khỏe theo kế hoạch đã được Hạ viện thông qua, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Công bố hôm thứ Năm là bước cuối cùng trong một nỗ lực kéo dài 7 năm của đảng Cộng hòa nhằm dỡ bỏ Obamacare.
Trump khẳng định không ghi âm cựu Giám đốc FBI Comey
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 khẳng định ông không thu âm và cũng không cất giữ bất kỳ băng thu âm nào trong các cuộc trao đổi giữa ông với cựu Giám đốc FBI, James Comey. Tuyên bố này xua tan mọi đồn đoán bùng phát sau khi Tổng thống hồi tháng rồi đăng trên Twitter rằng ông Comey nên cầu mong rằng các cuộc trò chuyện đó không bị ghi âm.
“Tôi không biết liệu có các băng ghi âm nào không về các cuộc trao đổi giữa tôi với ông James Comey, nhưng tôi không ghi âm, tôi không có những đoạn băng ghi âm đó,” ông Trump thông báo trong một tin nhắn trên Twitter hôm nay.
Kể từ khi ông Trump sa thải ông Comey và sau đó ám chỉ gần xa rằng có thể có băng ghi âm những cuộc trò chuyện của đôi bên liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi Tổng thống giao nộp các bằng chứng đó.
Hôm 9/6, lãnh đạo cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 loan báo đã gửi thư cho cựu Giám đốc FBI, James Comey, yêu cầu giao nộp bấy kỳ ghi chú nào liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Comey với Tổng thống Donald Trump.
Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway và dân biểu Dân chủ Adam Schiff cho biết cũng đã gửi thư đến cố vấn Tòa Bạch Ốc, Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông Comey với ông Trump hay không. Nếu có, họ đề nghị Tòa Bạch Ốc phải cung cấp bản sao cho Ủy ban trước ngày 23/6.
2.500 người dự tang lễ Otto Warmbier
Ngày 22/6, ước tính khoảng 2.500 người tham dự tang lễ sinh viên Otto Warmbier, qua đời trong tuần này sau khi bị giam cầm gần một năm rưỡi tại một nhà tù ở Bắc Triều Tiên.
Tại quê nhà của Warmbier ở Ohio, những người thăm viếng, cùng bạn bè và gia đình, đã tham dự tang lễ tại trường trung học cũ của Warmbier. Sinh viên xấu số này được chôn tại nghĩa trang Cincinnati.
Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai ở Bắc Triều Tiên sau khi bị buộc tội ăn trộm một tấm áp phích tuyên truyền trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Sinh viên 22 tuổi này được đưa về Mỹ hồi tuần trước trong tình trạng tổn thương não nghiêm trọng.
Phát biểu trong tang lễ, thượng nghị sĩ bang Ohio, Rob Portman, nói Warmbier là “chàng trai trẻ tuyệt vời,” và anh không nên bị giam giữ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông đã hết kiên nhẫn với chế độ Bắc Triều Tiên sau cái chết của Warmbier. Ông Trump gọi sự đối xử với Warmbier là một “nỗi ô nhục” và mô tả chính phủ Bắc Triều Tiên là chế độ tàn bạo không “tôn trọng pháp luật hoặc lương tri căn bản của con người.”
Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc nỗ lực kìm chế Bình Nhưỡng
Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in ngày 22/6 kêu gọi Trung Quốc nên nỗ lực nhiều hơn để kìm chế chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dỡ bỏ ‘tất cả các biện pháp’ chống lại các công ty Hàn quốc đáp trả quyết định của Seoul triển khai hệ thống phòng thủ chống phi đạn của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters trước chuyến đi thăm Washington tuần tới để họp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, ông Moon nói những chế tài ‘mạnh mẽ’ phải được áp đặt nếu Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa hay thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.
Bắc Triều Tiên sẽ có được công nghệ triển khai một phi đạn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến đất liền Mỹ “trong một tương lai không quá xa,” ông Moon khẳng định.
“Tôi tin là Trung Quốc đang có những nỗ lực ngăn chặn không cho Bắc Triều Tiên khiêu khích thêm nữa, nhưng chưa có được những kết quả rõ ràng,” ông Moon nói với Reuters tại Dinh Ngói Xanh.
“Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc là nước cung cấp hầu hết những viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên,” ông Moon nói. “Không có sự trợ giúp của Trung Quốc, các chế tài sẽ không hữu hiệu gì cả.”
Bình luận của ông Moon phản ánh ý kiến của ông Trump trong một Twitter đầu tuần này là những nỗ lực của Trung Quốc được sử dụng để thúc đầy Bình Nhưỡng đã thất bại.
Ông Moon đắc cử hồi tháng 5 năm và hứa có lập trường ôn hòa hơn đối với Bắc Triều Tiên cũng như sẽ giao tiếp với quốc gia cô lập này bằng đối thoại, bên cạnh áp lực và chế tài, để ngăn Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý triển khai hệ thống THAAD để đáp ứng với đe dọa phi đạn ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, động thái này đã làm Trung Quốc giận giữ vì cho rằng hệ thống ra-đa cực mạnh của THAAD sẽ quét sâu vào lãnh thổ nước này và phá hoại an ninh trong vùng.
Trung Quốc đã làm áp lực lên các công ty Hàn Quốc bằng cách tẩy chay và cấm đoán, chẳng hạn như chấm dứt các tour du lịch đến Hàn Quốc và đóng cửa hầu hết các cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte tại Trung Quốc.
Ông Moon nói ông hy vọng sẽ thảo luận với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, tháng tới và sẽ thúc đẩy ông Tập có những bước giảm nhẹ các biện pháp chế tài đối với các công ty Hàn Quốc.
Ông Moon nói ông muốn ngồi lại với các lãnh đạo thế giới càng nhiều càng tốt tại thượng đỉnh Hamburg-bao gồm Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin-nơi ông hy vọng chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ đứng đầu lịch trình làm việc.
Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên nhưng đáng quan ngại là Tokyo từ chối chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá khứ thời chiến và càng ngày càng gia tăng chi tiêu quân sự.
Ông Moon nói nhiều người Hàn Quốc không chấp nhận thỏa thuận đạt được bởi cựu Tổng thống Park với ông Abe vào năm 2015 để giải quyết vấn đề “an úy phụ” Triều Tiên, những phụ nữ bị buộc làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản.
Ông Moon nói ông có “nhiều hy vọng” đối với cuộc họp thượng đỉnh với ông Trump tuần tới và cho rằng ưu tiên của hai nhà lãnh đạo đặt vào Bắc Triều Tiên cho thấy khả năng vấn đề hạt nhân sẽ được giải quyết.
Hoàng tử Harry:
Không ai trong hoàng gia Anh muốn lên ngôi
Hoàng tử Harry nói không một ai trong hoàng gia Anh muốn lên ngôi vua hay nữ hoàng, và chỉ trích quyết định buộc anh phải đi sau linh cữu của mẹ, Công nương Diana, sau cái chết của bà vào năm 1997.
Không ai muốn lên ngôi
Hoàng tử 32 tuổi, đứng vị trí thứ 5 trong danh sách thừa kế ngai vàng, nói với tạp chí Newsweek của Mỹ:
“Chúng tôi không làm điều này cho chính mình, nhưng vì lợi ích lớn hơn của người dân… Có ai trong hoàng gia muốn làm vua hay hoàng hậu không?”.
“Tôi nghĩ là không có đâu, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình khi tới lúc”.
Nữ hoàng Elizabeth, 91 tuổi, lên ngôi từ năm 1952 và hiện là người cao tuổi nhất ngồi trên ngai vàng, và cũng là người trị vì lâu năm nhất thế giới.
Hoàng tử Harry nói hoàng gia Anh muốn tiếp tục công việc của bà nhưng sẽ không “tìm cách thay thế bà”.
“Chế độ quân chủ Anh là một quyền lực cho điều thiện”, anh nói. “Công chúng Anh và cả thế giới cần những định chế như thế”.
Đừng buộc một đứa trẻ phải đi sau linh cữu của mẹ
Hoàng tử Harry, cùng với anh trai là hoàng tử William và chị dâu Kate, là người cổ võ cho sức khỏe tâm thần. Anh tiết lộ về nỗi thống khổ của chính mình và những dằn vặt cảm xúc sau cái chết của mẹ trong tai nạn xe hơi ở Paris 20 năm trước. Anh cho biết đã phải nhờ đến tư vấn tâm lý để vượt qua thử thách này.
Trong cuộc phỏng vấn, hoàng tử Harry kể lại trải nghiệm khi anh phải đi theo linh cữu của mẹ trong khi đoàn tang chầm chậm bước qua các con phố đông nghẹt người ở London, trước đám đông người thương tiếc, khi chỉ mới lên 12, và trải nghiệm đó đã có tác động lâu dài như thế nào đối với anh.
“Mẹ tôi vừa mới qua đời, và tôi phải đi sau một chiếc quan tài với hàng chục ngàn người dõi theo tôi, trong khi hàng triệu người khác xem trên truyền hình”.
“Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ đứa trẻ nào nên bị buộc phải làm điều đó, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra ngày hôm nay”.
Hoàng tử Harry đang hẹn hò với nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle. Năm ngoái, anh chỉ trích truyền thông xâm phạm đời tư của bạn gái. Anh nói với tạp chí Newsweek rằng anh đã cố gắng sống “một cuộc sống bình thường”, bất chấp sự chú ý của toàn thế giới.
Hoàng tử nước Anh nói ngay cả nếu anh lên ngôi vua, anh cũng sẽ tự đi mua sắm cho mình.
“Thỉnh thoảng, tôi vẫn có cảm giác mình sống trong một hồ cá vàng, nhưng giờ tôi ứng phó với tình trạng này tốt hơn”.
“Mọi người sẽ rất ngạc nhiên về cuộc sống bình dị của William và tôi. Thỉnh thoảng, khi tôi ra khỏi quầy hàng thịt trong siêu thị địa phương, tôi lo lắng rằng một ai đó sẽ dùng điện thoại chụp hình tôi”.
“Nhưng tôi quyết tâm có một cuộc sống tương đối bình thường, và nếu tôi may mắn có con, chúng cũng sẽ có một cuộc sống như thế”.
Australia tái tục không kích ở Syria sau đe dọa của Nga
Australia hôm thứ Năm 22/6 cho biết sẽ tái tục các cuộc không kích ở Syria, chấm dứt thời gian đình chỉ hai ngày sau khi vụ bắn hạ máy bay quân sự Syria khiến Nga lên tiếng đe dọa máy bay của liên minh do Washington dẫn đầu.
Hôm thứ Hai 19/6, Nga tuyên bố sẽ xem các máy bay của liên minh bay về hướng tây sông Euphrates ở Syria, là các mục tiêu tiềm tàng, và sẽ theo sát các máy bay này bằng hệ thống tên lửa và máy bay quân sự, tuy nhiên, Nga không nói sẽ bắn hạ các máy bay này.
Vì lời đe dọa này, Australia hôm thứ Ba 20/6 tuyên bố đình chỉ chiến dịch không kích.
Hôm thứ Năm, quyết định tái tục không kích ở Syria được đưa ra sau khi đánh giá tuyên bố của Nga, mặc dù Australia không cho biết khi nào sẽ bắt đầu lại các cuộc không kích.
Liên Hiệp Châu Âu : nỗ lực phòng thủ chung tiến triển
Trong cuộc họp tại Bruxelles ngày 22/06/2017, Liên Hiệp Châu Âu quyết định tiến hành một loạt biện pháp để cụ thể hóa dự án phòng thủ chung : mua trang thiết bị quân sự, nghiên cứu, yểm trợ cho ngành công nghiệp vũ khí, phản ứng nhanh khi xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng từ quân sự cho đến y tế.
Theo AFP, nguyên thủ và thủ tướng chính phủ trong Liên Hiệp Châu Âu đồng thanh cam kết « tăng cường hợp tác chung để bảo vệ lãnh thổ và công dân Liên Hiệp Châu Âu cũng như để đóng góp cho hòa bình và ổn định ở vùng lân cận biên cương và xa hơn nữa ».
Biện pháp cụ thể đầu tiên là đóng góp vào Quỹ Phòng Thủ Châu Âu trước mắt 90 triệu euro và kể từ năm 2020, mỗi năm 5,5 tỷ.
Thượng đỉnh Bruxelles cũng xem xét lại ngân sách tài trợ cho các đơn vị chiến thuật gồm nhiều trung đoàn cơ động, có nhiệm vụ phản ứng nhanh mỗi khi xảy ra khủng hoảng. Cho đến nay, các đơn vị này chưa bao giờ được huy động.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Nga, đồng minh Washington thiếu nhiệt tình và Anh Quốc rút lui, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tự lo thân.
Nhận định về kết quả đạt được trong ngày hôm qua tại Bruxelles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh các tiến triển mà ông gọi là « lịch sử ». Chính sách phòng thủ chung bị dậm chân tại chỗ trong nhiều năm vì nội bộ châu Âu chia rẻ. Một bên, trong đó có Anh Quốc, muốn để cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO chủ động và bên kia là các thành viên khác, nhất là Pháp, muốn Liên Hiệp Châu Âu có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Củng cố phòng thủ chung không có nghĩa lơi là chính sách quốc phòng. Tổng thống Pháp cho biết sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng đến mức 2% tổng thu nhập quốc gia GDP kể từ năm 2025.
Kiểm soát đầu tư Trung Quốc ở châu Âu : Pháp lẻ loi
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Ủy Ban Châu Âu có thêm nhiều quyền hành để kiểm soát những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu, nhằm bảo vệ những lĩnh vực công nghiệp chiến lược. Thế nhưng, theo hãng tin AFP, các lãnh đạo khác của châu Âu, họp thượng đỉnh trong hai ngày 22 và 23/06 ở Bruxelles, sẽ bác bỏ đề nghị đó.
Vào năm ngoái, nước Đức và Liên Hiệp Châu Âu đã bất lực đứng nhìn công nghệ cao cấp « made in Germany » bị chuyển giao cho Trung Quốc qua việc tập đoàn điện tử gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất máy công cụ Kuka của Đức với giá 4,6 tỷ euro.
Từ đầu thập niên 2000, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh. Tính đến năm 2016, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã lên đến mức kỷ lục là 46 tỷ đôla, tăng đến 90% từ năm 2015.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua lại các công ty trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu, nhất là của Đức. Điều này đã gây lo ngại ngày càng nhiều, bởi vì qua những vụ mua bán, các công ty Trung Quốc, trong đó có cả các công ty Nhà nước, thâu tóm những công nghệ cao cấp của châu Âu với giá rẻ mạt một cách bất chính.
Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron đã đề nghị thiết lập ở cấp độ châu Âu một « công cụ kiểm soát các đầu tư ngoại quốc ở châu Âu », chủ yếu nhắm vào các đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Macron đã dự định đưa đề nghị này ra biểu quyết tại thượng đỉnh Bruxelles, với sự ủng hộ kín đáo của Đức.
Thế nhưng, nhiều nước châu Âu lại không muốn như thế. Theo bản dự thảo văn kiện kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, các nước này chỉ chấp nhận yêu cầu Ủy Ban Châu Âu xem xét « những nhu cầu » của Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề này. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn, đây là một « thỏa hiệp » để không làm mất mặt tổng thống Macron, một nhân vật chủ trương đẩy mạnh hợp nhất châu Âu, nên rất được ủng hộ ở Bruxelles.
Tuy đề nghị của ông chưa được thông qua, nhưng tổng thống Macron ít ra đã đạt được một điều, đó là thượng đỉnh châu Âu đề cập đến vấn đề kiểm soát một số đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm và sẽ yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu việc này.
Tổng thống Pháp nói rõ quan điểm của ông là, về thương mại, châu Âu hoàn toàn đi theo hướng tự do mậu dịch, nhưng phải biết bảo vệ lợi ích của mình khi những quốc gia khác không tuân thủ một số quy định.
Tuy vậy, như lời của ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, kiểm soát đầu tư nước ngoài là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, vì một số quốc gia như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha rất cần đến đầu tư ngoại quốc để kinh tế nước họ tiếp tục tăng trưởng, cho nên họ chống lại đề nghị của tổng thống Macron. Những quốc gia khác cũng không đồng tình với lãnh đạo Pháp, vì chủ trương của họ là phải mở cửa hoàn toàn các thị trường.
Tóm lại, làm sao dung hòa được tự do lưu thông vốn với việc bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược, đó là thách đố đang đặt ra cho các lãnh đạo châu Âu.
Pháp xử đường dây thánh chiến Cannes-Torcy
Tòa đại hình đặc biệt Paris hôm qua, 22/06/2017, đã tha bổng 2 bị cáo và tuyên án tù tới 28 năm đối với các bị cáo khác trong đường dây quân thánh chiến, gọi là đường dây Cannes-Torcy. Đó là những người đã tham gia một vụ tấn công khủng bố bằng lựu đạn ở Sarcelles (ngoại ô Paris) năm 2012, và các âm mưu khủng bố hoặc các chuyến đi sang Syria.
Đây là một trong những đường dây khủng bố nguy hiểm nhất ở Pháp, quy tụ những tay thánh chiến ở Cannes, miền nam nước Pháp và ở Torcy, ngoại ô Paris, đứng đầu là Jérémie Louis-Sydney, một nhân vật rất căm thù người Do Thái. Trợ thủ đắc lực của chỉ huy nhóm này là Jérémy Bailly.
Trưởng nhóm Louis Sydney đã bị hạ sát khi bị cảnh sát vây bắt. Lãnh án nặng nhất, 28 năm tù, là Jérémy Bailly, người đã ném lựu đạn vào một tiệm tạp hóa ở Sarcelles ngày 19/09/2012, nhưng rất may đã không có ai chết trong vụ này. Kevin Phan, tài xế của nhóm khủng bố ở Sarcelles, thì bị tuyên án 18 năm cấm cố.
Nhóm bị cáo gọi là « nhóm Syria », tức là nhóm đã sang Syria rồi trở về để chuẩn bị các vụ khủng bố ở Pháp, thì lãnh án tù từ 14 đến 20 năm cấm cố.
Nói chung các bản án được tuyên hôm qua thấp hơn so với những bản án được đề nghị.
Vụ xử đường dây thánh chiến Cannes-Torcy cũng là dịp để người ta hiểu được một số thanh niên Pháp đã trở nên cực đoan và đi theo thánh chiến Hồi Giáo như thế nào. Vụ xử này khởi đầu cho một loạt vụ xử khác, đặc biệt là vụ xử các thủ phạm và đồng lõa các vụ tấn công khủng bố năm 2015 tại Pháp.
Cũng hôm qua, chính phủ mới của tổng thống Emmanuel Macron đã họp bàn về dự luật chống khủng bố, đưa vào luật hình sự một số điều khoản mà cho tới nay nằm trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, những các nhà hoạt động và các tổ chức bảo vệ các quyền tự do chỉ trích dự luật này.
Triển lãm Le Bourget:
Những chân trời mới của hàng không-không gian
Sau 4 ngày dành riêng cho giới chuyên nghiệp và báo chí, ngày 23/06/2017, Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget lần thứ 52 ( diễn ra 2 năm một lần ) bắt đầu đón tiếp công chúng cho đến ngày 25/06.
Cũng như mọi năm, Le Bourget thu hút rất đông khách tham quan, vé bán trên mạng đã gần hết, ai chậm chân sẽ không có dịp để vào chiêm ngưỡng tận mắt hàng trăm máy bay đủ các loại, trong đó có một số kiểu máy bay mới, như A321neo và A350-1000 của tập đoàn châu Âu Airbus hay Boeing 787-10 “Dreamliner” và 737 Max 9 của tập đoàn Mỹ Boeing, hay Antonov 132 D của Nga.
Về các màn bay biểu diễn thì ngoạn mục nhất vẫn là của các chiến đấu cơ phản lực và đặc biệt lần đầu tiên từ nhiều năm qua, một chiến đấu cơ phản lực của Mỹ trở lại triển lãm Le Bourget, đó là chiếc F-35A của Không lực Hoa Kỳ, do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Nhưng ngoài những sự kiện quen thuộc nói trên, năm nay, lần đầu tiên triển lãm Le Bourget dành riêng một khu để giới thiệu những sáng chế mới trong ngành hàng không không gian. Khu này được đặt tên là Paris Air Lab.
Paris Air Lab nằm trong gian triển lãm Concorde của Bảo tàng Hàng không và Không gian, nơi trưng bày chiếc máy bay siêu âm nay đã đi vào huyền thoại Concorde. Trong gian triển lãm rộng đến hơn 2.000 m2 này, không chỉ có những tập đoàn hay cơ quan lớn trong ngành không gian, mà còn có cả những công ty khởi nghiệp start-up. Chẳng hạn như những công ty khởi nghiệp Pháp tập hợp trong một nhóm có tên là VR Connection, chuyên về lĩnh vực thực tế ảo. Có mặt tại Paris Air Lab, một đại diện của VR Connection giới thiệu về máy mô phỏng lái trực thăng do họ thiết kế :
« Riêng cho Triển lãm Le Bourget, chúng tôi đã chế tạo ra máy mô phỏng lái trực thăng này, tái tạo toàn bộ các cảm giác trong buồng lái, dựa trên một cái ghế đặc biệt có 6 trục. Ngồi trong buồng lái này chúng ta sẽ cảm nhận mọi sự chuyển động của trực thăng rất giống như thật.
Về nội dung thì chúng tôi thiết kế một giao diện thực tế ảo với toàn bộ các bộ phận điều khiển trực thăng. Không chỉ làm cho chúng ta có cùng những cảm giác của một phi công lái trực thăng, mà máy mô phỏng này còn tạo ra những hình ảnh như thật bên ngoài buồng lái và tạo ra những tình huống như chúng ta đang lái trực thăng thật.
Dự án này sẽ được thương mại hóa trong vài tháng tới. Chúng tôi hiện đang thảo luận với các nhà công nghiệp để tung ra thị trường. Máy mô phỏng lái trực thăng này sẽ được sử dụng trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, và cả trong lĩnh vực giải trí, vì ở Pháp hiện nay có rất nhiều phòng thực tế ảo nằm rải rác khắp nơi. Chúng tôi sẽ đưa máy mô phỏng lái trực thăng này vào thị trường giải trí đó để người sử dụng tận hưởng trải nghiệm này. »
Máy mô phỏng lái trực thăng này là một phần của lĩnh vực kỹ thuật số và những ứng dụng mới trong ngành hàng không và không gian, theo lời đại diện của VR Connection :
« Tôi nghĩ là, trong lĩnh vực hàng không và không gian, đây là một công nghệ rất cần thiết, vì có rất nhiều khâu đào tạo và tập luyện không thể được tiến hành trên không và nhất là trong không gian, mà phải cần đến kỹ thuật thực tế ảo, không cần dùng đến vật liệu nào, không gây nguy hại cho người được đào tạo và thực tập. »
Paris Air Lab còn là nơi giới thiệu những máy bay của tương lai, và vào đây thì khách tham quan sẽ trầm trồ thán phục trước một kiểu « xe bay » y như trong phim khoa học giả tưởng. Thật ra thì chiếc « xe bay » của công ty Slovaquie AeroMobil chưa hẳn là những chiếc xe bay đi bay lại bên trên các đường phố như ta thấy trong phim, mà là những chiếc xe chạy bình thường trên đường, nhưng có thể chuyển đổi thành máy bay để bay từ sân bay này đến sân bay kia. Ông Hugues Le Cardianal, một đại diện của công ty AeroMobil, giải thích :
« Đây không phải là chuyện khoa học giả tưởng, mà đã là thực tế. AeroMobil là một công ty của Slovaquia, đã cho bay thử 3 mẫu xe bay. Mẫu xe đầu tiên đã bay từ năm 2010, tức là cách đây 7 năm rồi. Và chúng tôi đã thiết kế chiếc xe mà ông nhìn thấy trước mặt ông. Đây là một chiếc xe đáp ứng những tiêu chuẩn, những quy định ngành hàng không lẫn ngành xe hơi. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là làm sao chiếc xe này được chứng nhận là một máy bay, và được đăng ký như là xe hơi vào khoảng năm 2019. Chúng tôi dự trù sẽ bắt đầu sản xuất ngay từ năm đó, để có thể giao những chiếc đầu tiên vào năm 2020.
Như vậy là khác với những dự án khác, chỉ chế tạo những mẫu xe bay mang tính chất nghiên cứu, chúng tôi không còn trong giai đoạn nghiên cứu nữa, mà đã chuyển hẳn sang giai đoạn thiết kế, đăng ký và sản xuất.
Chiếc xe bay này là giải pháp di chuyển cho những đoạn đường dài khoảng 700 km. Nếu đi bằng xe bình thường thì rất lâu, đi bằng máy bay nhỏ thì nhanh hơn nhiều, nhưng khi đáp xuống sân bay nhỏ, ta lại phải tìm mướn một chiếc xe, mà sân bay nhỏ thường nằm ở những nơi hẻo lánh, không dễ gì mà kiếm được xe.
Chiếc « xe bay » mà chúng tôi thiết kế rất phù hợp cho những đoạn đường dài khoảng 700 km. Cụ thể là chúng ta lái xe này đến sân bay, rồi chuyển xe hơi thành máy bay, tức là mở hai cánh bay và cánh quạt ra, rồi cất cánh. Sau khi đáp xuống sân bay kia, chúng ta lại chuyển máy bay trở lại thành xe hơi, rồi lái tới điểm đến.
Đây là một phương tiện giao thông mới, và hiện giờ thì cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn phù hợp với phương tiện mới này. Nhưng công ty AeroMobil của chúng tôi nghĩ tới khả năng là trong những năm tới, dọc theo các xa lộ người ta sẽ xây « phi đạo » dài khoảng 400 mét để loại xe mới này cất cánh và hạ cánh. »
Nhưng chiếc « xe bay » được trưng bày tại Triển lãm Le Bourget chỉ là khởi đầu cho những dự án khác của công ty AeroMobil trong tương lai, như lời ông Hugues Le Cardinal:
« Chiếc xe trước mặt chúng ta là chiếc 2 chỗ. Chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 500 chiếc như vậy, giá của nó vẫn còn khá đắt. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi dự trù chế tạo những chiếc có kích thước lớn hơn, phù hợp hơn với việc di chuyển trên đoạn đường 700 km. Ngoài ra, để sử dụng loại xe này, ta phải có bằng lái xe và bằng lái máy bay.
Trong tương lai, chúng tôi còn có dự án chế tạo những xe bay tự động vì hiện nay đã có rất nhiều công nghệ về máy bay không người lái. Cái này thì còn là chuyện khoa học giả tưởng và hiện giờ, tôi nghĩ là chắc chưa có ai sẳn sàng ngồi lên chiếc « xe bay » tự động, bấm nút để nó tự cất cánh và hạ cánh. Nhưng nên nhớ rằng trong ngành chế tạo xe hơi, người ta đang phát triển ngày càng nhiều kiểu xe tự động mà trong vài năm nữa, chúng ta có thể sử dụng được. »
Đến với Paris Air Lab, khách tham quan cũng sẽ có dịp tìm hiểu những phát triển mới trong ngành không gian, chẳng hạn như qua dự án Altair, tức là dự án của châu Âu phóng các vệ tinh nhỏ với chi phí rât thấp, một dự án đáp ứng rất đúng nhu cầu hiện nay. Dự án được thực hiện bởi cơ quan ONERA, trực thuộc bộ Quân Lực ( Quốc Phòng ) Pháp. Ông Gérald Ordonneau, giám đốc chương trình phóng vệ tinh của ONERA, cho biết :
« Từ mấy năm qua đã có nhiều thay đổi lớn trong ngành không gian, với sự xuất hiện của rất nhiều vệ tinh cỡ nhỏ. Cho nên rất cần phải giảm chi phí phóng vệ tinh qua việc thiết kế các hệ thống có thể sử dụng lại được.
Có nhiều cách để sử dụng lại các hệ thống phóng vệ tinh, chẳng hạn như qua hệ thống SpaceX của Mỹ, nhưng trong khuôn khổ dự án của Pháp, chúng tôi phát triển những giải pháp khác thông qua dự án Altair, chế tạo một hệ thống phóng vệ tinh, với tầng một là một máy bay tự động có thể sử dụng lại được và tầng thứ hai là tên lửa cổ điển. Nhưng hệ thống này gây rất ít ô nhiễm, vì với việc gia tăng phóng vệ tinh, chúng ta cũng phải chú ý đến tác động môi trường. »
Còn theo lời cô Julie Gauvrit-Ledogar, nhà khoa học của ONERA, chưa tới 10 năm nữa, hệ thống phóng vệ tinh nói trên sẽ được đưa vào sử dụng :
« Trong khuôn khổ dự án Altair, chúng tôi dự trù sẽ đưa các hệ thống phóng vệ tinh đó vào hoạt động vào khoảng năm 2025. Hiện giờ chúng tôi đang trắc nghiệm tính kinh tế của dự án, để từ đó tiến hành lập kế hoạch kinh doanh và nghiên cứu thị trường, để có thể tung ra thị trường vào năm 2025.
Chúng tôi thực hiện dự án này cùng với 7 đối tác châu Âu, như Piaggio của Ý, SpaceTec của Bỉ, Đại học Bách khoa Zurich của Thụy Sĩ, Nammo của Na Uy. Ở Pháp thì chúng tôi cộng tác với cơ quan nghiên cứu Bertin và Trung tâm Nghiên cứu Không gian Quốc gia CNES. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác này hệ thống phóng vệ tinh mới được đưa vào sử dụng. »
Nhận xét
Đăng nhận xét