Quản lý sim điện thoại ở Việt Nam và "chuyện không đùa" về số an sinh xã hội của người Mỹ

Hiệu Minh | 

Quản lý sim điện thoại ở Việt Nam và "chuyện không đùa" về số an sinh xã hội của người Mỹ

Câu chuyện quản lý sim điện thoại sẽ luôn là chủ đề nóng hổi cho đến khi mỗi chúng ta không còn cầm chúng trên tay nữa.

Việt Nam "thả ga" hơn Mỹ về…SIM thẻ
Phải nói ngay rằng, bên Mỹ, việc quản lý sim điện thoại chặt chẽ hơn Việt Nam nhiều. 
SIM được nối với hệ thống của cảnh sát nên ai đó gọi báo cháy, cấp cứu là họ biết ngay chủ nhân thông qua số an sinh xã hội. 
Bọn khủng bố, trộm cướp, buôn lậu… mà dùng SIM đăng ký để "tác nghiệp" thì chắc chắn bị truy rõ danh tính sau một nốt nhạc. Chưa kể, với công nghệ hiện nay, một cuộc gọi mobile sẽ bị cảnh sát tìm ra chính xác tọa độ GPS của người gọi. 
Ở những xứ sở luôn đề cao tự do như Mỹ, thì việc quản lý những thứ như sim, thẻ điện thoại lại rất chặt chẽ, để ngăn ngừa người này xâm hại tự do của người khác. Không ai có thể dùng điện thoại để trêu đùa, quấy rối người khác mà không bị trả giá. 
Quản lý sim điện thoại ở Việt Nam và chuyện không đùa về số an sinh xã hội của người Mỹ - Ảnh 1.
Làm gì có chuyện mua SIM mà không đăng ký rõ ràng hàng loạt thông tin về nhân thân. Làm gì "ở bển" có chuyện SIM bán bừa bãi ở mọi ngõ phố và chỉ cần đăng ký qua quýt như ở Việt Nam, dùng vài tháng lại vứt. 
Cứ thử nghĩ xem: Dân số Việt Nam hơn 90 triệu nhưng có tới 120 triệu thuê bao di động. Từ trẻ sơ sinh đến cụ già 100 tuổi, trung bình mỗi người sở hữu 1,3 SIM của ông alo. 
Nếu không quản lý chặt tên tuổi, địa chỉ nơi ở, CMTND, thì chắc loạn. Tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi quấy rầy khách hàng mua bất động sản, mua bảo hiểm (tele sale)…cũng từ chỗ quản lý chưa chặt mà ra.
"Bảo bối" không được lộ cho ai, lể cả vợ chồng con cái bố mẹ 
Hồi mới sang Mỹ (2004) làm việc, bên nhân sự email nói, phải đi làm thẻ an sinh xã hội (social security) ngay vì có nhiều việc cần đến sau này. 
Tôi chả hiểu là cái gì vì có hộ chiếu, có visa, có tiền trong ngân hàng do văn phòng trả, cứ rút tiền mặt mà tiêu, hưu thì về Hà Nội, cắc cớ gì mà thẻ an sinh. 
Nhưng rồi vẫn phải đi mất nửa ngày chờ đợi, khai hồ sơ, nộp ảnh, copy hộ chiếu. 
Quản lý sim điện thoại ở Việt Nam và chuyện không đùa về số an sinh xã hội của người Mỹ - Ảnh 2.
Thông tin về nhân thân phải có hai hồ sơ chứng minh "anh chính là anh", nghĩa là giấy khai sinh, hộ chiếu, giấy phép làm việc, bằng lái xe, để chứng tỏ các thông tin về ngày sinh, ảnh và người là nhất quán. 
Trẻ em dưới 12 tuổi ngồi nhà đợi bố mẹ làm giúp. Nếu trên 12 tuổi phải đến văn phòng để giám sát viên "hỏi cung" vài thông tin cho chắc. 
Sau 2 tuần họ gửi cho tờ in bằng bàn tay có số an sinh không cần có ảnh và dặn không được lộ số này cho ai, kể cả vợ chồng, con cái, bố mẹ, vì có thể bị lợi dụng sau này. 
Xem xong rồi vứt xó. ­Bỗng một hôm muốn đi thi bằng lái xe mà hồ sơ phải có số an sinh kia. Hóa ra cái số này quan trọng và đi đâu chỉ cần nói số đó là đủ mà không cần trình bản gốc. 
Ở Mỹ trên chục năm mà tôi chịu không thể nhớ số này cho dù số phôn của người đẹp thì làu làu. 
Mua xe cũng phải giơ số đó ra, làm credit card cũng số ấy, và thuê, mua nhà, không có số an sinh đừng nói chuyện với bên dịch vụ. Gọi số an sinh là CMTND, hộ khẩu kể cả hộ chiếu cũng đúng trong nước Mỹ nhưng là CMT không có ảnh. 
Nếu có bằng lái xe bao gồm ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ và chắc là có số an sinh ẩn vào mã vạch, chỉ cần cái bằng đó là đủ đi khắp 50 bang nước Mỹ. 
"Công dân không ra gì" và chuyện hạn chế rác rưởi 
Làm bên Mỹ được vài tháng, quen bác Việt kiều trong khu bảo tôi, mua xe, mua nhà bên Mỹ dễ như mua rau. 
Mình tưởng thật. Tìm đến ngân hàng môi giới xin mua nhà. Kiểm tra một chút trên mạng, họ báo credit score (điểm tín dụng) của tôi rất xấu, không đủ tiêu chuẩn. 
Hỏi tại sao thì được giải thích, đó là vì không vay tiền, không trả nợ, credit score không tính được. 
Hóa ra, tôi dùng thẻ tín dụng Vietcombank, không vay tiền Mỹ bao giờ. Nhà đang thuê trả tiền mặt, chủ nhà bao hết các loại dịch vụ. Tóm lại, trong mắt ngân hàng Mỹ, tôi là loại công dân không…ra gì. 
Người Mỹ đàng hoàng lại phải biết vay tiền để tiêu pha và chỉ cần nhớ trả lãi đúng hạn. Vay để kinh doanh càng tuyệt, càng nhiều càng tốt. 
Bạn giàu có, ngân hàng lãi, nhà nước thu thuế, lợi đủ đường, win-win. Nếu không vay mượn, bạn chỉ là dân … ngáng chân phát triển. 
Anh ta khuyên tôi nên mua một cái ô tô trả góp đúng hạn. Một năm sau tới đây, hãy bàn chuyện mua nhà. 
Lãi ngân hàng cho mua nhà là 5,90%/năm (thời điểm 2006) với credit score hiện thời. 
Nhưng sau một năm, anh chứng minh là một công dân "ngoan ngoãn", điểm tốt (khoảng 720-850), tùy theo một trong 3 hãng xét credit: Equifax, TransUnion and Experian và FICO, thì lãi suất có thể là 4%/năm. 
Thông thường, mất vài năm để có "điểm" với ngân hàng. Thuê nhà, dùng điện thoại, tivi cáp, điện, nước, điện thoại, cellphone, mua xe hơi trả góp, thẻ tín dụng "xoẹt xoẹt", nhìn vào chi phí và lịch sử trả tiền đúng hẹn cũng sàng lọc ra công dân nào là "ngoan". 
Các công ty dịch vụ báo cáo về thanh toán của khách hàng cho trung tâm quản lý credit score. Nếu sai hẹn, bị phạt tiền lãi, cắt dịch vụ và quan trọng hơn là lý lịch "chây ì" trong trả nợ sẽ bị ghi lại. Credit score được ghi vào thẻ an sinh xã hội của từng người. 
Ngân hàng cho vay tiền dựa trên credit score. Điểm thấp (trả nợ kém) thì lãi suất cao, người có thói quen trả đúng hạn (credit score cao) lại hưởng lãi suất ưu đãi. Điểm thấp rất khó thuê nhà vì họ sợ vào ở rồi chây ỳ không trả tiền.
Người "ngoan" mua hay thuê nhà khá dễ vì ngân hàng rất thích các ông khách này do họ có việc làm, có tiền trong tài khoản đủ chi trả. 
Mục đích của họ là nuôi con "vịt béo" này trong 20-30 năm, "vịt" không mất việc sẽ đóng góp cho ngân hàng một khoản tiền lãi khổng lồ, mỗi ngày dăm chục đô. 
Đi xe bị vé phạt như quá tốc độ, say rượu, phạm tội, án tù, đều bị ghi vào thẻ an sinh. Cảnh sát tóm được chỉ cần dùng cái giấy phép lái xe hay số thẻ an sinh có thể tìm ra "lý lịch cá nhân" của người đó vì hệ thống IT quản lý toàn bộ 50 bang. 
Mua SIM điện thoại bên Mỹ khá đơn giản, bởi sự phức tạp trong thủ tục đã được công nghệ thông minh giải quyết. 
Bên bán hàng sẽ hỏi bằng lái xe hoặc ID, nếu không có thì trình hộ chiếu hoặc dùng số an sinh để biết chắc chắn chủ SIM là ai. Không cần thêm thủ tục gì khác. 
Với hơn 320 triệu dân Mỹ ở 50 bang với 7 múi giờ từ bờ Đông sang Hawaii, chính quyền và bên dịch vụ chỉ biết một số an sinh, thêm cái bằng lái xe hoặc ID có ảnh, là đủ quản lý quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, đa chính trị thuộc hàng phức tạp nhất trên trái đất. 
Hạn chế rác rưởi và tội phạm nảy sinh từ cái alo là việc phải làm, nhưng hãy nhớ bây giờ là thời đại 4.0 chứ không còn là 2.0 nữa. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn