Tin khắp nơi – 26/06/2017

Tin khắp nơi – 26/06/2017

Trump bỏ tiệc Eid của đạo Hồi ở Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ truyền thống đã có từ 20 năm ở Nhà Trắng bằng quyết định không tổ chức tiệc mừng ngày kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Sự kiện này từng được tổ chức hàng năm kể từ thời Tổng thống Bill Clinton.
Lễ hội Eid al-Fitr kết thúc tháng Ramadan, là giai đoạn người Hồi giáo nhịn ăn ban ngày khi có nắng mặt trời, và tập trung vào làm việc thiện.
Tuy nhiên, tin tức nói Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã từ chối yêu cầu tổ chức một buổi tiệc mừng lễ Eid năm nay.
Hồi tháng Năm, hãng tin Anh Reuters đưa tin ông Tillerson đã từ chối đề nghị của Văn phòng Tôn giáo và Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra về việc tổ chức tiệc nhân dịp Eid.
Ông Trump trước đây từng bị chỉ trích về viêc có những lời phát biểu chống người Hồi giáo, trong đó gồm của việc ông kêu gọi giám sát các nhà thờ đạo Hồi ở Mỹ trong quá trình vận động tranh cử.
Chỉ chúc mừng nhưng không mở tiệc
Tuy thế, ông Trump nói trong một thông cáo: “Thay mặt nhân dân Mỹ, Melania và tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến người Hồi giáo nhân dịp lễ Eid al-Fitr”.
“Người Hồi giáo ở Mỹ cùng những người Hồi giáo trên toàn thế giới trong tháng Ramadan tập trung vào làm các công việc tín ngưỡng và thiện nguyện. Giờ đây, khi họ kỷ niệm lễ Eid với gia đình và bạn bè, họ sẽ tiếp tục truyền thống giúp đỡ láng giềng và cùng chia sẻ bánh mỳ với người dân từ mọi tầng lớp xã hội.
“Trong dịp lễ này, chúng ta lại nhớ đến tầm quan trọng của sự bao dung, lòng trắc ẩn và thiện chí. Cùng với người Hồi giáo trên toàn thế giới, nước Mỹ tiếp tục cam kết tôn trọng những giá trị đó. Eid Mubarak.”
Ông Tillerson cũng đưa ra một thông cáo ngắn, gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả người Hồi giáo ăn mừng Eid al-Fitr.”
Bữa tiệc Iftar (tên một bữa ăn được tổ chức sau hoàng hôn, khi người Hồi giáo ngừng nhịn ăn) tại Nhà Trắng đầu tiên được cho là do Tổng thống Thomas Jefferson tổ chức năm 1805 để đón một vị sứ phần của Quốc vương Tunisia.
Ý tưởng tổ chức tiệc nhân dịp Eid được bà Hillary Clinton làm sống lại ở cương vị Đệ nhất Phu nhân vào năm 1996.
Từ năm 1999, bữa tiệc này trở thành truyền thống hàng năm và thường có các nhà lãnh đạo, ngoại giao và lập pháp người Hồi giáo có tiếng tăm ở Hoa Kỳ tham dự.

TQ đưa Lưu Hiểu Ba vào viện ‘vì bị ung thư’

Ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã được đưa đến bệnh viện với lý do nhân đạo sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Ông Lưu là một nhà vận động nhân quyền, đấu tranh đòi dân chủ và bị bỏ tù hồi 2009 với tội danh kích động lật đổ chính quyền.
Luật sư của ông nói ông đang được điều trị trong bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh ở miền bắc Trung Quốc, sau khi được chẩn đoán bệnh cách đây khoảng một tháng.
Vợ ông, bà Lưu Hà, đã bị quản chế tại gia kể từ khi chồng bà được giải hồi 2010, nhưng chưa bao giờ bị cáo buộc tội gì.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, là lãnh đạo chủ chốt của phong trào biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989.
Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ông Lưu đã được đề nghị cho tỵ nạn tại Tòa đại sứ Australia, nhưng ông quyết định ở lại Trung Quốc để đấu tranh cho dân chủ.
Giới chức Trung Quốc chưa bao giờ giải thích lý do khiến họ hạn chế việc đi lại của vợ ông.
Người anh em trai của ông Lưu xác nhận rằng ông đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào hôm 23/5, luât sư của ông là Mạc Thiếu Bình nói với tờ South China Morning Post.
Ủy ban Nobel nói ông Lưu Hiểu Ba là “biểu tượng xuất sắc nhất” về sự đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc.
Ông chưa bao giờ tới nhận giải và đã được đại diện bằng một chiếc ghế trống.
Chính quyền Trung Quốc coi ông là tội phạm và đã rất tức giận về việc trao giải.
Quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với Na Uy sau đó đã bị đóng băng và mới chỉ được bình thường hóa trở lại hồi tháng Mười Hai vừa qua.
Ông còn ba năm nữa mới hết mức án 11 năm tù về tội “xúi giục lật đổ” sau khi soạn thảo Hiến chương 08 với nội dung kêu gọi nền dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền tại Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói lẽ ra ông không bao giờ phải ngồi tù.
Tổ chức này thúc giục Trung Quốc hãy đảm bảo để ông được “chữa trị y tế thích hợp, được tiếp xúc với gia đình, và để ông cùng tất cả những người khác đang bị giam cầm được hưởng quyền con người ngay lập tức, vô điều kiện”.

Hãng túi khí Nhật Takata nộp đơn phá sản

Nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Takata nộp đơn phá sản ở Mỹ và Nhật và đang đối mặt với trách nhiệm bồi thường lên đến 9 tỷ đôla.
Túi khí do hãng này sản xuất bị lỗi, liên quan đến ít nhất 17 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Takata trước đó thừa nhận một số bộ phận bơm phồng túi khí của họ bung ra với lực quá mạnh và làm văng mảnh kim loại vào xe.
Công ty Key Safety Systems (KSS) đặt tại Mỹ mua tất cả tài sản của Takata, ngoài bộ phận liên quan đến túi khí.
Thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ đôla được công bố sau khi công ty Nhật nộp đơn xin bảo vệ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ, và động thái tương tự được tiến hành tại Nhật.
Giám đốc điều hành KSS Jason Luo cho biết: “Dù Takata bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi túi khí trên toàn cầu, hãng này vẫn còn có thế mạnh về nhân viên có tay nghề và các sản phẩm nổi bật như vô lăng, dây đeo an toàn và các sản phẩm an toàn khác”.
Hơn 100 triệu xe với túi khí Takata, gồm khoảng 70 triệu xe ở Mỹ, bị triệu hồi từ khi mối quan ngại đầu tiên về vụ này xuất hiện vào năm 2007.
Đây là vụ thu hồi với lý do an toàn lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô.
Tháng 1/2017, Takata đồng ý nộp phạt 1 tỷ đôla ở Mỹ vì che giấu lỗi nguy hiểm khiến túi khí trên xe phát nổ.
Takata trả khoản phạt 25 triệu đôla, bồi thường 125 triệu đôla cho những người bị thương vì túi khí của họ và 850 triệu đôla cho các hãng xe sử dụng sản phẩm này.
Nhưng hãng đang phải đối mặt với các vụ kiện khác ở Hoa Kỳ và trách nhiệm bồi thường lên đến 9 tỷ đôla.
Giao dịch cổ phiếu Takata bị đình chỉ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, và công ty sẽ bị hủy bỏ niêm yết cuối tháng tới.

Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Ấn Độ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 26/6 đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại tòa Bạch ốc. Buổi gặp gỡ được nói là nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân mặc dù hai nhà lãnh đạo có nhiều quan điểm khác nhau chẳng hạn như về biến đổi khí hậu hay vấn đề nhập cư.
Hãng AFP cho biết trên trang Twitter của mình, nhà lãnh đạo chính quyền Washington đã gọi Thủ tướng Ấn Độ là người bạn thực sự của ông, còn ông Modi nói rằng ông rất mong đợi những tiến triển trong mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump.
Nhận xét về buổi gặp mặt, một quan chức cao cấp của Ấn Độ cho biết rất hy vọng về sự hòa hợp giữa hai nhà lãnh đạo, trong khi một quan chức Mỹ nói rằng hai ông có nhiều điểm chung.
Tin cho biết thêm rằng hai nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau ăn tối tại tòa Bạch ốc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  sẽ là người nước ngoài đầu tiên dùng bữa tại Nhà Trắng với mục đích làm việc dưới chính quyền mới của Hoa Kỳ.

Tổng thống Hàn Quốc thăm Hoa Kỳ

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In sẽ gặp gỡ với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tuần này để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, trong lúc Bình Nhưỡng phản đối các biện pháp chế tài quốc tế áp đặt đối với Bắc Triều Tiên.
Trong vấn đề chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Hàn, hai vị tổng thống của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã không có đồng quan điểm. Tổng thống Moon cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng, trong khi Tổng thống Trump từng tuyên bố có thể sử dụng biện pháp quân sự.
Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis khẳng định Bắc Hàn là “mối đe dọa khẩn cấp và nguy hiểm”, và Tổng thống Donald Trump cũng đặt vấn đề ngưng chương trình võ khí của Bình Nhưỡng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Mặc dù Seoul có thể là mục tiêu bị trả đũa đầu tiên của Bình Nhưỡng, nhưng các nhà phân tích cho rằng buổi gặp gỡ của hai vị tổng thống Hàn Quốc-Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ không bàn thảo về những quan điểm khác biệt giữa hai ông.

Nhiều website chính phủ Mỹ

bị tấn công với thông điệp ủng hộ IS

Nhiều trang mạng của chính phủ tiểu bang và địa phương Hoa Kỳ đã bị tấn công hôm Chủ nhật, hiển thị thông điệp ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Thông điệp đó có đoạn viết:
“Trump, ngươi sẽ phải chịu trách nhiệm, ngươi và tất cả dân chúng của ngươi, cho từng giọt máu đổ ra ở các nước Hồi giáo”, và kết thúc bằng “Tôi yêu Nhà nước Hồi giáo”.
Bị tác động nặng nhất là bang Ohio, nơi các hacker tấn công trang mạng của Thống đốc John Kasich và phu nhân Karen Kasich, cũng như Tổng Thanh tra tiểu bang, cơ quan Y tế, Cục Cải huấn & Phục hồi cùng các cơ quan khác.
“Ngay khi được thông báo về tình hình, chúng tôi đã lập tức xử lý và sẽ tiếp tục theo dõi cho đến khi giải quyết xong”, văn phòng Thống đốc Kasich thông báo.
Tin tặc còn nhắm vào các website của quận hạt Howard, bang Maryland và Brookhaven của bang New York.
Một số trang web đã được khôi phục vào chiều tối Chủ nhật. Những trang khác đã được gỡ xuống sau khi bị tấn công và vẫn chưa hoạt động trở lại vào sáng thứ Hai.
Một nhóm có tên là Team System DZ đã nhận trách nhiệm về các vụ tin tặc.

Chiến hạm Mỹ không phản ứng trước cảnh báo va tàu?

Tàu khu trục Mỹ USS Fitgerald đã không phản ứng trước các tín hiệu cảnh báo, cũng không có bất cứ động thái nào để tránh trước khi xảy ra vụ va tàu khiến cho 7 thủy thủ thiệt mạng, theo Reuters, trích dẫn một báo cáo của thuyền trưởng tàu chở hàng Philippines về tai nạn đụng tàu trên biển Nhật Bản hồi tuần trước.
Nhiều cuộc điều tra do Hoa Kỳ và Nhật Bản đang được xúc tiến để xác định nguyên nhân khiến khu trục hạm USS Fitzgerald và tàu chở hàng ACX Crystal, có trọng tải lớn hơn nhiều so với tàu khu trục, va vào nhau ở phía Nam vịnh Tokyo vào sáng sớm ngày 17/6 trong các điều kiện thời tiết bình thường.
Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo chi tiết đầu tiên của một trong những người liên quan trực tiếp đến tai nạn, là thuyền trưởng tàu chở hàng ACX Crystal, khai rằng ông đã báo hiệu bằng đèn chớp sau khi tàu Fitzgerald “bất ngờ” xuất hiện, cắt ngang lộ trình của tàu hàng.
Tàu chở hàng của Philippines đã phải bẻ lái mạnh về hướng bên phải để tránh tàu chiến Mỹ, nhưng vẫn va vào tàu Fitzgerald 10 phút sau đó, vào lúc 1:30 sáng, theo bản báo cáo của thuyền trưởng Ronald Advincula gửi cho chủ tàu Nhật Bản, Dainichi Investment Corporation, mà Reuters được xem qua.
Hải quân Hoa Kỳ không bình luận và Reuters cũng không kiểm chứng được một cách độc lập bản báo cáo này.
Vụ va chạm đã khiến mạn tàu nằm dưới mặt nước của USS Fitzgerald bị hư hỏng nặng, làm thiệt mạng 7 thủy thủ. Đây được xem là tai nạn gây tử vong nhiều nhất của hải quân Mỹ kể từ sau vụ đánh bom chiến hạm USS Cole tại cảng Aden, Yemen, hồi năm 2000.
Các nạn nhân thiệt mạng trong khi đang ở trong khoang buồng ngủ, chỉ huy tàu Fitzgerald bị thương trong cabin của ông, cho thấy không hề có chuông cảnh báo trước khi va chạm xảy ra.
Phát ngôn viên của Đệ thất Hạm đội Hải quân Hoa Kỳ tại Yokosuka, bến cảng chính của USS Fitzgerald, nói ông không thể bình luận về một cuộc điều tra đang được xúc tiến.
Tai nạn này đã dẫn tới sáu cuộc điều tra khác nhau, gồm hai cuộc điều tra nội bộ của Hải quân Hoa Kỳ và một cuộc điều tra của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ (USCG), thay mặt cho Ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Ban An toàn Giao thông của Nhật Bản, lực lượng tuần duyên Nhật và chính phủ Philippines cũng tiến hành các cuộc điều tra riêng biệt.
Các cuộc điều tra sẽ kiểm chứng lời khai của các nhân chứng và các dữ liệu điện tử để xác minh tại sao một tàu khu trục hải quân được lắp đặt hệ thống radar tinh vi, lại có thể để cho một chiếc tàu lớn gấp ba lần va vào.
Một trọng tâm khác của các cuộc điều tra là khoảng thời gian trước khi tàu ACX Crystal báo cáo tai nạn đụng tàu.
Tuần duyên Nhật Bản cho biết họ được thông báo lần đầu vào lúc 2 giờ 25 phút sáng, gần một giờ sau khi tai nạn xảy ra.
Trong báo cáo của ông, thuyền trưởng tàu ACX Crystal nói có “tình trạng hoang mang” ở bộ phận chỉ huy tàu, tàu đã quay ngược và trở về hiện trường vụ va tàu, sau khi đã đi tiếp thêm 6 hải lý (11 km).
Dữ liệu vận chuyển của Thomson Reuters Eikon cho thấy tàu ACX Crystal, do công ty Nippon Yusen KK của Nhật Bản thuê, đã quay ngược mũi tàu trong khoảng thời gian giữa 12:58 đến 2:46 sáng.

Đảng viên Dân chủ hàng đầu chỉ trích ông Obama

Thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 25/6 đã chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã không hành động sớm và mạnh hơn với Nga trước những cáo buộc rằng nước này dùng tin tặc để xoay chuyển cuộc bầu cử Mỹ, theo Reuters.
“Chính quyền của ông Obama đáng lẽ phải hành động nhiều hơn nữa khi chuyện trở nên rõ ràng rằng không chỉ Nga can thiệp mà nó còn được chỉ đạo ở các cấp cao nhất của điện Kremlin”, dân biểu Adam Schiff nói trong chương trình “State of the Union” của kênh CNN.
Chính quyền của ông Obama tháng 12 năm ngoái đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga, cáo buộc họ có liên hệ tới một vụ tấn công mạng nhắm vào hai tổ chức chính trị trong cuộc bầu cử, nhưng các biện pháp đó quá nhẹ và quá muộn, ông Schiff được Reuters trích lời nói.
Ông Schiff và người đồng nhiệm trong Thượng viện Mỹ, Dianne Feinstein, tháng Chín năm ngoái đã ra một tuyên bố được coi là bất thường, lên án Nga thực hiện các vụ tin tặc.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson tuần trước nói với một ủy ban của quốc hội Mỹ rằng có sự trì hoãn giữa thời điểm FBI lần đầu tiên liên lạc với Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ về việc Nga tấn công máy chủ của tổ chức này và thời điểm ông được thông báo tại Bộ An ninh Nội địa.
Ông Johnson, người phục vụ dưới thời của Tổng thống Barack Obama, cho biết như vậy, khi ông ra khai chứng về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc :

chận mối đe dọa Bắc Triều Tiên là ưu tiên

Ngăn chận mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và cân bằng quan hệ Mỹ-Trung là ưu tiên số một của tân đại sứ Mỹ Terry Branstad. Trên đây là nội dung thông điệp của nhân vật được mệnh danh là « người bạn » của Trung Quốc, tân đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh công bố ngày 26/06/2017.
Theo Reuters, trong một thông điệp video gửi nhân dân Trung Quốc, tân đại sứ Mỹ Terry Branstad cho biết ba vấn đề quan trọng nhất trong nhiệm kỳ sắp tới là tái lập quân bình trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, hóa giải mối đe dọa an ninh của Bình Nhưỡng và phát huy quan hệ hữu hảo giữa nhân dân hai nước Mỹ-Trung.
Thông điệp của đại sứ Terry Branstad không nói là sẽ phối hợp như thế nào với Bắc Kinh mà chỉ nhắc lại « 30 năm quan hệ » của cá nhân ông với Trung Quốc và nhấn mạnh rằng cần thắt chặt quan hệ song phương như là một trong những điều kiện để răn đe Bình Nhưỡng hiệu quả hơn.
Terry Branstad, cựu thống đốc bang Iowa, được Bắc Kinh mô tả là một người bạn lâu năm của Trung Quốc. Bang Iowa, vào năm 1985, là nơi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lúc còn trẻ, sang học tiếng Anh.
Tuyên bố của tân đại sứ Mỹ phản ánh quan điểm của Washington. Tổng thống Donald Trump kỳ vọng vào chủ tịch Trung Quốc gây sức ép với Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình thử hạt nhân và tên lửa cho dù chủ nhân Nhà Trắng hồi tuần qua, thẩm định Bắc Kinh đã thất bại.
Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết là đã yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép kinh tế và chính trị với Bình Nhưỡng khi thảo luận với đồng nhiệm Vương Nghị hôm thứ Tư 21/06.

Nghi ngờ Nga can thiệp bầu cử Mỹ :

Trump ra sức tấn công Obama

Tham gia chương trình Fox and Friends phát trên truyền hình Fox News, được phát vào ngày Chủ Nhật 25/06/2017, tổng thống Donald Trump chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama “không làm gì” khi được thông báo Nga mở chiến dịch tấn công tin học nhắm vào đảng Dân Chủ.
Nếu có thông tin tại sao họ không làm gì cả ? Nhẽ ra ông Obama phải làm cái gì chứ ?” Donald Trump nêu lên hai câu hỏi trên sau tiết lộ của báo Washington Post ngày 23/06/2017.
Theo tờ báo này, từ tháng 8/2016, tức là ba tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama đã được tình báo Mỹ báo động về vụ chính tổng thống Nga, Vladimir Putin giật dây cho vụ tấn công tin học nhắm vào đảng Dân Chủ, với mục đích giúp Donald Trump đắc cử.
Phải đợi đến ngày 29/12/2016 tổng thống Obama mới quyết định trừng phạt Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga làm việc tại Hoa Kỳ.
Từ sau tiết lộ của Washington Post, nhiều tiếng nói trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama thụ động trong hồ sơ này.
Tuy nhiên, việc tổng thống Trump chỉ trích người tiền nhiệm khiến công luận Mỹ ngạc nhiên, vì trong suốt một thời gian dài, Donald Trump luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Phá Obamacare :

Donald Trump vấp phản ứng từ phe Cộng Hoà

Tại Hoa Kỳ, dự luật cải cách y tế sẽ được Thượng viện xem xét trong tuần này. Hàng chục triệu người Mỹ có thể mất bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, dù chiếm đa số, không có gì chắc chắn phe Cộng Hoà sẽ biểu quyết theo ý của tổng thống Donald Trump.
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích nguyên do :
Bài tính rất đơn giản. Cho dù toàn thể thượng nghị sĩ Dân Chủ bỏ phiếu chống, phe Cộng Hoà tại Thượng Viện thậm chí có thể hy sinh hai phiếu, thì vẫn thắng. Thế nhưng, chưa chi đã có 4 thượng nghị sĩ thuộc xu hướng triệt để tuyên bố bỏ phiếu chống, vì theo ý họ, dự luật mới không đủ mạnh để dẹp đạo luật y tế Obamacare.
Chưa hết, trong nhóm ôn hoà, một thượng nghị sĩ cũng tuyên bố chống, nhưng với lý do ngược lại : văn bản quá khắc nghiệt có thể làm cho 23 triệu người mất bảo hiểm y tế. 23 triệu người này tuy thuộc tầng lớp nghèo khó trong xã hội, nhưng họ lại là cử tri. Chỉ trong một năm rưỡi nữa là đến mùa bầu cử bán phần.
Do vậy, cải cách hệ thống y tế của tổng thống Donald Trump còn lâu mới có thể thực hiện, cho dù ngày thứ Bảy 24/06, ông vẫn tiếp tục viết trên twitter là đạo luật Obamacare đã bị khai tử.
Trong thời gian gần đây, do chỉ phát biểu trên Fox News, kênh truyền hình công khai ủng hộ tổng thống, ông Donald Trump đã không bị chất vấn về sự chống đối bên trong đảng Cộng Hòa.
Do vậy, Donald Trump có thể biện minh cho các khó khăn hiện nay là chỉ do sự chống đối của phe Dân Chủ. Ông viết: Thật là tuyệt vời nếu đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có thể liên minh với nhau và đạt được một điều gì làm hài lòng mọi người. Điều này thật là đơn giản. Cho dù có đề xuất một đạo luật tốt nhất trong lịch sử thì không một ai trong phe Dân Chủ sẽ bỏ phiếu thuận.
Khi than phiền là chưa bao giờ thấy một sự chống đối nào mạnh mẽ như thế, nhưng tổng thống Donald Trump cần phải nhớ lại rằng đạo luật y tế hiện nay của cựu tổng thống Obama phải mất ba năm mới được biểu quyết và thi hành.
Trái lại, đúng là hiếm khi một vị cựu tổng thống lại can dự nhiều như vậy trong cuộc tranh luận. Và lần này, Barack Obama đích thân cầm bút bảo vệ di sản của mình, tố cáo một cuộc chuyển giao ồ ạt của cải sang cho những người giàu có nhất nước Mỹ.

Triển lãm Le Bourget bế mạc với 150 tỷ đô la đơn đặt hàng

Triển lãm hàng không và không gian Le Bourget, ở ngoại ô Paris, đã bế mạc hôm qua, 25/06/2017. Dù số khách tham quan có sụt giảm, một phần là do tình trạng khẩn cấp ở Pháp, nhưng tổng trị giá số đơn đặt hàng năm nay tăng 13% so với triển lãm kỳ trước.
Theo các nhà tổ chức, trái với các dự báo ban đầu, tổng trị giá các đơn đặt hàng tại triển lãm kỳ này lên tới 150 tỷ đô la, so với con số 130 tỷ đô la năm 2015. Trong số này, riêng hai tập đoàn châu Âu Airbus và Mỹ Boeing chiếm đến 114 tỷ ( 74,8 tỷ cho Boeing và 39,7 tỷ cho Airbus ). Triển lãm Le Bourget năm nay được mô tả là một « mùa bội thu » của các hãng sản xuất máy bay và động cơ máy bay.
Ngược lại, số khách tham quan thuộc giới chuyên nghiệp lại giảm 6% so với năm 2015, chỉ đạt 140 000 người. Một mặt là do nhiều công ty cắt giảm ngân sách, và mặt khác, nước Pháp vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp do nguy cơ khủng bố. Số khách tham quan là công chúng cũng chỉ đạt 180 000 người, giảm 10% so với năm 2015.
Tuy vậy, khu Paris Air Lab, dành riêng cho nghiên cứu và sáng chế trong ngành hàng không và không gian, lần đầu tiên được đưa vào triển lãm Le Bourget, đã thu hút đến 50 000 khách tham quan.
Nhờ Paris Air Lab mà một số công ty khởi nghiệp trong ngành hàng không và không gian nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên. Ngoài ra, khu vực dành để giới thiệu các cơ hội đào tạo và việc làm trong ngành hàng không và không gian đã thu hút đến hơn 60 000 người, chủ yếu là giới trẻ, đến tham quan.
Trong ba ngày triển lãm Le Bourget mở cửa cho công chúng, ngoài việc chiêm ngưỡng nhiều kiểu máy bay khác nhau được trưng bày dưới đất, khách tham quan đã có dịp xem các màn biểu diễn trên không mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ của các chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay dân dụng cỡ lớn…..

Bầu cử bán phần cấp thành phố :

Gáo nước lạnh cho đảng Dân Chủ cầm quyền Ý

Kết quả bầu cử tại Ý ngày 25/06/2017 cho thấy cử tri cảnh cáo đảng Dân Chủ đang cầm quyền và cánh hữu giành thắng lợi. Hơn 4 triệu cử tri ở 111 thành phố được kêu gọi bầu lại thị trưởng và hội đồng cấp thành phố.
Thông tín viên Anne Lenir từ Roma tường thuật :
“Kết quả ở vòng hai bầu cử bán phần cấp thành phố đem lại một làn gió mới cho phong trào 5 sao chủ trương chống hệ thống chính trị. Phe này chiếm được đa số tại 8 thành phố. Nhưng đáng chú ý là sự gia tăng rõ rệt các ứng viên cánh trung hữu vốn đả kích mạnh mẽ chính sách đón nhận người nhập cư của đảng cầm quyền.
Liên minh giữa đảng Forza Italia của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi với Liên Đoàn Phương Bắc của ông Matteo Salvini chủ trương bài châu Âu và chống nhập cư đã dành được 14 thành phố lớn, trong đó có Genova, một thành trì của cánh tả từ nửa thế kỷ qua.
Đảng Dân Chủ của cựu thủ tướng Matteo Renzi mất đa số ở 37 địa phương. Kết quả bầu cử thật đáng thất vọng cho đảng cầm quyền, ngay cả ở Toscana, vốn là thành trì của cánh tả từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Tất nhiên, cử tri Ý không bầu cấp địa phương như bầu cấp trung ương. Nhưng theo nhận định của nhật báo La Republica, nếu cánh trung hữu đoàn kết trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần tới, thì đảng này có nhiều cơ may giành thắng lợi”.

Trung Quốc lo ngại về các hợp đồng quốc phòng Mỹ-Ấn

Trung Quốc hiện đang theo dõi rất sát chuyến đi thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đặc biệt là những hợp đồng về quốc phòng giữa hai nước, trong đó có hợp đồng cung cấp máy bay không người lái của Mỹ cho Ấn Độ.
Ngày 26/06/2017, thủ tướng Modi lần đầu tiên gặp tổng thống Donald Trump trong bối cảnh Ấn Độ và Hoa Kỳ đã thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược kể từ khi ông Modi lên cầm quyền, tuy hai nước chưa phải là đồng minh. Dĩ nhiên ông Modi hy vọng là quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục nồng ấm giống như dưới thời Obama, nhưng trước mắt ông sẽ cố thiết lập một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo chắc cũng sẽ bàn về hợp đồng bán và chuyển giao công nghệ chiến đấu cơ phản lực của Mỹ cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo một chiến lược gia Trung Quốc tại Bắc Kinh được tờ Hindustan Times (26/07/2017) trích dẫn, Bắc Kinh không mấy lo lắng về việc Washington chuyển giao công nghệ sản xuất chiến đấu cơ F-16, vì dù sao đây cũng chiến đấu cơ đời cũ.
Điều làm cho Trung Quốc quan ngại nhất là khả năng Hoa Kỳ cung cấp các máy bay không người lái cho Ấn Độ. Theo chiến lược gia này, hợp đồng đó mang tính biểu tượng hơn là hợp đồng F-16 và sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát của New Delhi ở vùng Ấn Độ Dương và như vậy Ấn Độ sẽ theo dõi sát hơn mọi di chuyển của tàu Trung Quốc tại vùng biển này.
Một số tờ báo loan tin là chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho hợp đồng bán 22 chiếc máy bay không người lái Guardian MQ-9B, trị giá tổng cộng 2 tỷ đôla, mà Ấn Độ muốn trang bị cho lực lượng hải quân của họ. Hãng tin Reuters trước đó cho biết New Delhi xem hợp đồng này là một trắc nghiệm quan trọng cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.
Theo dự kiến thì hợp đồng bán máy bay không người lái cho Ấn Độ sẽ được công bố trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp Trump-Modi hôm nay, nếu có sự chấp thuận chính thức của Quốc Hội.
Nói chung là Bắc Kinh ngày càng quan ngại về quan hệ Mỹ-Ấn kể từ khi hai nước ký hiệp định về hạt nhân dân sự năm 2005, mở đường cho New Dehli nhập khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân. Cho tới nay Trung Quốc vẫn chống lại việc Ấn Độ muốn gia nhập nhóm 48 quốc gia cung cấp năng lượng hạt nhân, kiểm soát việc mua bán công nghệ hạt nhân trên thế giới.
Hơn nữa, Bắc Kinh nghĩ rằng Hoa Kỳ đang muốn dùng Ấn Độ để kềm chế, « bao vây » Trung Quốc. Hôm thứ Sáu 23/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Washington và New Delhi « không làm ảnh hưởng đến hòa bình ở vùng Biển Đông », yêu cầu hai nước này nên đóng « vai trò xây dựng » trong những tranh chấp chủ quyền hơn là làm cho các tranh chấp đó trầm trọng. Bắc Kinh đã ra tuyên bố như trên vì biết chắc là hồ sơ này sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp gỡ Trump-Modi lần này.

Israel lại tấn công các vị trí quân sự Syria

Nhằm trả đũa các vụ pháo kích của quân đội Syria trên cao nguyên Golan, quân đội Israel ngày 25/06/2017 thông báo đã không kích vào các vị trí quân sự của Syria. Damas cáo buộc chính quyền Tel Aviv ủng hộ quân nổi dậy trong vùng này của Syria.
Thông tín viên khu vực Paul Khalifeh gởi về bài tường trình :
« Quân đội Israel hôm Chủ Nhật 25/06, thông báo đã tiến hành nhiều vụ oanh kích nhắm vào hai ụ pháo và một xe vận chuyển đạn của quân đội Syria. Kênh truyền hình al-Mayadeen, thân chính quyền Damas, tường thuật là một xe chở binh sĩ cũng bị trúng bom của các trận oanh kích đó.
Trước đó một ngày, một trực thăng của Israel đã tấn công hai xe tăng và nhiều vị trí quân sự của Syria tại tỉnh Quneitra, sau cơn mưa pháo trên cao nguyên Golan, do Israel chiếm đóng.
Các vụ oanh kích này của Israel xảy ra vào lúc quân đội Syria cùng các đồng minh (Hezbolla-Liban và Iran) đang đánh nhau ác liệt với liên minh quân nổi dậy và quân thánh chiến.
Cách đây ba ngày, phe nổi dậy đã mở một cuộc phản công nhắm vào thành phố al-Baas, thành trì của chế độ Damas tại tỉnh miền trung này.
Trong một thông cáo công bố hôm Chủ Nhật, quân đội Syria cảnh cáo Israel tiếp tục các cuộc tấn công nhắm vào các đội quân Syria, đồng thời tái khẳng định quyết tâm đánh bật quân nổi dậy.
Syria xem những nhóm quân nổi dậy này là « trợ thủ của Israel » trong khu vực. Damas tố cáo Tel Aviv ủng hộ trực tiếp phiến quân nhằm mục đích cách ly quân đội Syria với các đồng minh Iran và Hezbollah tại Liban trên cao nguyên Golan. Hàng trăm phiến quân bị thương đã được điều trị trong các bệnh viện của Israel ».

Hoa Kỳ – Ấn Độ :

Thủ tướng Modi lần đầu tiên gặp tổng thống Trump

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Hoa Kỳ hôm qua 25/06/2017 và hôm nay lần đầu tiên gặp tổng thống Mỹ Donald Trump để thắt chặt quan hệ quan hệ song phương và giải quyết những bất đồng giữa hai nước.
Hợp tác quân sự, an ninh trong khu vực Nam Á và kinh tế là những hồ sơ chính trong buổi làm việc đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày. Đây cũng là cơ hội để Washington và New Delhi tìm cách giải quyết một số bất đồng sâu rộng.
Trong số này, đầu tiên phải kể đến quyết định của Washington giới hạn việc cấp visa cho người lao động nước ngoài vào Mỹ theo diện H1B. Biện pháp nói trên gây trở ngại cho hàng chục ngàn chuyên viên điện toán Ấn Độ cộng tác với các hãng Mỹ trong vùng Silicon Valley.
Bất đồng thứ nhì liên quan đến hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu : Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận lịch sử này và nhất là chủ nhân Nhà Trắng đã trực tiếp chỉ trích là thỏa thuận này có lợi cho Ấn Độ. New Delhi đã rất bất bình về cáo buộc đó của tổng thống Hoa Kỳ.
Trái với thông lệ, nguyên thủ hai nước không dự trù họp báo chung. Theo giới quan sát, phủ tổng thống Mỹ tránh né các câu hỏi của báo giới, do có nhiều bất đồng giữa Donald Trump và Narendra Modi.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin không loại trừ khả năng sau buổi làm việc hôm nay, Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng thông báo một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Tập đoàn General Atomics đang đợi giấy phép để hoàn tất hợp đồng bán máy bay không người lái cho Ấn Độ, trị giá hơn 2 tỷ đô la.
Tuần trước, tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin của Mỹ ký hợp đồng với Tata Advanced Systems của Ấn Độ, dự trù di dời một phần cơ sở từ bang Texas sang Ấn Độ để đổi lấy đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la của New Delhi.
Ấn Độ chuẩn bị thay thế hàng trăm chiến đấu cơ đã mua của Liên Xô. Thủ tướng Modi đã đặt điều kiện là máy bay bán cho Ấn Độ phải được lắp rắp ngay tại nước này.
An ninh khu vực là một hồ sơ lớn khác sẽ được hai ông Modi và Trump đề cập tới vào lúc Mỹ chuẩn bị đưa thêm 5.000 quân sang Afghanistan.
Trên trang Twitter tối ngày 24/06/2017, Donald Trump tuyên bố sẽ thảo luận về những vấn đề chiến lược rất quan trọng với ông Modi, “một người bạn thực thụ“.
Sau thủ tướng Ấn Độ, ngày 29/06 tổng thống Mỹ sẽ có một cuộc đối thoại khác với tầm mức chiến lược quan trọng không kém, khi tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Đại sứ Nga tại Mỹ về nước

Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Serguei Kisliak xong nhiệm vụ. Nhân vật được xem là chiếc gai trong gót chân của tổng thống Donald Trump trong nghi án « thông đồng giữa Matxcơva và nhà tỷ phú » sẽ về nước vào mùa hè này, theo tin của BuzzFeed News Chủ Nhật 25/06/2017.
Bộ Ngoại Giao Nga từ chối xác nhận ngày giờ đại sứ Serguei Kisliak rời Washington, nhưng hiệp hội bảo vệ quyền lợi kinh tế các công ty Mỹ tại Nga US-Russia Business Council, chuẩn bị tổ chức buổi tiệc giã từ vào ngày 11/07/2017.
Theo đài CNN, đại sứ Serguei Kisliak là « trùm tuyển mộ gián điệp » tại Washington cho cơ quan tình báo đối ngoại của Nga SVR.
Serguei Kisliak, năm nay 66 tuổi, là một sản phẩm tinh túy đối ngoại của Liên Xô cũ từ thập niên 1970, đã đến tuổi về hưu. Tuy nhiên, nhân vật có kinh nghiệm hoạt động âm thầm trong hậu trường ngoại giao rời nước Mỹ đúng vào lúc nghi án gián điệp thu hút chú ý của công luận.
Hàng loạt nhân vật thân cận của tổng thống Donald Trump bị dính líu trong vụ tai tiếng thông đồng với Nga bị lộ tên : tướng Mike Flynn, cố vấn an ninh quốc gia có 24 ngày phải từ chức; bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và con rể của tổng thống là Jared Kushner, đều tiếp xúc mật với đại sứ Serguei Kisliak.
Tháng 5/2017, đại sứ Serguei Kisliak tháp tùng ngoại trưởng Serguei Lavrov thăm Nhà Trắng khi tổng thống Donald Trump, vì muốn khoe khoang tài năng của tình báo Mỹ đã vô ý tiết lộ một số thông tin tối mật về khủng bố Deach.

Hồng Kông :

Người biểu tình trùm vải đen lên biểu tượng thu hồi chủ quyền

Một số nhà dân chủ Hồng Kông phủ vải đen lên tượng đài « hoa lan Hồng Kông », biểu tượng nhượng địa được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc ngày 01/07/1997 . Đây là một trong những phản ứng của phong trào dân chủ trong bối cảnh có tin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang Hồng Kông trong ba ngày, vào cuối tuần.
Thứ Hai 26/06/2017, tại Hồng Kông, Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), lãnh đạo phong trào dân chủ Demosito cùng với hơn một chục thành viên dùng tấm vải đen phủ lên đóa hoa Dương tử kinh (bauhinia), nằm ở trung tâm thành phố.
Bức tượng mạ vàng do Bắc Kinh tặng Hồng Kông vào năm 1997 được đặt tại quảng trường mà vào ngày 01/07 tới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ ghi dấu 20 năm ngày nhượng địa được trao trả.
Theo AFP, cảnh sát nhanh chóng can thiệp tháo gỡ tấm vải đen trong lúc người biểu tình hô các khẩu hiệu : Quyền tự quyết dân chủ vì tương lai Hồng Kông. Hai mươi năm « một quốc gia, hai chế độ » là 20 năm dối trá.
Trong bản thông cáo báo chí, đảng Demosito giải thích hành động này là nhằm biểu lộ nỗi « căm giận và thất vọng » đối với các chính quyền Hồng Kông từ 20 năm qua, đã không bảo vệ quyền tự do dân chủ tại Hồng Kông theo như thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn.
Hoàng Chí Phong lên án Trung Quốc chà đạp lời hứa tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Hồng Kông muốn được bầu cử và ứng cử tự do, dân chủ. Dân Hồng Kông được kêu gọi biểu tình vào thứ Bảy 01/07/2017.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn