Tin khắp nơi – 22/06/2017
Hoa Kỳ sẽ chung sống với Trung Quốc ‘40 năm nữa’
Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác song phương với Trung Quốc và thu hẹp khác biệt.
Thông điệp được đưa ra trong cuộc hội đàm cấp cao hai nước hôm thứ Tư tại Washington D.C.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với các phóng viên sau vòng đầu đối thoại an ninh và ngoại giao Trung Mỹ.
Đoàn Trung Quốc có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và ông Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng, một ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tham dự.
Ông Tillerson nói rằng Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh quan hệ song phương cho 40 năm tới trong bối cảnh hai nước chia sẻ lợi ích an ninh tuy đối diện các mối đe dọa hoặc các lĩnh vực mà cả hai nước cần thu hẹp khác biệt và giải quyết các vấn đề này.
“Các cuộc đối thoại cho một cơ hội để cân nhắc chúng ta sẽ tiếp cận ra sao và làm thế nào để cùng chung sống trong 40 năm tới,” ông Tillerson nói.
“Một phần thảo luận về 40 năm tới là tăng cường tin tưởng đôi bên và hướng tới nỗ lực của quân đội và chính phủ hai nước nhằm giảm bớt rủi ro dài hạn,” ông Tillerson nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis kêu gọi cho mối quan hệ với Trung Quốc có tính “xây dựng” và “coi trọng kết quả”.
“Tôi cam kết cải thiện quan hệ quốc phòng Mỹ Trung để duy trì một yếu tố ổn định trong quan hệ về toàn diện. Hai nước chúng ta có thể và đã có hợp tác theo những cách đôi bên cùng có lợi,” ông Mattis nói.
Đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao là một trong bốn cơ chế được lãnh đạo hai nước là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump nhất trí triển khai trong cuộc họp với nhau tại Florida hồi tháng Tư.
Ba vòng đối thoại cấp cao nữa về các mảng kinh tế, thực thi luật và an ninh mạng sẽ diễn ra nội trong năm nay.
Mỹ không chấp nhận quân sự hóa Biển Đông
Mới đây Hoa Kỳ nói sẽ không chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và nói những động thái như vậy làm suy yếu sự ổn định khu vực..
Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên được biết đến với tên gọi Diễn đàn Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra cảnh báo:
“Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép hiện trạng”.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc mạnh tay hơn với Bắc Hàn
Cuộc thảo luận mang tên Đối Thoại Ngoại Giao Và An Ninh Mỹ-Trung đã kết thúc hồi chiều ngày 21 tháng 6 tại Washington, với sự tham dự của các viên chức điều khiển ngành ngoại giao và quốc phòng hai nước.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi cuộc thảo luận hoàn tất, Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rex Tillerson cho hay đề tài quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy Trung Quốc phải gia tăng sức ép ngoại giao lẫn kinh tế với Bắc Hàn, buộc Bình Nhưỡng phải ngưng ngay chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa.
Cũng trong cuộc họp báo, Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis nhắc lại Hoa Kỳ cam kết bảo vệ an ninh cho những nước đồng mình trong khu vực, trước nguy cơ có thể bị Bắc Hàn tấn công.
Bên cạnh chuyện Bắc Hàn, phía Mỹ cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các đảo và bãi đá mà Bắc Kinh tự chiếm đóng ở Biển Đông, phản đối các hành động mang tính quân sự hóa mà Trung Quốc đang làm khiến tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Đối Thoại Ngoại Giao Và An Ninh Mỹ-Trung thành hình sau cuộc gặp đầu tiên hồi tháng Tư vừa rồi tại bang Florida, Hoa Kỳ, giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vẫn liên quan đến Bắc Hàn, tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tăng áp lực với Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Reuters, Tổng Thống Nam Hàn cho hay chính phủ nước ông sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn, nếu quốc gia thù nghịch anh em này phóng thử tên lửa xuyên lục địa hoặc nổ thử nghiệm hạt nhân.
Tổng Thống Moon cũng nói rằng Trung Quốc không chỉ là đồng minh của Bắc Hàn, mà còn là quốc gia hỗ trợ cho Bình Nhưỡng về kinh tế, bảo thêm là mọi biện pháp chế tài, cấm vận đều không hiệu quả nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục giúp đỡ Bình Nhưỡng.
Tuần tới, Tổng Thống Nam Hàn sẽ sang Washington để hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donlad Trump. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 ông, và cuộc thảo luận sẽ xoay quanh để tài làm sao giảm bớt căng thẳng do Bắc Hàn gây nên.
Philippines, Malaysia và Indonesia
thành lập liên minh chống khủng bố
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp cấp ngoại trưởng của 3 nước mới diễn ra ngày 22 tháng 6 tại thủ đô Manila của Philippines.
Bản tuyên bố chung phổ biến sau phiên họp viết rằng cả 3 chính phủ đều quan tâm trước những hành động của bọn khủng bố đang làm trong khu vực, đồng ý với chiến lược chung để tiêu diệt bọn gian, bao gồm việc chia sẻ tình báo, lập mạng lưới chận đứng mọi đường dây cung cấp võ khí và tiền cho khủng bố.
Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia nói rằng trách nhiệm chống khủng bố là trách nhiệm chung của mọi quốc gia, nhấn mạnh tới sự kiện ISIS đang thua ở 2 mặt trận Syria và Iraq, do đó, chúng sẽ mở mặt trận mới ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt nhắm vào những quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo như Phi, Malaysia và Indoneisa.
Cuộc họp diễn ra giữa lúc quân đội Phi đang mở cuộc tấn công nhằm tái chiếm thành phố Marawi ở niềm Nam của nước này, bị khủng bố trung thành với ISIS chiếm giữ cách đây đúng một tháng.
FBI điều tra cuộc tấn công sân bay Michigan
như một vụ khủng bố
Một công dân Canada bị buộc tội đã dùng dao đâm một nhân viên cảnh sát tại một sân bay ở bang Michigan, Hoa Kỳ hôm thứ Tư.
Chính quyền liên bang cho biết ông Amor Ftouhi, đến từ thành phố Quebec, đã tấn công Trung úy Jeff Neville ngay sau khi ông đến Sân bay Quốc tế Bishop, một sân bay nhỏ ở thành phố Flint. Tin nói rằng ông Ftouhi đã hô “Allahu Akbar”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại!” khi thực hiện cuộc tấn công. Ông Ftouhi tố cáo Mỹ đã giết người ở Syria, Iraq và Afghanistan.
Ông David Gelios, đặc vụ F.B.I., nói các nhà điều tra tin rằng ông Ftouhi là một kẻ tấn công “kiểu sói đơn độc,” đã nhập cảnh Hoa Kỳ hợp pháp trước khi tìm đến sân bay Flint.
Ông David Gelios nói:
“Chúng tôi đã thẩm vấn đối tượng khá lâu, ông ta có hợp tác và đã cho chúng tôi biết động cơ tấn công. Tôi nghĩ chỉ cần nói rằng ông ta mang lòng hận thù đối với Hoa Kỳ là đủ, và cũng có một số lý do khác khiến ông ta tới sân bay để thực hiện hành động bạo lực này.”
Ông Gelios nói FBI đang điều tra cuộc tấn công như một hành động khủng bố. Tình trạng cảnh sát viên Neville đã ổn định sau cuộc tấn công, và dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn.
Các giới chức sân bay tải tin nhắn lên trang Facebook nói rằng tất cả hành khách đều an toàn.
Khai mạc vòng Đối thoại ngoại giao & an ninh Mỹ-Trung
Các giới chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhau tại Washington trong phiên đầu tiên của các cuộc thảo luận nhằm cổ vũ cho đối thoại về một loạt vấn đề, từ chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu tới việc khai thác các quan hệ của Bắc Kinh với Bắc Hàn để tăng sức ép với Bình Nhưỡng về các chương trình hạt nhân của họ.
Cùng ngồi vào bàn, các giới chức Mỹ-Trung khai mạc cuộc họp đầu tiên trong một loạt cuộc đối thoại về ngoại giao và an ninh.
Phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau cái chết của Otto Warmbier, anh sinh viên người Mỹ đã bị giam cầm ở Bắc Hàn trong hơn một năm.
Nêu lên cái chết của Warmbier, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis lên án chế độ Bắc Hàn vì “những cách hành xử ngoài vòng luật pháp.”
“Không có cách nào có thể hiểu được khi chúng nhìn vào một tình huống như thế này. Tình huống đó vượt ra khỏi mọi sự hiểu biết về luật pháp và trật tự, về loài người, về trách nhiệm đối với bất cứ một con người nào.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, người đồng chủ trì cuộc đàm phán hôm thứ Tư 22/6, nhấn mạnh nhu cầu Bắc Kinh cần đóng một vai trò chủ động trong việc xuống thang các mối đe dọa toàn cầu do Bắc Hàn đặt ra.
Ngoại Trưởng Tillerson:
“Dù là rửa tiền, tống tiền kiều bào Triều Tiên, hay là các hoạt động tin tặc trên mạng, Bắc Hàn đã nhúng tay vào một loạt hoạt động tội phạm đã giúp tài trợ cho các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của họ.”
Các cuộc đối thoại Mỹ-Trung diễn ra vào một thời điểm đang có nhiều áp lực tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, với các vụ tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn trên khắp Biển Đông.
Các giới chức nhấn mạnh nỗ lực hợp tác mới khởi động trở lại về nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, nói rằng Hoa Kỳ sẽ xoay sang Trung Quốc để nhờ giúp chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống nhóm Nhà Nước Hồi giáo.
Các cuộc đàm phán phụ trội giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là một ưu tiên cho cả hai nước trong thời gian dẫn đến chuyến công du của Tổng thống Donald Trump sang thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay, như theo trông đợi.
Ngoại Trưởng Tillerson:
“Đàm phán không mà thôi sẽ không đủ khi nói tới tăng cường hợp tác và thu hẹp những khác biệt quan điểm giữa hai bên. Những điểm hành động mà chúng tôi dồng ý hôm nay sẽ đặt một nền móng cho các lĩnh vực hợp tác phụ trội.”
Đây là một lời cam kết rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, trước hội nghị thượng đỉnh được nhiều người trông đợi giữa Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in và Tổng thống Trump vào tuần tới.
Tổng thư ký LHQ:
Mỹ sẽ bị thế chân nếu quay lưng với thế giới
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Ba cảnh báo chính quyền Trump rằng nếu Mỹ ngưng tham gia trong nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt thì Mỹ sẽ bị thay thế – và điều đó sẽ không có lợi cho Mỹ và thế giới.
Ông Guterres nói rõ với các phóng viên nhân cuộc họp báo đầu tiên của ông ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York kể từ khi lên nắm chức lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đầu năm nay rằng những khoản cắt giảm tài trợ cho Liên Hiệp Quốc mà Mỹ đề xuất sẽ là thảm họa và tạo ra “một vấn đề không thể giải quyết được đối với việc quản lý Liên Hiệp Quốc.”
Nhưng nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng ông không ngại lên tiếng chống lại Tổng thống Donald Trump, dẫn ra sự phản đối của ông đối với việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Ông nói việc huy động giới doanh nghiệp và xã hội dân sự ở Mỹ ủng hộ thỏa thuận khí hậu là “một dấu hiệu hy vọng mà chúng tôi rất khuyến khích.”
Nhìn vào nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, ông Guterres bày tỏ mối lo ngại rằng có thể có một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga liên quan tới Syria và kêu gọi xuống thang tranh cãi giữa Washington và Moscow về việc Mỹ bắn rơi máy bay của Syria.
Điều này rất quan trọng, ông nói, “bởi vì những sự kiện này có thể rất nguy hiểm trong tình huống xung đột mà có nhiều tác nhân và phức tạp.”
“Thật vậy, tôi lo ngại, và tôi hy vọng rằng điều này sẽ không dẫn đến bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột vốn đã ác liệt,” ông Guterres nói.
Khi được hỏi về một trật tự thế giới mới tạo nên bởi những hành động của chính quyền Trump, ông Guterres nói: “Tôi tin rằng nếu Mỹ rút khỏi nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại và nhiều mối quan hệ quốc tế, những nước khác sẽ chiếm chỗ của Mỹ, đó là điều không tránh khỏi.”
“Và tôi không nghĩ rằng điều này có lợi cho Mỹ và tôi không nghĩ rằng điều này có lợi cho thế giới,” ông nói.
Mỹ chất vấn động cơ của các nước vùng Vịnh tẩy chay Qatar
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/6 thẳng thừng chất vấn về động cơ của Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất trong việc tẩy chay Doha. Bộ Ngoại giao nói họ “không hiểu nổi” vì sao các nước vùng Vịnh không giãi bày những lý do khiến họ bất bình với Qatar.
Với những ngôn từ mạnh nhất từ trước đến nay của Washington về vụ tranh chấp vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Mỹ nói thời gian càng trôi qua, “lại càng có thêm nghi ngờ về hành động của Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi có một câu hỏi đơn giản: Liệu những hành động đó có thực sự là vì mối quan ngại của họ về việc Qatar hỗ trợ khủng bố, như đã cáo buộc, hay là vì những bất bình lâu nay giữa các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”.
Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh được nhắc đến là một tổ chức gồm sáu nước thành viên.
Phát biểu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tương phản với những lời lẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông cáo buộc Qatar là một nước tài trợ khủng bố “cấp cao”.
Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar đều là đồng minh quan trọng của Mỹ.
Việc Bộ Ngoại giao công khai chất vấn hành động của Riyadh và Abu Dhabi cho thấy Washington muốn các bên chấm dứt tranh chấp.
Bà Nauert nói: “Chúng tôi đã nói với các bên liên quan: hãy chấm dứt việc này”.
Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự quan trọng ở Qatar. Có 11.000 binh sĩ Mỹ và liên quân được triển khai hoặc điều đến căn cứ Al Udeid. Lực lượng của liên quân có 100 máy bay hoạt động từ căn cứ này.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cùng với Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Bahrain đã áp đặt các biện pháp nhằm cô lập Qatar. Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất nói các biện pháp trừng phạt có thể kéo dài nhiều năm, trừ phi Doha chấp nhận những yêu cầu mà các cường quốc Ả-rập sẽ công bố trong những ngày tới.
Bộ Ngoại giao, đứng đầu là Ngoại trưởng Rex Tillerson, khuyến khích “tất cả các bên xuống thang căng thẳng và tham gia đối thoại xây dựng”, theo lời bà Nauert.
Một quan chức Mỹ nói Washington thúc giục Qatar tiến hành các biện pháp để tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, kể cả hậu thuẫn các đề xuất đang được Bộ Tài chính Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường kiểm soát các đường dây hỗ trợ tài chính cho các nhóm chủ chiến.
Nhưng quan chức này và một quan chức Mỹ khác nói chỉ nhắm vào Qatar mà thôi là điều bất công, bởi vì cả Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc và các quốc gia vùng Vịnh khác đều đối mặt với những thách thức tương tự chống các hoạt động tài trợ cho khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar dự kiến sẽ tới Washington vào tuần tới. Ông cho biết Doha sẽ không đàm phán với các nước láng giềng để giải quyết cuộc tranh chấp vùng Vịnh trừ khi các nước kia dỡ bỏ lệnh tẩy chay thương mại và du hành đã áp đặt hai tuần trước đây.
Ông nói Doha vẫn tin vào khả năng đạt được một giải pháp cho cuộc tranh chấp.
QH Mỹ tiếp tục tìm hiểu việc Nga can thiệp bầu cử
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái qua hai phiên điều trần hôm 21/6, một ở Thượng viện và một ở Hạ viện.
Các phiên điều trần quốc hội này sẽ tập trung vào toàn bộ phạm vi các nỗ lực của Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhưng một vấn đề chủ chốt vẫn chưa được làm rõ là liệu cá nhân Tổng thống Trump có đang bị điều tra hay không về khả năng ông đã cản trở công lý liên quan đến cuộc điều tra về Nga.
Hồi cuối tuần trước, một dòng trạng thái ngắn của Tổng thống Trump trên trang Twitter dường như xác nhận tin cho rằng ông Trump đang là đối tượng của cuộc điều tra. Ông Trump nói thêm rằng ông là nạn nhân của một cuộc “săn phù thuỷ”.
Một trong những luật sư của tổng thống, Jay Sekulow, phủ nhận thông tin đó, nói rằng Tòa Bạch Ốc chưa nhận được bất cứ giấy tờ chính thức nào xác nhận ông Trump đang bị điều tra.
Trước đây, trong tháng này, cựu giám đốc FBI James Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng tổng thống đã nói với ông
“Tôi hy ông có thể để việc này trôi qua”, khi đề cập đến cuộc điều tra của FBI về Michael Flynn, cố vấn cũ của ông Trump đã bị sa thải. Ông Comey nói rằng câu nói đó cho ông cái cảm giác như đây là một chỉ thị của tổng thống.
Ông Trump phủ nhận lời thuật lại của ông Comey về mẩu đối thoại giữa hai ông về ông Flynn.
Giáo sư Luật Paul Schiff Berman thuộc Đại học George Washington nói các nhà phân tích pháp lý không đồng thuận về liệu có đủ bằng chứng hay không để gợi ý là đã có hành động cản trở công lý.
Giáo sư Luật Paul Schiff Berman thuộc Đại học George Washington nói các nhà phân tích pháp lý không đồng thuận về liệu có đủ bằng chứng hay không để gợi ý là đã có hành động cản trở công lý.
“Tôi đoán là nhìn chung, các đại biểu ở Quốc hội và nhiều người khác sẽ tin vào những lời điều trần của ông Comey. Câu hỏi ở đây là liệu họ có cho là những lời chứng của ông Comey chứng minh hay gợi ý là đã có hành vi cản trở công lý”.
Biện lý đặc biệt Robert Mueller chưa phát biểu công khai về cuộc điều tra hoặc liệu ông Trump có phải là một đối tượng bị chú ý hay không.
IS phá hủy đền thờ Hồi giáo có từ thế kỷ 12 ở Mosul
Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã cho nổ tung một di tích lịch sử ở Mosul, Iraq, một đền thờ Hồi giáo nổi tiếng có từ thế kỷ 12. Ngôi đền tên al-Nuri có biểu tượng là tháp nghiêng al-Hadba, là nơi thủ lãnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo tự trị cách đây gần ba năm.
Vụ nổ đã phá hủy một di sản văn hóa vô giá của Iraq, đồng thời phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến các lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo và quân đội Iraq, hiện đang xông lên tới gần cứ địa cuối cùng của IS ở khu phố cổ của thành phố Mosul.
Bộ Quốc phòng Iraq nói quân IS đã kích nổ chất nổ cài đặt bên trong đền thờ vào đêm thứ Tư.
Đầu ngày thứ Năm, Thủ tướng Haider al-Abadi viết trên trang Twitter rằng vụ phá hủy tháp al-Hadba và ngôi đền là sự thừa nhận của các phần tử chủ chiến rằng họ đang thua trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq.
Đền thờ Hồi giáo Al-Nuri, còn được gọi là Đền lớn của Mosul, là nơi thủ lãnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ra mắt trong những lần xuất hiện hiếm hoi, như khi ông tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo vào mùa hè năm 2014, ngay sau khi chiến binh IS tràn vào Mosul. Tháp al-Hadba cũng nghiêng như Tháp Pisa của Ý và đã đứng vững trong hơn 840 năm.
IS đã cho nổ tung đền thờ Hồi giáo nổi tiếng này trong khi đang ăn mừng lễ Laylat al Qadr, đêm linh thiêng nhất của tín đồ Hồi giáo. “Đêm của quyền lực” là để kỷ niệm đêm Kinh Quran được tiết lộ cho Tiên tri Muhammad trong tháng chay Ramadan.
Trong một tuyên bố đăng trực tuyến ngay sau thông báo của Bộ Quốc phòng Iraq về vụ phá hủy đền al-Nuri, IS đổ lỗi cho một cuộc không kích của Hoa Kỳ đã phá hủy tháp nghiêng và đền thờ.
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo bác bỏ cáo buộc của IS. Người phát ngôn, Đại tá Quân đội Hoa Kỳ Ryan Dillon, nói với AP rằng máy bay của liên minh “không tiến hành không kích trong khu vực vào thời điểm đó”.
Nổ bom tự sát ở Afghanistan: 29 người chết, 60 người bị thương
Một vụ nổ bom tự sát có sức công phá lớn xảy ra tại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan đã giết chết ít nhất 29 người và làm bị thương hơn 60 người.
Các nhân chứng cho biết vụ nổ xảy ra khi binh lính và nhân viên chính phủ đang tụ tập bên ngoài ngân hàng New Kabul ở Lashkargah, thủ phủ của tỉnh Helmand để chờ lĩnh lương.
Ông Omar Zwak, phát ngôn nhân chính quyền tỉnh, nói với VOA rằng một số người bị thương “đang ở trong tình trạng nguy kịch.” Ông cho biết trong số các nạn nhân có cả nhân viên dân sự và quân sự.
Vụ đánh bom thảm khốc xảy ra trước lễ hội Eid ở Afghanistan, rơi nhằm ngày Chủ nhật sắp tới, đánh dấu ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người theo đạo Hồi.
Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm vụ nổ bom.
Thiếu Tướng Roger Turner, Tư lệnh của lực lượng đặc nhiệm do Hoa Kỳ lãnh đạo, lên án vụ tấn công:
“Cuộc tấn công hèn hạ nhắm vào những người vô tội giữa lúc họ đang chờ lĩnh lương để chuẩn bị để mừng Lễ Eid al-Fitr.”
Ông nói tiếp:
“Một lần nữa, kẻ thù của chúng ta đã chứng tỏ rằng họ hoàn toàn bất kể đến thường dân vô tội khi thực hiện một cuộc tấn công bừa bãi, gây chết chóc và khổ đau.”
Helmand là tỉnh lớn nhất của Afghanistan, nơi hầu hết lãnh thổ bị phiến quân Taliban kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng.
Cuộc tấn công hôm thứ Năm 22/6 xảy ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York được báo cáo về tình hình an ninh và chính trị mới nhất ở Afghanistan.
Phát biểu tại cuộc họp hôm trước, Đại diện Liên Hiệp Quốc cho Afghanistan, ông Tadamichi Yamamoto, nói rằng quân Taliban đang trỗi dậy và nhấn mạnh tính cách khẩn cấp của “một tiến trình hòa bình chân thực” với phe nổi dậy.
“Chính phủ và phe Taliban cần phải tiếp cận nhau một cách trực tiếp để tìm ra một giải pháp chính trị.”
Tình hình an ninh đang xấu đi tại Afghanistan, theo ông Yamamoto, đã nêu bật những căng thẳng chính trị trước nay vẫn âm ỉ trong chính quyền Afghanistan, và cho thấy là “sự rạn nứt trong liên minh chính trị” đã được đạt qua tương nhượng.
Chính phủ Đoàn kết Quốc gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang chịu áp lực từ các đối tác và các chính khách đối lập buộc ông từ chức sau một đợt bạo động ngày càng leo thang trên khắp nước.
Đại diện Liên Hiệp Quốc cho Afghanistan nhận định:
“Những sự rạn nứt chính trị vừa xuất hiện đang gia tăng trên căn bản sắc tộc, đây là điều đặc biệt đáng lo ngại tại một thời điểm khi mà nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo đang tìm cách khiêu khích tranh chấp bè phái trong nội bộ bằng các cuộc tấn công nhắm vào người Hồi giáo Shia.”
Bị chế tài, Nga hủy họp với Mỹ
Tức giận trước những chế tài mở rộng của Mỹ, Nga ngày 21/6 hủy một cuộc họp cao cấp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon.
Với tình hình này, không biết cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G-20 vào ngày 7/7 và 8/7 ở Hamburg, Đức, có cơ may diễn ra hay không.
Chỉ hai tuần nữa tới thượng đỉnh G-20, một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết chưa có kế hoạch nào cho một cuộc gặp gỡ song phương được chung quyết. “Không có gì bị hủy vì chưa có gì được lên lịch,” quan chức này nói.
Moscow cho biết họ buộc phải hủy bỏ cuộc gặp gỡ ngoại giao sau khi chính phủ Mỹ hôm thứ Ba bổ sung 38 cá nhân và tổ chức vào danh sách những đối tượng bị chế tài liên quan tới các hoạt động của Nga ở Ukraine.
Những chế tài mới của Mỹ là “một sự tiếp nối xu hướng của chính quyền Obama nhằm hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước,” ông Ryabkov nói trong một thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ lấy làm tiếc về việc Nga hủy bỏ cuộc gặp gỡ này, nhưng vẫn sẵn lòng tham gia các cuộc thảo luận trong tương lai để thu hẹp những khác biệt song phương.
Những chế tài mới chỉ củng cố những chế tài hiện tại, được cập nhật hai lần một năm kể từ lần đầu được áp đặt, Bộ nói.
Quan hệ Mỹ-Nga đã lâm vào tình trạng căng thẳng bởi những cáo buộc rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và năm tháng đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống bị ‘bao trùm’ bởi tranh cãi về việc ban vận động tranh cử của ông Trump có hay không có thông đồng với Nga.
Ông Trump nói muốn tìm hiểu liệu Washington và Moscow có thể hợp tác trong những vấn đề đôi bên cùng quan tâm hay không, chẳng hạn như chiến đấu với các phần tử Hồi giáo nổi dậy ở Syria.
Nhưng căng thẳng giữa hai nước đã leo thang. Hôm Chủ Nhật, quân đội Mỹ bắn rơi một máy bay quân sự của Syria. Điều này khiến Nga thay đổi tư thế quân sự.
Trung Quốc
nhắm xây dựng đội tàu ngầm hùng hậu nhất thế giới
Dù sự bành trướng đội tàu chiến của Trung Quốc là dễ bị chú ý nhất, nhưng yếu tố quan trọng chiến lược chính là lực lượng tàu ngầm đang phát triển của hải quân Bắc Kinh.
Quy mô hạm đội của Trung Quốc trên mặt biển đang thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế về số lượng tàu, võ khí tiên tiến được trang bị và một loạt các tàu chiến mới. Đáng chú ý nhất trong số này là tàu sân bay từ thời Xô Viết được tân trang lại mang tên Liêu Ninh.
Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc đóng sẽ được hạ thủy vào năm 2020.
Ít được người ta chú ý nhưng mang tính quan trọng chiến lược cao hơn là đội tàu ngầm đang khuyếch trương của Trung Quốc, bao gồm cả các tàu truyền thống lẫn các tàu có trang bị hạt nhân, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Đa số tàu ngầm của Trung Quốc là tàu cũ và chạy không êm, dễ bị phát hiện và phá hủy bởi các tàu ngầm tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, đội ngũ này đang được nâng cấp và có tính sát thương cao hơn với các tàu ngầm mới được trang bị phi đạn hành trình hay hạt nhân.
Từ báo cáo thường niên mới nhất của Ngũ Giác Đài, giới chức quân sự Mỹ cảnh báo mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là soán ngôi hải quân Mỹ trở thành lực lượng tàu ngầm hùng mạnh nhất trên thế giới.
Hiện lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có 63 chiếc, gồm 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 4 tàu ngầm phi đạn đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, và 54 tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel.
Từ đây tới 3 năm tới, dự kiến lực lượng này sẽ tăng lên từ 69 đến 78 chiếc tàu ngầm.
Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ xem lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch sử dụng khí tài có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa, bên ngoài khu vực phòng thủ của kẻ thù.
Asia Times/DoD’s report
Mỹ sẽ có biện pháp với Bắc Kinh
nếu tranh chấp thương mại không được gỡ rối
Trước cuộc đàm phán kinh tế Mỹ-Trung, một tổ chức vận động cho doanh nghiệp Mỹ cảnh báo Washington có thể cân nhắc hành động chống lại Bắc Kinh nếu không đạt thêm tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.
Trung Quốc và Mỹ đồng ý 100 ngày đàm phán thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ người tương nhiệm Tập Cận Bình hồi tháng 4, nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại 347 tỉ đôla của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới hồi năm ngoái.
Nhưng những người chỉ trích trong ngành thương mại của Mỹ nói rằng kết quả của các cuộc đàm phán cho đến nay chỉ đưa tới những biện pháp hời hợt mà không giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết hơn như những hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc và các chính sách công nghiệp.
“Chúng tôi không cổ động chiến tranh thương mại … nhưng nếu đối thoại không mang lại kết quả, có một số công cụ trong bộ công cụ mà (chính phủ Mỹ) có thể sử dụng,” Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, nói với báo giới ở Bắc Kinh.
“Có một số tiến bộ tiệm tiến đang đạt được. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ … Chúng tôi cần giải quyết một số vấn đề khó khăn hơn.”
Hạn chót cho những cuộc đàm phán là ngày 16 tháng 7 và cuộc Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ-Trung đầu tiên theo lịch trình sẽ được tổ chức vào một thời điểm sau đó trong năm nay.
Căng thẳng thương mại giữa hai nước giảm bớt sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo khi Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc trong việc kiểm soát các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, nhưng Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho hay áp lực đang gia tăng để Trung Quốc có thêm hành động cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài.
LHQ kêu gọi hãy bảo vệ thường dân ở Raqqa
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm thứ Tư kêu gọi cần cứu xét đặc biệt việc giải cứu thường dân bị mắc kẹt tại Raqqa, bên Syria, khi các lực lượng được Mỹ yểm trợ chuẩn bị chiến dịch quân sự nhằm đẩy bật các phần tử Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thành phố.
Ông Guterres nói một số thường dân bị mắc kẹt trong những khu vực khó lui tới, không được tiếp tế lương thực và chăm sóc y tế trong nhiều năm qua. Ông nói ông “vô cùng lo lắng” về tình huống này.
“Thường dân vẫn tiếp tục bị giết hại, bị thương và buộc phải dời cư ở một mức đáng sợ trong khi những nơi ẩn náu, chẳng hạn như các bệnh viện và trường học, tiếp tục là mục tiêu bị tấn công.”
Theo LHQ, phiến quân Nhà nước Hồi giáo bắn vào các gia đình đang cố gắng trốn chạy bộ bằng thuyền qua sông Tigris, như một phần của chiến thuật dùng thường dân làm lá chắn.
Tổng Thư Ký Guterres kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột hãy cho phép nhân viên cứu hộ nhân đạo tiếp cận thường dân đang bị “mắc kẹt và đang phải đối mặt với những đe dọa từ mọi hướng.”
Ông nói:
“Điều thiết yếu là tất cả các bên trong cuộc xung đột phải tạo điều kiện và cải thiện điều kiện để các dịch vụ nhân đạo có thể tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của những người đang cần được cứu giúp khẩn cấp.”
Hiện nay liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nắm quyền kiểm soát bốn khu xóm ở thành phố Raqqa, và đang tiến quân vào vùng biên giới phía Nam thành phố Raqqa để bao vây hoàn toàn những phiến quân IS còn lại.
Cách đây hai tuần, liên quân đã khởi sự sứ mạng giải phóng thành phố Raqqa khỏi quyền kiểm soát của Nhà Nước Hồi giáo. Nhóm chủ chiến này đã kiểm soát thành phố Raqqa từ năm 2014 tới nay.
Bê bối chính trị Singapore:
Thủ tướng Lý Hiển Long bị hai em ruột lên án
Trong chế độ một đảng nắm gần như toàn bộ quyền hành tại Singapore, các tiếng nói chỉ trích về chính trị thường rất hiếm. Điều gây ngạc nhiên trong những ngày gần đây là truyền thông đăng tải rộng rãi việc thủ tướng Singapore bị lên án lạm dụng quyền lực. Chính hai em ruột của thủ tướng Singapore đứng ra cáo buộc. Tranh chấp trong gia đình họ Lý mang quy mô quốc gia, bởi bất đồng chính liên quan đến di sản tinh thần của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kiến trúc sư của kỳ tích Singapore. Có người đặt câu hỏi : Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn cầm quyền hơn nửa thế kỷ của nhà Lý Quang Diệu tại thành phố Sư Tử sắp chấm dứt ?
Số phận tư dinh Lý Quang Diệu
Lý Quang Diệu là thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990. Ông là cha đẻ của thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong). Trước khi qua đời, ngày 23/03/2015, Lý Quang Diệu nhiều lần bày tỏ ý nguyện là ngôi nhà nơi ông ở, số 38 phố Oxley, sẽ được phá đi, một khi ông không còn nữa, để địa điểm này không biến thành một nơi thờ cúng.
Tuy nhiên, tư dinh của cố thủ tướng Singapore cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Hôm 14/06/2017, em gái thủ tướng Singapore, bà Lý Vệ Linh (Lee Wei Ling) đưa lên mạng Facebook một loạt thư điện tử trao đổi với Lý Quang Diệu, khi ông còn sống để khẳng định ý nguyện phá bỏ ngôi nhà. Cũng vào thời điểm này, người em gái của thủ tướng Lý Hiển Long và em trai, ông Lý Viễn Dương (Lee Hsien Yang), đã công bố một bức thư ngỏ dài sáu trang mang tựa đề : “Điều gì đe dọa các giá trị của Lý Quang Diệu ?”. Vụ việc thoạt tiên mang tính nội bộ gia đình các con cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành một vấn đề chính trị quốc gia.
Bức thư ngỏ gây sốc
Bức thư ngỏ của hai người em trực tiếp lên án thủ tướng Lý Hiển Long chống lại việc phá bỏ ngôi nhà nói trên, để giữ cho riêng mình vầng hào quang của người cha vĩ đại. Trong thư có đoạn, “quyền lực chính trị của Lý Hiển Long chỉ duy nhất dựa vào việc ông là con trai của Lý Quang Diệu, chính vì vậy? ông ấy tìm mọi cách để thâu tóm uy tín” của người đã khuất.
Hai người em cũng cáo buộc thủ tướng Lý Hiển Long bổ nhiệm luật sư riêng vào chức vụ chưởng lý, hồi đầu năm nay 2017. Ông còn bị lên án âm mưu dọn đường cho con trai, tức cháu nội cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kế nhiệm. Vợ của thủ tướng Lý Hiển Long, bà Hà Tinh (Ho Ching) bị tố cáo thao túng chính quyền. Phu nhân của thủ tướng Singapore là chủ tịch Temasek Holdings, Quỹ đầu tư Nhà nước lớn nhất Singapore, quản lý hơn 100 tỉ đô la.
Tóm lại, thông điệp của bức thư là không tin tưởng vào thủ tướng đương nhiệm và lo sợ cho tương lai của Singapore.
Đa số người Singapore, khi được RFI phỏng vấn về chủ đề này, cho biết đã bị sốc, không phải bởi những cáo buộc trong thư, mà bởi việc thư được công bố chính thức. Phê phán các lãnh đạo là một chuyện kiêng kỵ tại Singapore.
Về phần mình, thủ tướng Singapore phủ nhận toàn bộ cáo buộc của hai người thân. Trong một đoạn video đưa lên mạng hôm 19/06, ông Lý Hiển Long xin lỗi người dân Singapore về “vụ cãi vã mang tính gia đình”. Thủ tướng Lý Hiển Long hứa một ủy ban liên bộ sẽ ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 03/07 tới và bản thân ông sẽ trả lời tất cả các chất vấn của các dân biểu.
Những giải thích khác nhau về ý nguyện của Lý Quang Diệu
Câu chuyện ý nguyện phá bỏ ngôi nhà của Lý Quang Diệu thực ra không đơn giản. Báo mạng về thời sự chính trị châu Á Asialyst tóm lược một số nét chính. Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013, ông Lý Quang Diệu đã ít nhất để lại bảy di chúc liên quan đến số phận ngôi nhà 38, phố Oxley. Theo người con trai Lý Hiển Long, ý nguyện phá bỏ không có trong hai di chúc thứ năm và thứ sáu.
Hai người em của ông Lý Hiển Long dựa vào di chúc được coi là “bản cuối cùng”, thảo ngày 17/12/2013. Trong bản di chúc này, có một điều khoản trong đó cựu thủ tướng Singapore yêu cầu ngôi nhà phải được phá ngay sau khi ông mất, hoặc sau khi bà Lý Vệ Linh, con gái ông, không còn ở đây nữa, trong trường hợp bà vẫn muốn tiếp tục ở lại nhà này sau khi ông không còn. Trong trường hợp không thể phá nhà, nguyện vọng của Lý Quang Diệu là nơi đây sẽ chỉ được dùng làm chỗ ở cho con cháu.
Thủ tướng Lý Hiển Long không tin vào giá trị thực sự của bản di chúc thứ bảy, văn bản mà ông chỉ được biết sau khi người cha qua đời. Theo báo mạng Singapore Straits Times, ông Lý Hiển Long nghi vấn : Lý Quang Diệu chưa chắc đã ý thức được rõ về điều khoản nói trên trong bản di chúc mà chính ông đặt bút ký. Lý Hiển Long cho biết thêm là vào hôm đó, các luật sư đã có mặt tại tư dinh của cựu thủ tướng tổng cộng có 15 phút, chỉ để tham dự lễ ký di chúc, chứ không phải để tư vấn.
Dấu hiệu kết thúc “triều đại nhà Lý” ?
Đằng sau câu chuyện tranh chấp pháp lý liên quan đến ý nguyện của Lý Quang Diệu mang tính gia đình, rõ ràng là có các xung đột về quan điểm chính trị giữa thủ tướng Singapore đương nhiệm và hai người em. Nhà chính trị học Tom Pepinsky, một chuyên gia về Đông Nam Á (bài What’s Behind the Lee Family Troubles in Singapore?), khẳng định việc thủ tướng Lý Hiển Long hay hai người em, phía nào nắm lẽ phải trong vấn đề di chúc không phải là điều quan trọng.
Điều chủ yếu đáng chú ý ở đây là một xung đột xung quanh việc sử dụng di sản chính trị ông Lý Quang Diệu, chính trị gia đầy uy tín và quyền lực tại Singapore. Chính bản thân thủ tướng Lý Hiển Long đã từng biện minh cho một dạng “chính thể quý tộc – aristocracy” mà đảo quốc Singapore cần đến, một thể chế kiểu cha truyền, con nối.
Trong vụ tranh chấp xung quanh số phận ngôi nhà Lý Quang Diệu, những người phê phán thủ tướng Lý Hiển Long hoàn toàn có lý khi nghi ngờ là địa điểm này sẽ được sử dụng vào mục tiêu củng cố “vốn liếng chính trị” của ông.
Theo nhà chính trị học Tom Pepinsky, các hệ quả của vụ này không chắc sẽ làm lung lay chế độ chính trị hiện hành tại Singapore, nhưng các tin đồn về những bê bối và lục đục trong gia đình thủ tướng Singapore ắt hẳn sẽ xói mòn uy tín của đảo quốc Sư Tử.
Trong khi đó, một chuyên gia khác về chính trị Singapore, ông Michael Barr, đại học Flinders, Úc, trong bài viết “Dynastic demolition in Singapore ?”, dự đoán là : hành xử của ông Li Hongyi, con trai của thủ tướng Singapore, trong thời gian tới sẽ giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của vụ tranh chấp xung quanh ngôi nhà Lý Quang Diệu.
Nếu nhân vật này quyết định không theo đuổi con đường chính trị, cho dù các bệ phóng đã được người cha chuẩn bị sẵn, thì có thể nói những rầm rĩ quanh ngôi nhà 38 phố Oxley, chính là một “bước ngoặt” quyết định. Thủ tướng Lý Hiển Long rất có thể sẽ phải chấp nhận là người cuối cùng của dòng họ nhà Lý trị vì tại đảo quốc Sư Tử.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016 : Tin tặc Nga tấn công 21 bang
Máy bầu cử của 21 bang Mỹ đã bị tin tặc Nga tấn công trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thông tin trên được một quan chức cao cấp Mỹ, đặc trách về an ninh mạng, đưa ra ngày 21/06/2017 trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hiện đang điều tra về nghi án tin tặc Nga.
Bà Jeanette Manfra, quyền thứ trưởng phụ trách an ninh mạng thuộc bộ An Ninh Quốc Nội Mỹ, khẳng định : « Cho đến nay, chúng tôi có bằng chứng là hệ thống máy liên quan đến cuộc bầu cử đã bị tấn công tại 21 bang ». Tuy nhiên, vẫn theo quan chức này, không có chi tiết nào cho thấy kết quả bầu cử bị thao túng.
Cũng giải trình trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, cựu bộ trưởng Nội Vụ Mỹ Jeh Johnson, nắm giữ chức vụ đến cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama, cho biết đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng tin tặc tấn công danh sách cử tri. Tuy nhiên, theo ông, lời cảnh báo này lại bị lu mờ trước tai tiếng về những lời lẽ coi thường phụ nữ của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, bị ghi hình lén năm 2005.
Được hỏi tại sao chính quyền không cảnh báo nhiều hơn cho người dân, cựu bộ trưởng trả lời : « Chúng tôi rất sợ điều đó bị xem là đưa ra quan điểm riêng trong cuộc bầu cử ».
Hãng tin Reuters nhắc lại các cơ quan tình báo Mỹ đã đi đến kết luận điện Kremlin là nguồn gốc của một chiến dịch tin tặc có quy mô lớn nhằm giúp ứng viên Donald Trump thắng cử.
Bị nghi ngờ cản trở tư pháp, bản thân chủ nhân Nhà Trắng cũng liên quan đến cuộc điều tra về nghi án Nga thao túng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đội ngũ vận động tranh cử của ông có quan hệ với Matxcơva.
Pháp có chính phủ mới sau cuộc bầu cử lập pháp
Hôm nay 22/06/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Bộ Trưởng mới, nội các Philippe 2.
Tối hôm qua 21/06, Pháp công bố thành phần chính phủ mới với 29 thành viên. Nội các mới thủ tướng Edouard Philippe có nhiều hơn 7 thành viên so với nội các cũ, tỉ lệ nam-nữ cân bằng 15 -15, tính cả thủ tướng. 17 thành viên tân chính phủ xuất thân từ xã hội dân sự.
Tân chính phủ gồm 19 bộ trưởng và 10 quốc vụ khanh, trong đó có 11 thành viên mới. Chức bộ trưởng Nội Vụ vẫn do ông Gérard Colomb đảm nhiệm. Tân bộ trưởng Quốc Phòng là bà Florence Parly (54 tuổi). Bà Parly đã từng là quốc vụ khanh về Ngân Sách từ năm 2000 đến năm 2002.
AFP cho biết trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Bộ Trưởng, bộ trưởng Nội Vụ Gérard Colomb đề xuất dự luật tăng cường an ninh nội địa và đấu tranh chống khủng bố nhằm vừa đảm bảo đạt hiệu quả và tôn trọng quyền tự do cơ bản của dân chúng.
Được coi là một giải pháp để « tránh kéo dài vô thời hạn tình trạng khẩn cấp », dự luật đã được Tham Chính Viện « bật đèn xanh ». Hôm nay, một dự luật khác cũng được trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng nhằm triển hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ sáu cho tới ngày 01/11/2017.
Mỹ : Đảng Cộng Hòa công bố dự luật về bảo hiểm y tế
Lãnh đạo đảng Cộng Hòa Mỹ, trong ngày hôm nay, 22/06/2017, công bố dự luật bảo hiểm y tế thay thế cho luật bảo hiểm dưới thời tổng thống Barack Obama, được gọi là Obamacare.
Sau thất bại của dự luật đầu tiên, lần này, các nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã giữ kín việc thảo luận và soạn thảo văn bản. Phương pháp làm việc này gây nghi ngờ ngay trong hàng ngũ các thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường trình :
« Đây là công việc được giữ bí mật nhất ở Washington. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã than phiền như vậy vì họ bị gạt ra bên ngoài các cuộc thương lượng thay thế Obamacare.
Đó là vì đảng Tea Party, một đồng minh khách quan của những dân biểu ôn hòa, đã làm cho dự luật trước đây không được thông qua. Phe cực hữu muốn xóa bỏ hoàn toàn Obamacare và giảm các khoản bảo hiểm cho những người nghèo khó nhất vì quá tốn kém. Ngược lại, những dân biểu có xu hướng trung dung thì muốn giữ lại và duy trì các thành quả của Obamacare, bởi vì nhiều cử tri của họ, lần đầu tiên trong đời, đã có được những phương tiện chăm sóc sức khỏe.
Chiến lược thảo luận và soạn thảo « tuyệt đối bí mật » sẽ đi kèm với quy trình thông qua nhanh chóng. Như vậy, việc thảo luận dự luật sẽ rút ngắn. Chiến thuật này có lợi thế là gây bất ngờ. Nhà Trắng hy vọng là các nghị sĩ sẽ chỉ đọc dự luật sau khi đã bỏ phiếu thông qua. Thế nhưng, phe Cộng Hòa chỉ hơn có hai phiếu. Do vậy, nguy cơ thất bại trong việc bỏ phiếu thông qua dự luật để thực hiện lời hứa tranh cử mang tính biểu tượng này là có thật.
Phe Dân Chủ thì tố cáo việc chấm dứt áp dụng kế hoạch hóa gia đình và cho rằng chế độ bảo hiểm y tế chỉ dành cho những người giầu nhất. Do chỉ là thiểu số tại nghị viện, phe Dân Chủ đành bất lực ».
Pháp: Macron muốn tạo dấu ấn
nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu
Trong hai ngày, hôm nay, 22/06/2017 và ngày mai, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để thảo luận nhiều hồ sơ quan trọng như vấn đề nhập cư, an ninh, phòng thủ châu Âu. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu với tân tổng thống Pháp. Theo giới quan sát, Emmanuel Macron muốn tạo dấu ấn trong cuộc gặp này.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gửi về bài tường trình :
« Có những người sẽ đón tiếp Emmanuel Macron như một đấng cứu thế, nhưng cũng có những người e ngại một « cậu bé » rất tài giỏi, tới đây làm thay đổi các thói quen của họ. Và trên thực tế, Macron đã gặp một số người trong số này, kể cả trước khi có cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Tất cả mọi người đều thừa nhận là Emmanuel Macron có công đưa dự án phát triển châu Âu trở thành tâm điểm thảo luận và đã chứng minh được rằng người ta vẫn có thể đắc cử vẻ vang với một cương lĩnh ủng hộ châu Âu. Nói tóm lại, Macron đã thành công với chủ đề châu Âu trong khi một số lãnh đạo khác thì lại thất bại.
Về phần mình, Emmanuel Macron muốn thúc đẩy các đồng nhiệm châu Âu đề cập đến nhiều lĩnh vực đa dạng nhưng có thể đạt được đồng thuận như phòng thủ châu Âu, chế độ bảo hiểm xã hội hay chế độ thù lao cho các lao động biệt phái.
Thế nhưng, Emmanuel Macron cũng biết rõ là các chính phủ Trung và Đông Âu thực sự không thích thú gì với việc ông xuất hiện trên tuyến đầu như vậy. Đó là những nước đòi hỏi mạnh mẽ về việc phân bổ trợ cấp, nhưng lại rất yếu kém về tình liên đới và chính trị, vốn là những giá trị phải có trong Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, với sự đồng thuận hoàn toàn của thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự tính một cuộc họp để chỉnh đốn các lãnh đạo bốn nước Trung và Đông Âu ».
Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu diễn ra 3 ngày sau vòng đàm phán đầu tiên với nước Anh về Brexit. Theo AFP, thủ tướng Anh Theresa May sẽ trình bày những bảo đảm của Luân Đôn đối với các quyền lợi của công dân các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sống và làm việc tại Anh, sau Brexit. Đây là một trong những hồ sơ ưu tiên trong đàm phán về Brexit.
Philippines : Quân đội giải cứu được nhiều con tin
Quân đội Philippines, ngày hôm qua, 21/06/2017, đã tấn công vào một trường học ở Pigkawayan, miền nam, và giải cứu được nhiều con tin bị quân khủng bố bắt giữ trong buổi sáng cùng ngày. Theo phát ngôn viên quân đội Philippines, Restituto Padilla, toàn bộ 31 con tin, trong đó có 12 trẻ em, đã được giải thoát và « không một ai bị thương ». Bốn chiến binh Hồi giáo đã bị tiêu diệt.
Thông tín viên RFI Marianne Dardard tại Manila, gửi về bài tường trình:
« Cuộc tấn công ở Pigcawayan không hề giống cuộc tấn công ở Marawi. Quân đội Philippines nhấn mạnh như vậy, sau khi bác bỏ thông tin về việc giải phóng được trường học bị chiếm, để rồi cuối cùng vào tối qua, thì lại khằng định thông tin này.
Theo cảnh sát, có vài trăm kẻ tấn công, tất cả đều thuộc tổ chức Chiến binh Hồi Giáo vì tự do cho Bangsamoro (Bangsamoro Islamic Freedom Fighters, Biff). Đây là một trong số các nhóm khủng bố chính đã liên kết với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở miền nam Philippines. Có lẽ nhóm Biff đã tranh thủ thời cơ có ít binh sĩ của chính phủ ở Pigcawayan để tấn công, vì lực lượng chính của quân đội được triển khai ở Marawi.
Một tháng sau khi các cuộc đối đầu nổ ra ở thành phố Marawi, chính quyền Philippines e ngại có thêm quân thánh chiến đến khu vực này, cũng như tình trạng bạo lực sẽ lan rộng sang nơi khác.
Đối với quân đội, đây cũng là cách để biện minh cho thiết quân luật, được tổng thống Rodrigo Duterte ban hành, trên khắp miền nam Philippines ».
Nhận xét
Đăng nhận xét