2019 khép lại: một năm lắm lo âu cùng nhiều hy vọng

12/30/2019

Đại-Dương: Tình hình thế giới đã chuyển biến mạnh mẽ và phức tạp hơn trong năm 2019 khi nhân loại phải đương đầu ở các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá. Tin thật, tin giả quyện vào nhau làm cho phán đoán trong dư luận trở nên vô cùng khó khăn.
Dù sao, những dữ kiện hình thành suốt năm 2019 sẽ giúp cho nhân loại chọn các bước đi vững chắc nhằm mang lại sự ổn định và phát triển hài hoà trên thế giới.
Chính sách Ngoại giao bẫy nợ và Mua phiếu của Bắc Kinh
Suốt 40 năm qua, nhiều dân tộc bị dở khóc dở cười khi lọt vào kiểu “ngoại giao bẫy nợ” hoặc “mua phiếu chính trị gia” của Bắc Kinh khiến cho môi trường giao tế trên thế giới giống phiên chợ trời.
Ca dao Việt Nam: “Vai mang túi bạc kè kè. Nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm. Trong lưng chẳng có một đồng. Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe” được Bắc Kinh áp dụng triệt để đã lộ diện trong năm 2019 nên gặp phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2013, Bắc Kinh tung ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) chi phí dự trù khoảng 1,000 tỉ USD nhằm nối kết các châu lục bằng đường biển và đường bộ. Khoảng 16 quốc gia đang phát triển và chậm tiến rơi vào kiểu “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Cộng (TC). Để gán nợ, Sri Lanca phải cho nhà thầu TC quản trị hải cảng Hambantota trong 99 năm; Pakistan phải cho Bắc Kinh thuê hải cảng Gwadar trong 40 năm; Djibouti buộc cho phép Bắc Kinh lập căn cứ quân sự. Ngoài lợi ích về kinh tế, BRI còn có lợi thế ngoại giao và chiến lược.
Nhưng, kể từ năm 2019, Nhật Bản đẩy mạnh cạnh tranh với TC về xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển và các nước chậm tiến; Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi cũng bắt đầu thực hiện có thể chặn đứng kiểu ngoại giao bẫy nợ không vượt số 16 quốc gia nạn nhân.
Tổng thống Donald Trump trao đổi thẳng thắn và hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Kim Chính Ân nhằm loại trừ ảnh hưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin lên vấn đề phi-nguyên-tử Bán đảo Triều Tiên, chấm dứt công thức Hội đàm 6 bên kéo dài qua 3 đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama.
Các công ty giải trí hoặc thể thao của Mỹ đã không ngưng chỉ trích hành động vi phạm nhân quyền tại Tân Cương dù bị Bắc Kinh đe doạ. Đan Mạch không ký hợp đồng với Hoa Vi dưới áp lực của Bắc Kinh. Đô trưởng Prague, Zdenek Hrib huỷ bỏ kế hoạch kết thân với Bắc Kinh để chuyển sang Đài Bắc do không chấp nhận yêu sách “một nước Trung Hoa”. Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng có thái độ cứng rắn với Trung Cộng và hợp tác cùng Tây Phương. Gia Nã Đại lập Uỷ ban Kiểm tra Quan hệ với Trung Cộng. Úc Đại Lợi mở cuộc điều tra sâu rộng liên quan đến Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên hệ thống chính trị.
Vai trò của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe gia tăng trên trường quốc tế nhằm giúp cho Liên minh Mỹ-Nhật hiểu biết và gây ảnh hưởng lên đối phương khi đi thăm Ấn Độ liên quan đến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Abe công du Iran có thể liên quan đến mối căng thẳng trên Vịnh Ba Tư (Vịnh Á Rập). Thượng đỉnh Tập-Abe-Moon hôm 24/12/2019 nhằm làm ấm lại mối bang giao giữa ba nước liên quan đến quá khứ lịch sử và tình hình căng thẳng hiện tại, đồng thời cảnh cáo hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên. Nga và Trung Cộng đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giảm cường độ trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng, nhưng, chắc chắn sẽ bị Hoa Kỳ phủ quyết nếu Bắc Triều Tiên chưa chịu giải giới nguyên tử.
Thương chiến Mỹ-Trung và toàn cầu hoá
Nhờ Tổng thống Bill Clinton ban cho Quy chế Tối huệ quốc năm 2000 nên TC mới được thâu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Nhưng, Bắc Kinh chẳng thực hiện các cam kết khi gia nhập mà còn hành xử theo luật pháp của TC nên cho tới nay chưa có nền kinh tế quan trọng nào công nhận Bắc Kinh có nền kinh tế thị trường.
Bắc Kinh tán tụng thương mại tự do, các bên đều win-win, nhưng, hạ giá đồng Nhân dân Tệ để hàng hoá do TC sản xuất lấn áp trên trường quốc tế. Bắc Kinh tuồn hàng sang các nước khác để trốn thuế. TC bị kiện về tội bán phá giá nhiều nhất trên thế giới. Chỉ một vài quốc gia giao thương với TC được thặng dư, đa số còn lại đều bị thâm hụt mậu dịch.
Đòi Bắc Kinh thay đổi hành vi thương mại như tiếng kêu trong sa mạc mà còn vang vọng tiếng cười ngạo nghễ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Hoa. Vì thế, Tổng thống Trump quyết sử dụng công cụ thuế quan để chấm dứt hành vi thương mại gian trá, coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Giới lãnh đạo TC cùng với những kẻ được hưởng ơn mưa móc (ân huệ) của Bắc Kinh vội tung tin “thương chiến làm hai bên đều thiệt hại, nhưng, Hoa Kỳ bị nặng hơn, và Hoa Kỳ tự cô lập với nền kinh tế toàn cầu”.
TC bị thiệt hại nặng sau hơn 17 tháng giao tranh vì phần lớn các công ty ngoại quốc và của TC rời Hoa Lục, nợ công của TC lên tới 300%, tình trạng công ty quốc doanh lẫn tư nhân phá sản ngày càng nhiều; tăng trưởng GDP năm 2018 chỉ 6%, thấp nhất trong 30 năm qua, tuy nhiên, một số chuyên gia ở Hoa Lục đưa ra con số 3% hoặc âm.
Thời gian vàng nhờ đầu tư ngoại quốc 100 tỉ USD/năm; buộc công ty nước ngoài chuyển giao kỹ thuật để được cứu xét cho phép tham gia thị trường 1.4 tỉ dân; 350,000 sinh viên và chuyên gia TC tham gia học thuật ở Hoa Kỳ đã thu thập, ăn cắp kỹ thuật quân sự, kinh tế cho Bắc Kinh. Từ năm 2018 đã có 30 vụ gián điệp liên hệ tới TC, FBI cho biết có hơn 1,000 vụ điều tra ăn cắp tài sản trí tuệ.
Hoa Kỳ và các đồng minh ngăn chặn không cho TC thu mua và sở hữu hoặc liên doanh với công ty, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, cấm bán linh kiện bán dẫn làm cho tình trạng sản xuất của Bắc Kinh bị trì trệ.
Bắc Kinh ra lệnh các công sở thay thế máy điện toán trong vòng 3 năm kể từ 2020. Giới phân tích quốc tế cho rằng rất khó thay thế nhu liệu vì hầu hết chúng đều được phát triển trên hai hệ điều hành phổ biến Windows (Microsoft) và macOS (Apple).
Trong khi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ đã vượt qua chu kỳ suy thoái dài nhất. Tuy tăng trưởng GDP 2.1% trong đệ tam cá nguyệt 2019, nhưng, cao duy nhất trong G-7. Các kinh tế gia của Citigroup tiên đoán ngành chế tác của Hoa Kỳ sẽ tăng vào giữa năm 2020.
WTO đang bị tê liệt không thể buộc tội Hoa Kỳ mà nên chỉa mũi dùi vào kiểu thương mại ăn cướp của TC. Một vụ kiện lên WTO sẽ kéo dài lê thê trong khi bị can vẫn tiếp tục trục lợi từ hoạt động vi phạm. Toàn-cầu-hoá không phải phép màu mà do mọi thành viên biết tôn trọng quy luật thành văn.                   
Trong lĩnh vực chính trị
Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình khuyên các quốc gia trên thế giới muốn phát triển nhanh nên rập khuôn mô hình Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc TC. Chẳng có nước nào theo, ngoại trừ Việt Nam, Cambode, Lào, Cuba, Bắc Triều Tiên. Chủ nghĩa Cộng sản đã lộ diện hành vi tác hại tới nhân loại.
Tại Diễn đàn Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018 và 2019, Tổng thống Donald Trump đã tố cáo Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Xã hội là tác nhân gây ra áp bức, nghèo đói, bất công cho loài người  nên cần phải đánh bại.
Ông đã bị nhóm tinh hoa quốc tế và giới truyền thông buộc tội chống lại nền dân chủ. Nhưng, các dân tộc đã hiểu được quyền của công dân lớn và quan trọng hơn giới cầm quyền nên phong trào đòi quyền tự quyết dân tộc đã nở rộ tại Anh, Pháp, Ba Lan, Hồng Kông, Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi trong năm 2019.
Lần đầu tiên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức xác định Tc là nguy cơ đối với nhân loại.
Toàn thế giới biết Tổng thống Donald Trump đã nói gì và hành động ra sao qua những dòng tweets ngắn gọn mà không bị các cơ quan truyền thông bóp méo hoặc diễn dịch sai. Giới truyền thông quốc tế có thể bắt bẻ, sỉ nhục Tổng thống Trump bất cứ lúc nào mà sao chỉ trích ông chủ Toà Bạch Ốc đốp chát đáp lễ? Sử gia Arthur Waldron thuộc Đại học Pennsylvania nhận định: “TC đang trong tiến trình tan rã”. Bị chỉ trích không lên án các vụ vi phạm nhân quyền, nhưng, Tổng thống Trump đã đấu tranh cho quyền con người bằng các biện pháp cụ thể cho Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, Venezuela… Bắc Kinh lập Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại Hàn năm 2004 đã lan rộng khắp thế giới với 525 Viện Khổng Tử và 1,113 Khoá đường Khổng Tử ở 123 quốc gia nhằm tuyên truyền và làm gián điệp. Năm 2007, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Lý Trường Xuân đến thăm Ban Quảng bá Hán văn đã phát biểu “Học viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền đối ngoại của Chính phủ TC”. Nhiều Viện Khổng Tử trên thế giới bị đóng cửa. Mới nhất có Trường Đại học nổi tiếng ở Bỉ đã quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử trong khuôn viên do Viện trưởng, Giáo sư Tống Tân Ninh bị cáo buộc làm việc cho cơ quan tình báo TC.
Chạy đua quân sự
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 được Tổng thống Donald Trump ký hôm 20/12/2019 lên tới 738 tỉ USD, tăng 2.8% so với năm ngoái mà không bị bất kỳ sự chống đối nào đã chứng tỏ dư luận Mỹ rất quan ngại về nguy cơ chiến tranh trên Biển Nam Trung Hoa mặc dù ngân sách quốc phòng của TC chỉ có 177 USD.
Tập Cận Bình muốn lực lượng quân sự của TC tương đương với Hoa Kỳ và Nga vào năm 2049 nên quyết đóng ít nhất 6 chiếc Hàng không mẫu hạm trong thời gian ngắn mà hai thuộc loại nguyên tử. Hải Quân TC tiếp nhận chiếc HKMH Sơn Đông tự đóng theo mô hình Liêu Ninh nên khả năng tác chiến rất giới hạn. Tác động của thương chiến Mỹ-Trung gây khó khăn về ngân sách cho chiếc thứ ba nên Bắc Kinh tính tân trang cho chiếc Liêu Ninh có khả năng tác chiến thay vì dùng huấn luyện. Chiếc thứ tư đang gặp khó khăn về kỹ thuật khi phải chuyển lực đẩy nguyên tử từ tiềm thuỷ đỉnh sang Hàng không Mẫu Hạm và ngân sách bị hạn chế vào giai đoạn kinh tế đen tối.
Bắc Kinh đã rơi vài chiếc bẫy HKMH vô cùng tốn kém mà vẫn không thể đương đầu với Hoa Kỳ trên biển cả. Thực sự, hai chiếc Khu trục hạm Trực thăng của Nhật Bản đã biến HKMH được trang bị phi cơ tàng hình F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng cũng vượt trội TC về hoả lực và kinh nghiệm săn tiềm thuỷ đỉnh.
Bà Giao Phan làm Tổng Giám đốc Điều hành chương trình đóng 3 siêu hàng không mẫu hạm lớn và hiện đại nhất trên thế giới với ngân sách 40 tỉ USD. Chiếc USS Gerald Ford (CVN-78) đã được giao cho Hải Quân Hoa Kỳ, chiếc thứ hai (CVN-79) đã hoàn tất 30%, chiếc thứ ba (CVN-80) đã khởi công.
Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung (INF) với Nga. TC không tham gia nên chế tạo nhiều hoả tiễn nguyên tử tầm trung đe doạ khu vực Châu Á. Hoa Kỳ bắt đầu chế tạo hoả tiễn đạn đạo tầm trung để bố trí quanh TC. Hoa Kỳ điều động Cận duyên hạm Tác chiến (LSC) trang bị hoả tiễn chống hạm vào SCS đe doạ lực lượng Hải quân TC.
Trung Quốc đơn độc so với Hoa Kỳ có nhiều đồng minh mạnh và đối tác chiến lược tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Trump giảm tối đa các cuộc chiến không-thắng, kìm chế Chủ nghĩa Khủng bố Quốc tế, tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của đồng minh và đối tác khắp nơi. Thành lập Bộ Chỉ huy Không gian Hoa Kỳ (US Space Commmand) lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại với nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Hoa Kỳ trên không gian mà thực sự chuẩn bị cho một loại chiến trường mới chống lại Nga và TC.
Thực/hư về giải pháp hâm nóng toàn cầu
Tạp chí Time đã chọn cô bé Greta Thunberg, 16 tuổi, của Thuỵ Điển làm nhân vật thế giới năm 2019. Cô ấy bỏ học đi khắp thế giới để kêu gọi bảo vệ quả địa cầu và các thế hệ tương lai được giới trẻ hưởng ứng nồng nhiệt.
Chuyện hâm nóng toàn cầu được thảo luận rộng rãi từ cuối thế kỷ 20 trong khi giới khoa học quốc tế vẫn bất đồng về nguyên nhân (vì con người, hoặc do tác động của hệ trời) rất khó ngã ngũ.
Chống hâm nóng toàn cầu cần dựa vào hai yếu tố chính: (1) Cảnh cáo: Khí thải là tác nhân lớn nhất làm mỏng tầng ozone bị phát hiện một lổ thủng nhỏ ở Nam Cực năm 1985 được một số thuộc tầng lớp tinh hoa quốc tế vẽ ra thảm hoạ khủng khiếp mà loài người phải gánh chịu. Nhưng, vào năm 2019, Cơ quan chịu trách nhiệm về hâm nóng toàn cầu thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết lổ thủng trong tầng Ozone ở Nam Cực đang tự phục hồi và sẽ hoàn tất vào 2060. (2) Giải pháp: Thoả ước Khí hậu Paris (UNFCCC) được hầu hết các quốc gia trên thế giới hoan nghênh do câu này “Đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai”.
Thoả ước bất-hợp-lý vì (a) Không có điều kiện ràng buộc pháp lý nên mạnh ai nấy làm và chẳng chịu trách nhiệm. (b) Than đá và dầu hoả tạo ra khí thải nhiều nhất. Trung Quốc chiếm 30% lượng khí thải toàn cầu so 15% của Hoa Kỳ và 9% của Ấn Độ. Saudi đứng đầu về sản lượng dầu hoả thế giới. TC, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác được quyền sử dụng than đá cho tới năm 2030 mới chấp dứt trong khi các quốc gia sản xuất dầu hoả thi nhau đào vàng đen nên từ năm 2016 (lúc ký kết Thoả ước Khí hậu Paris) lượng khí thải trên thế giới tăng gấp bội. Các nền kinh tế phát triển bị cấm sử dụng than và có bổn phận cung cấp kỹ thuật làm sạch môi trường cho các nước đang phát triển, chậm tiến. (c) TC có trữ tệ 3,000 tỉ USD, cho Hoa Kỳ vay 1,100 tỉ USD mà không phải đóng xu nào trong khi Tập Cận Bình tuyên bố “TC sẽ đóng vai trò lãnh đạo môi trường thế giới”. (d) Hàng năm kể từ 2020, Thoả ước phải có Quỹ 100 tỉ USD/năm để thực thi, trước khi mãn nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã góp 1 trong 3 tỉ USD đã hứa vào Quỹ, chưa biết hiện nay Quỹ đã được bao nhiêu. Cuộc họp thường niên tại Madrid hôm 15/12/2019 không đạt được thoả thuận về thi hành Thoả ước Khí hậu Paris có thể do Quỹ chưa thoả mãn đòi hỏi của các thành viên trong khi TC, Ba Tây, Ấn Độ, Á Rập Saudi đòi các quốc gia kỹ nghệ phải gánh thêm trách nhiệm giảm bớt khí thải toàn cầu.
Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi Thoả ước vào ngày 04/11/2020 bởi lẽ dân Mỹ không còn mù quáng để bị lợi dụng triền miên như suốt 75 năm qua (1945-2020).
Thế giới là ngôi nhà chung của nhân loại. Không một quốc gia nào có thể thống trị toàn cầu. Muốn sống trong hoà bình, phát triển, văn minh, hài hoà thì các nhà lãnh đạo và giới tinh hoa phải phục vụ cho quyền lợi của toàn dân tộc, nếu không muốn bị lật đổ.
Người dân không được trang bị tận răng, nhưng, Thượng Đế (hoặc Ông Trời) ban cho tinh thần bất khuất có sức mạnh vạn năng mà chẳng ai chống đỡ nổi.
Quyền tự quyết dân tộc vùng lên sẽ xua tan mây đen độc tài, tham quyền cố vị, dối trá để xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ cùng bè bạn năm châu chia sẻ tương lai xán lạn.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
Trump Won’t Be Able to Let China Slide on Trade Deal (Bloomberg)
China treads warily on US trade deal text to keep other partners on side (SCMP)
China scrambles to stem manufacturing exodus as 50 companies leave (Nikkei)
2019 in Review: US Steps Up Offensive Against Chinese Regime (Epoch Times)
Frank-Walter Steinmeier: ‘Right now democracy needs us!’ (DW)
US, South Korea Conduct Raiding Drills Amid North Korea Tensions (Epoch Times)
What’s in the Growing Russia-China-Iran Trilateral Convergence? (Diplomat)
Li warns of China’s economic dangers in 2020 (Asia Times)
https://baotgm.net/2019-khep-lai-mot-nam-lam-lo-au-cung-nhieu-hy-vong/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?