Việt Nam và vai trò tích cực, chủ động trên Biển Đông


Các chuyên gia và học giả quốc tế đều cho rằng Việt Nam đã có ứng xử linh hoạt, phù hợp khi phát sinh vấn đề trên biển.

Xử lý thích hợp tình huống phát sinh
“Để nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông, Việt Nam cần phải thể hiện sự chủ động và tích cực của mình, đặc biệt là trên mặt trận truyền thông để đưa thông tin chính xác về tình hình Biển Đông đến cộng đồng quốc tế. Việt Nam cần tận dụng sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông”, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại đại học New South Wales, Australia gợi ý trong cuộc trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực” tháng 11/2019 tại Hà Nội.
Chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp với bất kỳ nước nào chứ không chỉ riêng Trung Quốc là đảm bảo nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình và không loại trừ bất kỳ một biện pháp nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Cụ thể những biện pháp này nằm ở điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm: thương lượng ngoại giao, trao đổi quan điểm, sử dụng bên thứ 3 không ràng buộc, sử dụng trung gian hòa giải… Ngoài ra còn có các biện pháp tư pháp như tòa án, tòa trọng tài…
Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế bởi tất cả các bên liên quan đều không muốn đẩy căng thẳng đến mức xung đột và cộng đồng quốc tế cũng không muốn dồn ép Trung Quốc quá mức mà chỉ muốn Trung Quốc hiểu rằng, nước này cần tôn trọng chủ quyền của các nước khác.
Về phía Trung Quốc, nước này cũng nói rằng đối thoại là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là chiêu bài để kéo dài thời gian bởi Bắc Kinh sẽ không chấp nhận nhượng bộ và chưa tìm được lý do nào khả dĩ để bao biện cho hành động của mình.
“Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng trong việc cần phải nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và có mối quan hệ đa phương với tất cả các nước lớn trên thế giới và hơn 100 đối tác khác chứ không chỉ riêng với Mỹ hay Trung Quốc. Việt Nam đang tận dụng rất tốt ưu thế này và không chấp nhận bị dồn ép về một phía”, Giáo sư Carl Thayer nói.
Liên hệ câu chuyện với việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ông Thayer cho rằng: “Ngay cả Australia cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận được phiếu bầu của các nước để trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Vậy mà Việt Nam đã làm được tới 2 lần và lần nào cũng nhận được số phiếu bầu rất cao. Điều này có được là nhờ các nước trên thế giới hiểu rằng, Việt Nam luôn có quan điểm độc lập và không nghiêng về bất kỳ bên nào và sẽ tự đưa ra quyết định của mình. Họ cũng hiểu rõ rằng, Việt Nam sẽ đóng góp rất lớn cho việc gìn giữ hòa bình trên thế giới”.
Giáo sư Thayer nhấn mạnh: “Việt Nam luôn có quan điểm xây dựng trong mọi vấn đề và luôn tìm kiếm sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông”.
Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ có chung nhận định khi cho rằng Việt Nam có quan điểm rõ ràng và nhất quán trong việc chỉ rõ những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và sử dụng vũ lực để o ép các nước khác. Điều này đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các biện pháp đối phó với Trung Quốc của Việt Nam cho đến thời điểm này là rất hiệu quả và Việt Nam rất biết lựa chọn thời điểm cụ thể để có cách hành xử thích hợp.
“Chiến lược của Việt Nam là linh hoạt trong mọi tình huống, bất cứ khi nào Trung Quốc có những động thái làm leo thang căng thẳng, Việt Nam sẽ có phản ứng thích hợp”, Giáo sư – Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định.
Các gợi ý cho Việt Nam
Giới chuyên gia, học giả quốc tế đa phần đều có chung quan điểm cho rằng Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cần phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trước các hành vi sai trái của Trung Quốc, điều này sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông.
Ông Buszynski chia sẻ: “Tôi từng nói với rất nhiều người mà tôi gặp tại Việt Nam rằng, các bạn nên công khai vấn đề này và nói với thế giới về những gì đang diễn ra thay vì tiếp tục nhượng bộ Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc không thể tiếp tục thúc đẩy tham vọng của mình và cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia có thể tham gia vào vấn đề này”.
Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ James Kraska cho rằng, Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc gia và đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt với các đối tác có ảnh hưởng lớn trên thế giới để nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Đông thay vì phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc.
“Nếu Việt Nam có thể tiến hành các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với các đối tác như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản hay Australia, điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến những toan tính của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”, ông Kraska gợi ý.
Một biện pháp khác mà Việt Nam có thể làm là phối hợp với các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc này cũng không hề dễ dàng bởi Trung Quốc không muốn bị ràng buộc về mặt pháp lý một khi nước này đặt bút ký vào COC. Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận làm điều này nếu họ hoàn tất được quá trình quân sự hóa và tiến tới kiểm soát Biển Đông. Khi đó hoặc COC sẽ không còn nhiều giá trị như mục đích ban đầu mà các quốc gia trong khu vực hướng đến hoặc những điều khoản trong COC sẽ trở nên có lợi cho Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu James Borton thì gợi ý: “Việt Nam có thể tiến hành một loạt các cuộc hội thảo khoa học về môi trường biển và mời các chuyên gia hàng đầu tham dự. Điều này sẽ không khiến Trung Quốc cảm giác bị đối đầu trong vấn đề này. Thay vì thế, các cuộc hội thảo khoa học sẽ dần thay đổi nhận thức và quan điểm của Trung Quốc trong trách nhiệm của nước này đối với môi trường ở Biển Đông”.
“Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực”, Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ nhận định.
Trung Quốc có thể ngang nhiên thực hiện những hành vi sai trái ở Biển Đông là bởi Trung Quốc tự tin vào tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling cho rằng, chính vì thế, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng vũ lực. Thay vào đó Việt Nam có thể tính đến việc khởi kiện Trung Quốc.
“Việt Nam có thể đe dọa khởi kiện Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải tiến hành đàm phán theo hướng tích cực hơn với Việt Nam. Nếu Trung Quốc không chấp nhận đàm phán, Việt Nam hãy khởi kiện. Các biện pháp đàm phán song phương sẽ không có hiệu quả nếu Trung Quốc chỉ chăm chăm quan tâm đến lợi ích đơn phương của mình và không chịu nhượng bộ”, ông Poling đề xuất.
Trên thực tế, nói về quyết định khởi kiện, có rất nhiều yếu tố Việt Nam cần phải cân nhắc. Về mặt tình cảm, chắc hẳn người Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới ai cũng thấy trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của Việt Nam như hồi tháng 7-10/2019 thì Việt Nam phải sử dụng hết tất cả mọi biện pháp có thể có, trong đó bao gồm cả biện pháp pháp lý.
“Việc này cần phải tính toán nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản là nộp đơn kiện. Quan trọng nhất là chọn biện pháp gì cũng phải đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Thứ nữa, không phải hôm trước quyết định khởi kiện là hôm sau có thể kiện được ngay. Điều này phải có sự tính toán.
Cơ chế pháp lý quốc tế chưa có cơ chế nào để cưỡng chế thi hành phán quyết như của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông do Philippines tiến hành mà chỉ có thể dùng áp lực của công luận, áp lực của cộng đồng quốc tế tại các diễn đàn hay việc các quốc gia viện dẫn phán quyết thì giá trị của phán quyết được tăng lên”, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Thanh Hà nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?