Đài Loan-Hoa Lục: Lá chắn luật pháp ngăn chiến lược xâm nhập
RFI
Tú Anh
31/12/2019
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử, ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. REUTERS/Tyrone Siu/File Photo
Tú Anh
31/12/2019
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử, ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. REUTERS/Tyrone Siu/File Photo
Thị trường tài chính thế giới tăng kỷ lục trong năm 2019 bất chấp thương chiến Mỹ-Trung, Đài Loan đối đầu chiến lược tuyên truyền nội gián của Bắc Kinh, Kim Jong Un nhìn nhận kinh tế suy sụp, Washington xung đột với Teheran trên chiến địa Irak, Tây phương thất bại tại Lybia là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp trong ngày cuối năm dương lịch.
Đài Loan khẩn cấp chống Trung Quốc xâm nhập
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc tìm cách chinh phục người dân Đài Loan bằng mọi thủ đoạn. Mối đe dọa này không phải là mới nhưng vì sao Nghị viện Trung Hoa Dân Quốc phải khẩn cấp thông qua đạo luật « chống xâm nhập » vào ngày cuối năm 2019, trước ngày bầu cử tổng thống 11/01/2020 ? Đâu là thế mạnh, thế yếu của Đài Bắc trước áp lực của Bắc Kinh ?
Theo thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération tại Đài Bắc, tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà tại Nghị Viện, nhân cơ hội kiểm sóat hành pháp lẫn lập pháp trước khi phải bầu lại vào ngày 11 tháng 01 tới, thông qua đạo luật « bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các thế lực thù địch sẵn sàng dùng vũ lực đe dọa lãnh thổ ».
Tuy không gọi đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng chỉ có chế độ Bắc Kinh là đe dọa dùng quân sự « thống nhất » Đài Loan. Theo Libération, khi phải sử dụng đến nền tảng luật pháp bảo vệ chủ quyền, chính quyền Đài Loan nhìn nhận họ bất lực trước chiến lược mới của Trung Quốc được gọi là « Nhuệ Thực Lực » (Sharp Power), hiểm độc hơn quyền lực mềm (Soft Power) .
Facebook : chiến trường khốc liệt
Song song với chiến lược gây sức ép bằng quân sự và cô lập ngoại giao, và « quyền lực mềm » tuyên truyền khuynh đảo, vũ khí mới của Bắc Kinh là tung tin giả và mua chuộc giới chính trị Đài Loan hầu gây chia rẽ trên đất nước của họ : nào bà Thái Anh Văn làm tiến sĩ giả , nào là CIA trả tiền cho dân Hồng Kông biểu tình… Các tin giả càng ngày càng nhiều và được các mạng xã hội, các dư luận viên của Bắc Kinh và các cơ quan báo chí do các tư bản đỏ kiểm sóat quảng bá lên.
Theo một bản báo cáo của đại học Goteborg, Thụy Điển, thì Đài Loan là lãnh thổ bị chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tấn công mạnh nhất. Facebook là một trong những chiến trường khốc liệt. Chưa hết, ngoài thủ đoạn tấn công, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật xâm nhập, tài trợ ứng cử viên có chủ trương thân Bắc Kinh. Trường hợp ông Hàn Quốc Du bị tố cáo nhận 2,8 triệu đôla để tranh cử đang được tư pháp điều tra, kiểm chứng. Mặc khác, hàng trăm tổ chức tôn giáo, bổng dưng nhận được tiền cúng dường hậu hỉ xây chùa nguy nga, được tặng tượng Phật để rồi tham gia vào vận động bầu cử cho các chính khách của Quốc Dân Đảng.
Theo dân biểu Freddy Lim, Đài Loan cần một đạo luật như Úc để có cơ sở pháp lý để ngăn chận hình thức xâm nhập nội gián này. Ai đứng sau lưng ? Nga hay Trung Quốc ? Một đạo luật chưa đủ nhưng là một bước đầu.
Giới chuyên gia tỏ ra đồng cảm với Đài Loan. Michael Cole, chủ nhiệm nhật báo Taiwan Sentinel, trong cuộc hội thảo về « tuyên truyền đầu độc » do hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới tổ chức tại Đài Bắc hôm thứ Sáu tuần trước cho biết « Đài Loan, cũng như nhiều nước dân chủ khác, phải tổ chức tự vệ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách khuynh đảo xã hội Đài Loan là chuyện có thật. Chính quyền Đài Loan đang đề nghị những biện pháp bảo vệ nền dân chủ. Khi đối lập lên án đạo luật này sẽ biến Đài Loan thành Bắc Triều Tiên thì đó là một thí dụ điển hình chứng minh là tình trạng tung tin đầu độc đã tràn ngập hải đảo ».
Cũng cùng quan điểm, Les Echos nhấn mạnh đến khẩu hiệu tranh cử của tổng thống mãn nhiệm mà theo thăm dò sẽ tái đắc cử : « Kháng cự Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan ».
Tâm lý bài Trung Quốc tăng theo tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn.
Tuy bị các định chế quốc tế theo lệnh Trung Quốc tẩy chay, cho dù ngày càng bị cô lập ngoại giao nhưng Đài Loan có nhiều lợi thế mà Hoa Lục rất thèm thuồng.
Ngoài trữ lượng ngoại tệ, ngoài các trung tâm nghiên cứu khoa học và các đại tập đoàn như TSMC, Hon Hai và các nhãn hiệu điện tóan tầm cỡ quốc tế như Acer, Asus, Đài Loan còn có một kho tàng trí tuệ, nhân tài và vốn đầu tư của nhà nước cũng như tư nhân.
Kim Jong Un và chỉ tiêu 2 triệu du khách cứu kinh tế
Chủ đề Châu Á thứ hai là Bắc Triều Tiên. Kim Jong Un nhìn nhận kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng ngoài những khẩu hiệu quen thuộc như là « khắc phục phấn đấu làm thay đổi cục diện » lãnh đạo tối cao không đưa ra được một chiến lược cụ thể trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Washington bị bế tắc.
Theo nhận định của Les Echos, Kim Jong Un không đưa ra được một đề nghị gì mới, không nói rõ là sẽ làm gì nếu Hoa Kỳ không nhượng bộ gì cả trong ngày 31/12/2019, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là kỳ hạn của tối hậu thư.
Cũng theo nhật báo kinh tế, trong bối cảnh không được Mỹ, Hàn, Châu Âu trợ giúp, Bắc Triều Tiên chỉ còn kỳ vọng vào ngành du lịch. Nhưng liệu có đạt được chỉ tiêu 2 triệu du khách vào năm 2020 hay không ? Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 2000 du khách đến Bắc Triều Tiên mà đa số là dân Hoa Lục. Bình Nhưỡng hy vọng thu hút được một phần nhỏ trong số 150 triệu người Trung Quốc mỗi năm đi du lịch nước ngoài là cũng đủ. Thế nhưng Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở đón tiếp và thiếu nhân viên thạo tiếng quan thoại.
Xung khắc Mỹ- Iran có nguy cơ leo thang
Sau vụ Hoa Kỳ oanh kích vị trí của Hezbollah-Irak để trả đũa một vụ tấn công làm một người Mỹ thiệt mạng, Le Figaro và Liberation dự báo Mỹ và Iran sẽ xung đột trên lãnh thổ Irak.
Với tựa « Đằng sau các vụ oanh kích của Mỹ là chiếc bóng xung đột với Iran », Liberation dành một bài dài để phân tích vì sao căng thẳng leo thang. Iran làm mọi cách để « tống 5.200 quân Mỹ » ra khỏi Irak. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn triệt tổ chức Hezbollah- Irak, cánh tay nối dài của lực lượng vệ binh cách mạng Iran, với hơn 100.000 chiến binh Shia tại Irak, đông hơn Hezbollah-Liban ủng hộ Damas.
Le Figaro nói đến lý do chính trị : Phong trào công dân chống tham nhũng ở Liban và tại Irak, ngay trong cộng đồng Shia, lên án thế lực ngày càng mạnh của Hezbollah. Phong trào này đòi hỏi cải cách sâu rộng chế độ chính trị tham ô và bất công, vô tình đi đúng và thuận lợi cho chính sách của Washington tại Irak. Theo một chuyên gia của Atlantic Council, Iran đóan biết Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng sai lầm của Iran là không ngờ các nhà quân sự Mỹ biết thích ứng với tình thế.
Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới
Tổng kết tình hình 2019 , bài xã luận cuối năm của La Croix trở lại một thập niên « đen tối ở Trung Đông ». Le Figaro và Le Monde tỏ ra nghiêm khắc khi bình luận về trách nhiệm của Tây phương .
Đối với Le Monde, sự kiện tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Lybia là một thất bại lớn của Liên Hiệp Châu Âu. Ankara dựa vào lý do là chính phủ Tripoli, được cộng đồng quốc công nhận nhưng cũng bị chính quốc tế bỏ rơi, phải chao đảo trước nguy cơ tấn công của một lực lượng phản loạn, nên Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp để ổn định tình hình.
Trang Ý kiến của Le Figaro bi quan hơn khi khẳng định « Tây Phương đã mất thế thượng phong ». Thời kỳ nước Mỹ một mình ngang dọc tung hoành đã qua rồi. Sự kiện hải quân Nga, Trung Quốc và Iran tập trận ngay trong biển Oman chứng tỏ vùng Vịnh không còn là ao nhà của Mỹ. Trong khí đó thì ở Thái Bình Dương, Biển Đông đã biến thành ao nhà của Trung Quốc.
Lỗi này là do ai ?
Từ sau vụ khủng hoảng Ukraina, Nga bỏ Châu Âu sang thuyền khác. Nếu không có Trung Quốc, liệu Matxcơva có bỏ chính sách kết nối với Châu Âu của tổng thống Yeltsin hay không ? Vì thiển cận,Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới trong khi Bắc Kinh có chiến lược dài hạn, với mục tiêu là trở thành siêu cường số một. Theo tác giả, Tây Phương nên tự xét mình. Cứ chia rẽ mãi, có ngày khối Châu Âu cũng không còn.
Trong bầu không khí căng thẳng này cũng có một thông tin phấn khởi trên các báo Pháp : 2019, năm kỷ lục của thị trường chứng khóan. Tuy nhiên, một sự kiện khác kéo độc giả Pháp trở về thực tại : Giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn đến ngày thứ 26 . Cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ kéo dài trong khi chờ đợi phản ứng của tổng thống Macron qua thông điệp đầu năm vào chiều 31.
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét