Tin Việt Nam – 28/12/2019

Tin Việt Nam – 28/12/2019

Ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử khi nộp lại 66 tỷ đồng

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sáng ngày 28/12/2019 tuyên cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son mức án Chung thân cho 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, chỉ trong 6 ngày từ 20/12 – 26/12 , gia đình ông Son đã vội vã nộp cho cơ quan điều tra 2 lần tổng cộng 66 tỷ đồng tiền mặt trong tổng số 74 tỷ đồng nhận hối lộ sau khi bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình.
Mặc dù là người đưa hối lộ các quan chức lên đến 6.2 triệu USD, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ (em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng) chỉ bị tuyên án 3 năm tù giam.
Ông Trương Minh Tuấn, Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận hối lộ 200 ngàn USD bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù giam cho 2 tội danh giống ông Nguyễn Bắc Son.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiMone nhận hối lộ 2.5 triệu USD bị tuyên mức án lên đến 23 năm tù giam.
Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên từ 2 năm 6 tháng tù giam đến 14 năm tù giam.
Trước đó 1 ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng tuyên bố “sẽ khoan hồng cho những ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-bac-son-dodge-capital-sentenc-12282019075735.html

Tiền quan tham nộp lại vì đâu và ở đâu?!

‘Nôn’ tiền hối lộ ra!
Trong phiên tòa sáng ngày 20/12, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG.
Đến chiều ngày 23/12, tin cho biết gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả sau một quá trình dài bất hợp tác. Tuy nhiên, số tiền này chỉ gần bằng 1/3 số tiền hối lộ ông Son nhận được từ cựu chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ.
Tuy nhiên đến ngày 27/12, một ngày trước khi Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án vụ MobiFone mua AVG, người nhà ông Son đã đem thêm 45 tỷ đồng đến giao nộp.
Như vậy, ông Nguyễn Bắc Son đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng, tương đương với số tiền 3 triệu USD mặc dù trong phiên tòa ông thừa nhận có cầm thêm 200.000 USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.
Số tiền 66 tỷ đồng tiền mặt là một số tiền lớn, tuy nhiên báo chí nhà nước không cho biết số tiền này gia đình ông Son kiếm đâu ra chỉ trong vài ngày, dù con gái ông cựu bộ trưởng Thông tin- Truyền thông, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phủ nhận có nhận tiền từ người cha chuyển cho trước đó.
Trước kia họ không chịu trả, nghĩ rằng có thể ôm trọn được số đó, nhưng vì tòa án dọa tử hình thì họ sợ mạng sống của mình nên phải ‘nôn’ ra thôi. - Nguyễn Quang A
Nhận xét về hành vi nhận hối lộ và khắc phục hậu quả của Cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Văn Khánh, nguyên phóng viên ban Khoa giáo báo Tiền Phong cho rằng ông Son thể hiện sự tráo trở, không nhất quán qua các lời khai tại tòa:
“Từ đầu ông nói đưa cho con gái, sau đó ông nói rằng không nhớ gì cả, rồi lại xin Tổng Bí thư tha lỗi cho ông.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự lập luận:
“Trước kia họ không chịu trả, nghĩ rằng có thể ôm trọn được số đó, nhưng vì tòa án dọa tử hình thì họ sợ mạng sống của mình nên phải ‘nôn’ ra thôi.”
Tiền mặt đâu lắm thế?!
Ngay sau khi gia đình ông Nguyễn Bắc Son chỉ trong vòng 4 ngày có thể kiếm đủ 66 tỷ đồng tiền mặt nộp lại để khắc phục hậu quả cho ông, dư luận xã hội đông loạt bày tỏ mắc người nhà ông Son bằng cách nào có thể huy động số tiền mặt lớn như vậy chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn. Phải chăng việc cất giữ nhiều tiền mặt tại nhà đang là cách an toàn cho các quan chức Việt Nam khi thu giữ tiền bất chính?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng tình hình vì không phải nhà cán bộ lúc nào cũng nhiều tiền. Trong trường hợp ông Nguyễn Bắc Son thì tình hình lại khác:
“Tiền ông Bắc Son nhận hối lộ của người ta bỏ ngân hàng sợ lộ thì để đấy (nhà), chưa di tản kịp nên bây giờ nộp lại. Nếu giải thích theo hướng đó thi tiền nhiều đó không phải ông có từ trước mà tiền mới nhận hối lộ. Ở Việt Nam xài tiền mặt trong nhà không phải là gì cấm kỵ. Hiện giờ chưa có luật mỗi gia đình phải có bao nhiều tiền mặt tại nhà.”
Đồng ý với ý kiến Luật sư Thuận, cựu nhà báo Nguyễn Văn Khánh cũng nghĩ rằng thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch cũng như cất giữ của người Việt hiện nay rất phổ biến, tuy nhiên:
“Hiện nay các quan chức có nhiều tiền là đương nhiên rồi, vấn đề tham nhũng ở Việt Nam rất trầm trọng. Còn vấn đề giữ tiền trong nhà tôi cho rằng các ông ấy không dám gửi tiền vô các ngân hàng nhà nước, còn các ngân hàng nước ngoài có thể trong tầm tay các ông đấy.”
Giải thích rõ hơn nguyên nhân vì sao, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng các quan chức ở Việt Nam Bây giờ thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu không kém gì các doanh nhân giàu có nên việc có nhiều tiền mặt là điều dễ hiểu:
“Thực sự việc giữ tiền mặt, hoặc vàng, đô la, cổ phiếu là những thứ dễ biến thành tiền mặt, độ thanh khoản cao là tập quán ở đâu cũng thế. Ở Việt Nam việc giữ tiền mặt lại càng dễ dàng hơn vì đấy là cách làm cho tung tích đồng tiền khó có thể theo dõi. Nói cách khác, những kẻ tham nhũng và những kẻ rửa tiền đều có điểm chung là thích tiền mặt, vàng, hay những đồ dễ mang và giá trị cao.”
Của nổi, của chìm từ tham nhũng!
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng số tiền hối lộ ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận trước tòa chỉ là phần nổi của tảng băng:
Từ thế hệ thứ 2 đến thứ 3 trở đi thì việc tham nhũng là việc hiển nhiên của một chế độ đã lỗi thời và không còn phù hợp với cả xu hướng thế giới, càng ngày càng trở nên dã man và man rợ. - Nguyễn Văn Khánh
“Tiền hối lộ mà khai ra như ông Nguyễn Bắc Son thì đó là lần đầu tiên khai ra như thế, thực tế qua những sai phạm mà người ta nghi vấn hoặc người ta đặt vấn đề có nhận hối lộ thì không phải 3 triệu (USD) là lớn đâu, còn những khoản tiền lớn hơn chẳng hạn như qua đất đai, doanh nghiệp công ty này thì số tiền nhận hối lộ gấp nhiều lần, không phải tiền ông Bắc Son nhận là lớn đâu.”
Xác nhận thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc nhận hối lộ ở Việt Nam không phải chỉ mới đây mà đã có từ lâu.
“Từ thời đổi mới, tức khoảng 25-30 năm trở lại đây thì nó trở nên phổ biến hơn nhiều và quy mô lớn hơn nhiều. Trước kia cũng có nhưng bởi vì cả đất nước nghèo nên sự tham nhũng tương đối cũng là kinh khủng thời đấy, nhưng so với lượng như bây giờ thì thời cách đây 30 năm không gây nên bức xúc như vậy bởi vì nó dễ giấu hơn và không tràn lan nên người ta không để ý lắm.”
Vào ngày 26/12 vừa qua, bà Trần Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1967 – một nữ Bí thư huyện ủy Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết bà bị trộm vào nhà khống chế rồi cướp đi 30 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng dư luận lại tập trung vào hình ảnh ngôi nhà bà được báo chí trong nước đăng tải. Nhiều người dân không khỏi thắc mắc với chức vụ bí thư huyện ủy mà bà Tuyết đang đảm nhiệm, bằng cách nào bà có thể xây được căn biệt thự rộng lớn như hình và có cả tài xế riêng.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình về thông tin này, một số người dân cho rằng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng cần rà soát lại xem bà Tuyết có trốn thuế hay không.
Nhận xét về tình quan chức tham nhũng, nhận hối lộ hiện nay, cựu nhà báo Nguyễn Văn Khánh cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng từ khi lứa thứ hai của những người cộng sản. Tôi không nói thế hệ ban đầu thế nào tôi không biết nhưng từ thế hệ thứ 2 đến thứ 3 trở đi thì việc tham nhũng là việc hiển nhiên của một chế độ đã lỗi thời và không còn phù hợp với cả xu hướng thế giới, càng ngày càng trở nên dã man và man rợ.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/where-do-corrupt-officials-have-money-to-pay-back-the-bribe-12272019133550.html

Hai quan chức chính quyền Hà Nội bị bắt giam

vì liên quan đến vụ Nhật Cường

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm 28/2 vừa ra lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành Uỷ Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Theo truyền thông trong nước, hai người bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Bộ Công an đã khởi tố ít nhất 12 người về các tội danh khác nhau liên quan đến Công ty Trach nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường. Đây là công ty đã trúng thầu một loạt các dự án về công nghệ cao vào các cơ quan của thành phố Hà Nội với trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xay ra tại công ty Nhật Cường.
Hồi cuối tháng 11, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố, lệnh bưats bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Tiến Học – nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng ngày, Công an cũng bắt giữ bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư với cùng tội danh. Trước đó, ông Huy đã bị khởi tố về tội “buôn lậu” và “rửa tiền”.
Bộ Công an cũng có quyết định khởi tố bị can đối với ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty Nhật Cường về cùng tội danh. Ông Huy hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-hanoi-offficials-arrested-12282019084904.html

Bắt Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Bộ Y tế

vì liên quan vụ VN Pharma

Hôm 28/12, truyền thông trong nước trích thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết cơ quan này đã có quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở đối với bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó trưởng Phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Bà Thuỷ bị bắt để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Bà Thuỷ bị khởi tố để điều tra về quy trình xem xét, cấp phép cho 2 hồ sơ nhập khẩu thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin do công ty VN Pharma nhập khẩu.
Đây là hai thuốc nằm trong danh sách các thuốc được VN Pharma khai là do Helix Canada sản xuất. Các thuốc này đã bị Cục Quản lý dược rút giấy phép lưu hành vào tháng 7 năm 2014.
VN Pharma là công ty đã nhập thuốc chữa ung thu giả H-Capita về Việt Nam. Các lô thuốc kháng sinh mà công ty này nhập bao gồm hai thuốc vừa nêu tên cũng bị xác định là đã được làm giả giấy tờ khi nhập về Việt Nam.
Tờ Thanh Niên cho biết từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, đã có 8 loại thuốc mang tên nhà sản xuất Health 2000 Inc Canada được VN Pharma nhập về Việt Nam với số tiền lên đến gần 4,4 triệu đô la, tương đương hơn 91 tỷ đồng. Toàn bộ số thuốc này đã trúng thầu và bán hết vào các bệnh viện khắp nơi, với số tiền ước tính lên đến 109 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/health-official-linked-to-vn-pharma-arrested-12282019082525.html

Phó trưởng công an thành phố tử vong khi hút mỡ

Tin từ Hà Nội, ngày 28/12/2019: Theo báo chí nhà nước cộng sản, phó trưởng công an thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tử vong trong khi được hút mỡ tại thẩm mỹ viện Việt Hàn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào ngày 27/12.
Dẫn lời một viên chức cao cấp của Viện kiểm sát quận Cầu Giấy, báo điện tử Tổ Quốc viết rằng nạn nhân là sỹ quan công an có chức vụ cao nên việc giải quyết vụ tai nạn thuộc thẩm quyền của thành phố.
Nhà chức trách quận Cầu Giấy đã báo cáo, chuyển hồ sơ sự việc lên công an và Viện kiểm sát thành phố Hà Nội để điều tra. Báo chí không đưa rõ danh tính của nạn nhân, mà chỉ đưa tin nạn nhân 43 tuổi. Có nhiều khả năng nạn nhân bị sốc thuốc khi gây mê.
Sự việc đặt dấu hỏi về khả năng đảm bảo an toàn tính mạng của khách hàng trong phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam. Cách đây vài năm, một phụ nữ đã bị chết trong quá trình hút mỡ ở một cơ sở làm đẹp ở Hà Nội và sau đó bác sỹ chủ cơ sở đó đã đưa xác nạn nhân đi ném xuống sông Hồng.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ không có chức năng hút mỡ nhưng vẫn quảng cáo dịch vụ này.
Lực lượng công an được coi là thanh kiếm bảo vệ chế độ nên người trong lực lượng này thường xuyên lạm dụng quyền lực. Đây chính là nguyên nhân lượng lực công an ít chiếm được thiện cảm của dân chúng, và mỗi khi sỹ quan công an bị lâm nạn, có rất ít người tỏ ra đau buồn.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/pho-truong-cong-an-thanh-pho-tu-vong-khi-hut-mo/

Văn nghệ sĩ Hà Nội “ngã ngửa”

 khi nhận giải thưởng trị giá bằng 2kg thịt heo

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 27 tháng 12 năm 2019 loan tin, các văn nghệ sĩ Hà Nội vừa được phen ngạc nhiên khi bóc phong bì giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng thủ đô.
Theo đó, có rất nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội gửi tác phẩm đến hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội để tham gia cuộc thi. Kết quả được công bố là có 6 giải A, 12 giải B, và 17 giải C cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc. Nhận được giải khiến nhiều nhà văn vui mừng, tuy nhiên khi nghe đến phần tiền thưởng với tổng trị giá giải thưởng cho 35 giải là 12,9 triệu đồng đã khiến nhiều văn nghệ sĩ “choáng váng”.
Mỗi giải A nhận được 500,000 đồng tiền thưởng, mỗi giải B là 400,000 đồng, và mỗi giải C là 300,000 đồng. Như vậy, sau nhiều ngày dày công sáng tác để cho ra đứa con tinh thần thì các văn nghệ sĩ cũng chỉ nhận được khoản tiền đủ mua được vài kg thịt heo với giá 180,000 đồng/kg.
Nhận xét về mức tiền thưởng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người được nhận giải B cho rằng, giải thưởng này không xứng tầm, và các nhà văn đã đón nhận giải theo tinh thần AQ. Bà Hà thắc mắc, không lẽ Hà Nội không có được một động tác nào để động viên văn nghệ sĩ? Vì đây là thành tựu 65 năm, chứ không phải là thành tựu 1 năm hay nữa năm. Vì vậy các nhà văn thấy buồn là vì vậy, chứ không phải vì số tiền quá ít.
Tuy nhiên, dư luận thì cho rằng bà Hà vẫn chưa “tâm sự” thật lòng, vì rõ ràng chính vì số tiền ít nên sau giải thưởng mới xuất hiện những thái độ như trên của các nhà văn.
Ông Đỗ Tiến Hữu, Chánh văn phòng hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội thừa nhận, giá trị giải thưởng so với mặt bằng thị trường là rất thấp, chưa đáp ứng được một phần công sức bỏ ra của tác giả. Nhưng mức thưởng trên là căn cứ vào quy định thi đua khen thưởng của thành phố.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/van-nghe-si-ha-noi-nga-ngua-khi-nhan-giai-thuong-tri-gia-bang-2kg-thit-heo/

Khôi hài khi đề nghị trao huy chương vàng

cho kinh tếvà Thủ tướng Việt Nam!

Thanh Trúc, RFA
“Tiến sĩ Tuấn và huy chương zàng” là tựa bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Tường trên trang mạng baotiengdan.com hôm 23 tháng Mười Hai vừa qua.
Thay vì dùng từ ‘huy chương vàng’, tác giả dùng từ ‘huy chương zàng’   để nói về đề nghị mà giảng viên kinh tế Đại Học Fulbright, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, đưa ra cho kinh tế và Thủ tướng Việt Nam trong năm qua.
Theo người viết Nguyễn Tiến Tường, khi đề nghị như vậy  thì Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn đã ‘mang nhân dân và Thủ tướng ra bỡn cợt rất mất nết’.
Tác giả Nguyễn Tiến Tường viết: “ Quốc gia đang gia tăng nợ, cần vay đến 459 nghìn tỷ Đồng để …đi trả nợ cũ, khác nào đi bốc bát họ để trả góp ngày, khác nào vay tín dụng đen để trả tiền FE Credit”
Ông nói Việt Nam nợ quá đến nỗi mới rồi bị Moody’s hạ mức tín nhiệm tín dụng xuống tiêu cực, rằng trong bối cảnh kinh tế vi mô loạn như cào cào và người lao động miệt mài một ngày công mà không mua nổi một ký thịt heo, thì đòi đeo huy chương vàng kinh tế là chơi khăm đất nước, miệt thị nhân dân, khác nào áo rách bị xúi đi nhảy đầm, húp cháo loãng mà bắt đeo nhân sâm giả vào cổ.
Không chỉ mai mỉa, tác giả còn suy diễn đề nghị của tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là “mượn gió bẻ măng, mượn đao giết người, cả gan “gài” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ca ngợi về tầm nhìn 2045 mà ông chia sẻ, rằng giữa bốn bề thất bát mà anh đòi trao huy chương vàng cho Thủ tướng tức là mang Thủ tướng ra giải tỏa cái thói tư hữu tham lam của mình” .
Qua tìm hiểu của RFA, bài viết đưa lên mấy hôm nay đã lôi kéo sự chú ý của nhiều giới, nhất là trên cộng đồng mạng,. Nhiều người cho rằng có thể coi đây là chuyện vui với nhau cuối năm 2019 này.
Từ Sài Gòn, một cây viết phản biện trên mạng, nhà báo Nguyễn Ngọc Già ,cho biết:
“Tin tôi đọc trên VietnamNet, báo lề phải, thì tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là người nổi tiếng của Đại Học Fulbright Vietnam có nói rằng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được thưởng huy chương vàng thứ 100. Theo thiển ý của tôi đó là một câu cợt nhã hơn là lời nói thật.”, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già 
“Tin tôi đọc trên VietnamNet, báo lề phải, thì Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là người nổi tiếng của Đại Học Fulbright Vietnam có nói rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được thưởng huy chương vàng thứ 100. Theo thiển ý của tôi đó là một câu cợt nhả hơn là lời nói thật.”
Vậy Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là ai, đề nghị của ông ta nghiêm túc hay chỉ là chuyện nói cho lấy được. Nếu nhìn trên góc độ nghiêm túc thì không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới người dân hay báo chí thường đem những khuôn mặt lãnh đạo ra để bàn tán, đánh giá, thậm chí châm biếm bằng những câu chuyện khôi hài, nửa đùa nửa thật miễn là không hại gì. Lại nữa, đôi khi phản ứng từ những câu chuyện ấy lại phản ảnh nếp nghĩ của người dân trước thực tế của đất nước, là khẳng định của tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên kinh tế Đại Học Quốc Dân Hà Nội:
“Theo quan  điểm của mình đây chỉ là một nhà kinh tế đơn lẻ thì không nói lên được điều gì. Nói đến góc độ huy chương là nói đến các đoàn thể thao đi tham dự thế vận hội hay khu vực mà đoạt huy chương, chứ còn về mặt kinh tế thì ta không nói đến chuyện huy chương hay không huy chương bởi vì nền kinh tế Việt Nam mới chỉ ở mức thu nhập trung bình và vẫn còn nhiều cái để mà lo ngại”
“Thủ tướng đã có một cái tổ tư vấn kinh tế toàn là chuyên gia hàng đầu rồi, ông đấy chỉ là một quan đểm mang tính cá nhân chứ không phải chính thức. Mà thực ra ông ấy cũng không có một góc độ gì để phát ngôn không hợp lý như vậy”.
Một người từng là giảng viên Đại Học Fulbright trước tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nhiều năm, ông Bùi Văn, hiện phụ trách kênh TV FBNC chuyên về kinh tế, cho rằng đây chẳng qua chỉ là chuyện đùa:
“ Tôi nghĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nửa đùa nửa thật, trong lúc thân tình thì anh nói thế. Đỗ Thiên Anh Tuấn là bạn tôi, khá thân, được học hành đào tạo đàng hoàng và là một giảng viên nghiêm túc. Mấy lần Thủ tướng đi dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Thụy sĩ thì đều mời anh này đi cùng. Nhưng mà anh này vẫn là một anh nghiên cứu kinh tế, anh thiên về Academic, là người đàng hoàng tử tế  chứ không có ý đồ gì về chính trị hay làm quan chức đâu”.
Đây cũng là giải thích  gián tiếp của ông Bùi Văn khi nghe cư dân mạng kháo nhau rằng Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, không dưng nịnh bợ ông  Nguyễn Xuân Phúc bằng đề nghị huy chương vàng, chẳng qua vì đang ngấm nghé chiếc ghế mà một tiến sĩ kinh tế khác là Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, vừa được cất nhắc lên chức Tổ trưởng Tổ Tư Vấn cho Thủ tướng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già vẫn tin rằng Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, kể cả người viết Nguyễn Tiến Tường trên baotiengdan.com, đều có ý bỡn cợt ngay từ đầu:
“Tôi nghĩ trong cách bỡn cợt, khen như vậy ông vẫn lách được. Trong giới gọi là Sĩ Phu Bắc Hà thì người ta có cách chửi thâm thúy là “khen cho mày chết”. Không có gì ngạc nhiên khi ông tiến sĩ khen tặng ông Nguyễn Xuân Phúc với cái huy chương vàng. Không thể nào ông Đỗ Thiên Anh Tuấn không biết, huống chi ông là tiến sĩ kinh tế nổi tiếng của trường đại học Fulbright cơ mà. Đâu có thể làm gì ổng được đâu, ổng khen mà”.
“ Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn không xuống với nhân dân, chỉ đi theo thủ tướng, chỉ nghe người ta khen thủ tướng chứ ai dám chê thủ tướng đâu. Trí thức có xun xoe thì an ninh mới cho tiếp cận các cấp lãnh đạo lớn. như thủ tướng chẳng hạn. Những người đấy không bao giờ dám nói thực tế đâu”, Ông Trần Bang
Về bài viết của ông Nguyễn Tiến Tường, nhà báo Nguyễn Ngọc Già diễn giải tiếp:
“ Tôi nghĩ bài của ông Nguyễn Tiến Tường là một hình thức tương kế tựu kế, có thể ông ta hiểu được cái ý sâu xa của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn và ông ta viết mang tính chất trào lộng thì cũng không có gì để ngạc nhiên”.
Sau cùng,  từ đề nghị của Tiến sĩ kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại Học Fulbright cho đến bài viết phản bác của tác giả Nguyễn Tiến Tường  trên baotiengdan.com, nhà hoạt động xã hội Trần Bang cho rằng tất cả như màn hài kịch:
“ Ông Nguyễn Tiến Tường có kiến thức sâu và ông nói hài như thế cũng thấy hay. Có thể cái cách buộc phải dùng đại ngôn như vậy, mua vui cũng được một vài phút cho người đọc, nó buồn cười mà có cái gì đó rất thật, còn thực tế thì người ta sẽ thấy đau…”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-ironical-to-propose-gold-award-for-vnpm-and-economy-as-well-12272019114040.html

Ngành du lịch Việt Nam mới chỉ kinh doanh của trời cho!

Mạng báo Viettimes, cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam vào tháng 1 năm nay có bài liệt kê bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh Trái Đất.
Thực tế này là không thể chối cãi đối với nhiều người cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số bãi khác dọc theo đường bờ biển dài đến cả gần 3 ngàn kilomet của Việt Nam là những nơi được cho là tắm lý tưởng!
Tuy nhiên hiện nay nhiều người đang quan ngại về tình trạng những nơi đó bị ô nhiễm bởi rác thải, nước bẩn, hàng quán xô bồ, chèo kéo bán hàng…
Tại Vịnh Hạ Long, nhiều người cũng quan ngại về tình trạng ô nhiễm Vịnh bởi rác thải, dầu nhớt từ các tàu chở khách rò rỉ ra, ngay cả nạn khắc tên trên tường hang động, thạch nhũ…
Nhiều cơ quan quản lý địa phương lúng túng trong việc đề ra phương án phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn di sản, cảnh quan địa phương…Liệu hoạt động khai thác du lịch có mạng lại hiệu quả như mong đợi không, hay chỉ chạy theo số lượng mà quên công tác bảo tồn. Hình ảnh được ví von là ‘con gà đẻ trứng vàng’ không được nuôi đúng cách mà thậm chí còn giết thịt để ăn.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực này, vào ngày 27/12/2019 thừa nhận rằng mặc dù ngành du lịch Việt nam có nhiểu nỗ lực; nhưng để đáp ứng được như mong đợi thì chắc phải còn khá lâu.
“Nhiều cái khó như là hệ thống giao thông VN chưa được đồng bộ, họ vẫn đang nỗ lực nhưng không thể một sớm một chiều được. Điều đáng lo nhất là việc chủ nhà của mình này thì mình có biết nhắc nhỏ bảo vệ cái đó hay không, có những lúc mình dễ dãi trong quản lý nên phê duyệt các dự án tác động đến môi trường, có những thứ do quản lý lỏng lẻo nên người ta vi phạm xong thì báo chí mới phát hiện đưa lên thì cái đó mới là điều đáng lo ngại.”
Một hướng dẫn viên du lịch không muốn nêu danh tính từ Sài Gòn nhận định, vấn đề cách quản lý du lịch của VN cho đến bây giờ chưa có một cách quản lý thật sự hiệu quả.
“Tất nhiên nó cũng có những cái chệch choạch. Thật ra mình cũng không kiểm soát được nhất là tại những điểm có nhiều du khách Trung Quốc thế nào nó cũng xảy ra nhiều chuyện ngoài ý muốn. Thật ra họ không quản lý được vì không có hạn chế được lượng khách du lịch tại một điểm du lịch, ví dụ một ngày cả ngàn khách dồn về đó thì tất nhiên địa điểm đó bị vấn đề liền thôi. Quản lý du lịch mình rất là yếu kém, ngay cả những ngôn ngữ khó hay ít người thì họ lại để cho trưởng đoàn tự thuyết minh luôn, họ muốn nói gì họ nói không kiểm soát được mặc dù trên nguyên tắc điều đó cấm. Ví dụ trưởng đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga họ dẫn khách đi họ muốn nói gì họ nói mà thôi. Nguyên tắc khi khách du lịch vào VN bắt buộc phải có phiên dịch người địa phương nhưng họ đối phó bằng cách thuê một hướng dẫn “câm” ngồi trên xe để trưởng đoàn họ muốn làm gì làm.”
Theo số liệu mới đây của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã phục vụ 85 triệu du khách nội địa với tổng mức thu về đạt hơn 720.000 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2018. Mục tiêu trong năm 2020 toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón hơn 20 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng.
Anh hướng dẫn viên du lịch cho rằng, bao giờ cơ quan chức năng cũng đặt ra một hướng đi, khi nói thì rất là hay nhưng khi làm thì lại không thực hiện được.
“…ngay cả việc họ báo cáo lượng khách du lịch tới VN cũng chưa chắc là đúng bởi vì cứ passport nước ngoài qua cửa khẩu là thành khách du lịch trong khi dân Trung Quốc họ vô làm công nhân một đống nhưng họ vẫn tính là khách du lịch, họ không phân biệt được đâu là khách du lịch hay làm việc. Đa phần các hãng xưởng đầu tư tại khu vực miền Trung rất là nhiều, họ thâu nhận người TQ vào làm việc với visa du lịch nên tổng cục du lịch coi như đó là khách du lịch.”
Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, bản thân người trong ngành du lịch như ông luôn mong muốn số lượng du khách ngày càng tăng hơn nữa nhưng điều ông quan tâm nhất không phải là số lượng khách bao nhiêu mà là doanh thu lợi nhuận mang lại cho ngành du lịch mới là điều quan trọng.
“Đối với lượng 18 triệu khách thì tôi nghĩ cũng xấp xỉ khoảng 5 triệu là khách Trung Quốc nhưng mà khách TQ đi bằng máy bay còn đỡ chứ khách TQ mà họ đi đường bộ thì họ không xài tiền bao nhiêu đâu. Thứ hai là lượng khách Tây ba lô, Châu phi họ qua VN họ cũng không xài bao nhiêu đôi khi họ còn làm chuyện này chuyện khác mình càng mệt hơn. Thứ Ba là lượng khách khá lớn là người Việt từ nước ngoài về thăm gia đình nên chưa chắc họ ở khách sạn nên lượng khách chỉ là tương đối mà thôi. Vấn đề tiếp theo là doanh thu bao nhiêu, chi phí đầu người trên mỗi khách sẽ thu lợi nhuận bao nhiêu, cho đất nước bao nhiêu thì đó mới là điều quan trọng nhất.”
Năm 2018, lần đầu tiên trong bảng xếp hạng khu vực du lịch Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam được xếp thứ 8 về số lượng khách du lịch tức 15,5 triệu du khách nhưng doanh thu lại không lọt vào top 10.
Ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định rõ ràng lượng khách chưa tương xứng với doanh thu. Anh hướng dẫn viên du lịnh nhắc lại rằng cơ quan chức năng thường nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; thế nhưng trong thực tế không được ưu tiên; thiếu chính sách cụ thể để du lịch phát triển, cất cánh. Tiềm năng du lịch VN rất lớn nhưng không thể làm được vì không có đường lối chính sách vạch ra đúng đắn để phát triển, đến nay ngành du lịch VN vẫn kinh doanh dựa trên ‘vốn tự có’ chứ không tạo được giá trị gia tăng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/management-and-exploitation-of-vietnams-tourism-industry-are-still-inadequate-12272019142205.html

Sông Mekong Đang Hấp Hối

Nhưng Chắc Chắn Sẽ Chết,

Các Đập Thủy Điện Mới Khổng Lồ Đang Làm Cạn

Mực Nước Sông Hùng Mạnh Một Thời

Xuống Mức Thấp Nhất Trong 60 Năm

Việt Báo
Sự kết hợp của khô hạn và các con đập dọc theo Sông Mekong đã làm dậy lên nhiều quan tâm về tương lai của dòng sông dài 4,700 kilômét, mà trên đó có tới 10 triệu người tùy thuộc cuộc sống của họ vào nó tại Trung Quốc, Lào, Miến Điện,  Thái Lan và Việt Nam, theo www.asiatimes.com cho biết.
Số lượng đập ngăn dòng chảy của Sông Mekong đang nhân lên nhanh chóng, làm khô các đoạn của dòng sông chảy nhanh và khiến khu vực này phải đối mặt với hạn hán sắp xảy ra, theo Ủy Ban Sông Mekong, một cơ quan liên chính phủ khu vực nhằm cùng quản lý tài nguyên nước của sông cho biết.
Đập Don Sahong của Lào, mới nhất trong hàng chục dự án đập nước của Sông Mekong, đã bắt đầu phát điện gần biên giới Lào-Cam Bốt vào tháng 11. Hầu hết điện lực được tạo của đập này sẽ được xuất cảng qua Thái Lan và Cam Bốt.
Một tháng trước, con đập và dự án thủy điện lớn hơn nhiều phát ra 1.3 gigawatt điện Xayaburi đã bắt đầu sản xuất điện tại tây bắc nước Lào, tự sản xuất năng lượng “điện của Châu Á,” qua đó 35% dòng chảy của Sông Mekong sẽ được xuất cảng chủ yếu sang Thái Lan.
“Các nhà điều hành Đập Jinghong của TQ và các nhà điều hành đập mới mở Xayaburi của Thái Lan tại Lào đã thực hiện các hoạt động mà đã thực sự đã làm trầm trọng thêm khô hạn,” theo Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Stimson, là một nhóm nghiên cứu Hoa Kỳ, cho biết.
“Những đập đó và hơn 70 cái khác hiện hoạt động tại Lào  và Trung Quốc tất cả đều góp phần làm xấu đi các điều kiện ở hạ lưu Sông Mekong liên quan đến khô hạn.”
Khi các nền kinh tế như Cam Bót và Việt Nam tiếp tục phát triển ngay giữa sự chậm chạp toàn cầu ở mức từ 6 tới 7% một năm và nhằm bắt kiệp với các lân bang giàu có hơn như  Thái Lan, nhu cầu khu vực về điện vẫn gia tăng nhanh.
Các quốc gia khắp Châu Á đang xây dựng hàng chục nhà máy điện lực chạy bằng than đá mới để đáp ứng với nhu cầu đang gia tăng trong khi cùng lúc phản ảnh các mối quan tâm về sự ảnh hưởng lên biến đổi khí hậu của việc dùng than đá lớn hơn.
Nhưng các đập thủy điện, dù sạch hơn vì thay thế cho than đá, cũng đang đe dọa tàn phá môi trường. Và các chính quyền khu vực, quan tâm tới việc duy trì sự phát triển kinh tế và phát triển thặng dư, có vẻ đã quyết tâm đi tới bất kể các ảnh hưởng bất lợi.
“Các ảnh hưởng của những con đập trên dòng chính và phụ lưu đã được tiên đoán rộng rãi hơn một thập niên qua và hiện chúng đang bắt đầu diễn ra trong lưu vực với lực hấp dẫn thay đổi trò chơi,” theo Eyler của Stimson Center, cũng là tác giả của cuốn sách “Last Days of the Mighty Mekong,” đã cảnh báo.
Theo tổ chức phi chính phủ International Rivers, đập Xayaburi là một “dự án gây nhiều tranh cãi vì nhiều mối quan tâm về tác động được dự đoán của nó lên hệ thống sông.” Tổ chức phi chính phủ này mô tả đập Don Sahong với công suất 260 megawatt điện đang đe dọa “nghề đánh cá quan trọng trên Sông Mekong và sự phong phú sinh học của khu vực này.”
Khi cả đập Xayaburi và Don Sahong bắt đầu hoạt động trong tháng vừa rồi, MRC đã cảnh báo về “sự nghiêm trọng đối với tình trạng cực kỳ khô hạn” mà họ dự đoán “sẽ làm thiệt hại các nước trong hạ lưu Sông Mekong từ nay cho đến tháng 1 năm 2020.”
Trong khi MRC cho rằng khô hạn được gây ra bởi “thiếu lượng nước mưa trong thời gian mùa mưa” và “một sự kiện El Nino” đã tạo “nhiệt độ cao bất thường và việc bốc hơi cao,” những người khác nói rằng số lượng đập nước đang gia tăng của Trung Quốc trên thượng nguồn Sông Mekong là thủ phạm chính.
“Các đập TQ là thách thức nhất định,” ‘theo Thitinan Pongsudhirak của Đại Học Chulalongkorn University tại Bangkok cho biết. “Khi nước xuống thấp, đôi khi chúng ta bị hạn hán và có vẻ như các con đập của Trung Quốc có nhiều đòn bẩy kiểm soát hơn về cách nước chảy và bao nhiêu nước chảy xuống hạ lưu,” theo Thitinan tại cùng một hội thảo về Sông Mekong được tổ chức tại trường đại học của ông, cho biết.
Sothirak phát biểu trong diễn đàn rằng “Sông Mekong đang chịu áp lực nghiêm trọng, chủ yếu áp đặt, dù không độc quyền, bằng việc xây đập.” Ông ấy cũng nói thêm rằng các đập nước của TQ thì “lớn hơn xa so với bất cứ con đập nào được xây dưới hạ lưu.”
Vào giữa tháng 11, MRC đẩy mực nước của Sông Mekoong xuống thấp nhất trong 60 năm; các phỏng đoán khác cho thấy rằng mực nước đã giảm tới mức thấp nhất trong một thế kỷ.
Xây đập trên thượng nguồn Sông Mekong.
Tác động mạnh nhất của Sông Mekong bị suy thoái có thể được cảm nhận xung quanh vùng châu thổ sông ở miền nam Việt Nam, nồi gạo của đất nước này và thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô thương mại đất nước và khu đô thị lớn nhất.
Mực nước sông thấp hơn có nghĩa là mực nước mặn ở vùng châu thổ có thể tăng lên, đe dọa đến việc trồng lúa và nông nghiệp, trong khi nông nghiệp được tưới bởi dòng sông có thể bị ảnh hưởng nếu trầm tích giàu dinh dưỡng bị chặn bởi dòng chảy của đập.
Điều đó có vẻ đã xảy ra, do các dòng sông ở Lào có màu xanh đại dương thay vì màu nâu bùn thông thường và nổi tiếng của nó.
Bất chấp những lo ngại như vậy, Việt Nam dường như đã quay trở lại sự phản đối từ lâu đối với các đập trên Sông Mekong bằng cách ủng hộ và tài trợ cho một đập thủy điện 1,410 megawatt (MW) được đề xuất gần thị trấn ven Sông Luang Prabang ở Lào.
Điều đó khác xa với sự la ó từ năm 2011, khi chính quyền Việt Nam kêu gọi dừng lại ở Xayaburi vì lo ngại về tác động hạ nguồn của nó.
Ảnh hưởng bất lợi ngày càng tăng đối với vùng châu thổ sông Cửu Long ở Việt Nam thậm chí đã khiến các nhóm xã hội dân sự phải cảnh giác khi chỉ trích chính quyền về lập trường đập thay đổi của họ, một sự thay đổi táo bạo đã khiến cho những người cộng sản cầm quyền phải ngụy biện với các chỉ trích.
Tuy đã có báo cáo từ Việt Nam về cái gọi là “những người tị nạn biến đổi khí hậu” trốn chạy trong điều kiện môi trường xấu, bao gồm hạn hán dai dẳng, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và việc di cư vào các trung tâm đô thị.
Cam Bốt cũng có thể bị thiệt hại nếu Sông Mekong bị suy thoái và hạn hán dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng của dòng nước chảy ngược hàng năm vào hồ Tonle Sap, hồ lớn nhất Đông Nam Á, được nối với một nhánh nhỏ hơn của Sông Mekong.
“Năm nay, hiệu ứng đảo ngược và nhịp độ đã bị giảm sút nghiêm trọng và sẽ mang lại những ảnh hưởng thiếu lương thực trầm trọng liên quan đến việc thiếu cá,” theo Eyler cho biết, trong khi Sothirak đã cảnh báo rằng việc bảo trì Sông Mekong là “rất quan trọng đối với cuộc sống bền vững của những quốc gia dọc theo sông.”
https://vietbao.com/a301633/song-mekong-dang-hap-hoi-nhung-chac-chan-se-chet-cac-dap-thuy-dien-moi-khong-lo-dang-lam-can-muc-nuoc-song-hung-manh-mot-thoi-xu

Tạo nghiệp?

J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Phiên tòa xử một số quan chức tham nhũng hối lộ ở Việt Nam diễn ra cuối năm đã gây nhiều chú ý trong dư luận.
Trước Tòa là hai cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Tuyên giáo của Đảng và các quan chức liên quan của MobiFone.
Những cán bộ này là những “đảng viên xuất sắc, những người cộng sản ưu tú”, được đảng chọn để đặt vào những chức vụ nhiều khi sử dụng quyền lực và tiền bạc không giới hạn.
Cùng với các cán bộ nhà nước chức trọng quyền cao ra tòa, còn cón Phạm Nhật Vũ, một người nổi tiếng bởi nhiều lẽ nhưng trước hết có lẽ là lý do Vũ là em trai Phạm Nhật Vượng, người được mệnh danh là “Giàu nhất Việt Nam”, đứng vào hàng tỷ phú của thế giới.
Điều đặc biệt làm dư luận chú ý ở đây không phải là vì vụ án tham nhũng này là lớn nhất hoặc thất thoát nhiều tiền của nhất. Trong thời đại mà “một bầy sâu” thi nhau đục khoét đến mòn rỗng cả núi rừng sông biển này, thì những con số của vụ án không gây quá nhiều ấn tượng. Điều mà người ta chú ý, đấy là những kẻ mạnh mồm nhất, lớn giọng và cao ngạo rao giảng khá nhiều về đạo đức cộng sản, về sự cần thiết phải trừng trị những người dùng Internet mà cứ vạch những cái thối của đảng ra trước bàn dân thiên hạ.
Nguyễn Bắc Son, từ anh lính gác lăng, được nâng đỡ leo lên đến chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó ban Tuyên giáo Trung Ương. Là Bộ trưởng Thông tin, Truyền thông, lẽ ra anh ta phải là người khuyến khích tự do ngôn luận và bảo vệ quyền đó của người dân. Thế nhưng ngược lại, Nguyễn Bắc Son là một kẻ thù của Internet.
Nhất là Trương Minh Tuấn, một Bộ trưởng Truyền thông vốn thích chơi trội, luôn là tên lính xung kích dẫn đầu các vụ việc bưng bô, nịnh đảng nhiều khi đến mức sống sượng và lố bịch. Trong thảm họa Fomosa, bất chấp tính mạng người dân, sự suy đồi của dân tộc, đất nước, anh ta là người đã đánh mất đi sự khách quan cần có của một quan chức làm nghề truyền thông. Trái lại, anh ta đã trực tiếp đến tận vùng biển nhiễm độc diễn màn tắm biển và ăn cá… nhằm xúi giục người dân lao vào chỗ chết.
Chưa đủ, cuốn sách “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa…” anh ta để lại mới là điều đáng nói, là nỗi ô nhục nhiều đời không rửa nổi của những kẻ mà cha ông đã từng đề cập: Kẻ cắp già mồm.
Thế nhưng, ngoài những điều được chú ý trong phiên tòa như cách đối xử với các can phạm, cách bố trí phiên tòa, lời lẽ của các cơ quan ở trước và trong tòa… thì điều xảy ra trước và ngoài phiên tòa cũng làm nhiều người chú ý.
Đó là sự phân biệt hết sức rõ ràng giữa những phiên tòa xử quan chức cộng sản và dân thường, đặc biệt ngược lại những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến.
Đặc biệt, báo chí cho biết: Hơn 2.000 cá nhân và tổ chức xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ.
Trong đó, có Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và nhiều tỉnh đã viết đơn xin khoan hồng cho tội phạm này.
Trước hết, điều cần nói rõ ràng rằng: Có lẽ đây là lần hiếm hoi các Giáo hội Phật giáo Việt Nam động lòng trắc ẩn trước một bản án chưa tuyên.
Đây cũng là một trường hợp hiếm hoi mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam quốc doanh quan tâm đến những vụ án trong xã hội cộng sản. Ở những vụ án trong xã hội, số lượng án oan, dân bị xử oan là một con số khủng khiếp. Theo báo cáo chính thức của nhà nước được báo chí đăng tải, cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ án oan đã hơn 10%.
Nghĩa đã có và đang có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân đang chịu án tù tội thậm chí mất mạng oan.
Thế nhưng, trên diễn đàn Quốc hội, nhà sư Thích Thanh Quyết còn lớn giọng ca ngợi ngành công an và bào chữa cho việc oan sai là hết sức ít ỏi, và “Nhà Phật chúng tôi có nghìn tay, nghìn mắt mà vẫn làm oan Thị Kính” – Một ví dụ nói lên sự ngô nghê trong việc so sánh để bào chữa lấy được.
Nghĩa là với nhà sư giữ chức vụ lớn lao không chỉ trong Phật giáo quốc doanh, mà cả trong nhà nước cộng sản này, thì tính mạng của hàng chục, hàng trăm ngàn người dân chịu án oan là chuyện không có gì phải quan tâm.
Thế nhưng, giờ đây Giáo hội Phật Giáo Việt Nam lại quan tâm đến một vụ án mà người được quan tâm và đề nghị khoan hồng, là một kẻ đã ăn cắp hàng mấy ngàn tỷ đồng tiền nhà nước, nghĩa là tiền dân, nghĩa là mồ hôi, nước mắt và xương máu chúng sinh ngay chỉ trong có 1 dự án, một vụ áp phe.
Lý do rất đơn giản: Chỉ là vì Phạm Nhật Vũ đã chi cho nhà chùa, cho Giáo hội Phật giáo hàng ngàn tỷ đồng.
Nghĩa là trong số tiền cướp được kia, Vũ đã trích ra một khoản để chia chác cho các Giáo hội Phật giáo Quốc doanh trung ương và địa phương.
Điều đó cũng có nghĩa là: những đồng tiền mồ hôi nước mắt, tính mạng xương máu của người dân, từ những cô gái đi bán dâm khắp các nước, cho đến những người dân đi làm nô lệ khắp địa cầu, và cả những xác chết trong container trốn lậu sang Anh… đã được móc nối, để chi vào những cuộc bán mua như AVG hiện nay. Và số tiền đó được trích lại để “công quả” cho nhà chùa, cho Phật giáo Quốc doanh.
Và khi bị phát hiện đưa ra tòa thì Giáo hội Phật giáo quốc doanh lập tức động lòng trắc ẩn xin khoan hồng.
Việc Giáo hội Phật giáo quốc doanh xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ vì đã trót nhận những đồng tiền của Vũ nói lên điều gì? Đó là sự đồng lõa, là vì tiền mà che mất bản năng lý trí cũng như những điều cần có ở mỗi con người chứ không nói đến một tổ chức mang danh Phật Giáo.
Phật dạy rằng: “Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử”.
Thử hỏi điều này có đúng với Giáo lý nhà Phật?
Phật dạy rằng: “Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử”.
Rõ ràng, điều này vi phạm vào Giới trộm cắp của nhà Phật. Trộm cắp hoặc đồng lõa với trộm cắp đều là vi phạm Giới trong Phật giáo.
Sẽ không là điều gì để cần nói khi có một số người xin khoan hồng cho tội phạm. Bởi nếu có một nhà nước Pháp quyền, thì điều đó không có mấy ý nghĩa vì tất cả đều được hành xử theo luật pháp.
Người ta còn nhớ, cách đây hơn chục năm, một hành khách người Úc gốc Việt là Nguyễn Tường Vân đã mang ma túy quá cảnh sân bay Changi của Singapore để về Úc và bị phát hiện. Tòa kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Một chiến dịch vận động cho Nguyễn Tường Vân đã được phát động khắp thế giới. Không chỉ tại Singapore hay nhiều nơi trên thế giới, mà cả nước Úc khắp nơi thắp nến cầu nguyện.
Thế nhưng, luật pháp là luật pháp và Nguyễn Tường Vân đã bị treo cổ vào 6 giờ sáng ngày 2/12/2005.
Vấn đề ở đây, chỉ là thái độ của mỗi người đối với tội nhân và tội ác.
Người ta đặt câu hỏi: Những người đang bị án oan đối diện với mất mạng sống như Hồ Duy Hải đang ở trong tù, Hàn Đức Long với 10 năm bị giam, Trần Văn Thêm với 40 năm là tử tù… chẳng thấy bất cứ một lời nào của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam kêu cứu hoặc “Xin khoan hồng” cho họ. Trong khi nhà Phật dạy rằng: Cứu một người phúc đẳng hà sa, cứu một người còn hơn xây 7 tòa tháp Phù đồ.
Vậy một Giáo hội Phật giáo ngang nhiên bỏ đi những việc làm phúc, làm việc tốt cho chúng sinh, lại đi bào chữa và kêu xin cho tội phạm chỉ vì đã nhận những đồng tiền có được từ trộm cắp, gian dối thì bản chất của Giáo hội đó là gì?
Phải chăng, đồng tiền có thể chi phối không chỉ một cá nhân sư sãi thích xài sang, chơi đồ hiệu, tệ nạn xã hội, mà đã đủ sức chi phối cả một Giáo hội với hàng chục triệu tín đồ?
Phải chăng, Giáo hội Phật Giáo quốc doanh ngày nay, đang tạo nghiệp qua những việc làm của mình?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/karma-12272019115634.html

Khi cướp bị cướp!

Thiên Hạ Luận
Trân Văn
Không chỉ Công an thành phố Đồng Xoài mà Công an tỉnh Bình Phước cũng đã nhập cuộc, điều tra vụ khống chế bà Trần Thí Ánh Tuyết, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Phước, Bí thư huyện Lộc Ninh và tài xế của bà để cướp 30 triệu đồng.
Trưa 25 tháng 12, bà Tuyết được tài xế đưa về tư gia – một biệt thự sang trọng, lộng lẫy, nằm chơ vơ giữa một khu vực trống trải, tọa lạc trên một con đường mới mở bao quanh hồ Suối Cam – tên cướp, có lẽ đã theo dõi quy luật đi lại của bà nên phục sẵn, dùng súng khống chế cả bà và tài xế, buộc cả hai vào nhà, trói cả hai, lục soát tư gia và theo lời bà Tuyết, đã cuỗm của bà 30 triệu đồng (1)…
Có một điểm đáng chú ý là khi tin vừa kể được loan, công chúng hoàn toàn không chú ý, không lên án kẻ thủ ác, họ chỉ thắc mắc tại sao bà Tuyết – vốn từng là Phó Ban Tổ chức của Tỉnh ủy Bình Phước, vừa được luân chuyển về huyện ủy Lộc Ninh làm Bí thư để có thể sắp xếp, đề bạt vào những chức vụ cao hơn trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam – giàu có tới mức có thể sở hữu một biệt thự trị giá nhiều tỉ như vậy?
***
Sau khi giới thiệu tin bà Tuyết bị cướp, Hoàng Linh dẫn lại một bài viết mà tờ Tuổi Trẻ đã đăng cách nay hai tuần, lúc Tuổi Trẻ cùng một số Mạnh Thường Quân tổ chức “Ngày của Phở” ở Sóc Bom Bo – địa danh nổi tiếng vì những đóng góp của người thiểu số cho công cuộc “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cũng tọa lạc tại Bình Phước – người ta mới biết cả trẻ con lẫn phụ huynh của chúng không hề biết phở là gì (2)!..
Trong khi Hoàng Linh “ngao ngán” khi đối chiếu những tấm ảnh chụp biệt thự của bà Tuyết với những tấm ảnh chụp lũ trẻ ở Sóc Bom Bo lần đầu được thưởng thức mùi vị của… phở, nhiều thân hữu của Hoàng Linh công khai hoan hô… tên cướp!
Nguyễn Hùng gọi kẻ đã cướp tư gia bà Tuyết là Robinhood! Kim Thai Quynh khen tên cướp chọn đúng địa chỉ! Binh Thuong Thoi bảo rằng cần ghi công y vì đã góp phần lột trần bản chất của bà Tuyết và các đồng chí của bà. Cũng từ sự tương phản giữa biệt thự của bà Tuyết với đời sống của dân chúng sóc Bom Bo, Phan Hào nêu thắc mắc: Người dân Bom Bo có còn “biết ơn giải phóng” như lời một bài hát kể về sóc này (3)?..
Trên trang facebook của Hoàng Tám Bùi, thảo luận về vụ bà Tuyết bị cướp và sự giàu có mà ai cũng biết là từ đâu của bà, Nguyễn Văn Khải gọi bà Tuyết là một trong những kẻ “cướp ngày, không cần vũ khí”. Nguyễn Xuân Thủy bổ túc thêm, đây là “lũ cướp được pháp luật bảo hộ để ăn cướp”! Thủy Vũ lưu ý, sự bất tương xứng giữa thu nhập hợp pháp và khối tài sản khổng lồ của bà Tuyết không phải là cá biệt mà hiển lộ khắp Việt Nam.
Hắc Quyền – một thân hữu của Hoàng Tám Bùi, cho rằng, nếu thật tâm chống tham nhũng thì phải thành lập những “đoàn thanh tra trung thực” buộc viên chức của tất cả các cấp giải trình tường tận về nguồn gốc tài sản để loại bỏ lũ “sâu bọ khủng khiếp” nhưng Cong Bình Tran phản đối vì không thể nào lập được một “đoàn thanh tra trung thực”, nếu có sẽ phải lập thêm “đoàn thanh tra… siêu trung thực” để thanh tra lại đoàn này (4)…
Với Đặng Huỳnh Lộc, vụ bà Tuyết bị cướp khống chế ngay tại cổng ra vào tư gia cho thấy, công tác bảo vệ của an ninh tỉnh Bình Phước quá kém, nếu tên cướp “manh động”, “đảng ta” đã mất một “đảng viên trung kiên” (5). Facebooker này bàn thêm, đây có thể không đơn thuần là “cướp của” mà là một âm mưu của “lực lượng thù địch”, vừa cướp để có tiền “hoạt động chống phá”, vừa lật mặt “bọn trọc phú đỏ” trước đại hội đảng 13 (6).
Có lẽ không phải tự nhiên mà Đặng Huỳnh Lộc nhận định như thế, tuần trước, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 của ngành Tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN), từng lưu ý các đảng viên “không được phép cung cấp ‘đạn’ cho các thế lực thù địch” (7). Cứ theo ý ông Thưởng thì “đạn” chính là các thông tin, ý kiến bất lợi cho đảng.
Sở dĩ ông Thưởng phải đưa ra cảnh báo vừa kể vì đảng đang chuẩn bị cho Đại hội lần thức 13 mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021 và “các thế lực thù địch” đã cũng như đang “tập trung đánh phá” về nhân sự – bôi nhọ những cá nhân được đảng lựa chọn, sắp đặt để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở tất cả các ngành, các cấp trong nhiệm kỳ mới.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết – nạn nhân vụ cướp vừa xảy ra ở Bình Phước chính là một trong những cá nhân thuộc loại này. Đó là lý do bà thôi làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, “luân chuyển” về Lộc Ninh làm Bí thư huyện, trước khi bước lên những bậc cao hơn theo quy hoạch của đảng về nhân sự lãnh đạo. Không phải tự nhiên mà vài facebooker khẳng định, bà Tuyết sắp ngồi vào ghế Giám đốc Sở Nội vụ Bình Phước…
***
Cho đến giờ này, “đảng ta” chỉ xem việc đảng viên nào đó bình luận không hay về những cá nhân đã được quy hoạch như bà Tuyết là đưa “đạn” cho kẻ thù bắn… đảng! Còn chuyện vì sao những cá nhân đó giàu có đến mức dân chúng bất bình thì đảng không bận tâm. Đảng cũng không bận tâm tới thắc mắc, tại sao “chỉnh đốn đảng” nhưng lại gạt bỏ đề nghị dùng luật, xác định “giàu có bất minh” là tội phạm.
Đảng cũng không thèm giải thích tại sao “chống tham nhũng triệt để”, thề thốt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” song dứt khoát không cho phép công bố các tờ khai tài sản của những viên chức hữu trách!
Dường như chỉ ở Việt Nam mới có một tổ chức chính trị thường xuyên khẳng định là “của dân, do dân, vì dân” và được “nhân dân tín nhiệm giao cho trọng trách lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” nhưng chính nhân dân, chẳng hạn như Cuong Ledoan lại gọi kẻ dám dùng súng khống chế, cướp tài sản của các cá nhân được tổ chức chính trị này lựa chọn làm lãnh đạo là… “tráng sĩ” (8).
Cho đến giờ, đảng vẫn chưa tự vấn, tại sao, sau những sự kiện như vụ bà Tuyết, càng ngày càng nhiều người nghĩ như Tiến Dũng, một thân hữu của Cuong Ledoan: Lâu lâu mới thấy dân dám cướp của… quan!
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/lo-dien-nghi-can-cuop-tai-san-nu-bi-thu-huyen-o-binh-phuoc-604056.html
(2) https://tuoitre.vn/co-giao-hoi-ai-chua-tung-an-pho-tat-ca-cac-con-deu-gio-tay-20191212210245374.htm
(3) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/2537044789749369
(4) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/permalink/1245119375877831/
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3172629106087363&set=a.731852126831752&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3172691636081110&set=a.731852126831752&type=3&theater
(7) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-moi-truong-internet-mang-xa-hoi-da-sach-hon-nhung-chua-sach-han-1162831.html
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2692289807521768&set=a.102617796488995&type=3&theater
https://www.voatiengviet.com/a/khi-cuop-bi-cuop-tran-thi-anh-tuyet/5222562.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?