Kinh tế VN 2019: 'Mặt trời' chỉ 'tỏa sáng' trên báo cáo?

BBC
31 tháng 12 2019

Kinh tế Việt Nam Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Bloomberg cho rằng Việt Nam được ví là nối gót Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế nhưng kỳ thực chỉ "trông tốt trên báo cáo".
Điều này dường như mâu thuẫn với phát biểu mới đây của ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, về kinh tế Việt Nam năm 2019, rằng "mặt trời đang tỏa sáng" dù "mây đen phủ lên toàn cầu".
Tác giả Shuli Ren viết trên Bloomberg ngày 30/12 rằng Việt Nam vốn được ví von là Trung Quốc thứ hai từ cách đây hai thập kỷ. Rằng Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, bất động sản bùng nổ, nền chính trị cộng sản ổn định, có mối quan hệ tốt với Mỹ... Nhưng cần phải bổ sung thêm điều này khi bước vào năm 2020: đó là một sự thịnh vượng không lợi nhuận.

'Sự thịnh vượng không lợi nhuận'

Kinh tế Việt Nam năm Kỷ Hợi có như "mặt trời tỏa sáng"? Bản quyền hình ảnh NHAC NGUYEN/Getty Images
Image caption Kinh tế Việt Nam năm Kỷ Hợi có như "mặt trời tỏa sáng"?
Khi Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, nước này được khen ngợi là người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Việc các tập đoàn nối tiếng chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam là minh chứng rõ rệt nhất.
Google của tập đoàn Alphabet đã chuyển nơi sản xuất điện thoại thông minh Pixel, trong khi tập đoàn điện tử Samsung đã đóng cửa nhà máy điện thoại cuối cùng ở Trung Quốc.
Thậm chí một số công ty Trung Quốc như Goertek Inc. - nhà cung cấp tai nghe AirPods của Apple - cũng đang dời đi.
Đây là thời điểm vàng cho Việt Nam trong thế giới kỹ thuật số.
Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP trên 7%, nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thế nhưng, sự khởi sắc này không được trông thấy ở thị trường chứng khoán.
Chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ đầu năm đến nay chỉ tăng vỏn vẹn 7,3%, thua xa mức tăng 32% của chỉ số CSI 300 trên hai sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Trong khi các thị trường mới nổi tăng trưởng ổn định vào tháng 12, chứng khoán Việt Nam lại đi theo một hướng khác.
Vậy thì cái gì đang làm suy yếu sức tăng trưởng của Việt Nam?
Các quỹ giao dịch ngoại hối (Exchange Traded Fund - ETF) đang trở thành một nguồn vốn nước ngoài quan trọng, năm 2019 các quỹ ETF đóng góp 44% dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ vào đó, người ta sẽ phải cau mày, Bloomberg bình luận.

'Thị trường chứng khoán không lành mạnh'

Thị trường chứng khoán Việt Nam Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Thị trường chứng khoán Việt Nam kém hơn hẳn so với thị trường sản xuất đang phát triển như vũ bão, theo Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị chi phối bởi các ngân hàng, và chỉ có một nhà phát triển bất động sản, Vingroup JSC.
Trong khi Vingroup đã chuyển sang sản xuất ô tô và điện thoại thông minh, kinh doanh bất động sản vẫn là nguồn thu chính của tập đoàn này.
Với lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu ở mức 15%, các ngân hàng tại Việt Nam là khu vực có lợi nhuận lớn nhất theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nhưng các khoản vay ngân hàng đã vượt quá GDP của Việt Nam, ở mức cao đối với một quốc gia chỉ kiếm được khoảng 2.500 đô la trên đầu người.
Vì vậy, các ngân hàng cần tăng vốn để tránh nợ xấu trong tương lai.
Gần một nửa các ngân hàng địa phương không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%, theo cảnh báo của Fitch Ranking.
Nhưng việc các ngân hàng tăng vốn là rất khó, ngay cả khi nhà đầu tư ngoại muốn mua cổ phần, do chính phủ áp giới hạn 30% cho sở hữu nước ngoài.
Với việc không nâng mức trần này, chỉ có hai kết quả cho ngành ngân hàng: Hoặc rơi vào một cuộc khủng hoảng tín dụng như Trung Quốc, hoặc phải giảm quy mô cho vay doanh nghiệp.
Đây không phải là tin tốt cho các nhà đầu tư.
Vingroup và các công ty con, hiện có tỉ trọng ảnh hưởng chỉ số VN-Index khoảng 15%, cũng có vấn đề.
Đất đai trở nên khan hiếm - rất khó tìm thấy những khu đất lớn ở các siêu đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, chính phủ đã chậm phê duyệt các dự án mới, làm giảm tiềm năng tăng trưởng của các nhà phát triển.
Bloomberg nhận định rằng, quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài quá hà khắc là nguyên nhân chính cho tình trạng kém khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu chất lượng cao đã chạm hạn ngạch và nhà đầu tư ngoại đang giao dịch với nhau với giá cao hơn mặt bằng thị trường.
Do vấn đề thanh khoản, các cổ phiếu này được các tổ chức cung cấp chỉ số phân bổ mức tỉ trọng rất nhỏ. Những cổ phiếu còn lại trong chỉ số đều là những món hàng kém hấp dẫn mà nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Việt Nam thực sự đang trở thành Trung Quốc tiếp theo, nhưng là ở khía cạnh của một thị trường chứng khoán không lành mạnh bị chi phối bởi các ngân hàng nợ nần và không có cổ phiếu công nghệ kinh tế mới.
Dù không thiếu nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào, nền kinh tế của Việt Nam không tránh khỏi sẽ bị chậm lại, Bloomberg bình luận.

Việt Nam cần "đột phá thể chế"

Ngày 18/12, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống Tiêu cực.
Theo TS Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam, việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc huy động vốn nước ngoài mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.
Để giải quyết việc này, TS Thọ viết cho BBC Tiếng Việt ngày 25/12 rằng Việt Nam cần "đột phá thể chế", lấy phát triển doanh nghiệp làm động lực phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh, đồng thời với cải cách hành chính, gỡ bỏ các rào cản, chấn chỉnh thực thi công vụ của bộ máy.
Ngoài ra, TS Phạm Quý Thọ cho rằng Việt Nam cần tránh tập trung quyền lực tuyệt đối, nên mở rộng dân chủ theo hướng thiết lập các thể chế phù hợp với các nguyên tắc thị trường và giá trị phổ quát, nên dựa vào dân hơn nữa để chống tham nhũng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn