Tin Việt Nam – 30/12/2019

Tin Việt Nam – 30/12/2019

Hàng ngàn gia đình bị lộ thông tin trên mạng xã hội

do sử dụng camera của Trung Cộng

Đa số camera đang được sử dụng và chào bán ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Cộng (tiin.vn)
Tin từ Hà Nội: Theo Bộ công an cộng sản, thông tin riêng tư của hàng ngàn gia đình ở Việt Nam đang bị phơi bày trên mạng do họ sử dụng camera an ninh được nhập cảng từ Trung Cộng.
Trong hội nghị gần đây mang tựa đề “Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử,” Cục An toàn thông tin (Bộ Công an) cho biết hơn 90% camera xuất xứ Trung Cộng có khả năng lộ thông tin trong khi đa số camera được bày bán tại thị trường Việt Nam được nhập cảng từ biên giới phía Bắc.
Cơ quan này cho hay điều đáng lo ngại là người dùng tại nước ta gần như không thay đổi mật khẩu mặc định của thiết bị và việc lọt dữ liệu ra ngoài là điều không thể tránh khỏi.
Các chuyện gia của Cục cho biết ngày càng xảy ra nhiều vụ vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm: mua bán dữ liệu cá nhân như tên tuổi, số điện thoại; tiết lộ thông tin người nổi tiếng.
Ngay tại hội nghị, Cục an toà thông tin đưa ra dẫn chứng cho thấy có 1.452 camera đang bị chia sẻ công khai trên mạng, từ không gian gia đình, cảnh sinh hoạt cho đến những hoạt động riêng tư đều bị ‘phơi bày’.” Đơn vị này cảnh báo “Khi biết được thông tin cá nhân, kẻ gian có thể khai thác rất sâu vào đời tư của người đó và sẽ gây ra những hậu quả khó lường.”
Cuối tuần qua, kẻ xấu đã tung ra hàng loạt video clips thu từ camera an ninh của căn hộ nơi ca sỹ Mai Hương sống với nhiều hình ảnh nhạy cảm. Có lẽ nữ ca sỹ này sử dụng camera Trung Cộng và thủ phạm đã đột nhập được vào dữ liệu lưu trữ của hệ thống camera của chính chủ nhân.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-gia-dinh-bi-lo-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-do-su-dung-camera-cua-trung-cong/

Cán bộ quốc phòng bị xử tội

vì sản xuất 54 triệu lít xăng giả

Tòa án quân sự Quân khu 7 vào sáng 30/12 bắt đầu mở phiên xử 16 bị can với tội danh “giả mạo trong công tác”, “sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Lũng Bô – Bộ Quốc phòng và một số công ty liên quan.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày nêu rõ các bị cáo đã có hành vi pha trộn hóa chất rẻ tiền vào hằng triệu lít xăng Ron92, Ron95,  rồi chi tiền hoa hồng cao để nhập lượng xăng pha này vào kho của Cục hậu cần Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.
2 trong số 16 người bị nêu tên là ông Trần Văn Đồng (Đại tá, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Đầu tư Xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Bô, Bộ Quốc phòng) và ông Lê Quang Hiếu Hùng (công nhân viên quốc phòng, Chi nhánh Đầu tư Xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Bô).
Theo cáo trạng, ông Trần Văn Đồng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, làm giả bản sao lục quyết định của Tổng tham mưu trưởng về việc nâng lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho ông Lê Quang Hiếu Hùng.
Ông Đồng cũng đã bổ nhiệm ông Hùng giữ chức “trưởng phòng kinh doanh xăng dầu” dù biên chế của chi nhánh Lũng Lô Miền Nam không có chức năng kinh doanh xăng dầu.
Ông Đồng bị xác định cũng đã chỉ đạo mua quân hàm, quân phục, đặt biển tên, giao ô tô quân sự cho ông Hùng đi giao dịch với các đối tác trong và ngoài quân đội.
Năm 2015, ông Hùng và các bị cáo Nguyễn Văn Phương (giám đốc công ty Thái Sơn), Phan Trường Sơn và Lê Minh Anh (Tổng giám đốc công ty Đông Phương) bị nói đã lên kế hoạch pha chế xăng giả từ dung môi Naptha để kiếm lời.
Ông Lê Quang Hiếu Hùng bị nói đã mua lại công ty Năng lượng ITAVINA và đổi tên thành Vạn Xuân và liên hệ với các thương nhân đầu mối trong việc pha chế xăng để làm trung gian mua Naptha.
Ngoài ra, ông Hùng bị xác định đã thỏa thuận với ông Phan Hữu Phúc, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê của kho VK102 Cục hậu cần Quân khu 7, để pha chế xăng giả Ron92, Ron 95 bằng cách pha trộn dung môi Naptha với các hóa chất khác.
Báo trong nước cho biết hơn 52 triệu lít dung môi Naptha đã được pha chế với hóa chất để trở thành 54 triệu lít xăng giả. Toàn bộ số xăng giả này đã được bán hết ra thị trường.
Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả được sản xuất có giá trị tương đương hàng thật là hơn 850 tỷ đồng.
Công ty Vạn Xuân bị xác định không phải thương nhân đầu mối, không có giấy chứng nhận đăng ký pha chế xăng, không đủ điều kiện pha chế xăng.
Các bị cáo Hùng, Phương bị xác định làm giả hồ sơ hàng hóa để thế chấp vay vốn tại ngân hàng, lấy tiền sản xuất xăng giả. Số tiền bị chiếm đoạt từ các ngân hàng khoảng 500 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/defense-officials-in-court-for-producing-54-million-liters-of-fake-gasoline-12302019075007.html

Giáo viên khóc lóc vì mua tài liệu ôn thi “thăng hạng”

nhưng không trúng câu nào

Tin Vietnam.- Báo Giáo dục Việt Nam ngày 30 tháng 12 năm 2019 loan tin, nhiều giáo viên của tỉnh Kiên Giang đã khóc lóc vì bị trượt sau khi thi môn đầu tiên của cuộc thi thăng hạng giáo viên trong toàn tỉnh này.
Theo đó, vào ngày 28 tháng 12 vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thi thăng hạng cho hàng ngàn giáo viên với 3 môn thi theo lần lượt là tiếng Anh, Tin học, và môn chuyên ngành. Thăng hạng giáo viên được hiểu nôm na là xếp loại giáo viên như từ loại C lên loại B, và mục đích của thi thăng hạng là để được tăng thêm tiền lương, hoặc chức vụ.
Nhiều giáo viên cho biết, cách đây khoảng 4 năm, họ đã tập trung đi học thăng hạng, và chuẩn bị một số điều kiện như có chứng chỉ Anh văn, Tin học. Để học thi thăng hạng mỗi giáo viên phải nộp 2,800,000 đồng, và một cơ số tiền khác để có 2 chứng chỉ. Nhưng, sau khi học xong thì các giáo viên chờ mãi mà không thấy nhà cầm quyền tỉnh tổ chức thi. Bỗng dưng vừa qua, trước khi thi 2 ngày các giáo viên nhận được thông báo tập trung về trung tâm của tỉnh để dự thi.
Vì quá cận ngày, lại mong được đậu kỳ thi nên các giáo viên đã bỏ ra mỗi người 500,000 đồng để ôn thi cấp tốc trong 2 ngày, cùng với đó là mua tài liệu ôn thi. Tuy nhiên, sau khi thi môn tiếng Anh đầu tiên thì hàng loạt giáo viên đã bị trượt, vì tài liệu ôn thi không “trúng tủ”.
Một giáo viên chia sẻ, họ cảm giác như bị lừa vì ngành giáo dục tổ chức ôn thi, bán tài liệu nhưng lại không trúng một câu nào trong đề thi. Một giáo viên khác cho rằng, các giáo viên rớt cảm thấy đau lòng, nhiều giáo viên lớn tuổi, đầu bạc, là Ban giám hiệu cũng phải lặn lội đi thi để kiếm thêm ít tiền lương nhưng cũng bị đánh rớt.
Sau khi bị rớt hàng loạt, nhiều giáo viên đã thắc mắc rằng, tại sao có những nơi khác chỉ cần xét tuyển qua hồ sơ còn tỉnh Kiên Giang lại bắt giáo viên đi thi?
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/giao-vien-khoc-loc-vi-mua-tai-lieu-on-thi-thang-hang-nhung-khong-trung-cau-nao/

Vụ Nhật Cường: Quan chức Thành Ủy Hà Nội bị bắt,

 lo chỉ xử ”từ vai trở xuống”

Trọng Thành
Hôm qua, 28/12/2019, cơ quan điều tra bộ Công An Việt Nam thông báo đã ra quyết định tạm giam ông Nguyễn Văn Tứ, chánh văn phòng Thành Ủy thủ đô Hà Hội, cùng một quan chức sở Đầu Tư thủ đô. Theo báo chí trong nước, vụ việc có liên quan đến chủ tịch Hà Nội.
Hai quan chức bị bắt liên quan trực tiếp đến vụ công ty viễn thông Nhật Cường ”vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ bắt giữ nói trên diễn ra đúng vào lúc một tòa án tại Việt Nam vừa khép lại một vụ xử án tham nhũng khác, với việc ông Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, ủy viên Trung Ương Đảng bị tuyên án chung thân (thường gọi là vụ công ty ”AVG”).
Đọc thêm: Việt Nam: Cựu bộ trưởng lãnh án tù chung thân về tội tham nhũng
Tổng giám đốc công ty Nhật Cường, ông Bùi Quang Huy, hiện đang bị Interpol truy nã, theo yêu cầu của Việt Nam. Vụ án ”Nhật Cường”, với quy mô thiệt hại về tài chính cho Nhà nước là nhỏ hơn nhiều so ”vụ AVG”, có ý nghĩa ra sao với xã hội Việt Nam.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh đến hàng loạt vấn đề trong vụ án này, từ nguy cơ Trung Quốc thao túng mạng tin học của chính quyền Hà Nội, đến việc chính quyền ngang nhiên vi phạm quy định đấu thầu. Một mặt thừa nhận có dấu hiệu đấu đá của một số phe phái xung quanh vụ án Nhật Cường, nhưng nhà báo Võ Văn Tạo đặc biệt lo ngại là rất có thể chính quyền Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ chỉ xử lý vụ Nhật Cường ”từ vai trở xuống”, tương tự như vụ AVG mà tòa sơ thẩm vừa ra phán quyết. Các thủ phạm chính rất có thể vẫn sẽ không phải ra trước vành móng ngựa để đối mặt với công lý.
Sau đây mời quý vị theo dõi nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang.
Mời nghe Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang)
Nhà báo Võ Văn Tạo: ”Hai người bị bắt trong khuôn khổ một dự án cách nay mấy tháng. Đó là vụ án liên quan đến công ty Nhật Cường, kinh doanh điện thoại và viễn thông. Trên mạng củaViệt Nam, cũng như báo chí Nhà nước, lấp ló tiết lộ chuyện đây là công ty sân sau của ông Nguyễn Đức Chung. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội. Công ty này vốn là vô danh tiểu tốt mà lại trúng mối thầu rất lớn của Hà Nội về công nghệ thông tin, là vì nhờ được công ty của vợ ông Chung (công ty Minh Hoa).
Đây cũng là vụ án kế tiếp vụ đang xét xử, vừa tuyên án xong, là vụ AVG. Đấy là một vụ rất lớn. Vụ này tuy nhỏ hơn, nhưng có tính chất nóng bỏng riêng, vì liên quan đến bộ mặt của thủ đô Hà Nội. Theo tôi đánh giá, dù về quy mô tài chính là không lớn, nhưng tính chất của vụ này là trắng trợn. Chỉ định thầu, ra thầu, giá trúng thầu cách nhau chút xíu. Ở giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa thủ đô mà người ta còn dám làm như thế, thế thì thử hỏi là ở những tỉnh xa xôi thì còn như thế nào.
Người ta còn lo ngại rằng, vụ gọi thầu về dịch vụ thông tin cho thành phố Hà Nội liệu có đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không, có yếu tố Trung Quốc hay không, trong khi tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều vấn đề căng thẳng.
Nhiều người nói rằng phe phái các ông ấy đánh nhau. Cá nhân tôi thì tôi cho rằng ông (Nguyễn Phú) Trọng, ông ấy thực sự lo ngại tham nhũng khiến Đảng của ông ấy sụp đổ. Còn chuyện giữ được Đảng, nhưng có để cho đất nước tiến lên được hay không thì lại là chuyện khác. Có khi ông ấy chẳng quan tâm.
Tôi chưa dám nghĩ là ông ấy phe phái gì đâu. Nhưng mà ông ấy không phải là người tài giỏi về lĩnh vực nội chính, vốn rất là phức tạp, chủ yếu là dính đến công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Ông ấy lại xuất thân không phải đi lên bằng con đường nội chính, nên ông ấy không thông thuộc địa hình đó. Người ta bảo thần thiêng nhờ bộ hạ. Bây giờ cái đám ở dưới thích thì làm, không thích thì thôi, thậm chí nó bè phái, thì ông ấy cũng không thể nào biết được thực chất là như thế nào.
Ví dụ như cái vụ Nhật Cường này thì chúng tôi có thông tin là mấy ông ngấp nghé lên thứ trưởng Công An, trong đó có chủ tịch Hà Nội đó. Đúng là họ cũng đánh nhau, nên họ mới tuồn tài liệu ra, nên báo chí mới nhận được. Thế nhưng, ông Nguyễn Phú Trọng ông ấy ở trên cao, ông ấy không nắm được chuyện ấy đâu. Ông ấy chỉ biết là, đã phát động chống tiêu cực, thì anh nào dính tiêu cực là xử lý. Chẳng hạn cái vụ đang nóng này, vụ AVG vừa tuyên án xong.
Xem ra những người có tư duy về pháp luật, thì thấy vụ ấy chẳng giải quyết được gì. Nó thông đồng từ các bộ ngành, đến văn phòng chính phủ, đến thủ tướng. Xử như thế là nửa vời. Tôi nghĩ rằng ông Tô Lâm (bộ trưởng Công An) phải có trách nhiệm trong chuyện này (vì xếp hồ sơ Mobifone mua AVG vào dạng ”mật”, nên tất cả những người khác không thể tìm hiểu được – Võ Văn Tạo bổ sung). Ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đó là thủ tướng cho chủ trương (để Mobifone mua lại AVG) cũng thế.
Nhìn chung, tôi nghĩ rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng phát động chống tiêu cực là đúng, tôi ủng hộ, và rất nhiều người dân, cán bộ đảng viên cũng ủng hộ. Nhưng đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Đừng có tắm từ vai tắm xuống! Tắm phải tắm từ đầu xuống! Đã xử lý là phải rốt ráo, anh nào có tội là phải đem ra hết, bất kể anh nào! Không có vùng cấm! Dù ông có là Tứ  Trụ (tức bốn chức vụ cao cấp nhất trong chính quyền Việt Nam) dính vào tội lỗi, cũng phải lôi ra hết, thì mới gây được niềm tin, chứ còn nửa vời không ăn thua’‘.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20191229-quan-ch%E1%BB%A9c-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-lo-ch%E1%BB%89-x%E1%BB%AD-t%E1%BB%AB-vai-tr%E1%BB%9F-xu%E1%BB%91ng

Phát hiện nhiều chất ma tuý

được pha vào trà sữa, nước giải khát

Tin từ Hà Nội: Viện Khoa học hình sự (Bộ công an) vừa phát hiện một số chất ma tuý mới được chào bán ở thị trường Việt Nam, trong đó có những chất gây ảo giác mạnh lần đầu phát hiện tại Việt Nam và chưa có trong danh mục các chất cấm.
Các chất ma tuý này được pha thành dung dịch rồi phun, tẩm vào các loại cây cỏ, các mẫu thảo mộc khô sau đó sấy thành “cỏ Mỹ.” Thậm chí, một số chất pha vào đồ uống có ga, trà sữa, cà phê hay nước giải khát ketamin.
Bọn tội phạm còn pha trộn nhiều loại ma tuý với nhau, trộn chất ma tuý với thuốc tân dược cùng chất tạo màu, mùi làm thành các viên nén tổng hợp.
Đặc biệt, những người bán quảng cáo rằng các chất này không chứa chất gây nghiện nhưng thực tế chúng có tác dụng mạnh gấp nhiều lần ma tuý thông thường và được tẩm lên các con tem nhỏ (bùa lười), hoặc nấm thức thần.
Công an cho biết, mức độ nguy hại đối với sức khỏe của các loại ma tuý này cũng nghiêm trọng hơn những loại đã phát hiện trước đây. Hiện nay, trong danh mục các chất ma tuý và tiền chất mới được quản lý tại Việt Nam là 515 chất.
Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển ma tuý và các chất gây nghiện từ khu vực Tam giác vàng đến Australia, Philippines, Đài Loan… nhiều người Trung Cộng và Đài Loan bị phát hiện đã sản xuất và tiêu thụ hàng tấn chất ma tuý và nhiều chất gây nghiện ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Gần đây trong xã hội xảy ra nhiều vụ án thương tâm với nhiều nạn nhân bị giết bởi những kẻ bị kích động tinh thần sau khi sử dụng ma tuý hoặc chất gây nghiện. Do lực lượng công an tham nhũng, việc mua bán chất ma tuý ở Việt Nam tương đối dễ dàng và rất khó được kiểm soát.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/phat-hien-nhieu-chat-ma-tuy-duoc-pha-vao-tra-sua-nuoc-giai-khat/

Xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 300 triệu USD

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 giảm 300 triệu USD so với năm 2018.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương được truyền thông trong nước trích dẫn, xuất khẩu gạo giảm gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, dù có tăng về sản lượng.
Cụ thể, năm 2018 xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, thu về  hơn 3 tỷ USD, trong khi năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, nhưng chỉ thu về 2 tỷ 758 triệu USD,
Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu gạo giảm như vừa nêu được cho là do giá gạo xuất khẩu trong năm 2019 xuống rất mạnh so với năm 2018.
Theo tin liên quan từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, tính đến tháng 10 năm 2019, Việt Nam có 7,47 triệu hecta đất trồng lúa, thấp hơn 92.300 hecta so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến trong các năm tiếp theo, đất trồng lúa tiếp tục giảm thêm 500 ngàn hecta.
Tin cho biết, phần diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn trái, để điều tiết việc sản xuất gạo mà theo nhận định thực tế thì cung cao hơn cầu.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ngành gạo Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động mạnh về sản xuất và nhu cầu và giá.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-rice-exports-have-decreased-by-us-300-million-12302019104003.html

Cả trăm căn biệt thự trước năm 1975 bị “biến mất”

trên giấy vì nhà cầm quyền không nhìn thấy

Tin Saigon.- Báo Người lao động ngày 30 tháng 12 năm 2019 loan tin, Uỷ ban nhân dân Cộng sản tại quận 1, Sài Gòn vừa có bản báo cáo cho biết, trên địa bàn quận còn 230 căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975, trong đó có những căn đã tồn tại hơn 100 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn văn hoá, lịch sử, kiến trúc.
Tuy nhiên, sau khi đi kiểm tra, mắt của nhà chức trách quận đã không thể “nhìn thấy” nhiều căn biệt thự. Vì vậy, trong thời gian tới đây, quận 1 sẽ loại 109 căn biệt thự ra khỏi danh sách tổng số 230 căn biệt thự trên địa bàn.
Ngược lại với “con mắt” của viên chức Cộng sản quận 1, theo báo Người lao động, những căn biệt thự mà Uỷ ban quận 1 “khai tử” vẫn còn tồn tại nguyên hiện trạng. Thí dụ như căn biệt thự nằm tại số nhà 25 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé dù vẫn còn nguyên vẹn nhưng lại được quận 1 báo cáo là đã bị phá dỡ, chỉ còn là “khu đất trống” để nhằm loại nó ra khỏi danh sách bảo tồn. Và trong hồ sơ cai quản nhà ở của sở Xây dựng thành phố thì căn biệt thự này vẫn là công trình kiến trúc vững chắc.
Cũng chung tình trạng như những căn biệt thự cổ ở quận 1, vào tháng 10 năm 2019, Uỷ ban nhân dân quận 3 cũng đã làm danh sách “khai tử” hàng loạt biệt thự được xây dựng trước năm 1975, dù trên thực tế những căn biệt thự vẫn còn rất vững chắc, và đẹp.
Một thành viên của Hội đồng phân loại biệt thự Sài Gòn cho biết, hầu hết các căn biệt thự cổ đều nằm ở vị trí đắc địa. Vị này cho biết thêm, việc phân loại các căn biệt thự để bảo tồn ít nhiều gây mâu thuẫn lớn giữa cơ quan cai quản của nhà cầm quyền và lợi ích người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho hay, cứ 2 du khách ngoại quốc đến Việt Nam thì có 1 người đến Sài Gòn, và tìm kiếm những công trình lịch sử, cổ để tham quan.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/ca-tram-can-biet-thu-truoc-nam-1975-bi-bien-mat-tren-giay-vi-nha-cam-quyen-khong-nhin-thay/

Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

‘tự hào’ về công cuộc chống tham nhũng

Lần đầu tiên Việt Nam xử được tội nhận hối lộ là thừa nhận của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị Chính phủ với các bộ ngành, địa phương diễn ra vào sáng ngày 30 tháng 12.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng nguyên văn rằng ‘chưa bao giờ chúng ta xử được tội nhận hối lộ, như trước đây toàn là thiếu trách nhiệm và vi phạm việc nọ, việc kia, gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng chưa bao giờ chúng ta thu được tài sản lớn như thế. Vụ AVG thu được cho Nhà nước số tròn là 8.500 tỷ đồng.”
Ông Nguyễn Phú Trọng còn cho biết sắp tới sẽ diễn ra một số vụ xử nữa.
Phiên xử hai cựu bộ trưởng thông tin- truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng 12 người khác trong thương vụ Mobifone mua AVG bắt đầu từ ngày 16 tháng 12.
Đến ngày 28 tháng 12 vừa qua, tòa án Hà Nội tuyên ông Nguyễn Bắc Son án chung thân, sau khi gia đình ông này nộp lại 66 tỷ đồng tiền; mặc dù trước đó Viện Kiểm Sát đề nghị mức án tử hình. Hai tội danh đối với ông này là ‘nhận hối lộ’ và ‘vi phạm qui định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ông Trương Minh Tuấn bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù cũng với hai tội danh giống ông Nguyễn Bắc Son.
Ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, người đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6 triệu 200  ngàn Mỹ kim chỉ bị tuyên án 3 năm tù giam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-general-secretary-state-president-on-anti-corruption-12302019074725.html

10 nan đề của năm 2019

Blogger Tuấn Khanh
Đặc biệt là nhắc lại khi đó là vấn đề không chỉ hôm nay mà của cả ngày mai. Dưới đây là 10 sự kiện hay vấn đề tạo nên dư luận, và cũng tạo nên một thái độ của người Việt về đất nước, con người và cả chế độ cầm quyền, được tạm liệt kê. Thứ tự các sự kiện không có tính bình chọn cao thấp, chỉ là tuần tự gợi nhớ.
1. Vấn đề Trung Quốc
Trung Quốc vẫn là ý nghĩa then chốt trong nhiều sự tranh luận, phản ứng của người Việt với nhau, người Việt với nhà cầm quyền. Đầu tiên phải nói đến Bãi Tư Chính và cuộc xâm lấn của Bắc Kinh vào chủ quyền của Việt Nam, căng thẳng suốt trong nhiều tháng. Không chỉ vậy, dư âm của Luật Đặc Khu vẫn nhìn thấy thông qua các đạo luật riêng lẻ về sự ưu tiên của người Trung Quốc ở Vân Phong.
Hậu quả của Trung Quốc về các dự án dang dở và tốn kém, các nhà máy nhiệt điện và Formosa đang đầu độc người dân Việt Nam ngày đêm nhưng lại được sự yểm trợ của nhà cầm quyền là điều gây không ngớt sự chỉ trích.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-cuoc-chien-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc/4788408.html
2. Luật An Minh Mạng
Được thực thi từ tháng 1/2019, Luật An Ninh Mạng trở thành cớ để ruồng bố, bắt giữ và kết án hàng chục người dân. Nhận định của nhiều báo chí quốc tế cũng như các nhà bình luận thời sự nói rằng Luật An Ninh Mạng đang hành động như một mạng lưới khủng bố nhân dân để bảo vệ chế độ, chứ không phải thuần túy phục vụ xã hội.Cũng vì sự phát tác chống lại con người và phát triển xã hội mà vào 5/11, tổ chức Freedom House đã xếp hạng thấp Việt Nam về tự do internet với điểm 24/100, gần cuối bảng, chỉ trên Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44440599
3. Công cuộc đốt lò
Công cuộc chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm 2019 đã hết sức gay cấn khi rất nhiều quan chức, đảng viên… bị kỷ luật, mất chức và vào tù. Sự kiện mới nhất trong tháng 12 là cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân do nhận hối lộ 3 triệu USD.Vào lúc khởi đầu cuộc “đốt lò”, nhiều người dân có phần tin rằng đây là một cuộc chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy cầm quyền, thế nhưng, đến lúc này thì câu chuyện được nhìn thấy mang nhiều hình ảnh hướng về một cuộc thanh trừng nội bộ, phe phái. Tuy nhiên, phải nói rằng công cuộc đốt lò này mở ra nhiều sự kiện để công chúng có thể suy gẫm sâu hơn về bộ máy cầm quyền.
https://www.luatkhoa.org/2018/05/ba-ly-ong-trong-khong-nen-thoai-thac-cong-khai-tai-san-ca-nhan/
4. BOT và cuộc trấn áp nhân dân bởi các nhóm lợi ích
Vào thời điểm tranh tối tranh sáng trước đại hội đảng Cộng sản lần thứ 13, các cuộc đấu đá và giành quyền lợi từ các nhóm lợi ích bùng nổ với phần ăn có tên BOT. Từ các thông tin rò rỉ và và ngầm hậu thuẫn từ sau bức màn để lật đổ các nhóm lợi ích cũ, đã dẫn đến việc người dân bị hút theo và phản ứng liên tục với các trạm BOT từ Bắc chí Nam. Dĩ nhiên, trên bề mặt thông tin, những trạm BOT đó hoàn toàn sai phạm về lạm thu, lừa gạt, lạm quyền… và người dân có quyền để chất vấn và phẫn nộ, nhưng đồng thời dư luận cũng nói rằng các nhóm lợi ích mới đang muốn chiếm lĩnh các vị trí màu mỡ như vậy. Nhiều người tranh đấu vô tư để đòi quyền lợi chung đã bị đánh, bị mất tài sản thậm chí bị bỏ tù như Hà Văn Nam, Đặng Thị Huệ (Huệ Như)…
https://www.voatiengviet.com/a/bot-ban-duoc-ai-bao-ve-tram-thu-phi-thang-long/4838359.html
5. 39 người Việt trong Container
Sự kiện 39 thanh niên Việt Nam chết trên xe đông lạnh để nhập cảnh lậu vào Anh Quốc không chỉ là sự kiện của Việt Nam, mà còn là của thế giới. Dư luận trong Việt Nam cũng chia rẽ với những người theo quan điểm nhà nước thì chỉ trích người đã chết, phần còn lại thì cảm thương và đồng quan điểm với báo chí quốc tế rằng Việt Nam đang có tình trạng buôn người trầm trọng, cũng như ước muốn được thoát ly ra khỏi nước để kiếm sống là một vấn nạn có thật. Sự kiện này nhắc lại về hình ảnh boat people ở miền Nam Việt Nam sau 1975, với những người giàu có và đủ cơ hội, nhưng vẫn ra đi vì muốn tìm một tương lai khác.
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_39_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t_ch%E1%BA%BFt_%E1%BB%9F_Essex,_Anh
6. Ô nhiễm tràn ngập cả nước
Từ giữa năm 2019, tình trạng ô nhiễm nặng nề không khí và đời sống nói chung ở Việt Nam được bàn tán và trở thành đề tài chính của sự sống và phát triển của 94 triệu người Việt Nam. Đỉnh cao là tháng 10/2019, khi đưa các thông tin liên quan về ô nhiễm không khí tại Việt Nam, hãng Air Visual đã phải tạm đóng cửa trong một thời gian do bị tấn công dữ dội, thậm chí đe dọa từ giới dư luận viên và các thành phần cực đoan ủng hộ nhà cầm quyền. Tuy nhiên sau đó, thì Việt Nam vẫn phải công nhận các đo lường ô nhiễm từ công ty toàn cầu này. Các quan chức nhà nước thì nói rằng ô nhiễm đến do nướng than, đốt rác, bụi quét nhà, gàu tóc… nhưng không thấy nói gì đến nhiệt điện than hay Formosa.
Theo thống kê của báo chí nhà nước, mỗi năm Việt Nam có 50.000 người trong nguy cơ thiệt mạng vì ô nhiễm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49956424
7. EVFTA và xã hội Việt Nam
Hiệp định thương mại của Liên minh Châu Âu đối với Việt Nam dù được coi là ở những chặng sắp hoàn thành, tuy nhiên đang trục trặc ở vấn đề nhân quyền. Trong giai đoạn tìm hiểu và ký kết giữ hai bên, nhiều tổ chức và cá nhân trong Việt Nam đã gửi thư đến Nghị viện Châu Âu và đề nghị ngừng ký kết nếu Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, bắt bớ người bất đồng chính kiến và ngược đãi tù nhân lương tâm. EVFTA là một vấn đề vô cùng quan trọng với nền kinh tế của chính quyền Hà Nội, nhưng nay có thể sẽ hoãn vô thời hạn. Việc bắt giữ tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo Độc Lập dường như là mồi lửa cho các ngôn luận chống EVFTA từ phía Châu Âu bùng nổ.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-vien-keu-goi-eu-ngung-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-voi-vn-vi-nhan-quyen/5181815.html
8. Ngược đãi tù nhân
Tình trạng trừng phạt các tù nhân lương tâm vì ý chí của họ đã là chuyện làm xôn xao, khiến các tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch… phải lên tiếng. Rất nhiều tù nhân đã trãi qua sự đối xử bất công như Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Hóa, Trần Huỳnh Duy Thức… nhưng đến tháng 7/2019 thì bùng nổ sự kiện trại giam số 6, Nghệ An hành hạ tù nhân đang chịu thời tiết nắng khủng khiếp tại vùng này, bằng cách tháo quạt để tù nhân bị ngộp thở trong trại, khiến xảy ra tình trạng tuyệt thực tập thể phản đối. Khi người nhà của các tù nhân hay tin, đến thăm thì lại bị các cán bộ trại phối hợp với côn đồ tấn công, hành hung và cướp giật. Cũng ở trại này, tù nhân Đào Quang Thực (59 tuổi) qua đời, gia đình cũng không được mang xác về chôn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48933005
9. Án oan và chết trong trại tạm giam
Vấn đề án oan luôn được xã hội quan tâm. Cho đến nay, việc bồi thường và phải tuyên bố công khai xin lỗi những người tù oan nhiều năm, bị bức cung và tra tấn trong Việt Nam vẫn diễn ra như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… nhưng gần đây nhất vụ án tù kêu oan lại làm dấy lên dư luận là Hồ Duy Hải. Bên cạnh đó còn có vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Chậm trễ và tắc trách cũng như bất minh là vấn nạn của người dân Việt Nam khi bị đưa vào tầm ngắm của các điều tra viên.
Riêng tình trạng người dân chết trong đồn công an khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2018 có 11 vụ, năm 2019 có 3 vụ, phần lớn do phản ứng của gia đình mà xã hội mới biết. Nhiều trường hợp được gia đình nạn nhân xác định là do bị công an tra tấn. Nhiều trường hợp có người chết, công an ở nơi xảy ra án mạng thường đến nhà nạn nhân để điều đình việc im lặng. Nhưng phía công an thường cho biết những nạn nhân bị chết là do sức khỏe yếu hoặc tự tử. Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, mà lời giải thích, phần lớn là ăn năn và tự tử.
https://thanhnien.vn/thoi-su/ky-an-ho-duy-hai-kich-ban-nao-neu-ban-an-bi-huy-1155767.html
10. Trẻ em Việt Nam không còn an toàn
Năm 2019 là năm của trẻ em Việt Nam đứng trước cánh cửa vào đời đầy những vấn nạn. Các vụ xâm hại tình dục, tấn công trẻ em vị thành niên xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí ngay trong trường học, con số được báo cáo từ các tỉnh lên đến hàng ngàn. Nhiều vụ có liên quan đến các viên chức nhà nước nên đã bị bao che, làm nhẹ đi. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKSND Đà Nẳng bị 18 tháng tù là trường hợp đặc biệt do dư luận xã hội theo đuổi và tức giận đòi công lý.
Các vụ đánh đập và hành hạ trẻ em vẫn diễn ra và không được quan tâm cũng là một vấn nạn, mặc dù hiện có tổng đài 111 dành riêng cho việc bảo vệ trẻ em, nhưng hiệu quả rất kém.
Thậm chí việc trẻ đến trường cũng không an toàn. Trường hợp bé L. 6 tuổi, chết tại trường Gateway, Hà Nội vào tháng 8/2019 là sự kiện làm chấn động xã hội. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự việc đã được ỉm đi, bởi trường này được sở hữu của giới con công cháu cha.
https://news.zing.vn/5-nghi-van-vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-vi-bi-bo-quen-tren-oto-post975513.html
Dĩ nhiên, những lựa chọn trên đây chỉ là chủ quan. Vì bên cạnh đó vẫn còn những sự kiện như họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, 9 người đi chuyên cơ của chủ tịch Quốc hội mất tích ở Hàn Quốc, Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chiếm, Thủ Thiêm bị lừa gạt về chuyện giải quyết, Lư hương Trần Hưng Đạo bị cướp mang đi, giải tán và phục hoạt chương trình Tri ân Thương Phế Binh VNCH… Và dù là chuyện như thế nào, nếu đó là nỗi đau và nước mắt Việt Nam, thì sẽ mãi được ghi nhớ qua một năm đầy biến động 2019. Phần ghi nhớ nối tiếp, xin dành cho tất cả mọi người.
Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/10-dif-2019-12302019083459.html

Sự cố Văn Mai Hương và các quyền con người

cần được bảo vệ

Blogger Nguyễn Trang Nhung
Một sự việc gây chú ý trong giới nghệ sĩ vài ngày qua là ca sĩ Văn Mai Hương bị lộ clip với cảnh thay đồ tại nhà riêng.
Vì một lý do nào đó, camera tại nhà riêng của cô đã ghi lén cảnh này vào năm 2015 mà cô không hề hay biết.
Nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ cô, và cùng với đó là lên án những kẻ gây ra sự việc cũng như những kẻ tiếp tay lan truyền clip.
Thời điểm mà clip được tung ra khiến một bộ phận dư luận liên hệ với các phát ngôn và thái độ của cô trước một số sự kiện chính trị, xã hội.
Hương là một trong số ít nghệ sĩ lên tiếng về các chủ đề còn nhạy cảm ở Việt Nam, chẳng hạn Luật An ninh mạng và phong trào dân chủ tại Hong Kong.
Cho dù lý do khiến cô trở thành nạn nhân là gì, Hương có đầy đủ quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ về (1) danh dự, nhân phẩm và (2) đời sống riêng tư.
Hai quyền này là các quyền con người được ghi nhân trong Hiến pháp tại Điều 20 và Điều 21, và được nhắc lại trong Bộ luật Dân sự (BLDS) tại Điều 34 và Điều 38 cùng với các quy định về cơ chế bảo vệ. Theo đó:
Các phương tiện thông tin đại chúng nào đăng tải clip phải gỡ bỏ clip; cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cất giữ clip phải hủy bỏ clip (căn cứ Khoản 3, Điều 34, BLDS).
Nạn nhân, là Hương, có quyền yêu cầu những người tung ra và lan truyền clip xin lỗi và bồi thường thiệt hại (căn cứ vào Khoản 5, Điều 34, BLDS) và bồi thường tổn thất tinh thần (căn cứ vào Khoản 2, Điều 592, BLDS).
Bên cạnh đó, với tính nguy hiểm cho xã hội cao, hành vi tung ra và lan truyền clip có đầy đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác.
Với phương tiện là mạng máy tính được dùng để phát tán clip, thủ phạm có thể phải chịu hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo điểm e, khoản 2, Điều 155, Bộ luật Hình sự.
Do đối với tội làm nhục người khác, để khởi tố vụ án cần có yêu cầu của người bị hại, Hương cần yêu cầu khởi tố vụ án khi xác định được thủ phạm.
Thủ phạm ở đây không chỉ là người đầu tiên tung ra clip, mà cả những người lan truyền nó, có thể chỉ bằng thao tác chia sẻ trên mạng xã hội như Facebook.
Trong khi chờ đợi pháp luật xử lý sự việc, người dùng mạng cần có hiểu biết pháp luật tối thiểu để không tiếp tay cho thủ phạm mà vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người dùng mạng cần xác định các cấp độ cao hơn của sự tôn trọng pháp luật cũng như các quyền con người nêu trên, thông qua thái độ và hành động sau đây:
Một là không chủ động tìm kiếm clip vì tò mò hay ý thích.
Hai là nếu vô tình thấy clip trên mạng thì không mở ra xem.
Ba là lên tiếng bảo vệ nạn nhân, vì nạn nhân của sự xâm phạm các quyền con người xứng đáng được bảo vệ, và vì biết đâu chính mình có thể là nạn nhân, vào một ngày nào đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vmh-hr-12302019082039.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn