Tin Biển Đông – 31/12/2019


Tin Biển Đông – 31/12/2019

Tổ chức Mỹ cảnh báo khả năng đụng độ vũ trang

ở Biển Đông năm 2020

Một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ mới đưa ra nhận định về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trong năm 2020 ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, trong đó có Biển Đông.
Dựa trên đánh giá của các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ về 30 cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra hoặc leo thang trong năm tới, cũng như tác động của chúng đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, Hội đồng Đối ngoại nhận định rằng “một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, Triều Tiên, hoặc với Trung Quốc ở Biển Đông vẫn là những điều gây ra mối quan ngại lớn nhất ở nước ngoài”.
Tổ chức, nơi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng tới phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nói rằng Biển Đông là một trong các “ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ” trong năm 2020.
Với nhận định về tác động “cao” và khả năng xảy ra ở mức “vừa phải”, Hội đồng Đối ngoại đề cập tới “một cuộc đối đầu vũ trang quanh các khu vực lãnh hải tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] giữa Trung Quốc và một hoặc nhiều hơn các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, hay thậm chí với cả Đài Loan.
Tình hình Biển Đông nóng lên những tháng cuối năm 2019 vì vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh hai nước láng giềng phương bắc ở Bãi Tư Chính, cũng như việc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào lãnh hải mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi từng nhận định với VOA tiếng Việt rằng hành động của Bắc Kinh nhằm “bào mòn quyết tâm” của Hà Nội.
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc”.
Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó Trung Quốc nhiều lần được đề cập, nhất là về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
“Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước”, Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam viết.
“Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Việt Nam xây dựng hải đội dân quân tự vệ

để bảo vệ Biển Đông

Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư, xây dựng các hải đội dân quân tự vệ ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh, để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
Đó là thông tin được Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng – Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, được tổ chức sáng 31/12.
Báo trong nước cho biết Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh trong năm 2019, tình hình Biển Đông “có những diễn biến phức tạp”.
Vào tháng 7/2018, các thành viên Quân ủy Trung ương được nói đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng hải đội dân quân biển.
Quân ủy Trung ương khẳng định việc triển khai các hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng.
Từ giữa tháng 6/2019, Trung Quốc liên tục điều các tàu thăm dò Hải Dương 08, hải cảnh, đội tàu dân quân tự vệ của nước này đến khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để gây rối hoạt động khai thác dầu của Việt Nam.
Căng thẳng Bãi Tư Chính leo thang đến tháng 8 sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu và các chính phủ Mỹ, EU bày tỏ quan ngại hành động trên của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chính Ngoại trưởng Vương Nghị đáp trả và liên tục khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền nước này là “thuộc về lịch sử” và “không thể chối bỏ”.
Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận đội tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã rút khỏi khu vực biển Việt Nam.
Biển Đông đang là khu vực tranh chấp giữa các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei…
Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc 9 đoạn tự vẽ đã bị Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ tính hợp lệ vào năm 2016.

Đến lượt Indonesia

bị Bắc Kinh khiêu khích sát Biển Đông

Trọng Nghĩa
Trong vấn đề tranh chấp trên biển, Trung Quốc càng lúc càng tỏ thái độ coi thường các nước Đông Nam Á. Sau Việt Nam và Malaysia, trong những tuần lễ cuối năm 2019, Bắc Kinh đã tung tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia sát cạnh Biển Đông, trong một vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Jakarta đã phát giác sự hiện diện của tàu Trung Quốc từ giữa tháng, nhưng mãi đến hôm qua, 30/12/2019, mới loan báo quyết định gởi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh.
Theo bộ Ngoại Giao Indonesia, chính quyền nước này đã chính thức phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc bên trong lãnh hải của Indonesia sát cạnh Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, Jakarta đã tố cáo việc chiếc tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi bờ biển phía bắc quần đảo Natuna, xem đấy là một hành động “vi phạm chủ quyền”.
Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Indonesia không nói rõ vụ việc xảy ra vào thời điểm nào, chỉ cho biết rằng họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta lên để “phản đối mạnh mẽ” về vụ việc này. Công hàm phản đối cũng đã được gửi đi.
Cho dù vậy, Indonesia xác định rằng hai bên vẫn quyết định duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp.
Nếu chính quyền Jakarta rất tiết kiệm lời nói, thì báo chí Indonesia đã loan tin chi tiết hơn, ghi nhận lời chứng của nhiều ngư dân đã nhìn thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá Trung Quốc nhiều lần trong những ngày gần đây. Sau đó, họ đã báo cáo lại cho cơ quan quản lý an ninh hàng hải Indonesia mang tên Bakamla.
Trả lời hãng tin BenarNews, cơ quan này xác nhận rằng từ ngày 19/12, đã có ít nhất 65 chiếc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, đại đa số là tàu đánh cá, nhưng đã có hai chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ.
Theo giới phân tích, cung cách hành động của Bắc Kinh trong sự cố mới với Indonesia đi đúng theo bài bản, cho tàu dân sự tiến vào vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc tự nhận là của mình, và cho tàu hải cảnh hộ tống để sẵn sàng can thiệp khi lực lượng chấp pháp của nước sở tại đến chặn bắt các tàu Trung Quốc.
Đó cũng là một cách được Bắc Kinh sử dụng để áp đặt quyền kiểm soát của họ trong những vùng biển tranh chấp với Philippines, với Malaysia, với Việt Nam, và một lần nữa với Indonesia.
Riêng trong trường hợp Indonesia, trên nguyên tắc nước này không có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Indonesia luôn luôn khẳng định rằng Jakarta không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông.
Quan điểm của Jakarta là như thế, nhưng cái nhìn của Bắc Kinh lại khác. Đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra để khẳng định yêu sách chủ quyền lịch sử của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông, có chỗ ăn sâu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna.
Bản thông cáo hôm qua của bộ Ngoại Giao Indonesia một lần nữa nhắc lại lập trường của Jakarta theo đó nước này không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc, và nhất là không công nhận cái gọi là Đường 9 Đoạn mà Bắc Kinh dùng để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn