Những vấn đề đáng “quan tâm” trong năm 2019

27-12-2019
Vấn đề “thoát Trung” và “thân Mỹ”.
Chống Trung Quốc không hề là một “chứng minh thư” về lòng yêu nước. Cũng như việc chống Nho giáo không hề là động lực nhằm thúc đẩy dân chủ. Lịch sử quan hệ giữa VN và TQ cho thấy không phải lúc nào VN cũng “lệ thuộc” vào TQ và cũng không phải lúc nào VN cũng “chống” TQ. Những khoản thời gian VN phát triển thường trùng hợp với các giai đoạn VN “độc lập” với TQ.
Nếu ta hiểu “Trung quốc” bao gồm dân số 1 tỉ 400 triệu người với tổng sản lượng quốc gia 12.362 tỉ đô la, việc chống TQ đồng nghĩa với việc lao đầu vào đá. Hiển nhiên đây không phải là công việc của người VN.
Vấn đề đặt ra là VN làm thế nào để giữ “độc lập” trước môt TQ giàu mạnh, đang lột xác trở thành một “đế quốc bành trướng”?
Không chỉ VN, mà toàn khu vực Châu Á Thái bình dương, nền hòa bình bị sự “trỗi dậy” của TQ đe dọa.
Một nước Đức giàu có hòa bình hôm nay với một nước Đức quốc xã hùng mạnh ngày trước khác nhau chỗ nào ? Cơ bản khác biệt chế độ dân chủ tự do đối nghịch với chủ nghĩa quốc xã.
Hitler bị hạ bệ, cùng với hiến pháp dân chủ ra đời, nước Đức quốc xã trở thành nước Đức giàu có và nhân ái.
Nếu xóa bỏ “chủ nghĩa xã hội theo màu sắc TQ” cùng với việc hạ bệ Tập Cận Bình, nhiều xác suất TQ sẽ được “dân chủ hóa” và trở thành một Đài loan ở bình diện lớn.
Vì vậy thay vì hô hào (một cách điên cuồng) “chống TQ” như để chứng minh lòng yêu nước. Trí thức VN nên ủng hộ Đài loan và Hong Kong, ủng hộ việc “dân chủ hóa” lục địa.
***
Như thông lệ, hễ mỗi lần TQ có những hành vi xâm phạm chủ quyền (hay các quyền phụ thuộc chủ quyền) biển đảo của VN, Biển Đông trở nên căng thẳng. Thì trong nội bộ VN, tầng lớp gọi là “trí thức” (trong hay ngoài đảng) hô hào việc “thoát Trung” (song song với việc kết thân với Mỹ). Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến các việc “thoát Trung” và “thân Mỹ” được xem như là một giải phải để VN thoát ra khỏi sự ràng buộc (và hiếp đáp) của TQ. Vậy thế nào là “thoát Trung” và thế nào mới gọi là “thân Mỹ” ? Không (hay ít) thấy ai có lời giải thích nội hàm của hai việc này một cách thấu đáo.
Thực tế trong lịch sử VN có nhiều phen “thoát Trung”.
Về “văn hóa”, sau khi bị Pháp thuộc, nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã có những nỗ lực buộc VN “thoát” khỏi ảnh hưởng văn minh Trung Hoa bằng cách dạy chữ “quốc ngữ” cho dân VN đồng thời mở các trường, từ cấp tiểu học cho tới đại học, để đào tạo nhân sự. Người Pháp gọi đó là “devoir de civilisation – bổn phận khai hóa”. Đến năm 1954, Pháp bắt đầu rời VN thì quá trình “thoát Trung” về văn hóa xem như đã hoàn tất.
Ở miền Bắc, việc “thoát Trung” được tiếp tục thể hiện qua các cố gắng “Việt hóa” các từ ngữ gốc Hán. Nhưng về chính trị (ý thức hệ) thì miền Bắc lại “rập khuôn” mô hình cộng sản (nông dân) của TQ (khác với mô hình cộng sản công nhân của LX). VNDCCH cũng cho phát hành tiền tệ trên đó có viết cả chữ Hán.
Ở miền Nam việc “thoát Trung” vẫn tiếp tục. Về ý thức hệ với sự tiếp nhận nền “dân chủ kiểu Mỹ”. Về kinh tế chính quyền ông Diệm tìm cách gạt ảnh hưởng của người Hoa lên nền kinh tế quốc dân của VN.
Sau 1975, do sự xung đột về đường lối áp dụng “ý thức hệ” giữa hai đàn anh TQ và LX. VN ngả về LX chống TQ. VN tiếp tục “thoát Trung” cho đến năm 1990, qua các việc “thanh trừng” những “đồng chí” nào thân TQ. Khúc quanh “hội nghị Thành Đô”, VN “quẹo cua” 180° trở lại rập khuôn ý thức hệ chính trị của TQ với kinh tế thị trường định hướng XHCN”, cái tên khác một chút nhưng 100% tư tưởng là sản phẩm của Đặng Tiểu Bình.
Kể từ đó (Hội nghị Thành đô) VN lệ thuộc TQ vào TQ, từ ý thức hệ chính trị cho tới văn hóa, kinh tế.
Bây giờ muốn “thoát Trung” và “thân Mỹ”. Nhưng “thoát Trung” là thoát về cái gì? Về ý thức hệ, văn hóa hay kinh tế?
Còn “thân Mỹ” là thân như thế nào?
Theo tôi, quan trọng hơn hết trong nội hàm “thoát Trung” là vấn đề “ý thức hệ chính trị”. Các quốc gia như Nam Hàn, Nhật… văn hóa ở các xứ này vẫn bàng bạc văn hóa Trung hoa. Về kinh tế, các nước này gắn bó với TQ đến mức không thể tháo gỡ được nữa. Ta có thể nói là TQ được phát triển hôm nay là nhờ Nhật, Nam Hàn (và tài phiệt người Hoa ở hải ngoại như Hong Kong và Đài loan).
Thử nhìn hai trường hợp Đài loan và Hong Kong. Dân chúng hai vùng lãnh thổ này không bao giờ chịu nhận họ là “Trung Quốc”. Gặp trường hợp bị gọi là “chinese-chinois” họ liền đính chánh: “tôi là người Hong Kong” hay “tôi là người Đài loan, không phải TQ”. Mặc dầu họ là người Hán 100% và lãnh thổ 100% thuộc về TQ.
Về Hong Kong và Đài loan, một số chi tiết quan trọng cần nói rõ một chút.
Trên danh nghĩa pháp lý (de jure), Đài loan và Hong Kong là hai lãnh thổ thuộc về một quốc gia duy nhứt mang tên Trung Quốc. Trên thực tế (de facto), Hong Kong là mô hình “quốc gia hai chế độ”. Lãnh thổ Hong Kong được Anh trả lại cho TQ, với điều kiện Bắc Kinh nhìn nhận “quyền tự trị” cho lãnh thổ này, trong một khoảng thời gian là 50 năm.
Trường hợp Đài loan có phần phức tạp hơn. Đài loan là một lãnh thổ thuộc Nhật (vĩnh viễn) theo Hiệp ước Simonoseki 1894. Đến khi Nhật thua trận Thế chiến thứ II, Nhật buộc phái trả lại Đài loan cho Trung Hoa. Điều này được khẳng định qua Hội nghị quốc tế San Francisco 1951. Tức là trên danh nghĩa pháp lý (de jure) Đài loan là một lãnh thổ thuộc về quốc gia mang tên Trung Hoa. Nhưng sau 1949, chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng giới Thạch thua hồng quân của Mao Trạch Đông phải “di tản” ra Đào loan. Từ đó có hai “Trung hoa”, một có chính phủ ở Bắc Kinh, một có chính phủ ở Đài bắc. Cả hai đều tự nhận là “chính phủ đại diện chính thức” cho toàn thể lãnh thổ Trung hoa.
Tại LHQ, phe Quốc dân đảng được ghế đại diện cho tới năm 1971. Từ 1971 đến nay ghế LHQ thuộc về Bắc Kinh. Như vậy trường hợp TQ lục địa và Đài loan, về “pháp lý” người ta gọi đó là “quốc gia bị phân chia”. Điều này khá tương đồng trường hợp VN trong thời kỳ 1954-1975. Mỗi bên VN là những “quốc gia chưa hoàn tất”. Nhưng trong trường hợp Đài loan từ khi có văn bản ký kết giữa hai đại diện ở Singapour đầu thập niên 90, gọi là “đồng thuận Singapour”, thì cách gọi giữa hai bên có phần thay đổi: một quốc gia Trung hoa nhưng có nhiều cách lý giải.
Ta thấy Nam hàn, Đài loan, Hong Kong (trong chừng mực Nhật)… văn hóa ở đây thấm đượm sâu xa văn hóa Trung Hoa. Kinh tế các quốc gia (và vùng lãnh thổ) này “liên thuộc” chặt chẽ với TQ. Nhưng rõ ràng về nội trị họ giữ vững độc lập (ngoài trừ Hong Kong), về kinh tế họ thịnh vượng và quốc phòng họ thừa sức chống lại TQ (dĩ nhiên nhờ những kết ước an ninh hỗ tương với Mỹ). Điểm chung các quốc gia này là có nền “dân chủ pháp trị” vững chắc.
Vì vậy việc điều quan trọng hơn cả trong việc “thoát Trung” là “ý thức hệ chính trị”.
Ý thức hệ thuộc về tư tưởng mà tư tưởng mới “chỉ đạo” mọi hành động.
Từ nhiều thập niên nay tôi không hô hào “thoát Trung” mà chỉ kêu gọi “dân chủ hóa chế độ” và xây dựng nền tảng “pháp trị”. Ngay cả “hồ sơ Biển Đông” mà tôi bỏ nhiều năm nghiên cứu, kết luận của tôi vẫn là: muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ VN phải ra luật “hòa giải quốc gia” mà thực chất (hòa giải quốc gia) là “dân chủ hóa chế độ”. VN phải kế thừa di sản VNCH mới có thể khẳng định danh nghĩa chủ quyền ở HS và TS, sau đó tìm cách giải quyết tranh chấp với TQ thông qua một trọng tài quốc tế.
Còn về “thân Mỹ”. Tôi có viết nhiều lần là 24 năm vói 3 đời tổng thống Mỹ mà ai cũng có cảm tình với dân chúng VN là Clinton, Bush (con) và Obama. VN đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội để “thân thiết” hơn với Mỹ (so với bây giờ). Lãnh đạo CSVN vì muốn bảo vệ “đại cục” với TQ mà bỏ quên đi cái “cục” lớn nhứt là sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và lợi ích của dân tộc. Những người CSVN yêu chủ nghĩa hơn yêu nước. Những hành vi, chính sách của họ chỉ nhằm củng cố quyền lãnh đạo của đảng chớ không nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân, theo tôn chí “dân giàu nước mạnh”.
Bây giờ, thời Trump, lại hô hào “thân Mỹ”. Vấn đề là Mỹ có muốn “thân” với VN hay không?
Ngay cả học giả Mỹ (hàng trăm người) vừa viết thư ngỏ lên ông Trump yêu cầu phải làm rõ chính sách của Mỹ. Thực chất căng thẳng giữa Mỹ với TQ là về kinh tế hay cạnh tranh địa chiến lược?
Với chính sách “đụng đâu đánh đó” của Trump hiện nay, cả thế giới đều bị thiệt hại, không chỉ TQ. Với những hành vi được cho là “tùy hứng”, như đơn phuong rút khỏi hiệp ước về nguyên tử với Iran, nói là để “làm khó” TQ, nhưng Mỹ đã vi phạm luật quốc tế. (Vì Iran vẫn tôn trọng hiệp ước trong khi Mỹ đơn phương trừng phạt bằng cách cấm vận Iran). Về hồ sơ Bắc Hàn, sự tùy hứng kéo dài của ông Trump khiến uy tín nước Mỹ bị tổn thương mà hiệu quả không có chi. Khả năng nguyên tử của Bắc Hàn bây giờ có thể phủ trùm lãnh thổ Hoa Kỳ.
Làm thế nào để VN thân Mỹ? Làm sao có câu trả lời khi mà cả thế giới, ngay cả học giả Mỹ, vẫn không biết đâu là đường lối, chính sách của Mỹ hiện nay.
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đơn thuần có mục đích thương mại, thì VN tiếp cận cách nào cũng không tránh khỏi mũi dùi sắp tới của ông Trump.
Còn nếu sự căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là thể hiện bước đầu của mục tiêu địa chiến lược thì VN mọi cách phải tiếp cận “thân” với Mỹ thế nào để VN có “vị thế” quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lực này.
Trong quá khứ, Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược “thắng cuộc chiến tranh lạnh” trong hơn 4 thập niên. Mục tiêu của Mỹ sắp tới là “dân chủ hóa” TQ hay là đánh cho TQ tan nát thành nhiều quốc gia nhỏ? Câu hỏi (coi bộ hay) là thời gian là bao lâu?
Vì vậy những lời hô hào khơi khơi “thoát Trung” và “thân Mỹ” hiện nay chỉ nhằm “mị dân”, nói cho sướng miệng, không thể hiện cái gì cụ thể.
Theo tôi, không có cách nào khác, muốn “thoát Trung” là phải “dân chủ hóa chế độ”. Và cách tốt nhứt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là “hòa giải quốc gia” để kế thừa di sản VNCH. Từ đó lấy làm căn bản để giải quyết tranh chấp với TQ bằng một trọng tài quốc tế.
https://baotiengdan.com/2019/12/27/nhung-van-de-dang-quan-tam-trong-nam-2019/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?