Chưa thấy quà Giáng sinh của Kim Jong Un, Mỹ phát tín hiệu thẳng thừng
Lầu Năm Góc đã phát đi một thông điệp thẳng thừng khi tiết lộ tin tức về một cuộc tập trận của các chiến dịch đặc biệt mà nội dung nhắm đến giới chức cấp cao Triều Tiên.
Mỹ hiện đang tức tốc tăng cường giám sát Triều Tiên trước cảnh báo của chính quyền Kim Jong Un sẽ tặng "quà Giáng sinh" đáng sợ.
Tiết lộ của Lầu Năm Góc về cuộc tập trận chứng tỏ mức độ nghiêm trọng mà Washington đánh giá về đe dọa của Triều Tiên. Nhiều đồn đoán cho rằng món quà đó có thể là một vụ thử tên lửa tầm xa, thậm chí nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng không thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ năm 2017, sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu con đường tiếp xúc ngoại giao chưa từng có tiền lệ với Chủ tịch Kim Jong Un. Hai người đã gặp nhau trực tiếp 3 lần.
Giáng sinh đã trôi qua và không có dấu hiệu Triều Tiên thực hiện một vụ thử vũ khí lớn nào. Giới phân tích cho rằng Mỹ rất khôn ngoan khi đề cao cảnh giác và tăng cường giám sát. Hiện chưa rõ động thái của Mỹ - công bố các hoạt động tình báo, do thám và trinh sát (ISR) mà hãng tin Hàn Quốc Yonhap đăng tải đầu tiên - có khiến Triều Tiên thay đổi các kế hoạch hay không.
"Nó có ý nghĩa về quân sự khi làm như vậy... Tôi cho rằng một sự tăng cường ISR là để nhận biết động thái tiếp theo của Triều Tiên", Washington Times dẫn lời David Maxwell, một thành viên cấp cao của Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ từng đóng quân trên Bán đảo Triều Tiên.
Mới đây, Yonhap đưa tin, 4 máy bay Mỹ gồm RC-135W Rivet Joint, E-8C, RQ-4 Global Hawk và RC-135S Cobra Ball đã bay lượn trên bầu trời Triều Tiên hôm 24 và 25/12, thời điểm Bình Nhưỡng được cho là sẽ tạo ra một bất ngờ Giáng sinh.
Trong khi quân đội Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát, Tổng thống Trump công khai giảm nhẹ kịch bản Triều Tiên thử vũ khí, thậm chí cho rằng Kim Jong Un sẽ tặng ông món quà Giáng sinh mang tính truyền thống hơn, chẳng hạn "một chiếc bình xinh xắn".
Nhà lãnh đạo Mỹ coi các nỗ lực phi hạt nhân hóa với Triều Tiên là một ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Sau khi cảnh báo năm 2017 rằng Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "lửa và cơn thịnh nộ" nếu tiếp tục con đường hướng tới vũ khí hạt nhân, vị Tổng tư lệnh Mỹ đã giảm bớt giọng điệu trong khi chủ trương ngoại giao.
Nhà Trắng đã theo đuổi một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, theo đó Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Ông Trump còn hứa hẹn một làn sóng đầu tư kinh tế nước ngoài lớn vào Triều Tiên nếu nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Nhưng hai nước vẫn chưa thể đạt tới thỏa thuận cuối cùng. Triều Tiên muốn cấm vận dỡ bỏ trước khi giải giáp hạt nhân toàn diện, còn Mỹ đòi các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng phải chấm dứt trước khi có chuyện xóa bỏ trừng phạt kinh tế.
Bằng cách tiết lộ cho báo chí hình ảnh và thông tin cuộc tập trận đặc biệt hồi tháng 11 vào sát Ngày Giáng sinh, Lầu Năm Góc đã phát đi tín hiệu rõ ràng tới chính quyền Kim Jong Un, rằng họ tiếp tục chuẩn bị cho hành động quân sự, trong đó các mục tiêu tiềm tàng là giới chức ở Bình Nhưỡng.
Dù chưa có bất ngờ nào trong dịp Giáng sinh, nhiều người lo ngại Triều Tiên một lần nữa lại hành động hiếu chiến, chẳng hạn thực hiện các vụ thử vũ khí lớn. Báo Kyodo News của Nhật Bản đầu tuần này đưa tin ông Kim Jong Un đã ra lệnh sản xuất hàng loạt các phương tiện dùng để vận chuyển tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại nói rằng ông Trump có thể và nên tiếp tục con đường ngoại giao nhưng cũng cần chuẩn bị cho trường hợp Bình Nhưỡng chọn con đường khiêu khích.
Nhận xét
Đăng nhận xét