ASEAN cần chính thức lên tiếng ủng hộ AUKUS

 Thursday, October 28, 2021 7:54 AM //  ,  , 

Đoàn Hữu Phước 

Theo RFA 


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN trực tuyến hôm 26/10/2021 nhân Thượng đỉnh ASEAN 38 ở Brunei - Reuters 

AUKUS trong Hội nghị cấp cao ASEAN


Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức vào ngày 26-28/10 tại Brunei. Một trong những vấn đề ASEAN sẽ phải đối mặt, đó là thể hiện thái độ về AUKUS.


Ngày 15/9, trong một tuyên bố gây bất ngờ, lãnh đạo ba quốc gia Anh, Mỹ và Úc đã tuyên bố thành lập Liên minh AUKUS. Mặc dù các bên không nói thẳng ra, nhưng tất cả giới quan sát đều cho rằng việc thành lập AUKUS để nhằm đối trọng lại một Trung Quốc ngày càng mạnh và hung hăng. Từ liên minh mới này, Australia có thể mua kỹ thuật của Mỹ để đóng tám tàu ngầm nguyên tử. Với tầm hoạt động không giới hạn, các tàu này sẽ được Australia điều động đến Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan, hợp tác với Mỹ kiềm chế tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.


Suốt nhiều năm qua, Australia đã theo đuổi chính sách tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng vẫn giữ mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh. Australia đột ngột trở nên khác trước từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia.


Trung Quốc lôi kéo ASEAN


Ngay lập tức, Trung Quốc đã vận động các nước Đông Nam Á phản đối thỏa thuận AUKUS.


Ngày 25/9, một giới chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã gặp đại diện ngoại giao của năm nước ASEAN tại Bắc Kinh để chèo kéo, dụ dỗ các nước lên án AUKUS. Liu Jinsong (Lưu Kính Tùng), Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp riêng rẽ đại sứ các nước Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia tại Bắc Kinh. Chủ đề của các buổi trao đổi giữa hai bên là “liên minh AUKUS.”


Tại các cuộc gặp mặt đó, Lưu Kính Tùng đả kích liên minh AUKUS là sản phẩm của bè đảng được kích thích từ chủng tộc và địa chính trị.” (1)


Trong các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Malaysia và Brunei hồi cuối tháng 9/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết AUKUS tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hòa bình và ổn định khu vực. Ông cảnh báo nếu Australia sở hữu các tàu ngầm mà có thể được trang bị tên lửa hạt nhân, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ leo thang và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực (2). Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, AUKUS cũng có thể gây tổn hại đến nỗ lực của Đông Nam Á trong việc xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân và khơi dậy tâm lý Chiến tranh Lạnh bằng cách khuấy động các cuộc đối đầu (3).


Mới đây, báo chí lại cho biết là Trung Quốc vẫn đang tiếp tục lôi kéo các nước Đông Nam Á, nơi quan điểm của các nước thành viên về AUKUS vẫn khá chia rẽ (4).


Cho tới nay, các thành viên khối ASEAN nói chung vẫn dè dặt với AUKUS. Singapore và Philippines lên tiếng ủng hộ, trong khi Indonesia và Malaysia lo ngại về cuộc đua vũ trang mới ở khu vực. Việt Nam, nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tỏ ra thận trọng và nói rằng sẽ theo dõi tình hình, đồng thời kêu gọi tất cả các nước đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” trong khu vực. Các thành viên ASEAN khác, bao gồm Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, vẫn chưa xác định lập trường của họ.


Đã hơn một tháng kể từ khi thỏa thuận này được thiết lập, ASEAN vẫn chưa thể hiện bất kỳ lập trường chính thức nào. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin cho biết hiệp hội này hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận rõ ràng về AUKUS trong hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN lần này.


2021-10-27T092220Z_577025293_RC29IQ9JJQQZ_RTRMADP_3_ASEAN-SUMMIT.JPG
Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường phát biểu trực tuyến tại Thượng đỉnh ASEAN + 3 ở Brunei hôm 27/10/2021. Reuters

Các nhà quan sát cho biết quan điểm khác nhau của các nước ASEAN về AUKUS cũng có thể khiến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo hiệp hội này trở nên phức tạp hơn. Trung Quốc lo ngại rằng sự cân bằng chiến lược giữa họ và Mỹ, vốn vẫn rất mong manh trong khu vực, có thể bị xáo trộn nếu Australia được phép mua công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tạo tiền lệ cho các đồng minh khác của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.


Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á - những nước lo ngại khả năng Trung Quốc tăng cường quân sự trong khu vực - sẽ rất háo hức chào đón AUKUS, chủ yếu coi đây là một nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với một số thành viên ASEAN. Đây là cách mà các quốc gia nhỏ muốn cân bằng quyền lực giữa các cường quốc, nhưng nó cũng đưa tới một rủi ro là khi các cường quốc phô diễn sức mạnh ngày càng nhiều, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột tại đây.


Cơ hội hay thách thức của ASEAN?


Việc không thể đạt được tiếng nói chung đã cho thấy rằng ASEAN không còn là một mặt trận thống nhất khi phải đương đầu với thách thức chung của khối. AUKUS đã “phơi bày” sự do dự của ASEAN trước các vấn đề quan trọng mới nảy sinh.


Có lẽ Indonesia và Malaysia sẽ phải nghĩ lại về Trung Quốc và AUKUS. Mặc dù cả hai quốc gia này lo ngại việc chạy đua vũ trang theo sau AUKUS, nhưng cả hai quốc gia này cũng hiểu rõ tham vọng và mức độ hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông như thế nào.


Chỉ tính thời gian gần đây, từ cuối 2019 đến nay, đã nhiều lần Trung Quốc cho rất nhiều tàu xâm nhập trái phép vùng biển Bắc Natuna của Indonesia. Ngay trong tháng 9 năm nay, hoạt động của các tàu Trung Quốc đã gia tăng xung quanh quần đảo Natuna, đặc biệt là sự xuất hiện của tàu khu trục Côn Minh 172 (Kunming 172) trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia. Cuộc xâm phạm lần này của Trung Quốc ở phía Bắc Biển Natuna đã kéo dài hơn ba tuần. Điều đáng lưu ý là việc này lại xảy ra sau khi Bắc Kinh triệu tập đại sứ Indonesia để bày tỏ sự không hài lòng liên quan đến AUKUS. Một nhà nghiên cứu của Indonesia đã cho rằng nước này đã “bất lực trước việc giải quyết các xung đột khu vực.” (5)


Malaysia cũng chứng kiến nhiều hành động đe doạ từ các tàu Trung Quốc xung quanh khu vực bãi Luconia. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah mới đây còn cho biết, ông tin rằng sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc hơn nữa thâm nhập vùng biển của Malaysia ngay khi” công ty dầu khí quốc doanh Petronas khai thác mỏ một khí đốt nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông. (6)


Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng “AUKUS là một lời nhắc nhở cho ASEAN về cái giá của sự chần chừ và thiếu quyết đoán trong môi trường địa chính trị phức tạp và phát triển nhanh chóng.” (7)


Chuyên gia Arrizal Jaknanihan đã đúng khi nhắc rằng: “Khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN là một chuyện, nhưng giải quyết vấn đề thực sự là một chuyện khác. ASEAN nên bắt đầu công nhận AUKUS, nhóm Bộ tứ và các thỏa thuận tương tự khác là những công cụ hữu ích bổ sung cho các thể chế và vai trò trung tâm của ASEAN…Các quốc gia ASEAN đã mất đi tính độc lập của mình khi coi thái độ trung lập đồng nghĩa với việc không hành động.” (8)


Đây cũng chính là dịp để ASEAN và các thành viên cần tỏ rõ thái độ của mình với AUKUS và với Trung Quốc. Những quốc gia luôn bị Trung Quốc đe doạ trên biển, bao gồm: Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam cần thể hiện rõ lập trường ủng hộ AUKUS như là một đối trọng đối với tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Đây là lợi ích sống còn của các quốc gia này. ASEAN cần tìm được tiếng nói chung trước các vấn đề như vậy, nếu không ASEAN sẽ tự đánh mất vai trò của mình.


* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?