Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ ra sao - Kịch bản khiến cả thế giới quan tâm? - Soha

 Nam Anh | 

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ ra sao - Kịch bản khiến cả thế giới quan tâm?
Ảnh minh họa.

Hãy hình dung kịch bản sau: Vào lúc 2h30 sáng 10/4/2024, một quốc gia thân cận bất ngờ triệu tập nội các để thảo luận về một yêu cầu khẩn cấp từ Mỹ vì Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Mới đây, tờ The Diplomat đăng tải bài viết với nhan đề: "If China Attacks Taiwan, What Will Europe Do? - Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ làm gì", trong đó nêu ra nhiều kích bản khá thú vị.

Cụ thể, theo hai đồng tác giả Joris Teer và Tim Sweijs, bất kỳ quyết định nào của các nước châu Âu trong tình huống Trung Quốc tấn công Đài Loan đều sẽ giúp xác định rõ ràng vị thế của châu lục này trên sân khấu địa chính trị thế giới.

Hãy hình dung kịch bản sau:

Vào lúc 2 giờ 30 sáng 10/4/2024, Thủ tướng Hà Lan bất ngờ triệu tập nội các để thảo luận về một yêu cầu khẩn cấp từ Mỹ.

Sau nhiều năm khiêu khích, Bắc Kinh đã hành động: Trung Quốc đang tấn công Đài Loan. Tổng thống Mỹ ủng hộ Đài Bắc và cử Hạm đội 7 của Mỹ đến eo biển Đài Loan. Châu Âu sẽ hành động như thế nào khi nhận yêu cầu hỗ trợ từ Mỹ?

TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ ra sao - Kịch bản khiến cả thế giới quan tâm? - Ảnh 1.

Khinh hạm Evertsen của Hải quân Hà Lan. Ảnh: NATO.

Rủi ro là rất lớn. Tình hình khác với cuộc khủng hoảng năm 1996, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc đó ra lệnh cho hai nhóm tác chiến tàu sân bay - vào thời điểm đó là biểu tượng của sự thống trị quân sự của Mỹ - đi qua eo biển Đài Loan để răn đe Trung Quốc.

Bắc Kinh không thể làm gì khác ngoài quan sát từ xa. Nhưng lần này thì khác. Trung Quốc có lợi thế sân nhà với kho tên lửa tinh vi đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Washington sẽ viện dẫn Hiệp ước AUKUS, hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia. Tổng thống Biden sẽ yêu cầu nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh thực hiện một hoạt động có rủi ro tương đối thấp: phong tỏa eo biển Malacca để hạn chế hoạt động cung cấp và buôn bán dầu của Trung Quốc.

Khinh hạm Evertsen của Hà Lan là một phần của phi đội Anh. Một nhóm tác chiến tàu sân bay gần đó của Pháp và một tàu khu trục nhỏ của Đức cũng nhận được yêu cầu tương tự.

Anh chắc chắn sẽ tham chiến. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Hà Lan, Pháp và Đức có nghe theo Mỹ không?

Thủ tướng Rutte ngồi vào bàn nói chuyện với các bộ trưởng và cố vấn an ninh liên quan, đồng thời cố gắng tiếp cận các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức. Bắc Kinh được cho là sẽ coi việc phong tỏa là một hành động gây chiến. Liệu Bắc Kinh có thực hiện cuộc tấn công mạng lớn trả đũa nhằm vào các cảng và mạng lưới khí đốt của châu Âu không?

Các tàu châu Âu có đang đi trong phạm vi tác chiến của căn cứ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Djibouti hoặc các tàu của Hải quân PLA không? Công dân Hà Lan, Đức và Pháp ở Trung Quốc có được an toàn không? Làm thế nào mà Hà Lan và châu Âu vẫn có được kim loại đất hiếm và các mặt hàng thiết yếu từ Trung Quốc?

Nhưng mặt khác, nếu Hà Lan, Pháp và Đức từ chối yêu cầu của Mỹ, phản ứng của Washington cũng sẽ không thể tốt hơn. Tổng thống Biden lúc đó liệu có còn duy trì sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Châu Âu? Liệu hơn 60.000 lính Mỹ có còn ở lại lục địa già?

Tóm lại: các quyết định mà The Hague, Paris và Berlin đưa ra trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan có khả năng sẽ giúp xác định vị trí của châu Âu trên sân khấu địa chính trị thế giới trong nhiều thập kỷ tới.

KỊCH BẢN ĐÀI LOAN: NĂNG LỰC VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ ra sao - Kịch bản khiến cả thế giới quan tâm? - Ảnh 3.

Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc (trên) trong lần xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Ảnh: AFP

Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân là kịch bản về "ngày tận thế địa chính trị" của thời đại chúng ta.

Không chắc liệu Trung Quốc có cố sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loan hay không nhưng Đô đốc Mỹ Philip Davidson đã cảnh báo rằng mối đe dọa này có thể sẽ xuất hiện trong "6 năm tới". Cũng không hoàn toàn rõ ràng rằng liệu người Mỹ có can thiệp hay không.

Tuy nhiên, theo Diplomat, các cuộc chiến tranh hiếm khi xuất hiện dưới dạng "tiếng sét từ bầu trời quang đãng" mà thường là được cảnh báo trước.

Không có gì phải bàn cãi khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán trên trường quốc tế và ngày càng hung hăng trong khu vực của mình, trong khi Mỹ ngày càng có nhiều sáng kiến để chống lại Bắc Kinh.

Cả hai bên đều chú trọng đặc biệt đến số phận của Đài Loan. "Thống nhất" Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của ông Tập, liên quan trực tiếp đến sứ mệnh của ông là đạt được "sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc".

Và trong cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden đã nói về "cam kết thiêng liêng" của Mỹ đối với Đài Loan, cùng hơi thở với những đảm bảo an ninh của Mỹ đối với NATO, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng cũng nói rõ ràng, Mỹ sẽ can thiệp nếu Đài Loan bị tấn công.

Sau đó là năng lực quân sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Đối mặt với sự thống trị của quân đội Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa bộ máy quân sự của mình.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào năm 2017, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ là thời điểm để đạt được mục tiêu này. Thậm chí, Trung Quốc tham vọng sẽ trở thành "cường quốc quân sự hàng đầu thế giới" vào năm 2050. Mục tiêu chính: có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến ở sân sau của chính mình.

Đặc biệt, trong 10 năm qua, quá trình này đã diễn ra rất hiệu quả. Bắc Kinh đầu tư mạnh vào cơ giới hóa và năng lực cơ động của lực lượng mặt đất, đồng thời phát triển kho vũ khí tên lửa tinh vi nhất trên thế giới.

Trung Quốc hiện có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) mạnh mẽ. Cuối cùng, ngành công nghiệp vô song của Trung Quốc chính là cơ sở nền tảng quan trọng giúp nước này nhanh chóng mở rộng năng lực của mình.

Vào năm 2020, Trung Quốc đã đóng 40% tổng số tàu trên toàn thế giới, trong khi Mỹ, Anh, Pháp và Đức cộng lại chỉ chiếm chưa đến 1%.

CHÂU ÂU SẼ ĐỨNG VỀ PHÍA MỸ HAY TRUNG QUỐC?

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan: Châu Âu sẽ ra sao - Kịch bản khiến cả thế giới quan tâm? - Ảnh 5.

Xe tăng CM-11 do Mỹ sản xuất cùng nhiều pháo tự hành tham gia tập trận ở Đài Loan hồi năm 2019. Ảnh: CNN

Châu Âu sẽ đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan này như thế nào?

Trước hết, các nhà lãnh đạo của lục địa này phải nhận ra rằng, sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc là một, nếu không muốn nói là đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống quốc tế, giống như trong thời Chiến tranh Lạnh.

Châu Âu phải xác định hệ thống phòng thủ tập thể của họ sẽ như thế nào nếu không có Mỹ, đặc biệt là hiện nay Washington không còn có thể thực hiện "Chiến lược hai cuộc chiến", đồng thời và giành chiến thắng các cuộc chiến tranh chống lại hai cường quốc trên các lục địa khác nhau.

Đối với Nga, cần theo đuổi chính sách hai chiều. Một mặt, họ cần phải thúc đẩy các khoản đầu tư để tiếp tục chiến lược răn đe Nga.

Nói một cách cụ thể, điều này liên quan đến việc tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, đẩy nhanh các sáng kiến chuyển quân, mua tên lửa tầm xa và củng cố các cơ cấu chỉ huy và phối hợp để chỉ đạo các hoạt động ngay cả khi không có Mỹ.

Mặt khác, châu Âu cần nỗ lực giảm căng thẳng với Nga, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị. Cuối cùng, xung đột chỉ có thể được giải quyết thông qua các giải pháp chính trị.

Không giống như trong Chiến tranh Lạnh, thế giới có sự đan xen về kinh tế và công nghệ. Châu Âu không thể thuyết phục Trung Quốc thay đổi ý định. Tuy nhiên, đòn bẩy ảnh hưởng của ông Tập đối với châu Âu có thể sẽ bị giảm sút.

Việc mở rộng các chế độ kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư nhắm vào hàng hóa lưỡng dụng và công nghệ mới sẽ giúp ngăn PLA sửa chữa những sai sót cơ bản trong khả năng sử dụng các nguồn lực của châu Âu, chẳng hạn như công nghệ tác chiến chống tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Châu Âu cũng cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ hạt nhân, mạng 5G và máy bay không người lái.

Ngoài ra, châu Âu cũng phải ngăn chặn viễn cảnh phụ thuộc tiếp cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng. Các nhà phân tích địa chính trị nên tham gia vào việc hoạch định chính sách khí hậu để ngăn chặn việc tạo ra những sự phụ thuộc như vậy.

Ngay cả khi Hà Lan và châu Âu thực hiện tất cả các biện pháp này, thì sự lựa chọn giữa việc ủng hộ Mỹ hay không cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh và sự thịnh vượng của lục địa này trong nhiều thập kỷ.

Do đó, các nhà lãnh đạo châu Âu nên bàn đến vấn đề này và có sự chuẩn bị lâu dài để có được sự hỗ trợ rộng rãi về chính trị và xã hội, trước khi một cuộc khủng hoảng thực sự nổ ra. Bước đầu tiên, chủ đề này phải được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Châu Âu trong thời gian tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?