Từ hội nghị COP26 đến nhiệt điện than của Việt Nam

 Saturday, October 30, 2021 8:49 AM //  ,  , 

Hiếu Chân 

Theo Nguoi-viet 


Nhà máy nhiệt điện tại Hàng Châu, Trung Quốc, hôm 16 Tháng Bảy, 2021. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images) 

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP26, sẽ diễn ra ở Scotland từ Chủ Nhật, 31 Tháng Mười. Liên quan tới chuyện khí hậu, ở trong nước Việt Nam, người dân đang phản đối bản dự thảo quy hoạch điện trên bàn của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, chờ ký duyệt. Hai sự kiện này kết hợp với nhau đã một lần nữa cho thấy, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại đẩy đất nước đi ngược với xu thế tiến bộ của thế giới và lún sâu hơn nữa vào gọng kềm của Trung Quốc mà hậu quả sẽ rất nguy hiểm.


COP26: Than đá chỉ còn là dĩ vãng


Hội nghị COP26, tên đầy đủ theo tiếng Anh là 26th Conference of the Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change, quy tụ các nhà đàm phán về khí hậu, một số nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các công ty lớn nhất thế giới của hơn 190 nước thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm thỏa thuận những biện pháp mới để thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên đã được đề ra trong Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015.


Tại Paris 2015, các chính phủ đã đồng ý phối hợp hành động để hạn chế sự nóng lên của trái đất sao cho đến cuối thế kỷ này nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ không vượt quá 2 độ C so với nhiệt độ trước cuộc cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 19. Mỗi quốc gia sẽ đệ trình ra hội nghị Liên Hiệp Quốc một kế hoạch cắt giảm việc phát ra khí carbonic (CO2) và các loại khí thải khác mà các nhà khoa học cho là yếu tố chính làm trái đất nóng lên. Cứ năm năm một lần, các kế hoạch này lại được đem ra xem xét, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và khuyến nghị thay đổi, sửa chữa. COP26 là hội nghị Liên Hiệp Quốc đầu tiên xem xét các kế hoạch đã được đồng thuận tại hội nghị Paris (COP21).


Việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch (dầu khí, than đá) trong các nhà máy nhiệt điện và phương tiện giao thông (máy bay, xe hơi) được coi là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu, vì vậy, hầu hết các kế hoạch cắt giảm khí thải của các quốc gia đều đặt trọng tâm vào việc thay thế dần các nhà máy điện đốt than bằng công nghệ phát điện từ các nguồn tái tạo được như điện gió, điện mặt trời… và vận động người dân chuyển từ xe hơi chạy bằng xăng dầu sang xe hơi chạy điện.


Hiệp Định Khí Hậu Paris đã có tác động tới thực tế, dù chậm. Theo các nhà khoa học của tổ chức Climate Action Tracker (CAT), trong thời gian từ năm 2000 đến 2010, lượng khí thải trên toàn cầu gia tăng trung bình 3% mỗi năm, nhưng đã tăng chậm lại, khoảng 1% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2019. CAT nhận định, nếu tiếp tục các xu hướng phát ra khí thải như trước khi có Hiệp Định Paris thì đến năm 2100, nhiệt độ trái đất có thể tăng hơn 4 độ C, và đó là điều không thể chấp nhận được. Sau Hiệp Định Paris, nhiều nước đã mạnh tay cắt giảm khí thải và nếu xu hướng hiện nay được duy trì thì nhiệt độ cuối thế kỷ sẽ cao hơn khoảng 2.9 đến 3 độ C so với thời tiền công nghiệp. Tại COP26, các nhà khoa học kêu gọi các chính phủ hành động mạnh hơn nữa để kéo con số đáng sợ này xuống mức 1.5 độ C.


Năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) đã mở rộng nhanh hơn dự tính. Chỉ hơn mười năm trước, các tấm pin mặt trời (solar panel), tháp điện gió (wind turbine) và xe hơi chạy điện vẫn là của hiếm và đắt nhưng nay đã có ở khắp nơi và giá cả cũng hợp túi tiền hơn. Sau thành công của hãng xe điện Tesla, hầu hết các hãng xe hơi đều chuyển hướng sang xe điện, General Motors và Ford – hai ông lớn của ngành xe hơi Mỹ – thông báo sẽ chấm dứt việc bán xe chạy xăng từ năm 2035.


Cùng trong thời gian này, các nhà máy nhiệt điện đốt than – nguồn gây ô nhiễm chính – đã biến mất dần. Mười năm trước, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi tuần xây một nhà máy điện than mới. Nhưng bây giờ, do giá điện gió và điện mặt trời rẻ hơn và áp lực của các nhà hoạt động môi trường ngày càng tăng, các chính phủ và ngân hàng đã bắt đầu ngừng tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện than. Sau Hiệp Định Paris, có khoảng 76% các kế hoạch xây nhà máy điện than trên toàn cầu đã bị hủy bỏ; 44 quốc gia cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới và 40 quốc gia khác sẵn sàng cam kết tương tự sau khi hủy bỏ các dự án nhà máy điện than đã được đề xuất trước đó.


Cam kết như vậy nhưng thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sự chống đối của các thế lực chính trị và kinh tế gắn liền với công nghiệp than đá và dầu khí, và những biến cố không lường trước được. Vụ thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc hiện nay làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy và đẩy nhiều vùng của nước này vào tình trạng cúp điện luân phiên, việc thiếu khí đốt sưởi ấm ở Châu Âu khi mùa Đông chớm bắt đầu buộc chính quyền những nơi này phải tính toán lại kế hoạch năng lượng của mình. Tuy vậy, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá, thay bằng năng lượng tái tạo được là xu hướng có tính chất tất yếu, không thể đảo ngược, của thế giới ngày nay.


Việt Nam: “Cường quốc điện than?”


Nhưng Việt Nam đi theo con đường khác. Ngày 8 Tháng Mười vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam trình lên Thủ Tướng Phạm Minh Chính bản dự thảo Quy Hoạch Điện Quốc Gia thời kỳ 2021-2030, gọi tắt là Quy Hoạch Điện 8, trong đó đề nghị trong 15 năm tới Việt Nam tiếp tục xây dựng 27 nhà máy nhiệt điện đốt than với tổng công suất phát điện là 30,792 megawatt (MW). Hiện các nhà máy điện than Việt Nam phát ra khoảng 21,000 MW.


Nếu thực hiện theo đề nghị này, nguồn điện từ các nhà máy điện đốt than sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn điện của Việt Nam. Theo tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 28 Tháng Mười, trên toàn cầu nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất vào năm 2011, khoảng 40.1% tổng nguồn điện, sau đó giảm dần và hiện chỉ còn 33.8%. “Trong khi đó, sản lượng điện than của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2012 và có bước ‘đại nhảy vọt’ từ sau năm 2017, hiện chiếm tỷ trọng gấp gần 1.6 lần mức trung bình của thế giới. Tỷ trọng sản lượng điện than của Việt Nam năm 2020 lên đến 52.9%,” tác giả Anh Thi viết. Nếu tính cả nhiệt điện chạy bằng khí đốt hóa lỏng (LPG) thì lượng điện phát ra từ các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ chiếm tới 68% tổng nguồn điện của Việt Nam hiện nay.


Phản ứng với bản quy hoạch điện quốc gia của Bộ Công Thương, hơn 200 nhà khoa học thuộc 10 liên minh trong nước đã gửi “tâm thư” (!) tới Thủ Tướng Chính, nói rằng bản dự thảo Quy Hoạch Điện 8 “đi ngược xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.” Trước đó, tại diễn đàn Tuần Năng Lượng Nga, ông Chính khẳng định: “Việt Nam sẽ tích cực giảm và hầu như không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; nâng tỷ trọng năng lượng sạch đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.” Lời nói của ông thủ tướng chưa kịp “gió bay” thì bộ hạ của ông đã khẳng định ngược lại.


Ông thủ tướng sẽ nghe theo “tâm thư” của các nhà khoa học hay sẽ ký vào bản quy hoạch của Bộ Công Thương? Kinh nghiệm thực tế cho thấy dưới chế độ toàn trị, những phản ứng kiểu “tâm thư,” “kiến nghị” của dân chúng chẳng có giá trị gì hơn những tờ giấy loại. Cho nên, có thể nói trước là chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn và làm theo kế hoạch của Bộ Công Thương dù biết nó đi ngược với xu thế của thế giới.


Thách thức của họ là ở chỗ, lấy đâu ra tiền để xây dựng 27 nhà máy điện than trong lúc thế giới đã gần như quay lưng với loại năng lượng “bẩn” này. Chắc chắn Hà Nội lại tìm tới Bắc Kinh.


Theo dữ liệu của Trung Tâm Chính Sách Phát Triển Toàn Cầu, Đại Học Boston, từ năm 2013-2019, Trung Quốc đã đầu tư và tài trợ 68.8 gigawatt (GW) công suất các dự án điện than ở nước ngoài, trị giá khoảng $15.6 tỷ. [1GW = 1,000 MW]. Việt Nam là nước vay nhiều tiền của Trung Quốc để xây nhà máy điện than, với công suất lắp đặt 13,316 MW, chỉ sau Indonesia. Đáng chú ý, bước “đại nhảy vọt” của ngành điện than Việt Nam mà tác giả Anh Thi nói ở trên bắt đầu năm 2017, là thời điểm Trung Quốc đóng cửa các nhà máy điện than cũ kỹ, lạc hậu ở trong nước để thay bằng các công nghệ mới; hàng loạt các nhà máy cũ được tháo dỡ và “xuất cảng” sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á theo những thỏa thuận mờ ám.


Mặc dù Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã nói trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài, nhưng liệu lời nói đó có đáng tin? Trung Quốc là nước phát ra nhiều khí thải nhất thế giới nhưng ông Tập không đến Scotland tham dự COP26.


Một thách thức khác là Việt Nam lấy đâu ra than đá để vận hành hàng chục nhà máy điện than mới? Vùng mỏ than Quảng Ninh-Hòn Gai đã cạn kiệt sau gần thế kỷ khai thác và gần đây Việt Nam đã phải nhập cảng than đá. Nửa đầu năm 2020, dù dịch COVID-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế, Việt Nam vẫn phải nhập cảng 36.5 triệu tấn than đá trị giá khoảng $3 tỷ, theo số liệu của hải quan Việt Nam. Trước đó năm 2019, Việt Nam đã nhập cảng 43.7 triệu tấn than đá, gấp 13 lần so với năm 2014 là thời điểm trước khi Việt Nam “đại nhảy vọt” các nhà máy điện than mang về từ Trung Quốc. Theo báo VNExpress, giá mua than của Trung Quốc năm 2020 lên tới 6.2 triệu đồng ($270) mỗi tấn, cao hơn năm lần so với giá than mua của Indonesia (1.1 triệu đồng [$48]/tấn). Dù vậy, hoạt động của các nhà máy điện than ở Việt Nam vẫn phải dựa vào nguồn cung cấp than đá từ Trung Quốc.


Từ những dữ kiện nêu trên, không khó để nhận ra rằng, nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ đi ngược với con đường của thế giới mà còn phụ thuộc ngày càng sâu vào nước láng giềng phía Bắc dù vẫn thường xuyên bị Bắc Kinh bắt nạt, chèn ép và xâm lấn.


Bản quy hoạch điện quốc gia không chỉ là chuyện của ngành điện mà có tác động đến mọi mặt đời sống của người Việt trong nhiều thập niên sắp tới. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng lên có thể nhấn chìm các vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các tỉnh ven biển vốn là địa bàn quần cư lâu đời của người Việt. Giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu không chỉ là yêu cầu về kinh tế mà còn liên quan mật thiết tới sự sinh tồn.


Lẽ ra nhà cầm quyền Việt Nam nên lợi dụng xu thế chống biến đổi khí hậu đang sôi nổi khắp thế giới để vận động sự ủng hộ, tài trợ của quốc tế cho cuộc chuyển dịch sang năng lượng sạch thì Hà Nội lại tự nguyện biến đất nước thành đống rác thải của Trung Quốc mà các thế hệ sau khó mà thoát ra được. [qd]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?