Pháp muốn Úc có hành động thực tế nối lại quan hệ - Báo Đất Việt


(Tin tức 24h) - Tại cuộc điện đàm đầu tiên sau khi Đại sứ Pháp trở lại Úc, lãnh đạo hai nước đã có cuộc điện đàm, Paris thúc giục Canberra hành động.

Hôm 28/10, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng vì thỏa thuận tàu ngầm bị hủy bỏ để Úc mua tàu ngầm hạt nhân do Mỹ và Anh phối hợp sản xuất.

Phap muon Uc co hanh dong thuc te noi lai quan he
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Canberra đề xuất một số hành động cụ thể để định hình lại quan hệ song phương.

Tổng thống Pháp Macron cho biết, quyết định đơn phương của Úc về việc chấm dứt chương trình tàu ngầm đã thỏa thuận với Pháp không chỉ phá vỡ mối quan hệ tin cậy mà còn làm thu hẹp mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Không những thế, quyết định này còn làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Pháp, các nhà thầu phụ, trong đó có cả các doanh nghiệp Úc.
 
Trong bối cảnh này, Tổng thống Macron cho rằng giờ đây mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào việc Úc đề xuất các hành động cụ thể, thể hiện ý chí chính trị nhằm xác định lại nền tảng của mối quan hệ song phương và tiếp tục các hoạt động chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Pháp Macron cũng kêu gọi Thủ tướng Morrison cam kết ngừng khai thác than và sử dụng than để sản xuất điện. Tổng thống Macron nhấn mạnh, Pháp khuyến khích Úc áp dụng các biện pháp đầy tham vọng tương xứng với những thách thức khí hậu.

Ông Macron nêu rõ: "Giờ đây, Chính phủ Úc cần đề xuất các hành động cụ thể nhằm thể hiện thiện chí trong việc xác định lại các cơ sở để hàn gắn mối quan hệ này".

Úc đã chuyển sang mua tàu ngầm do Anh và Mỹ sản xuất đồng nghĩa với việc hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 90 tỷ AUD sẽ bị hủy bỏ.

Pháp nổi giận vì không chỉ bị tuột một hợp đồng có giá trị lớn mà còn cho rằng đã bị “đâm sau lưng” khi hoàn toàn không được thông báo trước về ý định này của Úc. Để phản ứng, Pháp đã triệu hồi đại sứ về nước và gây sức ép để Liên minh châu Âu lùi cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với Úc sang năm 2022 cũng như hủy nhiều cuộc gặp của Bộ trưởng Thương mại Úc khi đang ở thăm Pháp.

Sau đó, Đại sứ Pháp đã quay trở lại Úc vào hồi giữa tháng 10/2021 song vẫn bày tỏ sự lạc quan thận trọng trước việc hàn gắn quan hệ song phương.
 
Một điểm chú ý trong tuyên bố của Tổng thống Pháp là kêu gọi Úc giảm sử dụng than đá nhưng chính Canberra là đối tác lớn thứ ba của EU trong cung cấp than, chiếm 13,7% sản lượng.

Trong bối cảnh châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng khí đốt, hàng loạt quốc gia đã chuyển sang sử dụng than đá thay thế và nguồn cung từ Úc là một trong những lựa chọn phù hợp khi mà Canberra bị ảnh hưởng tiêu cực từ các đơn hàng ở Trung Quốc bị trì hoãn lại do cuộc đối đầu về nguồn gốc COVID-19.

Hải Lâm


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?