Tương lai gập ghềnh của Dự luật trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông
2021-10-29
Dự luật trừng phạt Trung Quốc
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - ông Bob Menendez - thông báo rằng trong cuộc họp ngày 19/10, Ủy ban đã thông qua dự luật “Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông (S.1657)”. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Ben Cardin, là hai người đồng chủ trì đề xuất dự luật này, đã ra thông cáo báo chí “hoan nghênh việc ủy ban thông qua luật nhắm vào các hành động gây hấn của Trung Quốc" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Vì sao phải trừng phạt Trung Quốc?
Thượng nghị sĩ Rubio nhấn mạnh: “Không có mối đe dọa nào đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở lớn hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là hiện hữu. Mỹ cần các công cụ bổ sung để đối đầu với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xác lập quyền kiểm soát bất hợp pháp về chủ quyền đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông” (2). Về phần mình, Thượng nghị sĩ Ben Cardin khẳng định: “Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ tuyến thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế” (3).
Hồi tháng tư năm nay, Thượng nghị sĩ Ben Cardin đã cho biết: “Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh tài chính và các mối liên hệ của mình để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Mỹ và trên toàn thế giới trong nhiều năm. Đã đến lúc chúng ta ngừng mở cửa cho những hành động gây hấn như vậy và vạch trần các hoạt động cưỡng chế, phản nhân quyền, chống thị trường tự do của họ. Hoa Kỳ có thể chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách đề cao các giá trị của chúng ta, nhấn mạnh sự minh bạch và vạch trần tham nhũng.” (4)
Hai Thượng nghị sĩ đồng chủ trì dự luật kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua luật để khẳng định mạnh mẽ cam kết của Mỹ bảo vệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liệu dự luật có sớm được thông qua?
Quy trình của một dự luật trở thành một đạo luật chính thức theo luật pháp Mỹ thông thường sẽ gồm bảy giai đoạn. Dự luật này mới được thông qua tại Uỷ ban đối ngoại Thượng viện cho nên mới chỉ là hoàn tất giai đoạn thứ ba trong bảy giai đoạn đó (5). Cho nên có thể nói là dự luật mới đi được gần nửa đoạn đường. Theo quy trình, dự luật này sẽ được trình thông qua tại Thượng viện (Senate), sau đó sẽ trình thông qua tại Hạ viện (House of Representatives). Nếu được thông qua tại Lưỡng viện thì sẽ được trình tiếp để Tổng thống ký thông qua. Nếu Tổng thống ký thông qua thì dự luật sẽ trở thành đạo luật chính thức. Tuy nhiên Tổng thống có quyền phủ quyết (từ chối không ký) dự luật đó. Trong trường hợp Tổng thống phủ quyết thì Lưỡng viện có thể bỏ phiếu, nếu đạt tỉ lệ 2/3 đồng ý thì sẽ “bỏ qua” quyết định phủ quyết của Tổng thống.
Như vậy để dự luật này được thông qua và trở thành đạo luật chính thức thì cũng không phải là đơn giản.
Dự luật này không phải mới được đề xuất lần đầu. Dự luật này đã được đề xuất ba lần. Lần thứ nhất là vào ngày 6/12/2016 (6); Lần thứ 2 là vào ngày 15/3/2017 (7). Lần thứ ba đề xuất dự luật này bắt đầu từ ngày 17/5/2021 (8).
Với việc đã hai lần đề xuất và trình ra nhưng đã bị thất bại, điều đó cho thấy tương lai “gập ghềnh” của dự luật này trong con đường trở thành đạo luật chính thức.
Chưa kể đến bối cảnh cạnh tranh căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay, việc đưa ra các đạo luật trừng phạt như vậy sẽ tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào tình trạng đối đầu. Trong khi tác dụng của việc trừng phạt như vậy không nhiều. Mới đây, chính phủ của Tổng thống Biden cũng thể hiện quan điểm sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong quan hệ đối ngoại (9). Điều này cũng cho thấy khả năng Tổng thống Biden không dễ dàng chấp nhận một đạo luật như vậy để có thể dẫn tới sự đối đầu Mỹ - Trung.
Trong danh sách kèm theo của dự luật, có tên của 24 công ty Trung Quốc bị đề nghị trừng phạt. Theo dự luật nói trên, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào những hoạt động xây dựng đảo đá nhân tạo hoặc đe dọa sự ổn định của Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Theo đó, dự luật đề xuất Tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp “phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc có những đóng góp vào các dự án phát triển ở các khu vực của Biển Đông bị một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á phản đối, hoặc tham gia các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình hoặc ổn định ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hoặc trong khu vực Biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý”. Dự luật cấm các thực thể Mỹ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến những thực thể bị trừng phạt ở một trong hai vùng biển nói trên. Bộ Ngoại giao Mỹ “phải báo cáo định kỳ với Quốc hội, xác định các quốc gia công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Một số loại viện trợ nước ngoài có thể không được cung cấp cho các quốc gia đó”.
Tác động của dự luật này
Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc về các hành vi của họ trên biển Đông đã được một số nhà khoa học đề xuất trước đây. Điển hình như Giáo sư Julian Ku đã đặt vấn đề dùng các biện pháp kinh tế để trừng phạt Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông từ năm 2016 (10).
Đến năm 2018, Giáo sư Ku nhắc lại một lần nữa ý tưởng này (11).
Chúng ta cũng còn nhớ, hồi tháng 8/2020, chính quyền Trump đã quyết định trừng phạt 24 công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo trên biển Đông (12).
Điều này đã khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá xem là việc trừng phạt này đã mang lại hiệu quả thực tế như thế nào.
Nếu được chấp thuận, dự luật này sẽ tiếp tục gây nên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và tình hình an ninh khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, dự luật này quá chậm trễ nếu được coi là trừng phạt Trung Quốc đối với các hành động xây đảo nhân tạo của họ. Bởi vì Trung Quốc hiện nay đã hoàn tất việc bồi lấp và quân dự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Không ai có thể khiến Trung Quốc thay đổi vấn đề này, ngoại trừ sử dụng biện pháp quân sự. Dự luật này chỉ có tác dụng ngay khi Trung Quốc mới bắt đầu quá trình bồi lấp hồi năm 2013. Chính vì vậy, nếu dự luật này được thông qua, việc hạn chế và trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc liên quan đến bồi lấp đảo nhân tạo không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục trở nên tồi tệ.
Nếu dự luật này được thông qua, các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam sẽ có thể rơi vào tình trạng khó xử khi sự căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung tiếp tục đe doạ an ninh tại khu vực này.
ASEAN ngày 28/10 cho biết khối này đã nhất trí cùng Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một ngày sau khi ASEAN đạt được thỏa thuận tương tự với Australia. Điều này thể hiện sự cân bằng quan hệ giữa các cường quốc của ASEAN. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến Trung Quốc nhân cơ hội này tiếp tục lấn sâu vào việc xâm phạm các vùng biển của các quốc gia biển Đông. Gần đây, các tàu Trung Quốc đã liên tục xâm phạm EEZ của các quốc gia Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Malaysia và Philippines đã tỏ thái độ phản kháng khá mạnh mẽ, nhưng Indonesia và Việt Nam thì chọn cách im lặng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét