ASEAN - Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên « đối tác chiến lược toàn diện »

RFI

Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại thượng đỉnh trực tuyến  ASEAN - Trung Quốc do Brunei chủ trì ngày 26/10/2021.
Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại thượng đỉnh trực tuyến ASEAN - Trung Quốc do Brunei chủ trì ngày 26/10/2021. via REUTERS - ASEAN SUMMIT 2021 HOST PHOTO

ASEAN thông báo đã đồng ý với Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » chỉ một ngày sau khi đạt thỏa thuận tương tự với Úc. Điểm này được nêu trong điều 4 Tuyên bố của chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 ngày 26/10/2021, nhưng chỉ được đăng trên website của ASEAN ngày 28/10. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nội dung chi tiết của quan hệ đối tác này.

Vào tháng 07/2020, tại Hội nghị tham vấn Quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc (ACSOS) lần thứ 26, đại diện Trung Quốc đã đề xuất nâng cấp quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » vào năm 2021 nhân kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương.

Vẫn theo Tuyên bố của chủ tịch ngày 26/10, « Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn của ASEAN từ năm 2009. Trong năm 2020, lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với tổng trị giá trao đổi mậu dịch đạt 516,9 tỉ đô la, tăng 1,8% ». Trung Quốc đã « đầu tư vào thị trường Đông Nam Á 7,6 tỉ đô la trong năm 2020, chiếm 5,5% tổng số vốn đầu tư nước ngoài và giữ vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 vào ASEAN ».

Những căng thẳng ở Biển Đông với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chỉ được nêu trong hai điểm cuối, 26 và 27, của Tuyên bố Chủ tịch. Hai bên chỉ nhắc lại « tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) » và nỗ lực để « nhanh chóng đúc kết COC (Bộ Quy tắc ứng xử) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ».

Những hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong vùng, kể cả những hậu quả đối với môi trường biển, cũng được hai bên đề cập trong Hội nghị. Những hoạt động này được cho là « làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong vùng ». Một lần nữa, Tuyên bố lại nhắc đến tầm quan trọng của việc phi quân sự và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Vào tháng 09/2021, một bài viết của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore cho rằng « bối cảnh địa - chính trị thế giới thay đổi với tâm lý bài Trung Quốc ngày càng mạnh trong khu vực, do sự vận động của chính quyền Biden, cũng là một trong những yếu tố đẩy Trung Quốc củng cố điểm sáng còn lại của họ (Đông Nam Á) trong quan hệ ngoại giao ». 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?