Ngoài Công đoàn, VN cần cho các tổ chức khác hoạt động vì người lao động

 T.K. Tran

  • Gửi cho BBC từ Stuttgart, Đức
Dòng người về quê sáng sớm hôm 1/10 bị chặn ở một chốt kiểm soát dịch tại TP HCM

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Dòng người về quê sáng sớm hôm 1/10 bị chặn ở một chốt kiểm soát dịch tại TP HCM

Ngày 01/10/2021, khi hơn một triệu người lao động đồng loạt rời bỏ Sài Gòn và những khu công nghiệp xung quanh để về quê, người ta có thể nhận ra rằng chính quyền không hề chuẩn bị gì cho tình huống đó.

Những mệnh lệnh vội vã đưa ra có khi mâu thuẫn với nhau, có lúc bất khả thi, dẫn tới việc thi hành không đồng bộ ở từng nơi. Trung ương và địa phương không thống nhất cách xử lý tình hình.

Việt Nam: Công đoàn độc lập sẽ có tương lai?

Không có nhiều lý giải, chỉ có người lao động phải gánh chịu hậu quả của sự lúng túng của chính quyền. Những yếu kém này của các cấp điều hành nhà nước đã được mổ xẻ đầy đủ trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội.

Trong khi đó, Công đoàn Việt Nam, cơ quan trên danh nghĩa là đoàn thể đại diện người lao động, bảo vệ quyền lợi của họ đã có những thành công, thất bại gì trong những ngày tháng "dầu sôi lửa bỏng" đó?

Công đoàn là một tổ chức phước thiện?

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động công đoàn đối với người lao động, một cách tổng quát, được xem là mờ nhạt, máy móc, chỉ hiện diện những khi trao tặng quà cáp, trong các dịp lễ tết, hiếu hỉ.

Khi dịch Covid-19 nổ ra thì Công đoàn Việt Nam đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng tiền mặt cho người lao động, theo báo Người Lao động

Cùng với những chương trình như: Mái ấm Công đoàn, Tấm lòng vàng lao động, Siêu thị 0 đồng… Công đoàn Việt Nam dường như đã làm tốt vai trò của một tổ chức phước thiện. Tuy nhiên, xem công đoàn là tổ chức phước thiện thì không chính xác.

Bởi vì số tiền người công nhân nhận được phần lớn lại do chính họ đóng góp qua đoàn phí hay gián tiếp từ phí công đoàn do doanh nghiệp đóng góp. Hoạt động hỗ trợ của công đoàn chẳng qua chỉ là trả lại cho người lao động những gì họ đã đóng vào quỹ công đoàn.

Hoạt động "cứu trợ" này cũng có thể được xem là một điểm sáng của Công đoàn Việt Nam.

Khác với Việt Nam, ở các nước dân chủ phương Tây, đoàn phí 1-1,5% đóng cho tổ chức đại diện người lao động không được sử dụng cho các mục đích từ thiện, mà để thực hiện chức năng chính yếu của tổ chức liên quan tới việc bảo vệ người lao động, trong đó có tiền hỗ trợ người lao động mỗi khi có đình công đòi quyền lợi, bởi vì họ không được trả lương trong thời gian này.

Hàng ngàn công nhân Pouchen VN tụ tập ở khu vực cầu vượt quốc lộ 1K để phản đối đề xuất thang lương mới hồi 2018

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER

Chụp lại hình ảnh,

Hàng ngàn công nhân Pouchen VN tụ tập ở khu vực cầu vượt quốc lộ 1K để phản đối đề xuất thang lương mới hồi 2018

Hoạt động Công đoàn Việt Nam có hiệu quả?

Câu hỏi đặt ra là tại sao Công đoàn Việt Nam được coi là tổ chức "đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động", như Nghị quyết số 02-NQ/TW của Đảng Cộng sản Việt nam (ĐCS VN) nêu ra, với hơn 10 triệu đoàn viên lại không nhận thức sớm được sự bức xúc của hơn một triệu người lao động và khả năng họ sẽ bỏ về quê sau khi nới lỏng lệnh giãn cách xã hội?

Trên thực tế, cho đến ngày 01/10 đã có ba đợt người lao động tháo chạy khỏi TP HCM.

Một nhận thức sớm và đúng đắn về tình hình có thể giúp nhà nước hoạch định chính sách kịp thời, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, mâu thuẫn về mệnh lệnh, mỗi địa phương tự ý làm một kiểu như "loạn sứ quân", hay như lời kêu gọi quá muộn màng của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "cố gắng giữ người lao động ở lại thành phố".

Khi hàng đoàn người đi xe máy, xe đạp và thậm chí có những người đi bộ để về quê, ta chỉ thấy người dân bên đường đem nước uống, thức ăn, xăng và đôi khi là cả tiền mặt để hỗ trợ họ, không thấy có thông tin là đoàn viên công đoàn đồng hành chia xẻ khó khăn của những đoàn người về quê đó.

Công đoàn Việt Nam đã không sát sao với người lao động, không nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của họ. Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hạn chế của một tổ chức tuy lớn nhưng không tự lực, chỉ làm việc theo mệnh lệnh "từ trên đưa xuống" của ĐCS VN.

Đổi mới Công đoàn Việt Nam đem lại gì cho người lao động?

Ngày 12/6/2021, TBT Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ĐCS VN "về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới".

Tuy ban hành giữa thời gian dịch Covid-19, văn bản không đề cập gì tới tình trạng khốn khó của người lao động trong đại dịch.

"Tình hình mới" như trong Nghị quyết nêu không phải là những khó khăn mới được ý thức trong đại dịch về nhà ở, tiền lương, thời gian làm việc… của người lao động, mà là việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng qua việc ký kết các hiệp định thương mại, phê chuẩn các công ước quốc tế và cũng vì nội dung của bộ Luật Lao động 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

"Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam" chỉ có mục tiêu cụ thể là gia tăng mạnh mẽ số lượng đoàn viên: 13,5 triệu tới năm 2025, 16,5 triệu đến năm 2030, hầu hết người lao động là đoàn viên đến năm 2045.

Việc có đông đảo đoàn viên so với các tổ chức khác của người lao động (trong tương lai) sẽ giúp công đoàn chiếm thế thượng phong trong các thương lượng tập thể, như Đều 68, Khoản 2, bộ Luật Lao động 2019 có ghi: "Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở… thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp".

Nhà máy sản xuất khẩu trang ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam (hình minh họa)

NGUỒN HÌNH ẢNH,LINH PHAM/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nhà máy sản xuất khẩu trang ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam (hình minh họa)

Điều cốt lõi của nghị quyết này không có gì mới, vẫn là "bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn", được nhắc tới ba lần trong văn bản tại điểm 3 phần I, điểm 1 phần II và điểm 5 phần III.

Về các tổ chức đại diện khác của người lao động sẽ được phép thành lập, quan điểm của Nghị quyết vẫn là nghi ngờ, vẫn là "phòng ngừa ngăn chặn... người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình gây rối" (điểm 3 phần II), "lợi dụng tổ chức của người lao động … gây mất an ninh, trật tự" (điểm 5 phần II), hay là "nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động… để xâm phạm an ninh quốc gia".

Chủ trương của ĐCS VN là triệt tiêu các tổ chức đứng ngoài Công đoàn Việt Nam, được viết như sau: "có các biện pháp phù hợp hiệu quả để thu hút vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam" (điểm 6 phần III).

Liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động thì trong văn bản dài 5 trang chỉ có vài dòng chung chung nhắc tới như: "nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động" (điểm 6 phần III). Không có mục tiêu cụ thể như: vận động xây dựng bao nhiêu nhà ở, bao nhiêu nhà trẻ, trường học cho con em người lao động... ?

Chụp lại video,

Gia đình nhà hoạt động công đoàn Minh Hạnh tố bị khủng bố

Việc bảo vệ người lao động là nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Chương 13 về "Thương mại và phát triển bền vững" của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khẳng định cam kết của Việt Nam là sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, phù hợp với các nghĩa vụ theo ILO và Tuyên bố ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, trong đó có quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể.

Quyền tự do liên kết nói tới ở đây chính là quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động với nhiệm vụ thương lượng tập thể.

Công đoàn Việt Nam cũng là một tổ chức đại diện người lao động dưới sự chỉ đạo của ĐCS VN. Họ có quyền đổi mới như Nghị quyết 02-NQ/TW đề ra. Song nếu mục tiêu của nghị quyết chỉ là gia tăng số lượng đoàn viên và chèn ép trong tương lai các tổ chức khác nằm ngoài Công đoàn Việt Nam thì người lao động không được hưởng lợi gì từ việc đổi mới này.

Người lao động Việt Nam đang có vô vàn khó khăn. Từ mức lương quá thấp, tới giờ làm việc quá nhiều so với mặt bằng của thế giới. Họ phải ở trong những nhà trọ chật chội, thiếu vệ sinh. Con cái họ không được nuôi nấng, giáo dục đúng mức. Có quá nhiều điều cần được cải thiện, cần được nhiều người, nhiều tổ chức chung sức giúp đỡ người lao động.

Mục tiêu độc quyền hoạt động của Công đoàn Việt Nam chẳng khác nào mong muốn trở lại chế độ bao cấp, không hiệu quả, không phù hợp với tiến trình chung của đất nước, cũng như đi ngược lại với tinh thần của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Luật Lao động năm 2019 cho phép có thêm tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh Công đoàn. Bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, nhưng tới nay vẫn chưa có nghị định hay văn bản nào cụ thể nào để hiện thực điều này.

Quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết là nhà nước phải tạo điều kiện để các tổ chức đại diện người lao động ngoài Công đoàn Việt Nam được phép hoạt động.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà quan sát hiện sống tại Stuttgart, Đức.

Xem thêm:

Bài đã đăng trên BBC:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?