VN nên sửa luật về tội danh giết người để giảm án tử hình?

 Sunday, October 31, 2021 7:48 AM //  ,  , 

LS Ngô Ngọc Trai 

Theo BBC 


Toàn cảnh phiên tòa xét xử ba người bất đồng chính kiến tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 2007 - HOANG DINH NAM/Getty 

Gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án giết người đặc biệt nghiêm trọng được báo chí đưa tin.


Hôm 22/10, ở Bắc Giang xảy ra vụ việc một người đàn ông dùng dao giết chết ba người gồm cha mẹ và em gái.


Cũng ở Bắc Giang hôm 30/10, tại trụ sở tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, một người đâm chết vợ và đâm trọng thương bố vợ khi đến tòa giải quyết việc ly hôn.


Hôm 28/10, ở Thái Bình một người đàn ông 37 tuổi sát hại em gái 34 tuổi do mâu thuẫn gia đình.


Ngày 27/10, ở Thanh Hóa một người đàn ông 66 tuổi chém chết em dâu và cháu dâu đang mang thai do tranh chấp về tài sản.


Cũng ngày 27/10, ở Long Khánh, Đồng Nai một người đàn ông dùng xẻng đánh chết người bị cho là nhân tình của vợ cũ.


Ngày 29/9, tại Hải Phòng một người đàn ông đâm chết người vợ 23 tuổi vì ghen tuông. Cũng do ghen tuông, hôm 17/7, tại thành phố Hồ Chí Minh một người đàn ông đâm chết cả vợ và người tình của vợ.


Theo Bộ luật Hình sự thì các hành vi giết nhiều người hoặc giết một người nhưng bị đánh giá là có tính chất côn đồ hay đê hèn sẽ thuộc khung hình phạt có thể bị án tử hình.


Nhìn lại về án tử hình


Năm 2009, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm: Tội hiếp dâm; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ; Tội đưa hối lộ; Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.


Đến năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi tiếp tục bỏ đi hình phạt tử hình ở 7 tội danh gồm: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.


Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bỏ tội danh hoạt động phỉ trước đây có quy định hình phạt tử hình.


Như thế, theo xu hướng pháp luật tiến bộ mang tinh thần tôn trọng bảo vệ quyền con người, pháp luật hình sự theo thời gian đã dần bỏ đi hình phạt tử hình.


Dẫu vậy việc lược bỏ án tử hình lại diễn ra không cân xứng giữa việc bỏ mức án ở nhiều tội danh và việc duy trì các tình tiết định khung tăng nặng ở những tội danh còn duy trì mức án này.


Để thấy được vấn đề, lấy ví dụ đơn cử như tội danh giết người vẫn còn giữ mức án tử hình, khi so sánh Bộ luật Hình sự năm 2015 với Bộ luật Hình sự năm 1999 sẽ thấy, không có sự thay đổi nào về các yếu tố pháp lý làm căn cứ cho việc tuyên án.


Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội giết người tại Điều 93 với 16 tình tiết định khung theo khoản 1 có thể bị mức án tử hình, thì cả 16 tình tiết định khung này đều được giữ nguyên ở Bộ luật Hình sự năm 2015 mà không hề được lược giảm bớt đi.


Đó là các tình tiết định khung như giết nhiều người, giết trẻ em, giết phụ nữ mang thai, có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn, có tổ chức .v.v. gồm tất cả 16 yếu tố định khung.


Như thế là có sự không tương xứng và thiếu hợp lý giữa việc bãi bỏ mức án tử hình ở nhiều tội danh nhưng lại giữ nguyên các yếu tố định khung ở tội danh còn mức án này.


Việc làm luật như thế là thiếu chặt chẽ khoa học.


Đúng ra với tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền con người thì việc rà soát bỏ án tử hình ở nhiều tội danh cần được triển khai đồng thời với việc bỏ bớt đi những yếu tố định khung hình phạt ở những tội danh còn duy trì mức án.


Bởi nếu có sự phát triển về mặt nhận thức đưa đến sự thay đổi quan niệm cho rằng không nên kết án tử hình cho hành vi cướp tài sản, thì tại sao lại không thay đổi quan niệm trong việc kết án tử hình cho hành vi giết người có tính chất côn đồ hay có động cơ đê hèn?


Bình tâm suy xét thì hành vi giết người nào mà chẳng bao hàm trong đó những yếu tố như côn đồ và đê hèn, chẳng lẽ có việc giết người sẽ được đánh giá là nhã nhặn lịch sự hay sao?


Cho nên việc duy trì những yếu tố định khung như vậy mang bản chất của sự bất hợp lý, tạo không gian rộng rãi cho việc kết án nghiêm khắc.


Ví như vụ sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên xảy ra hồi dịp Tết Nguyên đán năm 2019 có tới 6 án tử hình được giữ nguyên qua hai cấp xét xử.


Ít tác dụng


Từ thực tế quan sát thì thấy khi gây án kẻ thủ phạm ít dừng lại để suy nghĩ về hình phạt. Hoặc nhiều thủ phạm sau khi ra tay giết người thì cũng tự sát cho thấy người phạm tội không sợ chết.


Bởi vậy hình phạt tử hình trong tố tụng hình sự ít tác dụng ngăn giảm những hành vi phạm tội. Trên thế giới nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hình phạt tử hình không giúp ngăn giảm tội phạm, cho nên nhiều nước đã bãi bỏ.


Vài ba năm trước xảy ra sự việc ở nước Anh có liên quan đến Việt Nam được báo chí đưa tin, có hai thủ phạm đã hãm hiếp và đốt chiếc xe ô tô khiến cô gái gốc Việt tử vong. Tòa án Anh sau đó đã tuyên án chung thân không ân xá cho hai thủ phạm, ở nước Anh từ lâu đã không có án tử hình.


Ở Việt Nam hiện nay, nhiều người cho rằng với xã hội hiện tại thu nhập bình quân đầu người còn thấp, xã hội tồn tại nhiều yếu tố lạc hậu, dân số đông tội phạm nhiều, án tử hình là một hình phạt có tính răn đe giúp kiểm soát hạn chế tội phạm.


Đồng tình chia sẻ phần nào với những ý kiến đó, nhưng tôi vẫn thấy dường như trách nhiệm nặng nề nan giải của việc ngăn ngừa giảm thiểu tội phạm bị áp đặt một cách không công bằng lên số phận của những người chịu án tử hình.


Đúng ra để ngăn giảm tội phạm thì cần rất nhiều việc phải làm, như là cần có các chính sách phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, cần các đường lối phát triển quốc gia đúng đắn, cần chính sách thu hút đầu tư, kinh tế phát triển, văn hóa giáo dục tri thức được nâng cao, từ đó mới giúp giảm đi tội phạm.


Nếu hiểu được như thế sẽ thấy việc tuyên án tử hình đâu đó như những người tự do bên ngoài đang chối bỏ không nhìn ra trách nhiệm nơi mình.


Nên sửa luật


Trước tình trạng các vụ án giết người đang diễn ra ở mức độ phổ biến thì tôi cho rằng việc cần làm là nên sửa điều luật về tội danh giết người để ngăn giảm bớt án tử hình.


Nên thu hẹp lược bớt thay vì phân loại ra quá nhiều trường hợp nhận diện để rồi cho phép áp mức án.


Lâu nay pháp luật vốn có án tử hình nghiêm khắc rồi nhưng số vụ giết người vẫn ở mức như đã xảy ra, vậy tác dụng của hình phạt đến đâu?


Trong khi đó sau khi gây án kẻ thủ phạm đã gây ra sự thê lương cho cả gia đình người thân của mình.


Dù ra tay tàn ác với nạn nhân nhưng đó vẫn có thể là người chưa có lầm lỗi với bố mẹ hoặc con cái.


Nhiều trường hợp người ta không tin được rằng người thân của mình đã thực hiện một hành vi gây án kinh khủng và vẫn mong muốn người thân được sống.


Lược bớt án tử hình là một cách hành xử nhân văn hướng đến những người thân thích của các bị cáo.


Bài thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một luật sư từ Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?