Cảnh báo rủi ro khi kinh tế Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao
Thanh Trúc
\
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam, ông Francois Painchaud, nhận định rằng khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái thì Việt Nam cũng không thể nào không bị tác động trước những thách thức có tính toàn cầu.
Cần nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu để hình dung Việt Nam không thể nào thoát khỏi ảnh hưởng toàn cảnh kinh tế thế giới ‘u ám’ hiện nay là quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ trong điện thư gởi cho RFA từ Na Uy:
“Lạm phát tại nhiều nước không có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh chóng. Ngân hàng Trung ương Mỹ dự định tăng lãi suất cho đến khi kiểm soát được lạm phát. Các Ngân hàng Trung ương các nước sẽ đi theo hướng đó. Hậu quả là kinh tế thế giới có thể nhanh chóng đi vào suy thoái ngày càng cao”
“Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, từ FDI (vốn đầu từ trực tiếp từ nước ngoài) cho đến xuất, nhập khẩu. Vì vậy mà khi kinh tế thế giới suy thoái VN sẽ chịu ảnh hưởng lớn”.
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính cho rằng nhận định của IMF là hợp lý:
“Nói chung thì tăng trưởng Quí II được ghi nhận là cao nhất so với suốt 10 năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh như vậy nó đã tăng 6,7%. Điều đó thể hiện khả năng năm nay vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra trên 7% là có trong tầm tay. Cho nên nhận xét của Quĩ Tiền Tế Quốc Tế là phù hợp với thực trạng Việt Nam hiện nay”.
Đối với năm 2023, ông Francois Painchaud cho biết dù bị hạ nhưng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt tại châu Á.
Từ điểm này, khuyến cáo tiếp theo từ vị trưởng đại diện IMF là Việt Nam cần theo dõi sát rủi ro lạm phát, cần chính sách tài khóa linh hoạt trong điều kiện kinh tế liên tục biến động.
Rủi ro lớn nhất đằng sau khuyến cáo của IMF theo PGS.TS. Ngô Trí Long là tăng trưởng thường đi đôi, thường có quan hệ rất chặt chẽ với lạm phát.
Hiện tại, ông nói, theo chỉ tiêu Quốc hội đưa ra về lạm phát dưới 4%, tám tháng là 2,6 -2,8% thì khả năng kiểm soát là có thể. Cái rủi ro lớn nhất của Việt Nam là tăng trưởng không đảm bảo hiệu quả:
“Có nghĩa là đầu tư chiều rộng chứ không đầu tư chiều sâu. Đầu tư chiều rộng ảnh hưởng rủi ro rất lớn. Tăng trưởng cao nhưng không chú ý đến hiệu quả, chất lượng mà chỉ chú ý đến số lượng… Hậu quả là bỏ ra một nhưng thu về không được một là thua lỗ. Cẩn thận hay không cẩn thận thì rủi ro nằm trong cái bẫy nợ công cao. Muốn tăng trưởng phải tăng cường đầu tư, nếu không đủ thì phải đi vay, mà đi vay thì phải trả nợ. Cuối cùng là nếu không có hiệu quả thì không thể trả nợ. Đấy cái rủi ro lớn nhất là như vậy”.
Quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng cao phải gắn với hiệu quả và chất lượng, là kết luận của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Không chỉ IMF mà cả World Bank cũng có đánh giá tương tự về kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giám đốc tài chính CFO cho một số tập đoàn lớn của Mỹ, giảng viên chương trình MBA Quản trị Kinh doanh cho một vài đại học ở Hoa Kỳ, phân tích:
“GDP của VN năm 2020-2021 gia tăng 2,6% , gần như rất thấp vì bị COVID hoành hành. Trong mấy tháng đầu 2022 họ đánh giá GDP của Việt Nam thấp, nhưng cuối 2022 GDP của Việt Nam sẽ gia tăng 7,5. Tức là lúc trước họ dự tính 6,5 % nhưng bây giờ họ tăng thêm 1%. Cả IMF và World Bank đều đánh giá như vậy”.
Sở dĩ kinh tế Việt Nam có dấu hiệu gia tăng nhiều hơn là vì so với hiện trạng trì trệ từ năm trước đó. Đối với Việt Nam, GDP gia tăng 2,6 là trì trệ, TS Khương Hữu Lộc giải thích:
“Vì một nền kinh tế đang phát triển mà gia tăng 7, 8 hay 9% là chuyện thường lắm. Một nền kinh tế trưởng thành và lớn như Hoa Kỳ hay nguyên khối Âu Châu mà tăng 3% là quá tốt rồi, thành ra phải nhìn một cách tương đối”.
Do vậy nói kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục là điều không thể phủ nhận nhờ các yếu tố sau:
“Việt Nam bây giờ trở thành một trong những nước chủng ngừa cho người dân nhiều nhất, cao nhất, mà lại chủng ngừa với thuốc tân tiến từ Hoa Kỳ với Châu Âu, thành ra đường lối sống chung với COVID để bành trướng kinh tế của Việt Nam vững chãi hơn.”
Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Hoa Kỳ, kế đó là Âu Châu và Trung Quốc. Hoa Kỳ và Châu Âu, theo TS. Khương Hữu Lộc cho hay, đang đối diện tình trạng ‘stagflation’ có nghĩa là ‘kinh tế trì trệ và lạm phát tăng’. Đây là điều rất khó giải quyết trong ngắn hạn:
“Nhưng mà Việt Nam hiện tại được hưởng lợi vì nhiều công ty ví dụ như Intel đang đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, rồi Samsung rời Trung Quốc để hoàn toàn đầu tư ở Việt Nam.”
“Rồi chuỗi cung ở Việt Nam hiện tại cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù giá dầu xăng có ảnh hưởng phần nào nhưng Việt Nam gần như tự lực tự cường về thực phẩm trong khi các quốc gia khác phụ thuộc vào thực phẩm từ Ukraine và Nga. Thành ra mức tăng trưởng 7,5 này có thể tin tưởng được.”
Để tránh rủi ro khi kinh tế tăng trưởng cao, Việt Nam có theo được cảnh báo của IMF là theo dõi sát lạm phát cũng như áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt trong hoàn cảnh kinh tế nhiều biến động hay không? Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho rằng lạm phát ở Việt Nam hiện ở mức 3,8% thế nhưng từng có một cảnh báo là Việt Nam đo lường mức lạm phát không chính xác :
“Việt Nam không đi theo từng mẫu hàng. Họ dùng con số đại cương có thể rất sai lạc. Thí dụ bên Hoa Kỳ khi nói thịt heo, thịt gà, thịt bò…hay là xăng hay tất cả thì họ đi theo từng vùng họ làm tỷ trọng nên rất chính xác. Mặc dù vậy thỉnh thoảng họ cũng làm sai và sau vài tháng phải chỉnh đốn. Còn Việt Nam thì không có khả năng theo dõi sát từng mặt hàng. Ví dụ thịt bò, thịt heo ở Đà Nẵng khác ở Sài Gòn và khác ở Cần Thơ. Tính không chính xác thành ra mức lạm phát ở Việt Nam có thể cao hơn 3,8%”.
Một khi không đo lường được chính xác mức độ lạm phát thì biện pháp linh hoạt tài khóa sẽ không mang lại hiệu quả:
“Khi Việt Nam nghĩ rằng lạm phát 3,8% nghĩa là dưới 4% thì họ không lo. Thứ nữa Việt Nam theo mẫu kinh tế tương tự như Trung Quốc. Mà Trung Quốc bây giờ đang vỡ nợ vì thị trường địa ốc thổi giá. Hiện tại mức thổi giá của địa ốc Việt Nam có thể sẽ là triệu chứng ung thư cho nền kinh tế Việt Nam”.
Kèm theo đó, vẫn lời TS. Khương Hữu Lộc, mức nợ công, tư của Việt Nam chưa chính xác và chưa được chỉnh đốn.
Nhận xét
Đăng nhận xét