Greenwich và câu chuyện 'chơi với vua như đùa với hổ'

 

  • Phạm Cao Phong
  • Gửi tới BBC từ Paris
Công viên Greenwich.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Công viên Greenwich nằm ở Đông Nam London.

Tôi đến Greenwich khi đợt nóng kỷ lục đổ vào nước Anh. Greenwich vốn thu hút du khách vì đây là điểm Kinh tuyến Số 0 của trái đất chạy qua và có đài Thiên văn Royal Greenwich Observatory (RGO).

Tên Greenwich bắt nguồn từ chữ cổ có gốc gác Anglo-saxon nghĩa là 'Cửa ô xanh', như kinh thành Thăng Long xưa có Ô Cầu Dền, ô Đông Mác, ô Quan Chưởng…

Một cái tên bình dị và đẹp, nhưng Greenwich thời Shakespeare không được như trong mắt tôi hôm nay : " Sương mù nặng trĩu, nhuộm đen cảnh vật như chúng ta đang bơi trên dòng sông Achéron".

Theo thần thoại Odysseus, Achéron là một dòng sông nhỏ chảy từ thung lũng Épire của Hy Lạp, có nhánh hợp lưu với dòng sông Styx dưới Địa ngục.

Sau những thăng trầm, Greenwich bây giờ là nơi hẹn hò, vùng đất mỉm cười độ lượng cho những ai muốn tìm sự thanh bình yên ả và không gian sảng khoái. Greenwich na ná giống đồi Montmartre của Paris, nơi du khách có thể lơ đãng thả tầm mắt nhìn thành phố phía dưới chân.

Greenwich rộng như một bình nguyên, thoai thoải, không gồ lên như chiếc trán bướng bỉnh của Montmartre.

Nhà báo Nguyễn Giang của BBC đưa tôi đến Greenwich, và kể cho tôi sự tích một cây sồi có từ thế kỷ XII ở đây. Anh kể :

Cây sồi cổ thụ, nơi Hoàng gia thường tụ tập lúc đó đã 400 năm tuổi, có chu vi tới 20 feet (tương đương 6,10 m), thân cây rỗng một phần tạo thành một hốc rộng 6 feet, khoảng gần 2m. Theo truyền thuyết, Vua Henry VIII cùng Anne Boleyn, người vợ thứ hai, thường khiêu vũ quanh gốc cây sồi này. Đây cũng là nơi Nữ hoàng Elizabeth I thường tìm đến nghỉ ngơi.

Cây sồi cổ đã chết vào thế kỷ 19. Nhưng những cây tầm gửi mọc xung quanh giúp thân cây trụ thêm 150 năm. Song nó không thắng được keo vật cuối cùng với cơn bão năm 1991. Nơi cây sồi cổ gục ngã, có một cây sồi non nhú lên, như gạch nối hiện tại với quá khứ.

Giờ GMT theo đồng hồ chuẩn tính theo đường Kinh tuyến số 0 theo kinh tuyến Greenwich.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Giờ GMT theo đồng hồ chuẩn tính theo đường Kinh tuyến số 0 theo kinh tuyến Greenwich.

Năm 1992, Công tước Edinburgh đã đặt một tấm biển nhỏ ở đây, cạnh gốc sồi cổ đã bật gốc. Những cây sồi ở Greenwich bây giờ là hậu duệ cây sồi thời Nữ hoàng Elizabeth.

Tôi không biết tán cây sồi lịch sử này rộng bao nhiêu. So sánh dữ liệu của cây sồi ở Châtillon (Jura Thụy sĩ), gốc rộng 8,40m, lá cây che phủ diện tích tới nửa cây số. Tôi ước đoán rằng, cây sồi Elizabeth tán lá ít ra cũng rộng tới 400m. Một con số ấn tượng. Lưu ý độc giả, tháp Eiffel Paris chỉ cao 330m.

Cây sồi trong văn hóa châu Âu là biểu tượng của dũng cảm, sức sống trường tồn.

Người Pháp kỷ niệm 80 năm ngày cưới thường tổ chức dưới gốc sồi, gọi là "Noces de chêne". Như vậy sau lễ cưới bạc, lễ cưới vàng, chống gậy thêm 30 năm mới tới lễ cưới gỗ sồi.

Trong Niên lịch Cách mạng Pháp, cây sồi hiển thị là ngày đầu tuần của tháng Nữ Thần Floréal, Chúa tể của các loài Hoa.

Tôi tin ứng linh của cây sồi cổ và đất thiêng Greenwich ẩn sau những cá nhân có số phận đặc biệt ở triều đại Tudor.

Sông Thames ở London.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHẠM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Sông Thames ở London.

Dong thuyền ngược dòng thời gian 150 năm, Greenwich là lãnh địa thuộc sở hữu của Vua Henry VIII (1491-1547), Nữ Hoàng Marie Tudor I (1516 -1558) và Nữ Hoàng Elisabeth I (1533-1603).

Henry VIII là người đặt nền móng cho phát triển sức mạnh trên biển. So với Pháp, Tây Ban Nha thời đó, hải quân Anh rất bèo bọt, chỉ có 5 hải thuyền.

Henry nhận ra thua thiệt, bắt tay xây dựng một hạm đội bề thế với 54 chiến hạm.

Chiến thắng trước hạm đội Tây Ban Nha, giải tỏa sự cô lập của Anh thời Nữ hoàng Elizabeth I (1533 - 1603), một phần là nhờ tầm nhìn trước của vua cha.

Greenwich Park thời hoàng kim là nơi hội hè, tổ chức những cuộc thi thượng võ của giới quý tộc hoàng gia như đấu kiếm, đấu thương, cưỡi ngựa… Nếu tò mò muốn tìm hiểu về thú tiêu khiển gươm đao kiểu Anh, độc giả có thể tìm thấy âm thanh loảng xoảng vĩ cuồng của các trận tỷ thí trong bộ phim về Robin Hood-Robin of Locksley (Hiệp sĩ rừng xanh), hoặc qua tác phẩm Ivanhoe ra mắt năm 1819 của Walter Scott.

Trong bảo tàng Wallace Collection có từ năm 1897 ở London, tôi thấy một bức tranh minh họa cho tiểu thuyết này, vẽ Hiệp sĩ Brian de Bois-Guilbert cướp nàng Rebecca.

Trong một trận tỷ thí ngày lễ May Day, Vương hậu Anne Boleyn (1501-1536), vợ thứ hai của Vua Hery VIII, đồng thời là mẹ Nữ Hoàng Elisabeth I sau này, không hiểu vô tình hay cố ý đánh rơi chiếc khăn tay.

Vua Henry VIII và sáu người vợ-Jane Saymour, Anne of Cleves, Catherine Howard, Anne Boleyn, Catherinne of Arragon và Catherine Parr.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHẠM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Vua Henry VIII và sáu người vợ-Jane Saymour, Anne of Cleves, Catherine Howard, Anne Boleyn, Catherinne of Arragon và Catherine Parr.

Chiếc khăn tay rơi trở thành nút thắt trong phiên tòa kết tội bà. Liền sau đó, Vương hậu bị tống giam vào Tháp London, 15 ngày sau bị đưa lên đoạn đầu đài.

Anne là Vương hậu đầu tiên bị xử chém trong lịch sử Anh quốc.

Ai nói chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà? Thân hình mảnh dẻ, tóc đen như lông quạ bỏ thõng đuôi gà, Anne không sở hữu sắc đẹp nghiêng thành, đổ chùa, nhưng Anne là nguyên nhân khởi đầu cho chiến tranh tôn giáo, ly khai Giáo hội La Mã của nước Anh.

Anne nổi bật trong đám cung nữ của Nữ Hoàng Catherine d'Aragon (1485-1536) nhờ tiếp thu sự giáo dục ở Cung đình Pháp, ăn mặc lịch lãm và sự tinh anh, sắc sảo.

Sở hữu dòng máu nóng, lại có cháu là Hoàng đế Roman-German Charles V (1500 - 1558), đồng thời là vua Tây ban Nha chống lưng, song Hoàng hậu vẫn lép vế trước Anne trong ngón yểm bùa tình, bị cướp mất chồng.

Sự lan tỏa của Anh giáo (Anglicanisme) và cuộc chia ly giáo quyền Roma bắt nguồn từ chuyện Henry VIII mê cuồng đôi mắt huyền của Anne Boleyn.

Trong một buổi dạ vũ hóa trang năm 1522, những cái chớp mắt, đá lông nheo của Anne bắt gọn vua Henry vào lưới tình.

Anne còn đảnh, không cho vua "ăn cơm trước kẻng" như Mary Boleyn (1499 - 1543), người chị ruột tự nguyện sa vào móng vuốt của vua.

Vua hận Anne chơi khó, khăng khăng đòi cưới mới cho vua tốc váy, song cũng đành phải thuận.

Vua đang sống kiếp ván đã đóng thuyền, cưới Catherine d'Aragon rồi.

Tháo gỗ tái chế, đóng thuyền khác, vua phải có thuận lòng của Giáo hoàng, luật xưa là thế.

Đường Hoa Hồng, đường kinh tuyến cổ trong nhà thờ Saint Sulpice Paris.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHẠM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Đường Hoa Hồng, đường kinh tuyến cổ trong nhà thờ Saint Sulpice Paris.

Khổ là, Đức Thánh cha Clemens VII (1478-1534) cứng cổ, khước từ đứng ra hủy hôn ước của vua với Catherine d'Aragon.

Giáo hoàng thứ 29 Tòa Thánh không nghĩ là gặp phải đối thủ như vua, hạng người không biết trên đầu có ai.

Năm lần bảy lượt, ngọt có, rắn có mà Henry không lay chuyển được Giáo Hoàng.

Mê Anne quá rồi, lại thêm những lời rót mật của nàng, theo kiểu đâm bị thóc, chọc bị gạo, hót rằng, vua đã tót vời ngôi trên mà còn bị một ông thầy tu vặn tai. Thế là vua nổi khùng.

Vua chỉ định Tổng Giám mục Canterbury Thomas Cranmer, loại "cây nhà trồng được", thế chân Giáo Hoàng xé hôn thú với Catherine d' Aragon và cưới Anne Boleyn ngày 23.5.1533.

Giáo hoàngchơi rắn, rút phép thông công của vua. Henry càng điên tiết, giải tán, đóng cửa luôn các tu viện Công giáo. Giáo hội La mã mất chân đứng ở Anh từ thời đó.

Đúng là, chơi với vua như đùa với hổ!

Vương hậu Anne Boleyn cũng không thoát kiếp tội đồ trong xảo chơi của vua.

Trước một tuần, kỷ niệm tròn 3 năm ngày cưới, Vương hậu bước lên đoạn đầu đài, bị xử trảm với tội danh ngoại tình, loạn luân. Ân huệ cuối cùng nhà vua chấp nhận là, thuận cho Anne được chết dưới lưỡi gươm của một đao phủ người Pháp, thay vì kê cổ lên súc gỗ, để đao phủ Anh chặt bằng rìu.

Âu phải chăng là định mệnh, khi gia huy của Vương hậu có hình con gà trắng, đứng trên một gốc cây bị đốn, liên hệ đến hình ảnh gà lên thớt ?

Henry VIII thì quá hổ báo, mới chặt đầu Anne một ngày đã cưới ngay Jane Seymour, người vợ thứ ba, người đàn bà mà tài chỉ dừng ở chỗ đọc xoẳn được tên riêng.

Sau Seymour, vua còn đi thêm ba bước, chặt thêm đầu một Vương hậu.

Tuy nhiên, Greenwich cũng chứng kiến sự trở lại thần kỳ của con gái mồ côi mẹ lúc mới lên ba.

Nhà thờ Saint Sulpice tại Paris, nơi chứa đựng những bí ẩn được mô tả trong tác phẩm 'The Da Vinci code' của Dan Brown và đường kinh tuyến cổ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHẠM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Nhà thờ Saint Sulpice tại Paris, nơi chứa đựng những bí ẩn được mô tả trong tác phẩm 'The Da Vinci code' của Dan Brown và đường kinh tuyến cổ.

Đúng vào ngày 18 năm trước, ngày người mẹ bước chân vào tù, con gái Anne Boleyn được trả tự do trong tiếng reo hò của thần dân chào đón. Bà trở thành Nữ Hoàng Elizabeth I (1533-1603).

Triều đại của bà được lý tưởng hóa để trở thành một thời kỳ mà Hoàng gia, Giáo hội và Quốc hội hoạt động hài hòa trong sự cân bằng quyền lực được quy định bởi Hiến pháp.

Năm 1559, Elizabeth phê chuẩn Hiệp ước Cateau-Cambresis, chấm dứt xung đột từ ngàn xưa giữa Anh-Pháp.

Năm 1588, nước Anh chiến thắng trận hải chiến Graville, đánh tan hạm đội Tây Ban Nha, lừng danh với sức mạnh thống trị trên biển. Liên minh Tây Ban Nha và Công tước xứ Parma định đánh vào đất Anh sụp đổ.

Sự kiện này được thần dân Anh coi như là phù trợ bề trên, và về sự bất khả xâm phạm của vương quốc dưới quyền cai trị của Nữ hoàng Elizabeth.

Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của văn học Anh, với các tác phẩm của John Lyly, Edmund Spencer, Christopher Marlowe, William Shakespeare.

Tôi tự hỏi, Greenwich được chọn làm Kinh tuyến gốc biết đâu cũng nhờ ứng linh của mảnh đất này và sự phù trợ của thần cây sồi ? Tôi vừa đọc một quyển sách tử tế nói rằng, cây cối cũng có linh hồn. Lenin, ông tổ vô thần còn hội họp trong suốt ba năm từ 1914-1917, dưới một gốc sồi cổ thụ ở Lignon (Genève), chắc để cầu hên?

Theo người Anh, Greenwich được chọn vì uy tín của Đài Thiên văn Royal Greenwich Observatory (RGO) được xây dựng ngày 4.3.1675. Nhưng tôi thấy chưa xuôi tai.

Nếu nói về tuổi, cái chòi Greenwich ngắm chú Cuội của nước Anh là đàn em của Đài Thiên văn L'Observatoire de Paris, khánh thành năm 1666. Lúc đó, nước Pháp đã có hẳn hai đài thiên văn, một tại Paris, một ở Meudon.

Nếu đến Paris thăm nhà thờ Saint-Sulpice, bạn đọc sẽ hiểu cho cái tức ỡm ờ của người Pháp. Hồi còn tuổi thanh niên nông nổi, cựu Tổng thống Jacques Chirac vẫn đứng bán báo Humanité cho Đảng Cộng sản Pháp trước cửa nhà thờ này.

Từ nhiều thế kỷ, các nhà khoa học, khách du lịch, sử học và cả những người ngoại đạo đổ về đây để chiêm ngưỡng đường thẳng, hay còn gọi là "Đường Hoa Hồng", nổi tiếng này.

Tôi kể ra đây, vì cũng tiện để độc giả hiểu đường kinh tuyến quan trọng ra sao, dù là đường tưởng tượng.

Hiện thân đó là một thanh đồng mảnh, sáng loáng, có những dấu chia độ như một chiếc thước kẻ, gắn sâu vào sàn đá granit, cắt ngang cả bàn thờ chính, là một kiểu đồng hồ mặt trời thời cổ, vết tích của một đền thờ ngoại giáo từng có thời ngự trị chính tại chỗ này.

Thanh đồng xẻ đôi hàng lan can bàn thờ thánh thể, chạy suốt chiều rộng nhà thờ, kết thúc ở chân một bia đá khổng lồ kiểu Ai Cập. Thanh đồng dài và mảnh, nẹp hai cạnh bằng đá cẩm thạch trắng, tạo ra một trục Bắc-Nam hoàn hảo. Các tia nắng mặt trời, chiếu xuyên qua các lăng kính của bức tường phía nam, mỗi ngày một dịch xuống, chỉ thời gian từ ngày Đông chí đến ngày Hạ chí. Đường nối Bắc-Nam đó được biết dưới cái tên Rose Ligne : Đường Hoa Hồng. Trải qua hàng thế kỷ, ký hiệu Rose (Hoa Hồng), gắn liền với những tấm bản đồ và những cột mốc định danh, làm hoa tiêu trong hàng hải.

Đường Hoa Hồng được gọi là đường kinh tuyến, là đường thẳng tưởng tượng nối cực Bắc với cực Nam.

Đương nhiên, đường nối hai cực Bắc - Nam theo lý thuyết là vô hạn, vì ở bất cứ địa điểm nào trên trái đất đều có thể vẽ một đường kinh tuyến.

Vấn đề với các hoa tiêu thời xưa là ĐƯỜNG NÀO là đường kinh tuyến số 0, đường mà người ta lấy làm gốc để đo các đường kinh tuyến khác.

Rất lâu trước khi định chế lấy Greenwich là Kinh tuyến gốc, thì Kinh tuyến số 0 của trái đất đã đi qua Paris, đi qua nhà thờ Saint-Sulpice.

Thanh đồng đánh dấu ở nhà thờ Saint-Sulpice trở thành một đài tưởng niệm kinh tuyến đầu tiên trên thế giới, mặc dù Greenwich tước đi vinh dự ấy của Paris vào năm 1883.

Năm nay nước Anh cũng như cả châu Âu hứng chịu một đợt nắng nóng chưa từng có kể từ 500 năm.

Lá khô giòn tan và những tán cây rực đỏ ở Greenwich cho cảm tưởng mùa thu năm nay đến sớm. Tuy nhiên, nắng nóng, khô hạn và thiếu nước trầm trọng tại Anh là nguyên nhân của bức tranh mùa thu giả.

Leigh Hunt, cố vấn cấp cao Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh cho biết, lá vàng và rụng sớm đều là những dấu hiệu cho thấy cây cối bị căng thẳng và hoang mang và đang dần ngừng hoạt động.

Greenwich nổi tiếng nhất về lịch sử hàng hải và tên gọi "kinh tuyến Greenwich" (kinh tuyến gốc) và "giờ trung bình Greenwich".

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHẠM CAO PHONG

Chụp lại hình ảnh,

Greenwich nổi tiếng nhất về lịch sử hàng hải và tên gọi "kinh tuyến Greenwich" (kinh tuyến gốc) và "giờ trung bình Greenwich".

Đập vào mắt tôi là những cây sồi đang bị thời tiết đẩy vào chế độ sinh tồn.

Nỗi hoang mang cỏ cây lây sang tôi khi nhớ đến số phận cây sồi của Hoàng hậu nước Pháp Marie-Antoinette (1755-1793). Cây sồi có tuổi thọ 324 năm, cao 35 m, riêng cái gốc chu vi 5,5 m nặng 35 tấn đã bị cái nóng năm 2003 giết hại.

Cây được Hoàng hậu trồng năm 1681, thậm chí bị bật gốc trong cơn bão Thế kỷ năm 1999 mà sống sót, tưởng thoát được đợt nóng Canicule mùa hạ 2003, năm mà nhiệt độ bất thường giết tới 14 000 người Pháp. Song, cái nóng năm đó đã hủy hoại thảm thực vật và rễ cây và năm 2005 thì cây chết.

Dòng sông Thames cũng đang khẩn cầu những cơn mưa, một thoáng mây đen bay qua cũng là một thoáng hy vọng bấu víu. Những cây sồi Greenwich đang tức tưởi.

Tôi vừa bước vào nơi hội ngộ với lịch sử. Hy vọng những cây sồi ở Greenwich sẽ vượt qua được thử thách và tái sinh trong mầu xanh mới, mạnh mẽ và sẽ còn kể cho mai sau những câu chuyện bất hủ với thời gian.

Bài viết thể hiện văn phong của tác giả, nhà báo tự do từ Paris.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?