Thế giới có thích ứng được việc không có dầu, khí của Nga?

Jake Horton & Daniele Palumbo

Bộ phận Kiểm chứng BBC

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Một đường ống dẫn khí đốt quan trọng của Nga sẽ đóng lại trong ba ngày vào cuối tháng Tám, làm giảm thêm nữa nguồn cung trong lúc các nước châu Âu đang phải vật lộn với mức giá năng lượng cao.

Các nước phương Tây đang cố gắng cắt giảm lượng dầu và khí đốt của Nga mà họ nhập khẩu sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.

Châu Âu sử dụng bao nhiêu khí đốt của Nga?

Năm ngoái, Nga cung cấp cho EU 40% lượng khí đốt tự nhiên.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nhà nhập khẩu lớn nhất trong năm 2020, tiếp theo là Ý.

Năm 2021, Anh nhập khẩu 4% lượng khí đốt cần dùng từ Nga, nhưng tháng Sáu vừa qua đã là tháng thứ ba liên tiếp nước này không nhập khẩu khí đốt của Nga.

Hoa Kỳ hoàn toàn không nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, các nước này bị ảnh hưởng khi Nga hạn chế cung cấp cho Châu Âu lục địa, bởi điều đó đã khiến giá khí đốt toàn cầu tăng cao.

BBC
Chụp lại hình ảnh,

Đức đứng đầu các quốc gia nhập khẩu khí đốt Nga, tiếp đến là Ý, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Hungary

Nhà cung cấp năng lượng của Nga Gazprom cho biết họ sẽ đóng đường ống dẫn Nord Stream 1 đến Đức từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì, và việc này càng tác động thêm đến nguồn cung cấp.

Nga cũng đang đốt bỏ một lượng khí đốt lớn bất thường từ một nhà máy gần đầu đường ống, không nêu rõ lý do tại sao.

Các biện pháp trừng phạt nào được áp dụng đối với khí đốt của Nga?

EU cho biết họ sẽ cắt giảm đến hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm, nhưng đã ngưng lệnh cấm hoàn toàn.

Để giúp đạt được mục tiêu của mình, các quốc gia thành viên EU đã đồng ý cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt trong vòng bảy tháng tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nghi ngại về việc EU tìm nguồn cung cấp khác để thay thế Nga và có thể cần dùng tới các tàu chở dầu để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà sản xuất như Hoa Kỳ và Qatar.

Cố vấn năng lượng Kate Dourian nói rằng "không có đủ các kho chứa LNG ở châu Âu. Đây sẽ là một vấn đề, mà đặc biệt là đối với Đức."

Nga phản ứng thế nào?

Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" ở châu Âu phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rouble của Nga. Điều này giúp hỗ trợ giá trị đồng tiền tệ của Nga.

Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan đã từ chối làm vậy, và Nga cắt nguồn cung cho các nước này.

Một số công ty năng lượng châu Âu đang thanh toán khí đốt qua các tài khoản mở tại ngân hàng Nga, tài khoản này sẽ chuyển đổi euro thành đồng rouble. Họ nhấn mạnh rằng những khoản thanh toán đó được thực hiện phù hợp với các biện pháp trừng phạt.

BBC
Chụp lại hình ảnh,

Bản đồ mạng lưới các đường ống dẫn khí đốt quan trọng nhất ở châu Âu

Châu Âu sẽ thiếu dầu?

EU đã đồng ý cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển vào cuối năm nay.

EU sẽ cho phép dầu tiếp tục được nhập khẩu bằng đường ống dẫn, như một "biện pháp tạm thời" vì các nước như Hungary và Slovakia phụ thuộc vào nguồn này.

Hoa Kỳ đã tuyên bố cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga, và lượng dầu nhập khẩu của Anh đã giảm mạnh trong năm ngoái.

Một số quốc gia châu Âu có thể bị lệnh cấm làm cho siết chặt nguồn cung dầu của họ.

Lithuania và Phần Lan nhận khoảng 80% lượng dầu của họ từ Nga vào tháng 11 năm ngoái, những dữ liệu mới nhất cho thấy. 

BBC
Chụp lại hình ảnh,

Danh sách cách nước châu Âu nhập khẩu dầu của Nga

Tuy nhiên, các nước EU có thể mua dầu từ các nhà sản xuất khác.

IEA - câu lạc bộ các nước nhập khẩu dầu - đã tung ra 120 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ của họ, và Tổng thống Biden đã ra lệnh tung ra một lượng lớn dầu từ kho dự trữ của Mỹ.

“Các quốc gia như Ả Rập Saudi có thể bắt đầu đưa nhiều dầu hơn ra thị trường thế giới vào cuối năm nay và có thể có nhiều nguồn cung từ Hoa Kỳ hơn,” Kate Dourian nói.

Liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả?

Được hỗ trợ bởi giá năng lượng tăng cao, Nga đã nhận được ước tính 400 tỷ euro (430 tỷ USD, 341 tỷ bảng Anh) trong năm qua từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu.

EU cho biết các lệnh trừng phạt mới nhất của họ có thể sẽ dẫn tới việc cắt giảm 90% lượng dầu mà họ mua từ Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ mất nhiều tháng để có hiệu lực hoàn toàn và thậm chí sau đó Nga sẽ có thể bán dầu ở những nơi khác trên thế giới.

Ấn Độ và Trung Quốc đều mua nhiều dầu thô của Nga hơn trong những tháng gần đây do giá nhiên liệu của nước này giảm.

Điều gì sẽ xảy ra với tiền sưởi, với hóa đơn điện, gas của tôi?

Người tiêu dùng đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng và nhiên liệu tăng cao khi các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga có hiệu lực.

Chi phí sưởi ấm trong nhà có khả năng tăng hơn nữa nếu xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu bị hạn chế.

Ở Anh, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình được kiểm soát theo mức giá trần năng lượng đã được khống chế.

Nhưng các hóa đơn đã tăng thêm 700 bảng, lên khoảng 2.000 bảng vào tháng Tư, khi mức giá trần được nâng lên.

Hóa đơn sẽ tăng lên hơn 3.500 bảng cho một hộ gia đình trung bình kể từ ngày 1/10, khi mức giá trần lại được nâng lên tiếp.

Giá xăng và dầu diesel ở Anh cũng tăng vọt, và chính phủ đã thông báo cắt giảm thuế nhiên liệu trong lúc những người sử dụng xe hơi phải vật lộn với mức giá cao kỷ lục. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?