Ðiểm Báo Pháp – 29/8/22
RFI
Nga thua đậm trong cuộc chiến xâm lược Ukraina
Cây bút Dominique Moisi trên Les Echos nhận định « Nga, kẻ đại bại trong cuộc chiến ở Ukraina ». Tuy cuộc chiến tranh tiêu hao này vẫn chưa kết thúc, nhưng sau sáu tháng, đã có thể thấy rằng Nga là kẻ thất bại : thua thiệt so với các láng giềng phương Tây, và với một Trung Quốc mà Nga đã trở thành chư hầu.
Putin tự lao đầu vào bẫy của chính mình
Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu từ 1945 đến 1947 đã chấm dứt vào ngày 26/12/1991 với sự kiện Liên Xô tan rã. Hậu chiến tranh lạnh mở đầu hôm 24/02/2022 với việc Nga xâm lăng Ukraina. Hãy còn quá sớm để dùng những từ ngữ « chiến tranh lạnh mới », « khởi đầu cho đệ tam thế chiến », « phi toàn cầu hóa », « kỷ nguyên hỗn loạn », nhưng dù vậy cũng đã rút ra được một số bài học.
Cuộc phiêu lưu quân sự của Nga xem chừng phi lý. Một chuyên gia về Nga khẳng định « Putin không ngu ngốc », nhưng lạc hậu và hết sức vô trách nhiệm. Vào lúc khí hậu bị nóng lên và đại dịch, làm thế nào có thể mơ đến việc dùng vũ lực mở rộng lãnh thổ, đòi thêm phần bánh của mình trên thế giới ? Tác giả nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của các chế độ độc tài trong việc khởi động và xử lý xung đột.
Tự đánh giá quá cao sức mạnh của mình và coi thường đối thủ, Putin đã tự mình lao vào cái bẫy mà ông ta đã giăng ra. Sau những thành công ở Gruzia, Crimé, Syria, Vladimir Putin tin rằng mình không chỉ là một nhà chiến thuật giỏi mà còn là chiến lược gia lớn, hậu duệ của Pierre Đại đế, tức người đã được định mệnh chọn lựa để tái lập sự vĩ đại của nước Nga. Và với logic ngày càng theo kiểu Stalin, xung quanh ông không có ai dám cảnh tỉnh.
Nga thành chư hầu Trung Quốc, NATO sắp có thêm hai thành viên Bắc Âu
Quyền lực khiến người ta bị cô lập và quyền lực tuyệt đối càng làm cô lập tuyệt đối. Trong thời chiến, các chế độ toàn trị vừa nguy hiểm lại vừa dễ tổn thương hơn hết vì biết rằng nếu bại trận, là mất đi quyền lực, nếu không mất mạng.
Chưa bên nào có thể giành hẳn chiến thắng, cho dù cán cân từ nay có vẻ nghiêng nhẹ về phía Kiev nhờ trợ giúp của phương Tây. Trên thực tế vào cuối mùa hè 2022, kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất sau sáu tháng chiến tranh là nước Nga của Putin. Không chỉ vì bị rơi vào một cuộc chiến tiêu hao trước một đối thủ yếu hơn nhiều, mà còn vì không giành được chiến thắng, Matxcơva phải trả cái giá về địa chính trị là lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Cùng với thời gian, Nga dần dà trở thành đối tác cấp thấp của Trung Quốc và nay thì tình trạng này trở thành bắt buộc. Đó có phải là điều mà Putin tìm kiếm ? Ông ta đã đạt được mục tiêu nào ? Putin muốn « Phần Lan hóa » Ukraina, ông ta đã « NATO hóa » Phần Lan và Thụy Điển.
Cách đây 31 năm, khi Liên Xô sụp đổ, toàn cầu hóa và Mỹ hóa chừng như đi cùng với nhau. Các vụ khủng bố tháng Chín năm 2001, tiếp theo là khủng hoảng tài chánh 2008 và vụ Lehman Brothers đã tách rời hai hiện tượng trên. Phải chăng toàn cầu hóa thay vì khẳng định vai trò trung tâm của Hoa Kỳ, lại chuyển từ phương Tây sang châu Á ? Tác giả kết luận, sức mạnh quân sự có những hạn chế, nhất là khi số lượng vũ khí và binh lính không đủ để tạo ra sự khác biệt với chất lượng và quyết tâm của con người. Không chỉ Nga không tiến quân được mà còn có nguy cơ gây tai nạn nguyên tử, làm nguy hại cho hành tinh chúng ta.
Bóng ma Tchernobyl từ nhà máy Zaporijjia đang trong tay quân Nga
Về vấn đề này, Les Echos cảnh báo nguy cơ « Bóng ma Tchernobyl tái xuất hiện ». La Croix giải thích « Ukraina : Zaporijjia, một nhà máy điện nguyên tử trong vòng vây chiến tranh ». Chịu đựng những vụ oanh tạc gần các lò phản ứng, đường điện bị hư hại, nhân viên người Ukraina phải làm việc trong điều kiện căng thẳng, khó đưa về những phụ tùng bảo trì : mức độ an toàn của nhà máy xuống rất thấp từ khi bị rơi vào tay quân Nga.
Đôi bên đều đổ lỗi cho nhau về những vụ bắn pháo, oanh tạc gần nhà máy, trong lúc các nhân viên Ukraina tiếp tục bảo đảm hoạt động trong những điều kiện tạm bợ, dưới sự kiểm soát của quân đội Nga và các kỹ thuật viên của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Matxcơva sử dụng nhà máy điện nguyên tử này như một cái khiên để che giấu thiết bị quân sự, đạn dược, binh lính ở bên trong và khu vực kế cận. Những tuyến đường bộ và đường xe lửa xung quanh cũng được dùng cho logistic. Les Echos cho biết trong một video trên mạng xã hội đã được CNN kiểm định, có thể nhận thấy nhiều hàng xe quân sự Nga đậu trong khuôn viên nhà máy, chỉ cách lò phản ứng có 130 mét !
Nga cần lượng điện ở đây để cung cấp cho một phần lãnh thổ chiếm đóng, và bị nghi ngờ là muốn cắt nguồn điện dành cho Ukraina qua việc nhắm vào các đường dây cao thế. Vào thời bình, nhà máy cung ứng 1/5 nhu cầu điện cho Ukraina. Từ 25 đến 26/08, Zaporijjia bị tách rời hoàn toàn khỏi lưới điện quốc gia Ukraina trong nhiều tiếng đồng hồ, khi một vụ hỏa hoạn ảnh hưởng đến đường dây cao thế thứ tư và cuối cùng - ba đường cao thế còn lại đã bị hư hại vì đạn pháo. Sau đó công ty EnergoAtom của Ukraina đã kết nối lại được.
Những nguy cơ nào dẫn đến tai nạn nguyên tử ?
Các tòa nhà chứa sáu lò phản ứng (chỉ có hai lò đang hoạt động) được xây dựng để chịu đựng được những máy bay nhỏ bị rơi xuống và các loạt đại bác, nhưng không trụ nổi trước hỏa tiễn. Nhà máy cũng cần điện để làm nguội sáu lò phản ứng qua các trạm bơm. Trong trường hợp bị cúp điện, có một đường điện dự phòng nối với một nhà máy nhiệt điện. Nếu đường dây này không hoạt động, khoảng 20 tổ máy diesel có thể thay thế để tránh tình trạng lò phản ứng quá nóng. Và nếu các máy phát điện diesel bị hư hay thiếu nhiên liệu (dự trữ cho 7 ngày) vận hành, các kỹ sư chỉ có 90 phút để ngăn được tai nạn. Cuối cùng, một phần chất thải hạt nhân được trữ trong những thùng phi bê-tông, có thể bị hỏa tiễn bắn trúng.
Thành phố Zaporijjia từ hôm 23/08 đã phân phối các viên i-ốt cho cư dân trong vòng bán kính 50 kilomet xung quanh nhà máy, để uống khi có cảnh báo phóng xạ. Cơ quan EnergoAtom nhắc nhở người dân hạn chế di chuyển, đóng kín các cửa sổ và cửa ra vào, và tại những khu vực nguy hiểm, hàn chặt, đóng gói lại thực phẩm, nước uống, quần áo, tài liệu.
Liệu đã có giải pháp nào hay chưa ? Liên Hiệp Quốc kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy - nhưng Matxcơva bác bỏ - và gởi đến một phái đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) để đánh giá tình hình. Các chuyên gia được cả hai bên đồng ý có thể từ Ba Lan, Litva, Serbia, Trung Quốc, Albani, Pháp, Ý, Jordani, Mêhicô, Bắc Macedonia. Nhưng hôm 26/08 Nga đã phủ quyết một tuyên bố chung của một hội nghị Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân (TNP). Các nhà ngoại giao của Kremlin phản đối đoạn nhấn mạnh « quan ngại sâu sắc » về các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện nguyên tử của Ukraina và việc Kiev « không còn kiểm soát được ».
Tranh cãi về việc cấp visa cho công dân Nga vào EU
Nỗi lo về năng lượng trong mùa đông sắp tới bao trùm lên các trang báo hôm nay, trong lúc chính phủ Pháp vận động tiết kiệm và Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp bàn về chính sách đối với Ukraina. Le Figaro cho biết « Cuộc chiến Ukraina và lạm phát nhất thiết nằm trong nghị trình của Bruxelles ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hứa hẹn « sẽ đứng bên cạnh Ukraina lâu dài cho đến khi nào còn cần thiết ». Về mặt chính trị, đó là việc trừng phạt cuộc xâm lăng của Nga, mà những biện pháp đang áp dụng là cứng rắn nhất từ trước đến nay. Vấn đề gai góc sắp tới là việc cấp visa cho công dân Nga. Năm ngoái, đã có hơn nửa triệu khách du lịch Nga xin visa vào EU, và các nước láng giềng của Nga đang đề nghị ngưng cấp hẳn.
Phần Lan quyết định chỉ duyệt khoảng 10 % hồ sơ, nhưng nhiều khách Nga tiếp tục đến phi trường Helsinki bằng visa của các quốc gia thành viên khác. Thủ tướng Sanna Marin nhấn mạnh : « Thật là bất hợp lý khi người Nga tiếp tục vào không gian Schengen du lịch trong khi Matxcơva giết hại người dân Ukraina ». Tổng thống Cộng hòa Sec ủng hộ cấm vào EU, nhưng nhiều nước khác không đồng ý. Theo thủ tướng Đức, việc này sẽ gây thiệt thòi cho « tất cả những ai chạy khỏi Nga vì bất đồng với chế độ Matxcơva ». Giới ngoại giao nhấn mạnh việc bảo vệ các nhà ly khai, đối lập, nhà báo và thân nhân họ muốn rời khỏi Nga. Ước tính 300.000 công dân Nga đã ra đi kể từ cuối tháng Hai.
Châu Âu không thể chần chờ trong việc « thoát Nga »
Xã luận của Les Echos đặt vấn đề « Ukraina : Chúng ta có thể bại trận hay không ? ». Những hậu quả chiến tranh : lạm phát, hoạt động sản xuất chậm lại và ngay cả nguy cơ suy thoái sẽ thử thách sự đoàn kết của châu Âu trong những tháng tới. Matxcơva đang gánh chịu thiệt hại nặng nề, nhưng Berlin, Roma và Paris cũng bị ảnh hưởng lớn. Người Nga thua thiệt nhiều hơn, nhưng bị áp đặt phải im lặng, còn ở các nước dân chủ thì ngược lại. Đây là thách thức lớn cho các chính phủ châu Âu, thường phải dựa vào các liên minh và đối mặt với công luận.
Những lò luyện kim đang phải ngưng hoạt động, ngành thủy tinh, hóa chất, thép bị giá năng lượng bóp nghẹt. Một châu Âu đang muốn tái kỹ nghệ hóa có nguy cơ hụt hẫng trong những lãnh vực chủ chốt, liệu có đang bị thua trong trận so găng như Vladimir Putin mơ ước, và rốt cuộc phải hủy bỏ việc trừng phạt ? Chỉ có một con đường hẹp để tránh, đó là chủ động năng lượng. Trước hết là thay khí đốt Nga bằng mọi cách. Thế giới có đầy dầu lửa và than đá, chỉ thiếu năng lượng sạch. Khí đốt Nga chiếm 10 % số nhiên liệu được EU sử dụng, nay chỉ còn 5 %, than đá đã thay vào đó. Thế nên cần đẩy nhanh các nguồn năng lượng khác, từ nguyên tử đến điện gió ngoài khơi.
Đại dịch Covid và cuộc chiến tranh Nga-Ukraina đã làm thay đổi tương quan lực lượng. Hoa Kỳ được lợi nhiều nhất : ngành dầu khí và thực phẩm làm không hết việc, kỹ nghệ quốc phòng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Ở bên kia bán cầu, Trung Quốc bị yếu đi vì xử lý dịch bệnh một cách thảm hại, địa ốc khủng hoảng và công nghệ bị Nhà nước siết chặt. Còn châu Âu dân chủ mà Putin muốn hủy hoại bằng mọi giá ? Đây không phải là lúc để chùn chân, vì vẫn có thể thua cuộc.
« Maria Adela », điệp viên Nga theo dõi NATO
Cũng liên quan đến Nga, Le Figaro có bài viết về quá trình lần ra dấu vết của « Maria Adela », điệp viên Nga chuyên theo dõi NATO. Người phụ nữ đã nhiều năm giao thiệp với các sĩ quan đồng minh thuộc Liên quân NATO ở Napoli, mới đây bị tờ Bellingcat lật mặt sau cuộc điều tra kéo dài 10 tháng, hợp tác với The Insider (báo mạng Nga hiện đã di tản sang Latvia), Der Spiegel (Đức), La Republica (Ý). Cô ta xưng tên là Maria Adela Kuhfeldt Rivera, sinh ngày 01/09/1978 tại Callao (Pêru) - tên được ghi trên ba hộ chiếu Nga từng sử dụng. Theo lời kể của đương sự, thì cô có cha người Đức và mẹ người Pêru, sau khi chia tay người mẹ đã đưa con gái 2 tuổi sang Matxcơva rồi cho một gia đình người bạn nuôi.
Trong hơn 10 năm, người phụ nữ xinh đẹp, sang trọng sống tại nhiều thành phố châu Âu và di chuyển nhiều nơi : Malta, Ý, Pháp... Những người bạn tin rằng « Maria Adela » là nhà tạo mẫu nữ trang, người quản lý câu lạc bộ Lions Club ở Napoli, nhưng thực ra cô ta là nhân viên bí mật của GRU (cơ quan tình báo quân đội Nga). Cô đăng ký tại Paris nhãn hiệu nữ trang « Serein » dành cho nữ giới « thanh lịch », tuy nhiên đó chỉ là những sản phẩm rẻ tiền sản xuất tại Trung Quốc. Lions Club là nơi được các sĩ quan Mỹ, Đức, Ý, Bỉ lui tới trong nhiều sự kiện do « Maria Adela » tổ chức.
Bellingcat cho biết năm 2005, cơ quan hành chánh bang Lima ở Pêru nhận được đơn xin cấp passport của một người tên Maria Adela Kuhfeldt Rivera. Khai sinh có vẻ hợp lệ, nhưng giấy chứng nhận rửa tội ở nhà thờ Chúa Cứu Thế Callao cấp ghi ngày 14/09/1978, trong khi nhà thờ này…7 năm sau mới được xây lên ! Bị từ chối, « Maria Adela » tiếp tục dùng hộ chiếu chỉ khác một con số so với các điệp viên Nga trong vụ đầu độc Skripal, và đến 2018 bất ngờ mua vé bay về ở luôn tại Matxcơva, chỉ một ngày sau khi Bellingcat bắt đầu đăng tải vụ này. Vì thực ra cô ta tên Olga Kolobova, sinh năm 1982, con của cựu hiệu trưởng trường quân sự ở Ural. Matxcơva tố cáo trang web điều tra này là « mối đe dọa » cho an ninh nước Nga.
Nhận xét
Đăng nhận xét