Thừa nhận cần nền giáo dục thực chất: đừng chỉ là ‘nói suông’
Theo RFA
Bí thư thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) mới đây thừa nhận ‘cần một nền giáo dục thực chất để có thể tạo ra xã hội phát triển thực chất’. Ông Nguyễn Văn Nên phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại TPHCM hôm 25/8/2022.
Không chỉ nêu lên tầm quan trọng của một nền giáo dục thực chất, ông Nên còn cho rằng, muốn xã hội phát triển toàn diện và bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững tất cả các hoạt động, hệ đào tạo.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 26/8:
“Thực chất tất nhiên là đối lập với dối trá, bây giờ ông Nên nói như thế có nghĩa rằng ông đã nhận ra một sự thật phũ phàng và lâu nay cái đó là một chuyện nhức nhối. Không cần nói đâu xa mà chỉ cần xem báo chí nhà nước thì chúng ta đã thấy vô vàn những bài báo phê bình dối trá như thế nào, điểm số ra sao, đánh giá học trò theo thành tích, thầy cô giáo cũng phải theo thành tích chiến sĩ thi đua... Tất cả những cái đó trói buộc khiến giáo dục bị méo mó, cái đó không lạ. Có một điều hơi lạ là lần đầu tiên một cấp cao như thế họ nhận ra và nói như thế.”
Nhưng theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận xét của Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Văn Nên chỉ là bước đầu. Còn với tư cách là người lãnh đạo thì ông Nên phải có những hành xử sao cho thể hiện lời nói đó. Ông Dũng nói tiếp:
“Cái đó thì ai cũng biết khó khăn vô kể, chứ không dễ đâu, có những cái thuộc cá nhân ông ấy trong phạm vi Sài Gòn. Nhưng có những cái ngoài Sài Gòn thì ông thua, ngay cả trong Sài Gòn mà đụng đến những cấp cao hơn cũng không được. Cho nên những giới hạn đó cần phải có sự tháo gỡ chiến lược, chứ không đơn giản chỉ là nói đôi ba câu. Giới trí thức họ cũng đã nói cái này nhiều, nhóm này nhóm kia có những đề án từ hàng chục năm trước, nhưng cho đến nay ta thấy các đề án đó hầu như không có kết quả bao nhiêu. Bởi vì những vấn đề thuộc tầm vĩ mô chưa được tháo gỡ, cho nên không tránh khỏi những biện pháp đó chỉ mang tính chắp vá, vụn vặt, thiếu chiến lược...”
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được giới lãnh đạo Việt Nam nêu lên. Tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 30 tháng 5 năm 2019, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu lên kiến nghị liên quan triết lý giáo dục của Việt Nam. Theo đó cần thiết đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
Các Đại biểu Quốc hội dẫn chứng bệnh thành tích trong ngành giáo dục vào thời điểm đó không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất. Chẳng hạn lớp học có 43 học sinh mà trong đó có 42 em học sinh giỏi và duy nhất 1 em học sinh khá.
Hay trước đó, vào kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học (PTTH) năm 2018, năm đầu tiên lấy điểm tốt nghiệp PTTH để làm tiêu chí xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn... dẫn đến hàng loạt lãnh đạo các Sở Giáo dục và giáo viên phải chịu kỷ luật hay phải ra tòa vì những vi phạm.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc đảm bảo chất lượng, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, khi trả lời RFA vào thời điểm vấn đề này được nêu lên Nghị trường Quốc hội đã cho rằng:
“Tôi mừng là người ta nhận ra vấn đề. Nhưng mà tôi cũng tiếc, thậm chí phải nói là đau khi những lời cảnh báo của chỗ này chỗ khác bền bỉ trong nhiều năm qua và trong đó có tôi, tuy là yếu ớt thì không ai nghe. Hoặc là người ta biết mà người ta không dám nói. Chính tôi đã nói về những điều này, đã nhiều lần công khai ở nhiều chỗ khác nhau rằng không nên nói dối về sự thật, dù rằng nó đau nhưng nên nói ra để sửa. Đến bây giờ đưa ra giữa hội trường Quốc hội thì rất là muộn. Tôi nghĩ có lẽ đã 20 năm nay rồi đó. Nhưng tất nhiên là muộn còn hơn không.”
Từ năm 2019 đến nay, ngành giáo dục- đào tạo tại Việt Nam tiếp tục chịu nhiều tai tiếng không chỉ về yếu kém năng lực quản lý, dẫn đến chất lượng giáo dục- đào tạo sa sút, nhiều vụ lãnh đạo tham ô, lộng quyền, sử dụng bằng giả, mua bán bằng cấp, ăn chặn tiền của học sinh-sinh viên, vi phạm đạo đức…
Đơn cử như vào ngày 6/7/2022 vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phải kỷ luật ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bằng hình thức cảnh cáo do mắc khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới.
Hay vụ ông Đinh Quý Nhân, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tỉnh Quảng Bình, vào ngày 26/5/2022 bị khai trừ đảng vì ‘vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng chức vụ-quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước trong công tác tuyển dụng viên chức.
Mới nhất là vụ việc truyền thông nhà nước nêu lên phản ánh về việc học viên đăng ký và nộp học phí cho Trường cao đẳng Dược Hà Nội, nhưng dự kỳ thi tốt nghiệp của Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ, cuối cùng nhận bằng dược thực hành hệ chính quy của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn ở Đồng Nai. Sự việc khiến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vào ngày 26/8/2022 đã yêu cầu điều tra làm rõ.
Một sinh viên ở miền Trung không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 26/8 về những bất cập trong giáo dục hiện nay:
“Phía Nhà nước thì trước một cái mới mà người dân nghĩ ra, giới chức năng động viên thì ít, mà phản ứng đầu tiên thường là hạn chế, ngăn cấm. Tất nhiên về một số mặt chính quyền họ cũng khuyến khích và tạo cơ hội. Nhưng cần phải có sự thông thoáng hơn nữa để học sinh, sinh viên nói riêng, và mọi công dân nói chung có thể phát huy khả năng của mình. Phía học sinh sinh viên thì vì chưa thông thoáng nên cũng không dám phát huy những suy nghĩ độc lập, rồi thì nhũn ra, bảo sao làm vậy, không còn tinh thần đấu tranh cho những suy nghĩ đúng của mình nữa, đó chính là thói quen của nhiều người.”
Thời gian qua, nhiều vụ việc đã xảy ra khiến ngành giáo dục Việt Nam ngày càng bị đánh giá xấu. Không chỉ sai phạm ở cấp quản lý, ngay cả giới giáo chức cũng có sai phạm… Đơn cử như vụ bắt học sinh yếu kém ở nhà khi thi giáo viên giỏi xảy ra ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa Sài Gòn, hiện sinh sống tại Pháp, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:
“Tất cả những cái đó tôi chung quy vào một mối thôi, đó là cơ chế của đất nước chúng ta như thế. Một khi chúng ta không giải quyết được cơ chế mà để ý thức hệ ràng buộc, ‘vòng kim cô’ trên đầu thì chúng ta đừng nghĩ gì xa hơn. Triết lý giáo dục rất ‘nhân bản’ của con người là đủ rồi. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo một cái khuôn khổ, khuôn mẫu nào cả.”
Thực tế cho thấy, chưa có sự lạc quan nào cho viễn ảnh của ngành giáo dục Việt Nam, khi triết lý giáo dục vẫn phải theo cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục, được chủ yếu lấy từ Chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Nhận xét
Đăng nhận xét