Trung Quốc không giúp Lào trong khủng hoảng, cơ hội cho Việt Nam?

Bình luận của Phạm Hoài Sơn

2022.08.29


Trung Quốc không giúp Lào trong khủng hoảng, cơ hội cho Việt Nam?Cờ của Lào và cờ cộng sản trên đường phố thủ đô Vientiane hôm 12/3/2020
 AFP

Lào trên bờ vực phá sản

Lào đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính chưa từng có, bao gồm khoản nợ công trị giá 14,5 tỷ USD - khoảng một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc.[1]

Khoản nợ chính xác của Lào đối với Trung Quốc là vấn đề gây tranh cãi. Ngân hàng Thế giới tính toán rằng khoản nợ đó chiếm gần một nửa trong mức nợ chính thức 14,5 tỷ USD của Lào, tương đương khoảng 7,2 tỷ USD.[2] Tuy nhiên, AidData, một tổ chức nghiên cứu tại Viện nghiên cứu toàn cầu William & Mary, ước tính khoản nợ của Lào với Trung Quốc ở mức gần 12,2 tỷ USD, bao gồm một số giao dịch không được công khai.[3]

Ngân hàng Thế giới báo cáo vào tháng 1/2022 rằng trong khoản thanh toán nợ năm 2022 trị giá 35 tỷ USD mà 74 quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới phải trả, gần 13,1 tỷ USD là nợ với các thực thể của Trung Quốc. (Lào có thể nợ Trung Quốc khoảng 700 triệu USD tiền trả nợ hàng năm).[4]

Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ này, một mặt Lào phải có các khoản vay mới để đủ tiền mua các loại hàng hoá cần thiết cho cuộc sống của người dân, đồng thời đảm bảo khả năng trả nợ của mình cho các chủ nợ. Để làm được điều này, Lào phải đàm phán với các chủ nợ để có thể vay thêm nợ mới. Đồng thời Lào phải tăng cường các khoản thu để có thể trả nợ.

Vì sao Trung Quốc chưa ra tay cứu Lào?

Lào phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính ngày càng trầm trọng và dường như không có lối thoát nếu Trung Quốc không có một số hình thức cứu trợ hoặc xóa nợ cho Lào.

Một số nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ không để Lào vỡ nợ, vì những lý do địa chính trị hơn là các lý do kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài việc khoanh nợ và giãn nợ cũ, Trung Quốc vẫn chưa có động thái gì để giúp đỡ quốc gia Đông Nam Á này qua cơn hoạn nạn.

Vì sao Trung Quốc lại bàng quan như vậy khi lẽ ra cần phải cứu Lào - “đồng minh” thân thiết, luôn bảo vệ lợi ích của mình trong ASEAN, đặc biệt là vấn đề Biển Đông?

Một số nguồn thông tin thân cận với chính phủ Lào cho biết, nước này đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc giúp đỡ, nhưng những điều kiện Trung Quốc đưa ra, Lào không thể chấp nhận. Nói trắng ra, Trung Quốc muốn Lào thực sự kiệt quệ, lúc ấy Lào sẽ chấp nhận nhượng bộ nhiều yêu cầu của Trung Quốc, đặc biệt sẽ khiến Lào lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc về mọi mặt.

000_9TV8QZ (1).jpg
Hình chụp từ truyền hình Lào cho thấy Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào khi khai trương tuyến đường sắt nối Kunming (Trung Quốc) với thủ đô Vientiane của Lào hôm 3/12/2021. Tuyên sđường sắt do Trung Quốc xây dựng mất năm năm có vốn đầu tư lên đến sáu tỷ đô la thuộc chương trình Vành Đai Con Đường của Trung Quốc. AFP

Việt Nam có thể giúp Lào thế nào?

Không nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ Bắc Kinh, Lào đã phải quay sang tìm kiếm sự cứu trợ và giúp đỡ từ người hàng xóm của mình - Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Khang Vu cho biết việc Việt Nam cần phải lo lắng nếu Lào thực sự xảy ra vỡ vợ.[5] Bởi vì Lào vỡ nợ sẽ kéo theo nhiều tác động xấu đến kinh tế và địa chính trị của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Lào mới đây, Bộ trưởng Công thương Lào đã “đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ, giúp Lào giải quyết khó khăn về nguồn cung xăng dầu, mặt hàng nhiên liệu chiến lược đang có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của Lào.”[6]

Việt Nam đã viện trợ và cho Lào vay những khoản tiền để Lào duy trì những nhu cầu tối thiểu. Báo chí Việt Nam đã cho biết: “Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ viện trợ không hoàn lại cho Lào 3.600 tỷ đồng và cho vay 502 triệu USD để giúp Lào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.”[7]

Tuy nhiên, khả năng tài chính của Việt Nam có hạn, bản thân Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế của mình, cho nên khoản viện trợ và cho Lào vay cũng rất hạn chế.

Ngoài ra, do nền sản xuất của Lào gần như không đáng kể, cho nên việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế để trả nợ là điều không thể. Nguồn thu chính của Lào lúc này là xuất khẩu các tài nguyên của mình. Gần đây, tờ Vientiane Times đưa tin chính phủ Lào đang xem xét mời một công ty tư vấn quốc tế xác định giá trị tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản liên quan đến tài nguyên thiên nhiên để làm cơ sở thuyết phục các chủ nợ về khả năng thanh toán các khoản nợ tích luỹ của nước này.[8]

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính Lào, công ty tư vấn sẽ được thuê định giá giá trị của các dự án khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện.

Chính vì vậy, lúc này Việt Nam có thể giúp Lào trong việc tăng cường khai thác và xuất khẩu các tài nguyên của mình. Lào đang thiếu nhân công, nguồn vốn và công nghệ khai thác mỏ. Việt Nam có thể giúp đỡ Lào bằng cách cung cấp các giải pháp khai thác mỏ và giúp Lào tiêu thụ các khoáng sản này.

Những con đập mà Lào đang xây dựng cả trên dòng nhánh và dòng chính của sông Mekông đã tạo ra những tác động xấu đến đời sống kinh tế và xã hội ở Đồng bằng Sông Cửu long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam.[9] Đây cũng có thể là thời điểm mà Việt Nam có thể cùng đàm phán với Lào để cung cấp một số lợi ích kinh tế cho Lào, đổi lại phía Lào hạn chế việc xây dựng và hoạt động các đập thuỷ điện của mình trên dòng Mekông.

Khủng hoảng kinh tế lần này của Lào bắt đầu từ việc thiếu ngoại tệ. Nói cách khác, Lào đã buông lỏng quản lý ngoại tệ, dẫn đến việc không có ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá thiết yếu. Chính vì vậy, bên cạnh việc viện trợ và cho Lào vay, chính phủ Việt Nam cần cử một số chuyên gia về tài chính sang tư vấn giúp Lào thay đổi chính sách quản lý ngoại tệ, nhằm thoát khỏi khủng hoảng nợ nần.

000_329T6J2.jpg
Hình của truyền hình Lào hồi tháng năm năm 2022 cho thấy hàng dài người xếp hàng chờ mua xăng ở một trạm xăng tại thủ đô Vientiane vào khi quốc gia này đang vật lộn với việc thiếu hụt xăng dầu. AFP

Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm

Việc giúp Lào thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế lúc này sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Đặc biệt sẽ khiến ảnh hưởng của Việt Nam sẽ tăng lên ở quốc gia láng giềng Đông Nam Á này, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng hàng ngày tới Lào và Campuchia, vốn là hai quốc gia có chung biên giới và vốn có quan hệ “phên giậu” với Việt Nam.

Việc Lào bước vào khủng hoảng nợ như ngày hôm nay cũng sẽ là những bài học kinh nghiêm sâu sắc đối với Việt Nam. Mới đây, một nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết, chính quyền Nhật Bản rất ngạc nhiên khi họ muốn cung cấp vốn ODA cho Việt Nam với lãi suất chỉ 1% nhưng phía Việt Nam không buồn quan tâm, trong khi chính quyền Việt Nam sẵn sàng vay vốn từ Trung Quốc với lãi suất 3%.

Chính vì vậy, nhiều dự án của Trung Quốc tưởng chừng như mang lại lợi nhuận, nhưng thực ra lại tạo ra những khoản nợ ẩn. Trong bối cảnh Việt Nam cố tình bưng bít các thông tin về các dự án từ Trung Quốc, cũng như các khoản nợ đối với Trung Quốc. Công chúng sẽ khó giám sát được các khoản nợ này để đến một lúc nào đó, khi chính quyền công bố thông tin thì cũng là lúc đất nước đã bước vào tình trạng vỡ nợ.

______________

Tham khảo: 

 [1] https://www.lemonde.fr/en/economy/article/2022/08/04/laos-under-the-weight-of-chinese-debt_5992544_19.html

[2] https://asiatimes.com/2022/07/why-china-cant-let-laos-default/

[3] https://www.aiddata.org/how-china-lends

[4] https://www.worldbank.org/en/events/2021/12/08/borrowing-in-the-shadow-of-china

[5] https://thediplomat.com/2022/07/why-vietnam-should-be-worried-about-laos-economic-crisis/

[6] https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/viet-nam-lao-khang-dinh-quyet-tam-that-chat-quan-he-hop-tac-thuc-day-thuong-mai-song-phuong.html

[7] https://vtv.vn/kinh-te/hop-tac-tai-chinh-viet-nam-lao-20220725204808259.htm

[8] https://laotiantimes.com/2022/06/27/government-of-laos-to-value-state-assets/

[9] https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/02/ISEAS_Perspective_2021_34.pdf

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn