Chỗ của “con đỏ” chỉ là “hầm tai vạ
Bình luận của blogger Đồng Phụng Việt
Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện lệnh “khám xét khẩn cấp” nơi ở của bà Cao Thị Lĩnh, 32 tuổi (1). Theo Luật Tố tụng hình sự, “khám xét khẩn cấp” chỉ được thực hiện khi có căn cứ để xác định ai đó đang cất giữ công cụ, phương tiện phạm tội hay tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án nào đó hoặc cần tìm kiếm nạn nhân, cá nhân bị truy nã. Chắc chắn bà Lĩnh bị xem là có liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thử tìm kiếm thì không thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc bà Lĩnh bị khởi tố. Tin mới nhất liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” vừa đề cập cũng chi cho biết việc “khám xét khẩn cấp” nơi ở của bà Cao Thị Lĩnh là diễn biến mới nhất. Tuy nơi ở bị “khám xét khẩn cấp” nhưng bà Lĩnh vẫn còn vô sự. Điều này cho thấy, dường như “khám xét khẩn cấp” chỉ nhằm răn đe dân chúng, đồng thời thăm dò xem dân chúng sẽ phản ứng thế nào nếu các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật sử dụng “bạo lực cách mạng”.
Hôm 23/10/2023, các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật tại Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” (2) nhưng chưa xác định ai trong số hàng trăm người biểu tình, phản đối việc thực hiện Dự án Cảng Container Long Sơn là bị can.
Dự án Cảng Container Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư và được chính quyền địa phương hỗ trợ tận tình vì là “công trình hạ tầng biển quan trọng với Khu Kinh tế Nghi Sơn, tăng nguồn thu cho Thanh Hóa”.
Bất kể việc biểu tình, tuần hành trên tỉnh lộ 513 qua các xã Hải Hà, Hải Thượng, Hải Yến nhằm phản đối việc xây dựng Bến số 3 của Cảng Container Long Sơn đã được xác định là “gây rối trật tự công cộng” nhưng dân chúng vẫn không ngưng biểu tình, tuần hành.
Chưa biết sẽ còn bao nhiêu lệnh “khám xét khẩn cấp” nơi ở của những người tham gia biểu tình, tuần hành, sẽ có bao nhiêu người bị bắt và dân chúng có còn phản đối Dự án Cảng Container Long Sơn nữa hay không nhưng khả năng hủy bỏ dự án này rất thấp.
Không phải tự nhiên mà dân chúng xã Hải Hà biểu tình, tuần hành phản đối việc xậy dựng. Hải Hà là nơi cư trú của 3.000 gia đình. Gần như toàn bộ 11.000 dân ở Hải Hà khai thác hải sản ven bờ để sinh sống. Biến đoạn bờ biển này thành Cảng Container Long Sơn đồng nghĩa với việc triệt đường sống của 11.000 người ấy vì họ sẽ không còn nơi neo, đậu tàu, thuyền. Đó là chưa kể nếu Dự án Cảng Container Long Sơn hoàn tất, Hải Hà sẽ bị các dự án vây kín cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc (3).
Tại sao dân chúng không tin vào “chủ trương”, “ý nghĩa của dự án”? Điều đầu tiên có thể thấy là “chủ trương” không tính đến chuyện chừa cho những cá nhân, gia đình cư trú ở Hải Hà đường sống – sống làm sao khi Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy Gang Thép Nghi Sơn đã che kín ba hướng, không gian sinh tồn ô nhiễm trầm trọng vì khói, bụi, hướng duy nhất còn thoáng và cũng là nơi kiếm sống sẽ bị Cảng Container Long Sơn chắn nốt?
Còn muốn biết dự án có thật sự “ý nghĩa” hay không thì cứ nhìn vào vô số dự án ở Thanh Hóa nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Thanh Hóa đã tổ chức tuyên truyền, vận động dân chúng tuân thủ “chủ trương”, thực hiện bao nhiêu dự án đến giờ những dự án đó ra sao? Bởi hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp, hệ thống truyền thông chính thức đang dọn đường dư luận, chuẩn bị cho việc đưa ông Trịnh Văn Quyết ra xét xử (4) nên hãy lấy những dự án của FLC tại Thanh Hóa làm ví dụ.
Năm 2016, nhiều gia đình ở thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa phản đối việc thực hiện Khu Đô thị Du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn. Bởi những gia đình này “cứng đầu, khó bảo” không chịu nghe “tuyên truyền, vận động”, chống đối “chủ trương phát triển”, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt cưỡng chế vào tháng tư (5), tháng tám (6)... Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tống cổ 900 gia đình ra khỏi nơi cư trú của họ để thu hồi khoảng 200 héc ta giao cho chủ đầu tư với giá rẻ mạt.
Cũng năm 2016 khi đối thoại với dân chúng Sầm Sơn về việc thu hồi đất để giao cho FLC thực hiện Dự án Khu Du lịch sinh thái Quảng Cư, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc chính quyền đứng ra thu hồi đất để giao cho FLC là “đúng pháp luật” vì công an, thanh tra của tỉnh và trung ương đã thẩm tra. Khi dân chúng trình bày, chính quyền đã thu hồi hết rừng phòng hộ, ruộng vườn, ao hồ, giờ họ chẳng còn gì để sinh sống, chỉ mong được giữ đất thổ cư để tính kế sinh nhai,... ông Xứng gạt đi vì các dự án sẽ tạo ra sự thay đổi cho Sầm Sơn và dân chúng sẽ được hưởng lợi ích từ sự thay đổi đó nên họ phải biết hy sinh cho lợi ích chung (7)...
Cuối cùng, tuy được giao hết khu vực này đến khu vực khác tại Thanh Hóa nhưng FLC không làm được chuyện nào cho ra hồn. Bởi FLC nợ đến vài trăm tỉ tiền thuế nên Tổng cục Thuế và Cục Thuế các địa phương trong đó có Thanh Hóa phải áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm thu hồi thuế. Khu Đô thị Du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn bị chia năm, xẻ bảy và các chủ nợ đang thi nhau bán để thu hồi nợ (8). Thị xã Sầm Sơn tan hoang, đầu năm nay, FLC đề nghị trả lại dự án cho chính quyền tỉnh Thanh Hóa (9).
Cách nay ba tháng, Bộ Chính trị Đảng CSVN quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá các nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 - 2020 vì vi phạm quy định của đảng, pháp luật của nhà nước khi cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất của FLC, Dự án đầu tư công thuộc Đề án thành phố thông minh, Dự án Hạc Thành Tower,... gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, gây thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn cho ngân sách (10).
Đã có hàng chục viên chức lãnh đạo tổ chức đảng và chính quyền ở Thanh Hóa bị khai trừ, tước mọi chức vụ trong Đảng, trong chính quyền (11), bị cảnh cáo,... Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa vừa bị tống giam hôm 21/10/2023 để điều tra vì “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” (12).
Có một điểm cần chú ý là dẫu dân chúng Thanh Hóa rên xiết suốt hàng chục năm nhưng giới lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ vẫn nhắm mắt làm ngơ cho các viên chức ở Thanh Hóa nhũng lạm. Không thể tính đã có bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu con người rơi xuống đáy của bần cùng và số phận họ thế nào vì các dự án, ai sẽ xử lý chuyện này, làm sao xử lý thỏa đáng? Nếu có thời gian, cứ đọc lại những thông tin có liên quan đến “chủ trương”, đến việc thực hiện các dự án của FLC, tuyên bố, hứa hẹn của các viên chức hữu trách sẽ thấy Dự án Cảng Container Long Sơn chính là bản sao.
Bao giờ công dân mới được xem là CON NGƯỜI, không phải CON ĐỎ?
_____________
Tham khảo
(6) https://tienphong.vn/se-cuong-che-thu-hoi-dat-cua-dan-thuoc-du-an-flc-sam-son-post890113.tpo
(8) https://tienphong.vn/chu-no-dau-gia-tram-can-biet-thu-nghi-duong-tai-sam-son-post1579180.tpo
(9) https://vnexpress.net/hien-trang-du-an-du-lich-flc-xin-tra-lai-4579412.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét