Gói ngân sách G7 giúp Việt Nam ngưng sử dụng than: Cho vay nhiều, viện trợ ít

 Vietnam, coal mines

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Các thành viên G7 đề xuất tài trợ cho Việt Nam hơn 300 triệu USD để hỗ trợ các kế hoạch giảm sử dụng than. Khoản tiền này chỉ chiếm 2% gói tài chính 15,5 tỷ USD chủ yếu đến từ các khoản vay tốn kém mà Hà Nội lưỡng lự chấp nhận, theo Reuters.

Các tài liệu này – mà Reuters được đọc – được các nước tài trợ chốt vào cuối tháng 10 - lần đầu tiên tiết lộ chi tiết các khoản chi cấu thành gói ngân sách 15,5 tỷ USD mà các nước G7 và đối tác đề xuất vào tháng 12/2022 nhằm giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy để có thể nhận được khoản tài trợ lớn và các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện kế hoạch loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than và thay thế bằng các trang trại gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Nhưng các nhà tài trợ lại đề xuất các khoản vay đắt đỏ theo lãi suất thị trường trong bối cảnh các dự án điện chậm trễ kinh niên của Việt Nam.

Các nhà tài trợ cũng gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán về khí hậu với nước đang phát triển là đối tác khác: kế hoạch trị giá 8,5 tỷ USD cho Nam Phi đã được thông qua vào năm 2021 nhưng vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể và Indonesia đã trì hoãn kế hoạch đầu tư liên quan đến cam kết rót 20 tỷ USD của các nhà tài trợ.

Việt Nam vẫn cam kết hợp tác và đã chuẩn bị một danh sách dự thảo về các cam kết cải cách và hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như trang trại gió và mặt trời, nâng cấp lưới điện và hệ thống lưu trữ pin.

Trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 30/11 tại Dubai, danh sách này cần có sự chấp thuận của các đối tác quốc tế, những người đã yêu cầu Việt Nam đưa ra các quy định cải cách tham vọng hơn, đồng thời phải sự tham gia của xã hội dân sự vào các quyết định chống biến đổi khí hậu, một quan chức từ một tổ chức đối tác tài trợ cho biết.

Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

EU dẫn đầu, Mỹ theo sau

Đề xuất mà G7 vừa đưa ra bao gồm 321,5 triệu USD tiền tài trợ, gần như hoàn toàn từ Liên minh châu Âu và các quốc gia EU - những nhà hỗ trợ tài chính hàng đầu với tổng cam kết là 2,6 tỷ USD.

2,7 tỷ USD khác là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong đó khoảng 2/3 là do EU, Đức và Pháp cung cấp, và 1/3 còn lại là do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cung cấp - với một phần nhỏ từ Canada.

Tổng vốn tài trợ công đã tăng nhẹ lên 8 tỷ USD so với mức 7,75 tỷ USD đã cam kết vào tháng 12, nhưng hơn một nửa là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường mà Việt Nam lưỡng lự chấp nhận - đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay trên toàn cầu.

Các tài liệu cho biết, 7,5 tỷ USD còn lại dự kiến sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân theo dạng các khoản vay đắt đỏ, nhưng những khoản đầu tư đó phụ thuộc vào việc Việt Nam cải cách các quy định hiện hành và chất lượng của các dự án cụ thể.

Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào tháng 9 và Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD, hầu như chỉ cho vay theo lãi suất thị trường.

Một chuyên gia về khí hậu, người từ chối nêu tên trong bối cảnh có vẻ như Việt Nam đang đàn áp các chuyên gia và nhà hoạt động năng lượng, cho biết số tiền tài trợ rất thấp và có thể không đủ để thuyết phục Hà Nội loại bỏ dần than.

Theo ước tính của chính phủ, để tài trợ cho các kế hoạch phát điện, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD cho đến năm 2030 và nhiều hơn nữa vào giữa thế kỷ. Các quỹ G7 có thời hạn ban đầu là 3-5 năm và nhằm mục đích thu hút đầu tư tư nhân.

Theo kế hoạch của Việt Nam – vốn khiến các nhà tài trợ phải ngạc nhiên khi chúng được công bố vào tháng 5 - năng lượng được tạo ra từ than sẽ tăng cho đến năm 2030, trước khi giảm trong hai thập kỷ tiếp theo. Than dự kiến sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030 từ mức 31% năm 2020.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?