Chuyên gia cảnh báo Israel không có kế hoạch cho Gaza sau khi chiến tranh kết thúc
- Paul Adams
- Phóng viên ngoại giao của BBC
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cam kết "thay đổi Trung Đông." Tổng thống Mỹ Joe Biden nói "không quay trở lại hiện trạng." Thế nhưng khi lực lượng quân đội Israel tăng cường tấn công tại Dải Gaza và phát đi những cảnh báo khẩn cấp và mới nhất đến với người Palestine không được cản bước tiến, cuộc chiến tranh này đang đi đến đâu, và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau những diễn biến kinh hoàng xảy ra vào ngày 07/10, giới chức Israel tuyên bố họ có kế hoạch quét sạch quân Hamas ra khỏi Dải Gaza, về mặt quân sự và chính trị.
Thế nhưng vượt khỏi những sức mạnh quân sự áp đảo và không khoan nhượng, hiện không rõ là tham vọng chưa từng có tiền lệ này sẽ đạt được hay không.
"Không thể thúc đẩy một bước tiến lịch sử mà không có kế hoạch cho ngày tiếp theo đó," Tiến sĩ Michael Milshtein, người đứng đầu Diễn đàn Palestinian Studies Forum từ Trung tâm Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv nói.
Tiến sĩ Milshtein, cựu trưởng cơ quan phụ trách các vấn đề về Palestine thuộc cơ quan tình báo quân sự của Israel, lo ngại rằng kế hoạch này hầu như chưa bắt đầu.
"Cần phải thực hiện ngay lúc này," ông nói.
Các nhà ngoại giao Phương Tây nói họ đang tiến hành các cuộc thảo luận mạnh mẽ với phía Israel về tương lai, thế nhưng cho đến nay chưa có gì là rõ ràng.
"Hoàn toàn không có một kế hoạch cố định nào," một người nói với tôi. "Bạn có thể phác thảo một vài ý tưởng trên giấy, nhưng biến chúng thành sự thật thì sẽ mất hàng tuần, hàng tháng thực thi nền ngoại giao."
Có các kế hoạch quân sự, từ làm hao tổn năng lực quân sự của Hamas cho đến chiếm lấy các phần lớn của Dải Gaza. Thế nhưng những người có kinh nghiệm lâu năm giải quyết những cuộc khủng hoảng trước đây nói rằng vấn đề ở chỗ kế hoạch đi xa được bao nhiêu.
"Tôi không nghĩ có một giải pháp khả thi và có thể thực hiện được cho Gaza vào ngày sau khi chúng ta di tản lực lượng," Haim Tomer, một cựu quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo quân sự nước ngoài của Israel (Mossad) nói.
Người Israel gần như đồng thuận ở một điểm: Hamas phải bị đánh bại. Các cuộc thảm sát ngày 07/10 chỉ đơn giản là quá tồi tệ. Tổ chức này không thể được phép một lần nữa thống trị tại Gaza.
Thế nhưng theo Tiến sĩ Milshtein, thì Hamas là một ý tưởng, không phải là điều mà Israel có thể đơn giản muốn xóa bỏ là được.
"Không giống như Berlin vào năm 1945, khi bạn cắm lá cờ trên tòa nhà Reichstag là xong chuyện."
Một so sánh rõ hơn, ông cho biết, Iraq vào năm 2003, khi lực lượng quân sự do Mỹ dẫn đầu nỗ lực loại bỏ mọi dấu vết của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. "Chính sách De-Baathification [trừ khử sức ảnh hưởng của đảng Ba'ath trong hệ thống chính trị Iraq]", như tên gọi, được xem là một thảm họa. Chính sách này đã khiến hàng trăm ngàn nhân viên ngành dịch vụ công và các thành viên trong lực lượng vũ trang bị mất việc, gieo mầm cho một cuộc nổi dậy đầy sức tàn phá.
Các cựu chiến binh Mỹ trong cuộc xung đột này đang ở Israel, nói chuyện với giới chức quân sự Israel về kinh nghiệm của họ tại những nơi như Falluja và Mosul. "Tôi hy vọng rằng họ giải thích cho người Israel rằng họ đã phạm phải một số sai lầm kinh khủng tại Iraq," Tiến sĩ Milshtein cho biết.
"Ví dụ, không có bất kỳ sự ảo tưởng nào về việc xóa bỏ đảng cầm quyền hoặc thay đổi tư duy của người dân. Chuyện này sẽ không xảy ra."
Người dân Palestine đồng tình.
"Hamas là một tổ chức quần chúng có sức ảnh hưởng," Mustafa Barghouti, Chủ tịch Palestinian National Initiative nói. "Nếu họ muốn trừ khử Hamas, họ sẽ phải cần thanh lọc sắc tộc toàn bộ Dải Gaza."
Ý tưởng rằng Israel bí mật lên kế hoạch buộc hàng trăm ngàn người Palestine phải rời khỏi Dải Gaza và đi đến quốc gia Ai Cập láng giềng - đang làm dấy nên nỗi lo sợ có cội rễ sâu xa trong lòng người Palestine.
Đối với dân số phần lớn là người tị nạn - những người đã ra đi hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa khi nhà nước Israel được thành lập - ý tưởng về một cuộc di cư ồ ạt mới đã làm sống lại ký ức của những sự kiện đau thương vào những năm 1948.
"Chạy trốn có nghĩa là tấm vé một chiều," Diana Buttu, cựu phát ngôn viên của Tổ chức Giải phóng Palestine. "Điều này không có nghĩa là quay trở lại."
Giới bình luận người Israel, bao gồm các cựu quan chức cấp cao, đã thường xuyên đề cập đến nhu cầu người Palestine được bố trí định cư tạm thời dọc theo biên giới tại báo đảo Sinai của Ai Cập.
Giora Eiland, cựu nhà lãnh đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nói cách duy nhất để Israel đạt được các tham vọng quân sự của mình tại Gaza mà không phải giết nhiều người dân Palestine vô tội, là để dân thường di tản khỏi Gaza.
"Họ nên vượt qua biên giới đến Ai Cập," ông nói, "một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn."
Người dân Palestine thêm lo sợ từ một dòng trong lời yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20/10 gửi đến Quốc hội Mỹ để phê chuẩn về nguồn ngân sách hậu thuẫn Israel và Ukraine.
Theo đó, yêu cầu có nội dung: "Cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến việc mất nhà cửa dọc biên giới và các nhu cầu nhân đạo cao hơn trong khu vực."
Cho đến nay, Israel không có tuyên bố muốn người dân Palestine vượt qua biên giới. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thường xuyên yêu cầu người dân chỉ di chuyển đến "những khu vực an toàn" được xác định một cách không rõ ràng ở miền nam.
Thế nhưng Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sissi, đã cảnh báo cuộc chiến của Israel ở Gaza có thể "là một nỗ lực đẩy dân thường... di tản sang Ai Cập."
Giả định vẫn có người dân sống ở Dải Gaza sau khi cuộc chiến kết thúc, ai sẽ có quyền thống trị họ?
"Đây là một câu hỏi triệu USD," Tiến sĩ Milshtein nhận định.
Ông nói, Israel có thể ủng hộ việc tạo nên một chính quyền mới, do người dân ở Dải Gaza vận hành, với sự chấp thuận của lãnh đạo địa phương và sự ủng hộ từ Mỹ, Ai Cập, và có lẽ là Ả Rập Saudi.
Nên có bao gồm các lãnh đạo từ Fatah, thành phần Palestine đối địch mà Hamas đã trừ khử bằng bạo lực ra khỏi Dải Gaza một năm sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2006.
Fatah kiểm soát Chính quyền Dân tộc Palestine, vốn đặt tại thành phố Ramallah, ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.
Thế nhưng Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) cùng vị Tổng thống Mahmoud Abbas cao niên đang rất không được lòng người dân Palestine, ở cả Bờ Tây và Dải Gaza.
Diana Buttu nói Chính quyền Dân tộc Palestine có thể bí mật muốn quay trở về Gaza, nhưng không thực hiện điều này nếu đồng nghĩa "ngồi trên một xe tăng của Israel".
Và một cựu chiến binh người Palestine, chính trị gia Hanan Ashrawi, người đã bí mật phụng sự trong Chính quyền Dân tộc Palestine vào những năm 1990, phản ứng giận dữ trước ý tưởng rằng những người ngoài, bao gồm Israel, sẽ một lần nữa cố quyết định cách người dân Palestine sống như thế nào.
"Những người nghĩ đây là một bàn cờ và họ có thể di chuyển một vài con tốt thí ở đây và sau đó chiếu tướng vào lúc cuối cùng. Chuyện này sẽ không xảy ra," bà nói.
"Có thể tìm thấy một vài người hợp tác," bà nhận định, "thế giới người dân ở Gaza sẽ không mở lòng chấp nhận họ."
Trong số những người đã đối phó với các cuộc chiến tranh ở Gaza trước đây, mặc dù không theo quy mô này, thì vẫn còn nỗi lo sợ sâu sắc và cảm nhận rằng hầu như mọi chuyện đã được thử nghiệm trước đây.
Một cựu viên chức của Mossad, Haim Tomer nói ông sẽ ngưng các chiến dịch quân sự trong một tháng với nỗ lực giải thoát các con tin trước.
Hồi năm 2012, sau một vòng chiến đấu trước đó tại Gaza, ông đã tháp tùng vị giám đốc của Mossad đến Cairo để tham gia các cuộc hội đàm bí mật, dẫn đến một lệnh ngừng bắn.
Các đại diện của Hamas, ông nói, "ở phía bên kia đường," với giới chức Ai Cập đi ở giữa.
Một cơ chế tương tự nên được sử dụng một lần nữa, ông nói, và Israel sẽ hầu như phải trả một giá đắt.
"Tôi không quan tâm liệu chúng tôi sẽ thả vài ngàn tù nhân Hamas. Tôi muốn thấy người dân trở về nhà."
Ông nói rằng Israel có thể sau đó quyết định liệu có nên bắt đầu lại chiến dịch quân sự toàn diện hay không, hoặc lựa chọn một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Thế nhưng việc thiếu phân ranh lãnh thổ với Israel và bị kéo dài dọc Đại Tây Dương, ông nói rằng Israel có vận mệnh phải đối phó với Dải Gaza một cách vô thời hạn.
"Giống như chúng ta bị mắc xương trong cổ vậy."
Nhận xét
Đăng nhận xét