Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục: Bạo lực học đường đáng lo ngại

 Giáo dục

30/10/2023 13:46 GMT+7

1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận định từ xưa nay vẫn có bạo lực học đường nhưng gần đây, một số vụ việc có mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: GIA HÂN

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 30-10, bên hành lang họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ ý kiến về tình trạng bạo lực học đường.

Một phần do phim ảnh, mạng xã hội

Ông Vinh nhận định từ xưa nay vẫn có bạo lực học đường nhưng gần đây, một số vụ việc có mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại.

“Không chỉ động chân động tay mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau. Học sinh, bạn bè chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực”, ông Vinh nói.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần do tác động của phim ảnh, mạng xã hội không lành mạnh. Việc tiếp cận thông tin mạng xã hội, Internet của học sinh dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Ông cho rằng ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của bố mẹ, ông bà thì phần lớn trẻ hiện nay nhận sự giáo dục của nhà trường, nên việc hình thành văn hóa học đường là giải pháp căn cốt giảm bớt bạo lực học đường.

Tuy nhiên, việc này cần làm lâu dài chứ không thể “một sớm một chiều” là thấy kết quả ngay.

"Trong trường học, ai cũng ý thức về văn hóa học đường nhưng cần làm thường xuyên, giáo viên phải thật sự gương mẫu, mối quan hệ thầy với thầy, trò với trò làm sao trên tinh thần yêu thương nhau. Ngoài ra cần xây dựng 'sức đề kháng' cho các em để các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Bài học 2 con dê qua cầu

Ông Vinh cũng nói về việc nêu gương của người lớn, bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ, mà trẻ thường học và làm theo người lớn.

Cũng có ý kiến cho rằng khi còn nhỏ, các em có ý thức cao nhưng lớn hơn thì giảm dần độ tự giác, ông Vinh nhấn mạnh ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, “có xây, có chống”.

Việc nhiều gia đình lấy lý do công việc bận rộn không có thời gian cho con trẻ, ông Vinh nói vấn đề “không phải là bận hay không bận” mà là do ý thức của từng người, từng lúc, từng nơi, từng chỗ, dạy dỗ con trẻ không cần giờ giấc.

“Chương trình học kỳ quân đội chỉ 3 tuần nhưng học sinh đi về tự gấp chăn màn, bày tỏ sự yêu thương với bố mẹ. Chỉ 3 tuần đã tạo dựng nề nếp như thế. Trong khi trường học là nơi các em được giáo dục 12 năm. Môi trường giáo dục phải làm sao để các em bước vào cảm thấy là nơi tốt đẹp, tác động tích cực đến các em”, ông nhận định.

Ông Vinh cũng đánh giá văn hóa học đường còn nằm trong nội dung mỗi môn học, nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục, văn hóa cao sẽ ảnh hưởng rất tốt đến học sinh, ví dụ bài học hai con dê qua cầu: Nếu nhường nhịn thì thế nào, không nhường nhịn sẽ ra sao?

Thời gian qua có một số vụ việc bạo lực học đường thu hút quan tâm của dư luận như vụ nữ sinh lớp 9 ở Khánh Hòa bị 5 bạn cùng trường đánh nhiều lần, còn quay clip, chia sẻ trên mạng xã hội.

Hay một nam sinh ở Thạch Thất, Hà Nội ngồi thụp tại một góc hành lang và bị nhóm bạn đánh hội đồng, quay clip.

Mặc áo hồng, tuyên chiến với bạo lực học đườngMặc áo hồng, tuyên chiến với bạo lực học đường

Những chiếc áo hồng trong trường học dần trở thành một hình ảnh tượng trưng cho nỗ lực của các học sinh "tuyên chiến" với bạo lực học đường.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?