Nhà lưu trú là giải pháp nhiều ưu thế khi nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt
PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG (THỰC HIỆN)
Do nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế, nhiều công nhân lao động phải đi thuê trọ ở các khu dân cư lân cận với điều kiện sống tạm bợ, chật chội. Ngày 28.10, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - về vấn đề này.
Hiện công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) đang rất thiếu chỗ ở, nhà ở. Đại biểu đánh giá thế nào về hình thức phát triển nhà ở xã hội hiện nay?
- Hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động làm việc tại gần 400 KCN. Tỉ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các KCN, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu.
Theo khảo sát đầu năm 2023 của Viện Công nhân - Công đoàn, có tới 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân sinh với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, không bảo đảm sinh hoạt lâu dài.
Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động là hết sức cần thiết. Thực tế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã triển khai việc xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động thuê.
Ở nước ta, Công đoàn là chủ thể đặc biệt vừa là tổ chức đại diện người lao động - vừa là tổ chức chính trị - xã hội.
Với những phân tích nêu trên, tôi đề nghị quy định Tổng LĐLĐVN là một trong các chủ thể chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà xã hội để cho người lao động thuê. Đồng thời, bổ sung Công đoàn là chủ đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.
Đề nghị phải coi đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị của Công đoàn đối với đoàn viên của mình, đối với công nhân, người lao động.
Về địa điểm xây dựng nhà lưu trú tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang có ý kiến khác nhau, ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang thiết kế theo hướng chỉ cho phép xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN và không tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài KCN.
Như đã phân tích ở trên, trước nhu cầu rất cao về chỗ ở của công nhân, người lao động, việc huy động nguồn lực xã hội, mở rộng chủ thể được phép đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động là hết sức cần thiết.
Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân cả ở ngoài phạm vi KCN. Bởi lẽ, trong thực tế, đối với những KCN đã hình thành từ lâu, đã sản xuất ổn định, tập trung nhiều người lao động thì đến nay không còn quỹ đất bên trong để xây dựng nhà lưu trú.
Trong khi đó, chủ đầu tư KCN hoặc doanh nghiệp hoạt động tại KCN có nguyện vọng xây dựng nhà lưu trú cho người lao động của mình ở ngoài phạm vi KCN thì chưa có cơ chế để thực hiện.
Mặt khác, nhà lưu trú không chỉ là nhu cầu của riêng người lao động trong KCN mà còn là mong muốn tha thiết của nhiều người lao động làm việc ngoài KCN. Trong lúc nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng thì nhà lưu trú là giải pháp có nhiều ưu thế.
Nhà lưu trú cần được xem xét tổng thể cả trong và ngoài KCN, quy định dự thảo Luật Nhà ở cần được xây dựng trên cơ sở bằng chứng thực tiễn, không vì sợ khó quản lý, sợ dễ dẫn đến lạm dụng, sợ trục lợi mà bỏ qua chính sách tốt đẹp này. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung và sửa các điều tương ứng trong Dự thảo Luật nhất là tại mục 3 Chương VI.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, theo ông cần rà soát và quy định thế nào cho hợp lý nhất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)?
- Dự thảo luật quy định đối với nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, cho thuê mua đối với từng căn hộ hoặc nếu là nhà cho thuê có số lượng từ 20 căn hộ trở lên thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 thì để trở thành chủ đầu tư phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Như vậy, theo quy định của dự thảo Luật Nhà ở thì cá nhân không được xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để bán hoặc cho thuê mua kể cả khi trong tòa nhà chỉ có 2 căn hộ để bán hoặc cho thuê mua mà chỉ được xây nhà cho thuê.
Trong khi đó, Khoản 2 Điều 57 quy định đối với căn hộ cho thuê dưới 20 căn thì không phải đáp ứng yêu cầu là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng.
Như vậy, cùng 1 tòa nhà có dưới 20 căn hộ nếu cho thuê thì không cần đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nhưng nếu để bán hoặc cho thuê mua thì lại phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Ý nghĩa của điều kiện này là gì cần được lý giải thuyết phục và có căn cứ.
Quy định tại của dự thảo luật như trên thiên về kiểm soát đầu vào, tập trung vào mối quan hệ pháp lý giữa bên đầu tư xây dựng và bên sử dụng mà chưa tập trung vào việc kiểm soát đầu ra nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng tức là người mua, người thuê mua hay người thuê.
Bên cạnh đó, việc đưa ra quy định chỉ cho phép doanh nghiệp và hợp tác xã được đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để bán, cho thuê mua mà không cho cá nhân thực hiện sẽ có tác động tiêu cực đến nguồn cung căn hộ này, làm giảm khả năng tiếp cận chỗ ở của phần lớn công nhân, viên chức, người lao động thu nhập thấp ở các đô thị lớn.
Do đó, đề nghị rà soát lại, để quy định phù hợp, khả thi hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhận xét
Đăng nhận xét