Nga: Sách giáo khoa mới bị cáo buộc 'tẩy trắng' lịch sử đế quốc
- Anastasia Golubeva
- BBC News Tiếng Nga
Từ năm sau 2024, các học sinh trung học ở Nga sẽ bắt đầu sử dụng sách giáo khoa mới về lịch sử thế kỷ 18 đến 20.
Theo tác giả, nhà sử học Aleksandr Chubaryan, sách sẽ có nội dung giảng dạy cho các em học sinh rằng nước Nga không phải là một đế quốc thực dân và không có đế chế như cách mà nước Anh cho thấy, như một điển hình.
Các lời bình luận trước khi sách giáo khoa được ấn bản đã gây nên nhiều tranh cãi.
BBC Tiếng Nga đã trao đổi với các sử gia từ các nước và vùng trước đây từng thuộc đế chế Liên Xô cũ về phản ứng của họ.
“Tất cả các đế chế của thế giới đều sở hữu lãnh thổ ở nước ngoài, nhưng chúng ta đều chia sẻ không gian chung. Vì vậy, khi những lãnh thổ trở thành một phần của nước Nga, thì cùng được bao gồm trong một khu vực kinh tế chung, và cùng gắn kết như một thể thống nhất.”
Nhà sử học Aleksandr Chubaryan đã phác thảo ý tưởng gây tranh cãi đằng sau quyển sách giáo khoa mới cho các học sinh cấp trung học tại Nga.
Các quốc gia từng thuộc đế chế Nga và Liên Xô cũ có thể xem Nga là một đế quốc thực dân, ông lập luận, nhưng đế quốc Nga khác biệt. Nhà sử học này đưa ra nhận định rằng nước Nga không thuộc “chế độ thực dân cổ điển,” và bất kỳ sự so sánh nào với đế chế Anh Quốc đều căn bản là sai lệch.
Quyển sách mới của Chubaryan, có nội dung bao trùm lịch sử Nga trong giai đoạn từ thế kỷ 18 đến 20, sẽ được ấn bản vào năm 2024. Và đây không chỉ là quyển sách giáo khoa mới duy nhất chứa đựng một nỗ lực tái thẩm định quá khứ của nước Nga.
Cựu Bộ trưởng Văn hoá, và kiêm cố vấn đặc biệt của tổng thống Nga, Vladimir Medinsky, mới đây đã xuất bản sách giáo khoa lịch sử về mối quan hệ của Liên bang Xô Viết và mối quan hệ Nga-Mỹ, bao gồm một chương bổ sung giải thích cho học sinh trung học hiểu về “chiến dịch quân sự đặc biệt”, một tên gọi khác của cuộc chiến tranh do Putin phát động ở Ukraine.
Sách giáo khoa của Medinksy biên soạn đã vẽ nên một bức tranh tươi đẹp về cách mà Liên Xô vận hành, có nội dung 15 thực thể quốc gia cộng hoà đã cùng hợp tác vì nền thịnh vượng chung, rằng kết hôn giữa các sắc tộc với nhau “đã giúp gắn kết” các dân tộc khác nhau, và rằng không có nạn kỳ thị chủng tộc.
Bất kỳ tâm lý theo chủ nghĩa dân tộc, ly khai hoặc chống cộng sản đều chỉ do Mỹ và CIA dẫn dắt, ông Medinksy giữ vững lập luận trong sách.
BBC Tiếng Nga đã trao đổi với các nhà sử học và chuyên gia về phi thực dân hoá từ các quốc gia láng giềng của Nga, từng thuộc đế chế Liên Xô và Nga, để xem phản ứng của họ về những nỗ lực mới nhất của Nga trong việc thẩm định lại quá khứ.
'Vẫn là một đế chế cổ điển'
Đối với Serhii Plokhy, Giáo sư Lịch sử Ukraine từ Đại học Harvard, ý tưởng về đế chế Nga hơi khác biệt bởi vì không có lãnh thổ ở nước ngoài “là điều đáng bị ngờ vực nhất.”
“Nước Nga là một đế chế đất liền cổ điển, giống Mông Cổ, Hapsburg và đến mức độ nào đó, là đế chế của người Ottoman,” ông nói với BBC.
Nhà sử học người Azerbaijan đang phải sống lưu vong, Arif Yunusov, từ Viện Institute for Peace and Democracy đồng ý với đánh giá này.
“Một trong những sở thích lớn nhất của nước Nga, đó là tự so sánh chính mình với nước Anh,” ông nói với BBC. “Có những đế chế không có lãnh thổ ở nước ngoài như Ottoman – và do đó bạn không thấy Thổ Nhĩ Kỳ mô tả “các cuộc chinh phạt” như “công cuộc sáp nhập lãnh thổ.” Có nhiều đặc tính song song giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỹ - sự tập trung những dân tộc và lãnh thổ bị chinh phạt xoay quanh một hạt nhân.”
Đối với Yunosov, có một sự khác biệt đáng kể giữa ngôn ngữ và ý tưởng trong các quyển sách giáo khoa mới của Nga và cách mà lịch sử cuộc chinh phạt các quốc gia vùng Caucasus được mô tả trong những quyển sách và tài liệu của thế kỷ 19.
“Họ gọi những người dân địa phương là “bản địa” và mô tả cách cần phải thực hiện để chinh phạt họ,” ông nói. “Một thuật ngữ rất khác biệt so với ngày nay.”
Đối với nhà hoạt động và người dẫn podcast từ Cộng hoà Tuva thuộc Liên bang Nga, Danhaya Khovalyg, thậm chí ý tưởng đóng khung câu hỏi xung quanh cách một đế chế chinh phạt lãnh thổ của quốc gia khác là “mang tính thực dân và lấy Phương Tây làm trọng tâm.”
“Tôi đang định nghĩa thực dân hoá là “một tiến trình thiết lập nền độc tài và sức ảnh hưởng – về kinh tế, chính trị, và văn hoá – của một lãnh thổ này lên lãnh thổ khác, với một nền văn hoá và tư tưởng thực dân mang tính thống trị,” bà nhận định.
“Xét theo ý này, thì nước Nga là một đế chế cổ điển nhất trong tất cả.”
Nội thực dân
Trở lại thế kỷ 19, cách mà nước Nga do các Sa Hoàng lãnh đạo dần dần mở rộng bờ cõi của đế chế sang các lãnh thổ lân cận được xem là “quá trình nội thực dân.”
Thuật ngữ này được ghi nhận vào năm 1895 trong Bách khoa toàn thư Brockhaus, nhà sử học Tiến sĩ Dina Gusejnova từ Đại học London School of Economics nói.
“Đây là một thuật ngữ mang tính phân tích, mô tả các bờ cõi của một đế chế sẽ tiến xa “bằng chủ nghĩa thực dân tự nguyện” do quyền lực nhà nước hậu thuẫn,” bà giải thích.
“Đa số người dân bị một giới tinh hoa bóc lột. Giới quan sát quốc tế đã viết về điều này quay lại thế kỷ 19, như các nhà xã hội học của Nga trong thời kỳ đế quốc.
Cách thức đế chế Nga mở rộng bờ cõi thật sự không khác biệt mấy so với nước Anh và Pháp khi tăng cường số lãnh thổ ở nước ngoài, Stephen Badalyan Riegg, một nhà sử học về vùng Caucasus ở Đại học Texas nói.
“Cộng đồng quốc tế các nhà sử học – bao gồm những người Nga bản địa từ Nga – nói chung đồng ý rằng đế chế Romanov sử dụng tư tưởng và các thực hành của “chủ nghĩa thực dân người cư trú” không giống như những đế chế chinh phạt theo đường biển.”
Dù là theo đường đất liền hay biển, yếu tố chính là tất cả các đế chế chinh phạt đều có một điểm chung về cách họ thiết lập một hệ thống cấp bậc, ông nói.
“Tất cả các đế chế đều là những thực thể vốn đặt nhóm này lên trên nhóm khác – không chỉ là giới tinh hoa trong thành thị mà toàn bộ các cộng đồng ngôn ngữ, tôn giáo và sắc tộc cũng được nâng cấp.”
Vì vậy Chubaryan đúng khi nói rằng đế chế Nga là hơi khác biệt và tốt hơn các đế chế khác hay không?
“Đế chế Nga không khác hoặc tồi tệ hơn các đế chế đương thời,” Riegg nói. “Đế chế Nga chiến đấu – và hợp tác với – Anh Quốc, Nhật Bản và các cường quốc khác, và tự thấy chính mình và các đối thủ là những nhân tố trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu chung vì nguồn lực của các dân tộc và lãnh thổ nước ngoài.”
Một không gian chung?
Đối với nhà sử học người Armenia, Tigran Zakaryan, một lập luận gây tranh cãi khác trong sách của Chubaryan là tuyên bố cho rằng Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ được chinh phạt thành một “không gian kinh tế xã hội” chung.
“Trước khi bị thực dân hoá, châu Mỹ không có mối quan hệ kinh tế nào với các quốc gia châu Âu. Sau đó, các quốc gia châu Âu đã kết hợp châu Mỹ hoàn toàn vào hệ thống của mình,” ông nói.
“Ấn Độ trước thời kỳ thuộc địa có tiến hành giao thương chủ động với phía nước Anh – và chỉ sau khi thực dân Anh lên nắm quyền, người Anh mới thống lĩnh nền kinh tế Ấn Độ. Tôi không thấy lý do tại sao chúng ta lại không nhìn vào những vùng lãnh thổ khác nhau, từng là một phần của đế chế Nga theo cùng lăng kính như vậy,” ông nói thêm.
Ông Zakaryan cũng lập luận khái niệm về “một không gian kinh tế chung” mang ngụ ý rằng các lãnh thổ đã bị bắt buộc kết hợp thành một đế chế, hơi “đi thụt lùi” so với trước đó.
Đây là một lập luận tương thích với nhiều sử học tại vùng Caucasus và Trung Á.
Kỷ nguyên Xô Viết – 'một đế chế phát triển' và 'lãnh thổ thụt lùi'
Bắt đầu thế kỷ cuối cùng, Đế chế Nga tự thấy mình rơi vào hỗn loạn theo sau hai cuộc cách mạng và ý tưởng về các quốc gia bị chinh phạt để đạt được nền hoà bình, nhà sử học người Kyrgyzstan Eleri Bitikçi nói.
Người Cộng sản Bolshevik đã có thể giúp nước Nga tránh khỏi việc tan rã hơn nữa, và nước Nga Xô Viết có thể duy trì sự kiểm soát đối với các nước vùng Trung Á thông qua những sự nhượng bộ trong chính sách quốc gia của mình vào đầu những năm 1920. Tuy nhiên, tình hình thay đổi vào những năm 1930, khi Moscow trở lại vinh danh dân tộc Nga và bắt đầu chính sách 'Nga hóa' bờ cõi quốc gia.
“Bước xoay chuyển này có liên quan đến tuyên bố dân tộc Nga là cấp cao nhất thế giới, những người đầu tiên đã tiến hành cuộc cách mạng cộng sản và được đặt trên các nền tảng theo chủ nghĩa Marx khác, bao gồm các nhà nước Tây Âu,” ông nói.
Tiến trình thực dân hoá các quốc gia Trung Âu không dừng lại. Nhưng lần này, đây là một tiến trình thực dân công nghiệp. Một hệ thống cấp bậc xuất hiện ở Liên Xô, với tầng lớp dân số vô sản hơn được xem phát triển hơn.
Điều này đã hình thành một mối quan hệ thực dân mới giữa Moscow và các quốc gia Trung Á. Tiến trình thực dân công nghiệp lớn nhất được áp đặt lên Kazakhstan và Kyrgyzstan, nơi các nhóm cư dân địa phương được huấn luyện làm nông nghiệp. Tinh hoa cốt lõi của mối quan hệ thực dân – “đế chế phát triển” và “lãnh thổ thụt lùi” – vẫn không thay đổi thậm chí ngay bên trong Liên Xô.
“Trong suốt thời kỳ Liên Xô ở Cộng hòa Liên Xô Kirghiz (nay là Kyrgyzstan), công nghệ đã không được giảng dạy bằng tiếng Kyrgyz, trong khi môn học nhân văn, như sư phạm, lịch sử, ngôn ngữ, và chuyên ngành nông nghiệp được giảng dạy bằng tiếng Kyrgyz. Kết quả là, có sự thiếu hụt những người Kyrgyz có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghiệp. Ví dụ, vào cuối những năm 1980, bốn nhà máy ở thủ đô (khi đó là Frunze, nay là Bishkek), chỉ có 2,8% công nhân người Kyrgyz có trình độ bằng cấp cao, trong khi 49,3% thì có bằng cấp thấp hoặc không có bằng cấp,” Bitikçi nói.
Tẩy trắng và xoá sạch: cách viết sách lịch sử Nga
Thế thì các sách giáo khoa thời Xô Viết nói gì về quá khứ thực dân của Nga và sự hình thành liên bang?
“Tại các quốc gia cộng hoà [cũ], chúng tôi được bảo những gì có thể viết và không thể viết,” Arif Yunusov nói. “Đây là một khuôn khổ, Chúng tôi không thể chỉ trích Nga, chúng tôi phải nói về sự gia nhập tình nguyện của Azerbaijan – và chúng tôi phải nói rằng nước Nga mang sứ mệnh lịch sử giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Vào thời điểm đó, mọi thứ đều là lỗi của những nhà nước “quý tộc”.”
Yunusov nhó lại chuyện các sử gia không thể viết về Kinh Qu’ran bởi vì đây là hệ tư tưởng phản tôn giáo của Liên Xô, và KGB đã cấm tất cả việc tiếp cận tài liệu.
Sách giáo khoa về lịch sử của Liên Xô là quyển sách về lịch sử của Nga, hiếm khi nói về lịch sử của các quốc gia cộng hòa cũ, Yunusov nói. Và các nhà sử học, những người đã cố chỉ trích những tường thuật này được ghép là theo chủ nghĩa dân tộc.
Nhìn theo quan điểm này, sách giáo khoa do Chubaryan và Medinsky biên soạn không thật sự có gì mới, nhà hoạt động người Tuvan, Danhaya Khovalyg nói.
Nhà nước Nga đã từ lâu ấn bản những sách giáo khoa về lịch sử các dân tộc quốc gia này đã đô hộ, bà cho biết thêm.
“Năm tới, một quyển sách giáo khoa mới được ra lò, nhấn mạnh tiếp về mối gắn kết “anh em” giữa dân tộc Tuvan và Nga.”
“Nước Nga đã viết lại lịch sử trong hàng thế kỷ qua, đặc biệt là lịch sử thực dân – nhưng chỉ đến nay, lịch sử của chính họ đang được viết lại mà một số người Nga bắt đầu chú ý đến,” Khovalyg nói thêm.
Định hình lại đế chế
Rõ ràng là cả về sách giáo khoa mới và từ những tuyên bố từ giới chức Nga, họ biết rõ cuộc tranh luận toàn cầu rộng hơn về sức tác động của chủ nghĩa thực dân và đế chế, và họ đang tìm cách lợi dụng điều này.
“Nhà nước Nga đang tẩy trắng từ “đế chế” bởi vì hiện nó có gắn liền với hệ thống thứ bậc, bóc lột và gạt ra rìa xã hội,” Stephen Riegg nói.
“Vì vậy Chubaryan đã lặp lại tuyên bố chính thức – các đế chế thực dân và Xô Viết nhân bản hơn và công bằng hơn các đế chế Phương Tây.”
Nhưng cách tiếp cận của Chubaryan không xem xét đến nhận định từ các chuyên gia ở những nước cộng hoà cũ, từng thuộc Liên Xô. Và đối với Tigran Zakaryan, điều này đã tạo nên các lập luận về “chống đế quốc mang tính giả tạo.”
Giống như Đức chuẩn bị cho Thế chiến lần nhất, Nga đang cố gắng tự đặt mình vào phe chống chủ nghĩa thực dân, và cách duy nhất để làm điều này là thật sự tẩy trắng hoặc bác bỏ quá khứ thực dân của mình, ông nói.
Lịch sử - danh sách biện minh cho chiến tranh
Có thể vào năm 2023, nhưng phiên bản lịch sử hiện nay đang được giới thiệu giảng dạy cho học sinh, dường như là một sự kết hợp giữa chủ nghĩa Stalin và tư tưởng bảo thủ của Nga vào đầu thế kỷ 20, Tigran Zakaryan nói.
Và đối với các quốc gia láng giềng của Nga, cũng như một số phần của Liên bang Nga, đây là điều ngày càng trở nên không mấy dễ chịu.
“Lời cáo lỗi cho một đế chế - không đưa ra nổi một từ ngữ nào - đây là sự biện minh về mặt tri thức của Nga về sự ám ảnh lấy lại những quốc gia cộng hoà cũ,” Zakaryan nói.
Dina Gusejnova từ London School of Economics đồng ý. Bà lưu ý rằng các sách giáo khoa mới nhắm đến học sinh lớp 11 “giải thích về sự không thể tránh khỏi – và thậm chí cần thiết – của cuộc chiến tranh chống lại quốc gia láng giềng.”
“Dĩ nhiên, chủ nghĩa dân tộc của Nga hiện nay là “tốt”, vì vậy chủ nghĩa dân tộc của Ukraine đã bị dán nhãn là “dân tộc cực đoan’,” bà nói.
“Cuộc chiến đấu của quân Nga chống lại “dân tộc cực đoan” của Ukraine được so sánh với cuộc chiến đấu chống Phát xít vào Thế chiến lần hai – thế nhưng những người Ukraine chiến đấu cho phe Liên Xô đã biến mất theo cách nào đó, giờ chỉ còn những kẻ cực đoan ‘Banderite’ sót lại.”
Sách giáo khoa mới của Chubaryan sẽ đưa ra chi tiết về “phiên bản dài” lịch sử của Nga, tương phản với lời tóm tắt lịch sử thế kỷ 20 của Putin, “từ Banderite cho đến những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.”
“Về căn bản, đây sẽ là một nghiên cứu về đế chế ‘tốt’ không có chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cho thấy sự tiếp nối của đế chế Nga, Liên Xô đa quốc gia, và Liên bang Nga.
Và điều này mang đến các tác giả một cơ hội để nói rằng không gian hậu Xô Viết không có vấn đề về quá trình phi thực dân hoá mà các đế chế khác phải đối mặt – như Pháp, và cuộc chiến tranh ở Algeria,” Gusejnova nói.
Danhaya Khovalyg mô tả cách tiếp cận này đối với lịch sử là “nỗi đau” của một chế độ thực dân với tiếng la thất thanh cuối cùng khi sắp từ giã cõi đời.
“Chính quyền biết người dân đang bắt đầu bàn tán về chủ nghĩa thực dân và phi thực dân hoá,” bà nói. “Tất cả điều họ có thể làm lúc này là đưa những từ ngữ đó xuất hiện, với hy vọng thuyết phục được thế hệ trẻ hơn, và củng cố sự trung thành của người dân đã ủng hộ chế độ này.”
Bà cho rằng Điện Kremlin hiện đang lo ngại về bị dán nhãn “đế quốc Nga” vì các nhà hoạt động Ukraine và những người khác mô tả cuộc xâm lăng của Nga như một “cuộc chiến tranh thực dân.”
“Sách giáo khoa sẽ khiến bạn tin rằng cuộc chiến này không phải là tội ác của Nga,” nhà sử học người Azerbaijan Arif Yunusov nói.
“Nước Nga đang dẫn đầu một cuộc viễn chinh giải phóng; không phải chinh phạt. Người Anh có thể chiếm Afghanistan hay Ấn Độ, nhưng nước Nga chỉ thuần túy sáp nhập, thống nhất. Và Moscow không quan tâm người dân nghĩ gì tại các quốc gia cộng hòa cũ. Điều quan trọng là để người dân Nga lĩnh hội một chuyện hoang đường – bởi vì câu chuyện về nước Nga là về một cuộc chiến tranh không thấy hồi kết.”
Nhận xét
Đăng nhận xét