Việt Nam còn dư gần 1.000 tỷ đồng quỹ phòng, chống dịch COVID-19 được huy động từ dân
2023.10.29
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây cho biết tổ chức này hiện còn 932 tỷ đồng trong quỹ phòng, chống dịch COVID-19 được huy động từ các nguồn lực xã hội, đề nghị trung ương cho ý kiến về việc sử dụng nguồn quỹ này.
Truyền thông Nhà nước cho biết, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng ngày 29/10, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch, tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho biết thông tin này.
Bà Hà nói, kể từ khi đại dịch xuất hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, huy động các nguồn lực xã hội. Kết quả, tổng số tiền mặt và hiện vật ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng từ cấp trung ương, tại địa phương huy động được trên 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Hà cho biết vì bối cảnh đại dịch lần đầu, chưa có kinh nghiệm, trong khi phải chống dịch phải nhanh chóng, do đó quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt các căn cứ pháp lý.
Người đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương không phải thu hồi để nộp về quỹ vắc xin; nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư (ở trung ương còn dư 118 tỉ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỉ), đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về trung ương theo quy định.
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 ở Việt Nam và đến đầu năm 2023 về cơ bản đã được kiểm soát. Đến tháng 6/2023, Bộ Y tế Việt Nam quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Chính phủ Việt Nam hôm 28/10 cũng ra một nghị quyết mới bãi bỏ chín nghị quyết và một phần trong bốn nghị quyết được ban hành thời đại dịch.
Đã có hai vụ án tham nhũng lớn liên quan đến các quan chức Chính phủ xảy ra trong giai đoạn này là vụ “các chuyến bay giải cứu” (đưa công dân từ nước ngoài về nước) và vụ các bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.
Ngoài hai vụ tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương theo dõi và chỉ đạo, mới đây, Bộ Công an cho biết, tổng kết giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, công an các cấp ở Việt Nam đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 đối tượng với số tiền gần ba tỷ đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét