ĐIỂM TUẦN BÁO
RFI
Phép thử Israel : Mỹ có thể chiến đấu ở cả Trung Đông, Ukraina và Đài Loan ?
Theo The Economist, cách mà ông Joe Biden xử trí cuộc chiến giữa Israel với Hamas sẽ xác định vai trò toàn cầu của nước Mỹ. Tuần báo đặt vấn đề, liệu Hoa Kỳ có thể đối phó với cả ba cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Ukraina và Đài Loan hay không.
Đăng ngày:
Tình hình nóng bỏng ở Trung Đông là hồ sơ của tất cả các tuần báo kỳ này, kể cả nguyệt san Le Monde Diplomatique. Courrier International đưa tít trang bìa « Chiến tranh Israel-Hamas : Một sự rạn nứt của thế giới ». The Economist đăng hình tổng thống Joe Biden, chạy tựa « Trắc nghiệm của Mỹ ». L’Obs dành nhiều trang báo cho cuộc tranh luận giữa giáo sĩ Do Thái Delphine Horvilleur và nhà văn Kamel Daoud.
Cuộc chiến cuối cùng ở Gaza ?
Bộ trưởng quốc phòng Israel, Yoav Gallant khẳng định : « Đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng ở Gaza, vì lý do đơn giản là sẽ không còn Hamas ». Đối với L’Express, sự can thiệp của quân đội Israel vào Gaza là đầy nguy hiểm vì dù mạnh hơn rất nhiều, nhưng Hamas có ưu thế sân nhà.
Theo nhà nghiên cứu Héloïse Fayet của IFRI, Tsahal có thể tấn công từ ba mặt : bộ binh tiến vào đất liền, tiếp tục oanh tạc, và xâm nhập Gaza bằng đường biển. Đó là ưu thế quý giá trong bối cảnh những trận đánh đô thị không thuận lợi cho phía tấn công. Tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy một lữ đoàn thiết giáp nói thêm, do khó thể dùng xe tăng, phải dựa vào lục quân và như vậy tốn rất nhiều đạn dược, thời gian và nhân mạng.
Chuyên gia David Khalfa của Fondation Jean-Jaurès cho biết, từ 2014 lực lượng đặc biệt Israel đã tập luyện về chiến tranh dưới lòng đất với sự trợ giúp của các cảm biến, robot và quân khuyển ; từ 2005 đã xây dựng thành phố nhân tạo Baladia có cùng khung cảnh như Gaza ở sa mạc Neguev. Tuần báo cho rằng rủi ro lớn nhất của Israel là về chính trị thay vì quân sự.
Giấc mơ hòa bình nào cho Trung Đông
L’Obs cho rằng giấc mơ của Martin Luther King ở Washington năm 1963 tuy khá viển vông, nhưng hãy cứ mơ một chút. Rằng dù không thể không đáp trả vụ khủng bố hôm 07/10, một ngày nào đó có thể tái thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo không nên để cho sự phẫn nộ lấn át, nhưng kèm theo đó là hỗ trợ quân sự quan trọng. Dù việc oanh kích vào Dải Gaza ngày càng tăng, nhưng khác với mọi dự đoán, chính phủ Netanyahou không vội vã. Từ mười mấy ngày qua, Israel liên tục rải truyền đơn và gởi tin nhắn vào điện thoại di động của dân Gaza, yêu cầu rời khỏi khu vực phía bắc, để họ có thời gian sơ tán. Tuy thận trọng nhưng khó tránh được thiệt hại cho thường dân trong cuộc tấn công lịch sử của quân đội Israel.
Phía Hamas, theo chuyên gia Michel Goya, đã chuyên nghiệp hóa bộ binh, thậm chí có cả lực lượng đặc biệt là Nukhba. Nhưng nếu Israel khẳng định chiến đấu với những kẻ khủng bố cuồng tín nhân danh các giá trị dân chủ, theo L’Obs cũng phải tôn trọng một số nguyên tắc, để sau này còn có thể ngồi vào bàn đàm phán.
Hamas lũng đoạn thông tin, Nga và Trung Quốc tiếp tay
Mặt trận truyền thông cũng quan trọng không kém quân sự. Về vụ nổ ở bệnh viện Gaza, L’Express đặt câu hỏi « Làm thế nào mà những cơ quan báo chí lớn lại có thể lầm lẫn đến như vậy ? ». Le Point giải thích « Phương Tây đã thua trong cuộc chiến thông tin ra sao ».Tối thứ Ba tuần trước, Hamas tố cáo Israel oanh tạc bệnh viện Al-Ahli làm gần 500 thường dân thiệt mạng. Truyền thông quốc tế vội vã loan tin dù các chi tiết rất mơ hồ, không thể biết được ai đã gây ra vụ nổ và bao nhiêu người chết.
Cả BBC, CNN lẫn New York Times đều nói rằng đó là do « Israel không kích », không hề nói rằng chính quyền Dải Gaza hoàn toàn do Hamas kiểm soát - tổ chức Hồi giáo vừa thảm sát trên 1.400 thường dân Israel trong vụ đột kích. Tin theo tuyên truyền của Hamas, dân Ả Rập phẫn nộ và chính quyền các nước này không dám nói ngược lại. Sự hèn nhát của họ giúp ông chủ Iran thọc gậy bánh xe quá trình bình thường hóa của Ả Rập Xê Út với Israel.
Nếu việc tuyên truyền này hiệu quả như thế, là nhờ Nga và Trung Quốc tiếp tay thổi phồng, gieo rắc nghi ngờ bằng cách trộn lẫn giả với thật . Hình ảnh do trí thông minh nhân tạo (AI) dựng lên : một em bé khóc thét trong đống gạch vụn ở Gaza, được những người biểu tình giận dữ giơ cao tại các nước Ả Rập. Ngược lại, bức ảnh thật của một bé sơ sinh bị bọn khủng bố thiêu sống trong một kibboutz Israel, do chính phủ Jerusalem công bố, lại bị mạng xã hội cho là do AI tạo ra. Cẩm nang tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo năm 2017 nhấn mạnh « Vũ khí truyền thông có thể còn mãnh liệt hơn bom nguyên tử ».
Chẳng lẽ X, tức Twitter, lại khả tín hơn New York Times ? Dù rất bất toàn, nhưng thực tế là trong mấy tuần qua, mạng xã hội và đặc biệt là X trở thành nguồn tin quan trọng. Theo giáo sư Yascha Mounk của đại học Johns Hopkins, trong những giờ sau vụ nổ ở bệnh viện, một độc giả thông minh có thể hiểu rõ hơn sự kiện khi dành 10 phút cho mạng X thay vì 10 phút để đọc những tờ báo nổi tiếng nhất. Năm ngày sau sự kiện, New York Times mới đăng lời xin lỗi độc giả, và tiếp đó Le Monde của Pháp cũng có bài viết trần tình.
Sức mạnh vô địch của Hoa Kỳ
The Economist đặt vấn đề « Sức mạnh Mỹ là cần thiết hay không hiệu quả ? ». Theo tuần báo, cách mà ông Joe Biden xử trí cuộc chiến giữa Israel với Hamas sẽ xác định vai trò toàn cầu của nước Mỹ. Đồng thời khẳng định « Hoa Kỳ có thể đối phó với cả ba cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Ukraina và Đài Loan ».
Trong khi các đội quân Israel đang chờ lệnh tiến vào Gaza, chỉ ba ngày sau vụ thảm sát, hai hàng không mẫu hạm đã được gởi đến để răn đe. Không có quốc gia nào trên thế giới làm được điều đó. Hai chiếc mẫu hạm là « lời tuyên bố nặng 200.000 tấn » về sức mạnh Mỹ, vào lúc mà nhiều nơi ngỡ rằng đang suy tàn, chứng minh Hoa Kỳ có thể triển khai uy lực từ rất xa. Sự biểu dương này gởi đi hai thông điệp. Với Iran và các phe nhóm tay sai : Hãy tránh ra xa ! Với Israel : Các bạn không đơn độc. Joe Biden bỗng trở thành một tổng thống thời chiến. Le Point nhắc lại, Biden bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc rút quân khỏi Afghanistan, không còn muốn cam kết ở Trung Đông để tập trung đối phó với Trung Quốc.
Lần đầu tiên từ khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ phải đối phó với phe chống đối có tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo. Mối đe dọa đầu tiên là sự hỗn loạn do Iran gieo rắc ở Trung Đông và Nga ở Ukraina, ảnh hưởng đến nguồn lực chính trị, tài chánh và quân sự Mỹ. Thứ hai là tính chất phức tạp. Một nhóm nước trong đó có Ấn Độ, Ả Rập Xê Út tuy không muốn rối loạn như Iran và Nga, nhưng cũng không nghe theo Washington. Thứ ba và trầm trọng nhất : Trung Quốc có tham vọng thay đổi trật tự thế giới, diễn dịch lại các quan điểm dân chủ, tự do, nhân quyền theo lợi ích của chính mình.
Mối nguy này càng tăng thêm với xu hướng biệt lập trong chính giới Mỹ, bác bỏ trách nhiệm quốc tế. Cần nhớ rằng cần phải xảy ra trận Trân Châu Cảng, nước Mỹ mới tham chiến năm 1941. Chẳng hạn trong hồ sơ Ukraina, phe Cộng Hòa thân Trump muốn ngưng viện trợ cho Kiev. Điều này thật vô nghĩa vì chẳng khác mời gọi Nga tấn công tiếp vào các nước NATO, khiến Mỹ tốn thêm người và của, cho thấy thấy Washington không còn là đồng minh đáng tin cậy ; khuyến khích Trung Quốc chiếm Đài Loan.
Mỹ có thể tham gia ba cuộc chiến cùng lúc
Bên cạnh những trở ngại trên đây, Hoa Kỳ có những ưu thế tuyệt vời, trước hết là quân sự. Không chỉ triển khai hàng không mẫu hạm, Washington còn cung cấp vũ khí, tin tình báo và chuyên gia cho Israel. Trung Quốc tăng cao chi quốc phòng, nhưng chi tiêu của Mỹ vẫn bằng mười nước đứng sau cộng lại, và đa số nước này là các đồng minh. Trọng lượng kinh tế của Hoa Kỳ cũng vô cùng lớn, chiếm 1/4 sản lượng thế giới tuy dân số chỉ bằng 1/20, tỉ lệ này không thay đổi suốt bốn thập niên qua, với sức mạnh công nghệ và tính năng động. Một thế mạnh nữa là ngoại giao. Chiến tranh Ukraina đã chứng tỏ giá trị của NATO, tại châu Á, Mỹ lập liên minh AUKUS và củng cố quan hệ với nhiều nước trong đó có Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc.
Hoa Kỳ chi viện nhiều loại vũ khí khác nhau cho Ukraina, Đài Loan và nay là Israel. Một số đang thiếu như đạn pháo 155 ly thay vì gởi cho Ukraina đã chuyển sang Israel, nên người ta cho rằng nếu chiến tranh xảy ra với Đài Loan, sẽ thiếu hỏa tiễn chống hạm tầm xa. Khi siết chặt Israel trong vòng tay để ngăn cản một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, một số người cho rằng siêu cường già nua lại bị Trung Đông giữ chân sau 15 năm cố gắng rút khỏi.
Dù vậy cuộc khủng hoảng này không đến nỗi thảm họa như chiến tranh Afghanistan và Irak. Công thức của ông Biden còn tốt hơn, đó là thử xem nước Mỹ có thích ứng được với một thế giới phức tạp hơn và đầy đe dọa. Những giá trị Mỹ dù không hoàn hảo nhưng vẫn thu hút người dân khắp thế giới, ngược với Trung Quốc cộng sản. Nếu Biden thành công trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Gaza, sẽ tốt cho nước Mỹ, cho Trung Đông và cho thế giới.
Hamas và những « kẻ ngốc hữu dụng »
Triết gia Bernard-Henri Lévy trên Le Point cảm thán « Lại thêm ‘chủ nghĩa Hamas’ của những tên đần ». Đối với mấy chục ngàn người hôm Chủ nhật 22/10 biểu tình tại nhiều thành phố Pháp và châu Âu để ủng hộ « chính nghĩa Palestine », ông muốn hỏi, họ ở đâu khi Hamas – chứ không phải Israel – tra tấn, thảm sát những người Palestine có cái tội là mong muốn hòa bình, tự do ? Vì sao họ không hăng hái phản đối khi 380.000 người thiệt mạng trong chiến tranh Yemen, 400.000 nạn nhân Syria, hay những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc diệt chủng ?
Thực tế là đối với họ, những cái chết ấy chẳng có nghĩa lý gì. Họ cũng chẳng xuống đường khi 1.400 người dân ở các kibboutz Israel bị chặt đầu, mổ bụng, thiêu sống. Chưa kể nguyên nhân biểu tình của những người này là vụ nổ ở một bệnh viện Gaza, do một quả đạn của phía Palestine chứ không phải Israel. Ông nhắc lại, xưa kia người ta vẫn nói, bài Do Thái là chủ nghĩa xã hội của những kẻ ngốc.
Tác giả Peggy Sastre thì tỏ ra kinh ngạc khi nhiều nhà đấu tranh cho quyền của người đồng tính (LGBT) lại ủng hộ Hamas, những kẻ Hồi giáo cực đoan chỉ muốn tiêu diệt Nhà nước Do Thái. Theo báo cáo của William Institute về việc chấp nhận thiểu số đồng tính trên thế giới, tập hợp dữ liệu của 40 năm, Palestine xếp thứ 130/175 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau cả Nga và Ả Rập Xê Út. Về công lý và an ninh cho phụ nữ, Palestine ở hạng 160/170. Năm ngoái, khoảng 100 người Palestine LGBT đã phải sang Israel tị nạn vì bị đàn áp. Trong số các nạn nhân có Ahmad Abou Marhia, 25 tuổi, bị bắt cóc và sát hại ở Cisjordanie, các hung thủ còn đăng lên mạng xã hội, cả cảnh bị Marhia bị chặt đầu.
Ukraina : Những làn sóng tấn công 24/24 ở Avdiivka
Trung tâm chú ý của thế giới chuyển sang Trung Đông : không có gì đáng mừng hơn cho Vladimir Putin. Mặt trận Ukraina lại bốc lửa ở Avdiivka, chỉ cách Donetsk 12 kilomet, nhưng không mấy ai nhận thấy thành phố này đang trở thành một Bakhmut hay Mariupol mới. Courrier International dẫn lời thị trưởng Vitaliy Barabach trên Kyiv Post : « Địch oanh kích thành phố cả ngày lẫn đêm, dùng đại bác, moọc-chê, súng phóng rốc-kết đa nòng, không kích ». Trên kênh thông tin 24, nhà phân tích Vladislav Selezniov lo ngại quân Nga sẽ biến Avdiivka thành « Mariupol 2.0 », khi cố gắng bao vây thành phố.
Từ khi bắt đầu chuyển sang thế công ngày 10/10, thiệt hại của quân Nga đã tăng gấp đôi, gấp ba. Chẳng hạn hôm 19/10 Nga đã « nướng » đến 1.380 quân, nhiều nhất kể từ đầu năm nay. Chuyên gia Oleh Jdanov mô tả : « Nga lâm chiến như hồi năm 1941, họ tràn ngập các vị trí của chúng tôi bằng hàng loạt xác chết. Những đợt tấn công diễn ra liên tục 24/24, dù với xe bọc thép hay không ». Cũng theo trang 24, dường như có liên hệ với việc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược. Còn theo chuyên gia Mykhailo Samus, chiến dịch này mang tính chính trị, là món quà cho Putin trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024 – quân đội chỉ là công cụ của chế độ.
Trả lời Le Point, tác giả Timothy Snyder cho rằng « Nếu muốn hòa bình, hãy mong Ukraina chiến thắng ». Theo ông, cuộc chiến tranh này đơn giản hơn nhiều người vẫn nghĩ. Những ai kêu gọi hòa bình bằng mọi giá tốt nhất nên kêu gọi chiến thắng cho Ukraina : bị thống trị không phải là một dạng hòa bình có thể chấp nhận được. Người Tây Âu thường quên rằng hòa bình mà họ có được sau năm 1945 là kết quả của một chiến thắng quân sự, thắng rồi mới có được hòa bình.
Vết nhơ của cực tả Pháp
Là nước có cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo đông đảo nhất châu Âu, nước Pháp không tránh khỏi những xáo trộn trước tình hình Trung Đông, chính giới chia rẽ. Le Point nói về « Bi kịch Pháp », L’Express đăng chân dung thủ lãnh đảng cực tả với tựa lớn « Mélenchon, thảm họa ».
Từ vài ngày qua, nhiều người Pháp đã bỏ phiếu cho đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) nói rằng họ sẽ không ủng hộ nữa. Sự ngụy biện của đảng này, nhất định từ chối coi vụ Hamas tấn công vào thường dân Israel là khủng bố, đã khiến cho nhiều cử tri sững sờ. Đã nhiều năm LFI ve vãn cử tri Hồi giáo và bài Do Thái, nhưng sự man rợ và tầm cỡ của vụ thảm sát khiến lần này sai lầm của Jean-Luc Mélenchon là lịch sử, là vết nhơ không thể xóa nhòa. Theo L’Express, rõ ràng đối với cánh tả Pháp, trước và sau ngày 07/10 đã hoàn toàn khác.
Trung Quốc : Lý Khắc Cường đột tử, hồi kết của thời kỳ mở cửa
Nhìn sang Trung Quốc, cái chết đột ngột của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường là sự kiện rất được chú ý. Le Figaro cuối tuần cho biết « Bắc Kinh thương tiếc Lý Khắc Cường, địch thủ bị rơi đài của Tập Cận Bình » còn Courrier International nhận xét ông Lý là nhân vật trái ngược với ông Tập. Trong hơn 12 tiếng đồng hồ, báo chí nhà nước lúng túng về cách đưa tin vụ đột tử của thủ tướng chỉ mới rời chức vụ hồi tháng Ba. Tin Lý Khắc Cường « bất ngờ qua đời vì đau tim » có đến 2 tỉ lượt đọc trên Vi Bác, mạng xã hội nở rộ những bông hoa cúc tưởng niệm. « Ông ấy còn quá trẻ », « Một thủ tướng giỏi của nhân dân », « Người có học cuối cùng đã chết » … Thậm chí có cư dân mạng còn dám viết « Đáng tiếc không phải là anh », câu nói « phạm thượng » mượn nhan đề một bài hát nổi tiếng.
Mới hôm 30/08 Lý Khắc Cường còn đăng hình đi nghỉ mát trông rất trẻ khỏe, từ khi bị cho về hưu. Nhà kỹ trị xuất thân từ một gia đình bình dân, là một trong những quan chức cao cấp cuối cùng còn quảng bá cho kỷ nguyên cải cách. Một nhà quan sát nhận xét : « Cái chết của ông ấy là một cú sốc, đánh dấu hồi kết của 40 năm mở cửa ». Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) bị thanh trừng, tỉ lệ tăng trưởng giảm còn phân nửa.
Lý Khắc Cường là người đầu tiên đến Vũ Hán để thanh sát và chỉ đạo khi đại dịch vừa khởi phát, trong khi Tập Cận Bình cả tháng sau mới thấy xuất hiện. Được người dân yêu mến có lẽ là một trong những bi kịch của ông Lý. Trong chế độ độc đảng Trung Quốc, cái chết của một nhà lãnh đạo là cơ hội hiếm hoi để bày tỏ bất mãn dưới bề ngoài tưởng niệm, như đám tang nhà cải cách Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) kéo theo phong trào biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Một kịch bản khó thể diễn ra trong Trung Quốc bị ông Tập khóa kín, một mình một chợ, nhưng đối mặt với thách thức tế nhị là tổ chức tang lễ long trọng cho đối thủ nhưng không để biến thành biểu tượng của một thời kỳ vàng son đã mất.
Nhận xét
Đăng nhận xét