Sầu riêng Việt Nam làm tăng giá ly cà phê của bạn như thế nào?

 


Sầu riêng Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Linh Pham/Bloomberg/Getty Images

  • Tác giả,Jake Lapham
  • Vai trò,BBC News

Người dân Việt Nam ưu tiên trồng sầu riêng hơn cà phê do sự vượt trội về giá trị kinh tế mà loại trái cây "hôi nhất thế giới" mang lại. Đó là một trong những tác nhân khiến giá cà phê thế giới tăng.

Giá bao nhiêu là quá cao cho một tách cà phê?

Mức giá 5 bảng Anh (161.000 đồng Việt Nam) ở London hay 7 USD (171.000 đồng) ở New York cho một tách cà phê có thể là mức không tưởng đối với nhiều người. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thành hiện thực vì các yếu tố về kinh tế và môi trường ở các vùng sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Nhà phân tích Judy Ganes cho biết giá của hạt cà phê chưa rang được giao dịch trên thị trường toàn cầu hiện đang ở "mức cao kỷ lục".

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như mất mùa, các tác nhân thị trường, kho dự trữ cạn kiệt - và cả loại trái cây "hôi" nhất thế giới.

Vì sao giá cà phê lại cao vào lúc này và điều đó ảnh hưởng đến tách cà phê sáng của bạn ra sao?

Năm 2021, một đợt sương giá bất thường đã quét sạch các vụ mùa cà phê ở Brazil - nhà sản xuất hạt arabica lớn nhất thế giới - loại hạt thường được sử dụng trong cà phê pha chế.

Sự thiếu hụt hạt này khiến người mua chuyển sang các quốc gia như Việt Nam - nhà sản xuất chính của hạt robusta, loại hạt thường có trong các loại cà phê hòa tan.

Nhưng nông dân Việt Nam đã phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ trong khu vực.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê, từ đó tác động đến sản lượng hạt, theo ông Will Firth - một nhà tư vấn cà phê làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó, nông dân Việt Nam chuyển sang trồng một loại quả có ruột màu vàng có mùi hôi: sầu riêng.

Lượng cà phê tồn kho của Việt Nam "gần cạn" trong khi còn hai tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch tiếp theo

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Lượng cà phê tồn kho của Việt Nam "gần cạn" trong khi còn hai tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch tiếp theo

Sầu riêng bị cấm mang lên phương tiện công cộng ở Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Hong Kong nhưng lại rất được yêu thích ở Trung Quốc.

Và nông dân Việt Nam đang dần trồng sầu riêng thay cà phê để kiếm tiền từ thị trường mới nổi này.

Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2024 và một số người ước tính rằng loại cây trồng này có lợi nhuận cao gấp năm lần so với cà phê.

"Nông dân Việt Nam thường thay đổi nhanh chóng theo sự biến động của giá thị trường, trồng trọt quá mức khiến sản lượng bị dư thừa," ông Firth nói.

Khi họ ồ ạt xuất sầu riêng sang Trung Quốc, xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam đã giảm 50% vào tháng 6/2024 so với tháng 6/2023 và lượng tồn kho hiện đang "gần cạn kiệt", theo Tổ chức Cà phê Quốc tế.

Các nhà xuất khẩu ở Colombia, Ethiopia, Peru và Uganda đã tăng cường sản lượng nhưng vẫn chưa đủ để bù vào nguồn cung cà phê bị thu hẹp.

"Khi nhu cầu cho hạt robusta gia tăng cũng là lúc thế giới tranh nhau nguồn cung," nhà phân tích Ganes giải thích.

Điều này có nghĩa là giá hạt cà phê robusta và arabica hiện được giao dịch ở mức cao gần kỷ lục trên thị trường hàng hóa.

Cơn bão thị trường pha chế

Liệu nền kinh tế cà phê toàn cầu đang thay đổi thực sự ảnh hưởng đến giá tách cà phê bạn uống trên đường phố không? Câu trả lời ngắn gọn là "có thể".

Nhà bán sỉ Paul Armstrong tin rằng những người thích cà phê có thể sớm phải đối mặt với viễn cảnh "điên rồ" là phải trả tận 5 bảng Anh (161.000 đồng) tại Vương quốc Anh cho một "liều caffeine".

“Hầu như mọi tác nhân đều hội tụ vào lúc này,” ông Armstrong nói.

Ông Armstrong - người điều hành cơ sở rang cà phê Carrara Coffee Roasters ở vùng East Midlands (Vương quốc Anh) - nhập khẩu hạt cà phê từ Nam Mỹ và châu Á, sau đó rang và gửi đến các quán cà phê trên khắp đất nước.

Ông nói với BBC rằng gần đây ông đã tăng giá cà phê của mình và hy vọng điều đó sẽ bù đắp cho chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, ông cho biết kể từ đó, các chi phí chỉ tiếp tục tăng chứ không giảm.

Ông cho biết thêm rằng với một số hợp đồng sắp kết thúc trong vài tháng tới, các quán cà phê mà ông phục vụ sẽ sớm phải quyết định liệu có nên tăng giá bán cà phê đối với khách hàng của họ hay không.

Tuy nhiên, ông Firth từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định một số phân khúc của ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những phân khúc khác.

"Cà phê bán đại trà sẽ bị tác động nhiều nhất. Cà phê hòa tan, cà phê trong siêu thị, đồ uống tại trạm xăng - tất cả đều tăng giá," ông Firth nói.

Các số liệu trong ngành cho thấy giá hạt cà phê trên thị trường cao hơn không hẳn sẽ khiến giá bán lẻ cao hơn.

Ông Felipe Barretto Croce, giám đốc điều hành của FAFCoffees tại Brazil, đồng ý rằng người tiêu dùng đang "cảm thấy khó khăn" khi giá tiêu dùng tăng.

Nhưng ông lập luận rằng "chủ yếu do lạm phát nói chung", chẳng hạn như tiền thuê nhà và nhân công, chứ không phải chi phí hạt cà phê. Công ty tư vấn Allegra Strategies ước tính hạt cà phê chỉ chiếm chưa đến 10% giá của một tách cà phê.

"Cà phê vẫn rất rẻ nếu bạn tự pha ở nhà," ông Croce nói.

Ông cũng nhận định rằng giá hạt cà phê chất lượng thấp tăng cao có thể giúp cho loại cà phê chất lượng cao được nhìn nhận tốt hơn.

"Nếu bạn mua một ly ở một quán cà phê đặc sản tại London và một ly ở chuỗi Costa Coffee, độ chênh lệch về giá giữa hai ly cà phê đang nhỏ hơn rất nhiều so với trước đây," ông Croce nói.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng về việc giá sẽ giảm trong thời gian tới.

Mất đất trong tương lai

Vụ mùa xuân sắp tới ở Brazil, nơi sản xuất một phần ba cà phê của thế giới, hiện "rất quan trọng", theo ông Croce.

"Mọi người đang quan sát xem khi nào có mưa trở lại," ông nói.

"Nếu có mưa sớm, cây sẽ đủ khỏe và sẽ đơm hoa tốt."

Ông Croce nói thêm rằng nếu mưa đến muộn, chẳng hạn như vào tháng 10, thì năng suất vụ mùa năm sau được dự báo sẽ giảm và căng thẳng thị trường sẽ tiếp tục.

Về lâu dài, biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho ngành công nghiệp cà phê toàn cầu.

Các vụ mùa cà phê ở Sao Paolo, Brazil bị một đợt sương giá bất thường vào năm 2021 tàn phá

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Cây cà phê ở Sao Paolo, Brazil bị một đợt sương giá bất thường vào năm 2021 tàn phá

Một nghiên cứu từ năm 2022 kết luận rằng ngay cả khi chúng ta giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, diện tích thích hợp nhất để trồng cà phê có thể giảm 50% vào năm 2050.

Một biện pháp để bảo vệ tương lai cho ngành này được ông Croce ủng hộ là "phí xanh" - một khoản thuế nhỏ đánh vào cà phê và trao cho nông dân để đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp tái tạo, giúp bảo vệ và duy trì khả năng tồn tại của đất nông nghiệp.

Do đó, trong khi loại trái cây có mùi hôi (sầu riêng) phần nào khiến giá cà phê tăng lên hiện nay thì biến đổi khí hậu có thể khiến người tiêu dùng hao tiền hơn cho cà phê trong những năm tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Tim đập nhanh gấp 3 lần bình thường, người phụ nữ trẻ phải đi cấp cứu