Diễn văn khai mạc của ông Phạm Bình Minh tại hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba
____
Dịch giả: Nhật Minh
Toàn Văn Phát Biểu Khai Mạc của Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hội Thảo Ấn Độ Dương Lần Thứ Ba Ở Hà Nội ngày 27/8/2018.
Hà Nội, 27 tháng 8 năm 2018
Kính thưa các quý Ngài,
Các đồng nghiệp ưu tú,
Các quý ông, quý bà,
Hãy để tôi thay mặt Chính phủ Việt Nam, nồng nhiệt chào đón tất cả quý vị đến Hà Nội tham dự Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 3 với chủ đề “Xây dựng Kiến trúc khu vực” để thảo luận các vấn đề chiến lược và kinh tế phù hợp với an ninh, hòa bình và thịnh vượng của châu Á.
Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là nơi có một số nền văn minh lớn nhất và cổ đại nhất trên thế giới. Chúng được kết nối không chỉ qua các vùng biển, mà còn bởi các tương tác thường xuyên và mạnh mẽ ở nhiều lãnh vực.
Ngày nay, những mối quan hệ này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mức độ trao đổi cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa đang trở thành động lực mới để biến đổi thế kỷ châu Á thành thế kỷ Ấn Độ-Á-Thái Bình Dương.
Thật vậy, khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương ngày càng nổi lên như một thực thể thống nhất. Sự hiện diện của đông đảo quý vị tại hội nghị này là một bằng chứng khác cho thực tế này. Tất cả chúng ta đều là những bên liên quan trong khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng khu vực của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống. Chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng chống toàn cầu hóa chỉ là một vài thách thức được kể tên trong số đó.
Bất chấp những thách thức này, nguyện vọng cho một Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Chúng ta sẽ hình dung như thế nào về các hình thức khả thi cho kiến trúc khu vực để mang lại lợi ích an ninh và lợi ích phát triển cụ thể cho tất cả chúng ta?
Kính thưa các quý ông, quý bà,
Tôi muốn đưa ra những suy nghĩ của tôi từ quan điểm của Việt Nam về vấn đề xây dựng các kiến trúc khu vực.
Để thúc đẩy những lợi ích quốc gia của mình, Việt Nam đồng thời theo đuổi lợi ích chung của khu vực. Hướng tới đích đó, chúng tôi kiên trì theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, đa dạng hoá quan hệ quốc tế và tích cực hội nhập quốc tế.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng tôi duy trì chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình và tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác.
Chúng tôi tin rằng việc xây dựng bất kỳ kiến trúc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nào đều là một công việc phức tạp.
Để có lợi cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực, những kiến trúc này cần phải bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, các kiến trúc khu vực phải có tính bao trùm. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, lợi ích của các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Chúng chỉ có thể được giải quyết bởi các kiến trúc khu vực được xây dựng dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thứ hai, các kiến trúc khu vực phải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà trong số đó có tự do hải hành và dòng chảy thương mại không bị cản trở.
Với tư cách là một quốc gia ven biển và là thành viên tham gia UNCLOS, Việt Nam tin rằng việc tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ UNCLOS, là nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ trên biển và không thể thiếu cho việc giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình.
Thứ ba, chúng tôi tin rằng vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa cho bất kỳ kiến trúc khu vực nào. 50 năm qua đã chứng kiến ASEAN phát triển thành một tổ chức khu vực mạnh mẽ, với vai trò và giá trị được quốc tế công nhận.
Đầu tháng này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã khẳng định lại cam kết của chúng tôi là duy trì sự trung lập và đoàn kết của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Thứ tư, tất cả các sáng kiến hợp tác và kết nối cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, phải có lợi cho việc xây dựng niềm tin cũng như thúc đẩy lợi ích chung.
Gần đây, chúng tôi đã nhìn thấy một loạt các sáng kiến như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ và Nhật Bản.
Tôi tin rằng, để mang lại lợi ích bền vững, các dự án trong những sáng kiến này cần phải dựa trên tính tối thượng của luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia.
Đối với Việt Nam, những mối quan hệ song phương của chúng tôi với các nước khác luôn có một khía cạnh hướng tới khu vực. Những nỗ lực của chúng tôi mở rộng hợp tác toàn diện với các nước khác trong khu vực là nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tôi tin tưởng rằng sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn sẽ tiếp tục là một động lực mới đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lên tầm cao mới.
Hãy để tôi kết thúc bài diễn văn này bằng lời cảm ơn các nhà tổ chức đã cho tôi cơ hội phát biểu tại cuộc họp đặc biệt này, nơi tụ hội những chính trị gia ưu tú của khu vực, các nhà hoạch định chính sách và các học giả.
Tôi hy vọng quý vị sẽ có những ngày thảo luận hiệu quả, nơi quý vị trao đổi ý tưởng cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề này.
Chúc Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 3 thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn quý vị
https://baotiengdan.com/2018/08/31/dien-van-khai-mac-cua-ong-pham-binh-minh-tai-hoi-thao-an-do-duong-lan-thu-ba/
Nhận xét
Đăng nhận xét