Tin Biển Đông – 31/08/2018
Mỹ tiếp tục cho B-52 bay thị uy
quanh Biển Đông
Trong một thông điệp được cho là rất rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, Không Quân Mỹ tiếp tục cho pháo đài bay B-52 tham gia diễn tập quanh khu vực Biển Đông.
Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ, ngày hôm qua, 30/08/2018, ra thông báo cho biết là trong hai ngày 27 và 30 tháng Tám, hai oanh tạc cơ B-52H, xuất phát từ đảo Guam, đã tham gia cuộc diễn tập thông thường tại khu vực quanh Biển Đông.
Bản thông cáo của Không Quân Mỹ không cho biết cụ thể khu vực tập huấn, nhưng xác nhận rằng cuộc diễn tập nằm trong Chương Trình Oanh Tạc Cơ Hiện Diện Liên Tục (CBP) của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương có từ năm 2004 và những hoạt động gần đây của B-52 đều phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải vốn có của Mỹ.
Thông cáo khẳng định : Các chiến dịch được tiến hành trong khuôn khổ chương trình CBP đều thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, góp phần duy trì tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ và cải thiện khả năng hợp đồng tác chiến.
Theo trang mạng báo Business Insider, ấn bản Pháp, riêng trong tháng Tám này, Mỹ đã 4 lần điều loại siêu pháo đài bay B-52H của mình xuống vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông bị Bắc Kinh tranh chấp.
Các động thái này nhằm bắn đi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, điều đã được tờ Hoàn Cầu Thời Báo Bắc Kinh ghi nhận trong một bài xã luận hôm qua với câu hỏi « Phải chăng Mỹ đang muốn tăng sức ép trên Trung Quốc trên hồ sơ thương mại bằng cách gởi oanh tạc cơ B-52 đến Biển Đông ? »
Giới quan sát cũng ghi nhận là vào lúc Mỹ cho B-52 tăng cường hoạt động trên không phận Biển Đông, Lầu Năm Góc hôm 16/08 vừa qua đã công bố một bản phúc trình báo động về việc Trung Quốc tiếp tục có hành vi cưỡng chế nước khác ở Biển Đông để áp đặt yêu sách của Bắc Kinh.
Báo cáo cũng ghi nhận sự kiện oanh tạc cơ Trung Quốc ngày càng hoạt động nhiều hơn trên các vùng biển bị tranh chấp.
Nhật đề xuất chi gần 50 tỷ đôla
để tăng cường phòng thủ tên lửa
Quân đội Nhật Bản muốn tăng chi tiêu kỷ lục vào năm tới để nâng cấp hệ thống phòng thủ, nâng khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên mà Tokyo xem là mối đe dọa tiếp tục gia tăng.
Hãng tin Reuters cho biết hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật loan tin về một đề xuất chi tiêu quốc phòng tăng 2,1 % lên đến 5,3 nghìn tỷ yên (khoảng 48 tỷ đôla) cho năm sau bắt đầu từ ngày 1/4.
Tờ Washington Post cho hay rằng Nhật lên kế hoạch chi 2,1 tỷ đôla để mua một hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khi Tổng thống Donald Trump áp lực buộc Tokyo chi mạnh hơn để mua thiết bị quốc phòng.
Nếu được phê duyệt, đây sẽ là đợt tăng chi tiêu thứ bảy liên tiếp trong mỗi năm qua khi Thủ tướng Shinzo Abe củng cố quân đội nước này để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào của Triều Tiên và chống lại sự bành trướng trên biển và trên không của Trung Quốc.
Việc mua thiết bị do Mỹ sản xuất có thể giúp Tokyo giảm bớt căng thẳng thương mại với Washington, giảm khả năng bị Mỹ đe dọa áp thuế vì mất cân đối mậu dịch do xuất khẩu nhiều ôtô vào Mỹ.
Đề xuất tăng ngân sách quốc phòng của Nhật được loan báo trước một cuộc họp có thể diễn ra giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump tại Hội đồng LHQ ở New York vào tháng 9 tới.
Nhật triển khai ba tàu khu trục
đến đông nam Á
Ba tàu chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản (JMSDF) hôm 26/8 khởi hành trong sứ mạng triển khai đến đông nam Á và Ấn Độ Dương trong hai tháng, tờ Diplomat cho biết.
Một thông cáo của JMSDF nói lần triển khai này là để tăng cường năng lực tác chiến và thúc đẩy sự hợp đồng tác chiến với hải quân các nước đối tác trong khi đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đội tàu chiến này bao gồm tàu khu trục chở trực thăng Kaga, hai tàu khu trục hộ tống Inazuma và Suzutsuki. Các chiến hạm này sẽ lần lượt ghé các hải cảng ở Philippines, Singapore, Indonesia, Sri Lanka, và Ấn Độ.
Kaga là chiến hạm lớn nhất của Nhật và là chiếc thứ hai trong loạt tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo. Mặc dù Nhật xếp nó vào loại ‘tàu khu trục’, các tàu chiến lớp Izumo có nhiều điểm chung với loại tàu tấn công lưỡng cư có khoang lớn – hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ chở trực thăng được thiết kế để đưa lính thủy đánh bộ đổ bộ trong một cuộc tấn công.
Chiếc Kaga nặng 27.000 tấn nhỏ hơn các tàu chiến nặng 45.000 tấn của hải quân Mỹ nhưng vẫn là một lực lượng mạnh, nhất là trong các kịch bản xảy ra xung đột ở các đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Nhật chưa bao giờ có một chiếc hàng không mẫu hạm thật sự, nhưng hồi năm ngoái các nguồn tin chính phủ Nhật cho biết họ đang xem xét các kế hoạch tân trang lại các chiến hạm lớp Izumo để có thể chở theo được phiên bản chiến đấu cơ F-35 vốn cất cánh trong tầm ngắn. Chiến đấu cơ F-35 sẽ giúp bổ sung mạnh mẽ năng lực và phạm vi chiến đấu của các chiến hạm Izumo và Kaga và có thể sẽ là một năng lực quan trọng để giúp Nhật cân bằng lại với Hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã hết sức quan ngại về khả năng này đến nỗi Bộ Ngoại giao của họ đã cảnh báo Nhật đừng nên chỉnh sửa gì các chiến hạm để chở theo máy bay. Trong lúc này, có tin rằng Trung Quốc đang đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba của họ.
Chương trình Phòng vệ năm 2018 được công bố mới đây của Nhật Bản nhấn mạnh hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, đảm bảo năng lực răn đe hay đáp trả trước một phạm vi rộng các kịch bản xung đột và thảm họa. Thứ hai, để duy trì ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cải thiện môi trường an ninh toàn cầu.
Việc triển khai tàu khu trục Kaga là phù hợp với nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy ổn định thông qua sự hiện diện và can dự ở khu vực cũng như tăng cường khả năng và năng lực của các đối tác.
Việc triển khai cũng là một phần của tín hiệu đáp trả lại điều mà Chương trình Phòng vệ đã mô tả là ‘những hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc trong khu vực để làm thay đổi hiện trạng’ cũng như là một phần của sự tập trung của Nhật Bản vào việc nâng cao năng lực thực hiện các chiến dịch phòng vệ và chiếm đảo.
Các tàu khu trục chở máy bay trực thăng của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai lực lượng nhanh chóng để phòng vệ hay tái chiếm đảo.
Hồi đầu năm Nhật Bản đã khởi động một lữ đoàn tinh nhuệ triển khai nhanh tàu lưỡng cư và Chương trình Phòng vệ cũng cấp những khoản vốn mới để nâng cấp những chiếc tàu vận tải lưỡng cư và mở rộng năng lực tên lửa đất đối hạm mà họ đã thử nghiệm trước một con tàu mục tiêu cùng với Hải quân Mỹ ở cuộc tập trận RIMPAC hồi tháng Bảy năm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét