Điều gì đang thực sự diễn ra với nền kinh tế TQ?
Larry Kudlow, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mới đây đã nhận xét nền kinh tế Trung Quốc “trông thật khủng khiếp” khi phải chiến đấu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, một số ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng thuế quan dường như không phải là vấn đề lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vậy thật ra quốc gia Đông Á này đang gặp phải những khó khăn gì?
Tăng trưởng chậm lại
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, với sức mở rộng 6,9% trong năm 2017, CNN dẫn số liệu của chính phủ nước này cho biết. Thế nhưng, con số tăng trưởng ấn tượng đó đã bắt đầu biến mất trong năm nay, và ngày càng có nhiều dấu hiệu của đà suy yếu hơn nữa. Dữ liệu chính thức tháng 7.2018 đã cho thấy xu hướng giảm trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất tại nhà máy và doanh số bán lẻ. Xung đột thương mại với Mỹ cũng là nguyên nhân gây lo lắng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất.
“Tranh chấp thương mại với Mỹ sẽ ngăn sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, dù tác động này có thể không quá lớn. Nhưng theo chúng tôi nguyên nhân chính khiến nền kinh tế suy yếu là do tăng trưởng tín dụng trong nước chậm hơn”, Chang Liu, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Capital Economics, viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng.
Trong khi đó một số chuyên gia cho rằng nỗi sợ suy thoái đã bị thổi phồng. Douglas Morton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại công ty môi giới Northern Trust Capital Markets, chỉ ra một vài chỉ số như nhu cầu dầu và thị trường bất động sản của đại lục vẫn còn mạnh.
Các thị trường suy giảm
Thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc đã bị tê liệt liên tục trong thời gian qua vì giới đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tác động của cuộc chiến thương mại.
Tháng 6.2018, chỉ số chứng khoán chính Shanghai Composite Index đã rơi vào thị trường giá xuống với các nhà đầu tư có tâm lý khá tiêu cực và muốn tháo chạy. Hiện chỉ số này giảm khoảng 23% so với đỉnh được thiết lập hồi tháng 1.2018.
Nhân dân tệ cũng giảm khoảng 9% so với đồng USD kể từ tháng 4.2018. Nguyên nhân một phần là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Mặc dù đồng nội tệ yếu hơn có thể giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ, nhưng theo giới phân tích, Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến việc giữ cho nhân dân tệ ổn định để tránh làm các nhà đầu tư hoang mang.
“Các nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng làm chậm tốc độ khấu hao”, Aidan Yao, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại AXA Investment Managers, cho hay.
Gánh nặng nợ
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại vào thời điểm nước này đang cố gắng giải quyết tình trạng nợ nần nặng nề, một “di sản” từ chương trình kích thích kinh tế khổng lồ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Hiện lo ngại lớn nhất là các khoản nợ cao ở mức đáng báo động do các công ty nắm giữ, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao đã kêu gọi hệ thống tài chính quốc gia cắt giảm rủi ro cho vay, gia tăng giám sát khoản vay của các hãng quốc doanh, giảm cho vay bất động sản và kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm. Các hình thức cho vay ngầm sẽ được đưa ra khỏi bảng cân đối chính thức của ngân hàng. Tuy nhiên, giới phân tích e ngại sự giảm sút trong việc cho vay sẽ gây ra những vấn đề phát sinh đè nặng lên nền kinh tế.
“Cơn gió ngược chiều lớn nhất đến từ chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy”, Larry Hu, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Macquarie, nhận định.
Kích thích kinh tế
Trung Quốc đang tìm cách kích thích nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng giảm. Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp, bao gồm cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và các khoản vay mới cho doanh nghiệp, nhằm giúp nước này đối phó “môi trường bên ngoài bấp bênh”. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm một số tiền khổng lồ vào hệ thống tài chính thông qua việc cung cấp các khoản vay mới và giảm số tiền ký quỹ cho vay thương mại.
“Ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, Bắc Kinh vẫn có nhiều đòn bẩy chính sách để giảm tác động của suy thoái”, Cam Hui, nhà chiến lược tại công ty nghiên cứu Pennock Idea Hub, lưu ý.
Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc lại nhấn mạnh họ không có kế hoạch nào để chi tiêu theo cách họ đã làm hậu khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên.
Nhận xét
Đăng nhận xét