Vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông




Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyển ở Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến căng thẳng và việc tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp đi vào bế tắc, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và bất ổn. Với vai trò là tổ chức chính trong khu vực và có nhiều nước thành viên liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN đã có nhiều đóng góp nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy xây dựng lòng tin, tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Bản đồ các nước ASEAN
Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển của ASEAN
ASEAN có diện tích 4,5 triệu km2, dân số khoảng 575 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 3.000 tỷ USD, đang được đánh giá là nơi có sự phát triển kinh tế năng động bậc nhất và có sức hấp dẫn lớn tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự ổn định và phát triển của hầu hết các quốc gia ASEAN đang phụ thuộc chủ yếu vào tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Biển Đông được biết đến là khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt chính trị, kinh tế, giao thông hàng hải, môi trường, an ninh quốc phòng không chỉ đối với các nước tiếp giáp, các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà đối với toàn thế giới. Biển Đông còn là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng phục vụ đời sống và sự phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn tài nguyên thủy hải sản, khoáng sản và tiềm năng du lịch.
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến 4 trên 10 nước ASEAN. Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của quần đảo Trường Sa, kiểm soát các hòn đảo và tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển xung quanh. Việt Nam và Philippines còn tuyên bố chủ quyền đối các hòn đảo và bãi đá ngầm ở phía Bắc gần Trung Quốc. Việt Nam tuyên bố chủ quyền cả quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm giữ trái phép từ khi chế độ miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1974. Philippines tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, khu đánh cá giàu sản lượng chỉ cách 200km từ bờ biển Luzon. Malaysia và Brunei cũng tuyên bố với một phần khu vực Biển Đông, song họ có cách tiếp cận “nhẹ nhàng” hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, một số nước khác trong ASEAN như Indonesia, Singapore cũng đang thể hiện thái độ cứng rắn nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp và yêu sách “chủ quyền” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đáng chú ý, yêu sách “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cũng chồng chéo lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia gần với quần đảo Natuna. Vì vậy, để đảm bảo hài hoà lợi ích, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất nhằm thúc đẩy các chương trình phát triển chung toàn khu vực, trong đó có những lợi ích tại Biển Đông, ASEAN đã, đang có những bước đi thể hiện vai trò trong tham gia giải quyết những bất đồng giữa các nước ở Biển Đông.
Ngoài ra, ASEAN cũng có nhiều lý do chiến lược để tham gia tích cực vào việc quản lý mâu thuẫn và xung đột ở Biển Đông, vì: (1) Biển Đông nằm trọn vẹn trong phạm vi địa lý và ảnh hưởng chính trị của ASEAN, và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của nhiều nước thành viên ASEAN. (2) Các nước thành viên ASEAN tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều muốn ASEAN đóng một vai trò lớn hơn trong giải quyết xung đột ở vùng biển này. (3) Tình hình Biển Đông có tác động lớn đến sự thống nhất nội khối ASEAN. Tuy nhiên, lợi ích của các nước ASEAN ở Biển Đông là không giống nhau, vì thế lập trường của các nước thành viên có nhiều điểm khác biệt trong việc xác định phạm vi và mức độ tham gia của ASEAN trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
ASEAN đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Tuyên bố chính thức đầu tiên về vấn đề Biển Đông “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông” năm 1992 là dấu mốc thể hiện sự quan tâm của ASEAN. Kể từ đó, vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của ASEAN như xây dựng quan niệm giá trị và chuẩn mực, an ninh trên biển, hợp tác quốc phòng và ngăn ngừa xung đột. Biển Đông cũng là chủ đề nóng được ASEAN triển khai đối thoại về vấn đề an ninh khu vực với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc.         
Năm 2002, với sự cố gắng, nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Năm 2010, ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm 56 điểm trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó đề cập đến DOC.
Năm 2012, ASEAN đưa ra tuyên bố riêng 6 điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó gồm: (1) Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC năm 2002; (2) Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC năm 2011; (3) Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (4) Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); (5) Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực; (6) Giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Năm 2017, vấn đề Biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung của ASEAN dưới góc nhìn về tình hình quân sự hoá và cải tạo gia tăng tại khu vực này. Đồng thời, Chủ tịch ASEAN Phlippines cam kết, các tranh chấp hàng hải, việc phác thảo bộ khung cho COC sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. Đến cuối năm 2017, ASEAN và Trung Quốc thống nhất thông qua Khung COC.
Năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất một bản COC duy nhất tại cuộc gặp cấp cao về việc thực hiện DOC tổ chức ở Trường Sa, Hồ Nam - Trung Quốc.
Vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Vì vậy, ASEAN hiện được coi là một tổ chức trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất DOC. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đang tiến tới đàm phán để đạt được COC ràng buộc về pháp lý.
Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận và thương lượng không đối đầu đang là một điểm yếu chết người. Nguyên tắc này khiến ASEAN thời gian qua bị chia thành ba nhóm chính liên quan tới vấn đề Biển Đông, đó là: các nước tích cực phản đối Trung Quốc: Philippines và Việt Nam; các nước có thái độ trung lập hơn: Singapore, Malaysia và Indonesia và các nước có thái độ đồng thuận với Trung Quốc: Campuchia và Thái Lan. Không những vậy, một vài nước ASEAN vì lợi ích cá nhân vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”.
Để thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN cần: (1) ASEAN phải tiếp tục tham vấn với Trung Quốc về COC. (2) Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình trên các đảo nhân tạo, ASEAN không nên chỉ giới hạn trong việc đàm phán COC mà cần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng  Chính trị - An ninh ASEAN, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác chiến lược của khối. (3) ASEAN đóng vai trò quan trọng to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động trước thách thức từ phía Trung Quốc. Bởi, khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng; và ngược lại, nếu ASEAN bị li gián và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị nước lớn chi phối. (4) ASEAN nhất thiết phải thống nhất hành động. Bởi với khả năng huy động, triệu tập lực lượng dưới lá cờ chung ASEAN, đồng thời dựa vào sự đồng bộ tương đối về lợi ích chính trị (cùng có chủ quyền trên Biển Đông), kinh tế (thế mạnh lúa gạo, nông sản...) và môi trường (sở hữu chung sông Mê Kông), ASEAN mới có thể xây dựng được sức mạnh tập thể nhằm giành lại “thế cân bằng” trước hành động ngang ngược cá lớn nuốt cá bé và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Trung Quốc là trở ngại lớn nhất để ASEAN đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Trung Quốc không thay đổi quan điểm cho rằng, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với nước liên quan; bao biện cho việc xây dựng, cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông (đá, bãi cạn) chỉ phục vụ mục đích dân sự như chống cướp biển, hỗ trợ tàu thuyền đi lại và ngư dân đánh bắt cá trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định vấn đề Biển Đông không liên quan đến ASEAN, Trung Quốc phản đối các nước sử dụng vấn đề Biển Đông để gây tổn hại cho “mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN”. Không những vậy, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc - CCB (25/4) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì từng khẳng định,Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh với Indonesia, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc - Indonesia sang thời kỳ phát triển mới; tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Ngoài ra, hiện nay Trung Quôc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc. Theo Báo cáo của Hội đồng thương mại Trung Quốc - ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2014 đạt mức 480 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Liên minh châu Âu và Mỹ, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc đe dọa các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) - Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. Trước đó, ông Lưu Chấn Dân cũng cảnh báo bất cứ phán quyết trọng tài nào cũng “đi ngược” với Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002 và việc đi ngược lại DOC chỉ mang lại “kết quả tiêu cực”.
Nhìn chung, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Tuy nhiên, những đóng góp của ASEAN vẫn còn nhiều hạn chế, do các nước thành viên của khối còn tồn tại mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích quốc gia của mỗi nước và hệ lụy từ việc Trung Quốc tích cức lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Thời gian tới, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối và thống nhất lập trường chung trong vấn đề Biển Đông khi đàm phán với Trung Quốc. Có như vậy lợi ích của tất cả các nước liên quan sẽ được đảm bảo bảo và khu vực ASEAN sẽ ngày càng thịnh vượng hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?