Tin khắp nơi – 31/08/2018
TT Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO
nếu tổ chức này không thay đổi
Tổng thống Donald Trump nói ông sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới nếu cơ quan này không đối xử tốt hơn với Hoa Kỳ, ông nhắm đến nền tảng của hệ thống thương mại quốc tế.“Nếu họ không chấn chỉnh, tôi sẽ rút khỏi WTO”, ông Trump nói hôm 30/8 trong một cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu dục với hãng Bloomberg News. Ông Trump cho biết thỏa thuận về thiết lập cơ quan này “là một thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thực hiện”.
Việc Mỹ rút khỏi WTO có thể có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế toàn cầu, còn hơn cả cuộc chiến thương mại đang gia tăng của ông Trump với Trung Quốc, làm xói mòn hệ thống hậu Thế chiến II mà Hoa Kỳ đã góp phần xây dựng.
Ông Trump hồi tháng trước nói rằng Hoa Kỳ đang ở thế bất lợi lớn khi bị WTO đối xử “rất tồi tệ” trong nhiều năm và cơ quan có trụ sở tại Geneva cần “thay đổi cách thức của họ”.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 là một sai lầm. Từ lâu, ông đã kêu gọi Hoa Kỳ có tiếp cận mạnh mẽ hơn với WTO, cho rằng tổ chức này không có khả năng đối phó với một nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.
Ông Lighthizer đã cáo buộc rằng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO can thiệp vào chủ quyền của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với các vụ chống bán phá giá. Hoa Kỳ đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào cơ quan xử lý khiếu nại của WTO, làm tăng khả năng là cơ quan này có thể chấm dứt hoạt động trong những năm tới.
Trong cuộc phỏng vấn tại Văn phòng Bầu dục, ông Trump nói rằng tại WTO “Mỹ hiếm khi thắng một vụ kiện, trừ năm ngoái”.
Ông nói thêm: “Trong năm qua, chúng tôi bắt đầu giành nhiều chiến thắng. Bạn có biết tại sao không? Bởi vì họ biết nếu chúng tôi không thắng, tôi sẽ rút ra khỏi chỗ đó”.
Dù phàn nàn nhiều về WTO, chính quyền của ông Trump tiếp tục nộp các đơn kiện các thành viên khác. Đầu tuần này, chính quyền Mỹ đã nộp đơn kiện các mức thuế của Nga đối với các sản phẩm của Mỹ mà chính quyền của ông Trump cho là các mức thuế đó thật “bất hợp pháp”.
Các nước nộp đơn kiện ở WTO thường có xu hướng giành chiến thắng, còn bị đơn trong các tranh chấp thương mại thường thua.
Tuy nhiên, dữ liệu của WTO cũng cho thấy rằng Hoa Kỳ đạt kết quả tốt hơn một chút so với mức trung bình của WTO trong cả hai trường hợp là họ đi kiện hoặc bị kiện, theo Simon Lester, một nhà phân tích thương mại tại Viện Cato, một viện đặt ở Washington cổ súy cho thương mại quốc tế cởi mở hơn.
Trong số 54 vụ mà Mỹ nộp đơn kiện trong suốt thời gian WTO hoạt động, Washington được tuyên thắng ít nhất ở một mục nào đó trong 49 vụ, tương đương 91%, số vụ, theo Lester. Trong số 80 vụ mà Mỹ bị kiện, ban xử lý khiếu nại của WTO đã tuyên Mỹ thua về ít nhất một khía cạnh nào đó trong 69 vụ, tương đương 86% số vụ.
(Bloomberg, CNBC)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-doa-rut-my-khoi-wto-neu-to-chuc-nay-khong-thay-doi/4552336.html
Ông Trump hủy tăng lương
cho nhân viên liên bang
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Quốc hội rằng ông hủy khoản tăng lương mà hầu hết nhân viên liên bang sẽ được nhận vào tháng Giêng năm sau với lý do ngân sách khó khan.Ông Trump đã thông báo cho các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện trong một bức thư được gửi đi hôm thứ Năm ngày 30/8.
Ông nói trong lá thư rằng việc tăng lương theo địa phương làm việc sẽ tốn 25 tỷ đô la ngân sách, ngoài khoản tăng chung 2,1% cho hầu hết các nhân viên dân sự của chính quyền liên bang.
“Chúng ta cần phải duy trì nỗ lực đưa đất nước chúng ta vào con đường bền vững về mặt tài chính, và ngân sách liên bang không thể trang trải khoản tăng lương như thế,” ông viết trong thư.
Tổng thống Trump nói ông kiên quyết rằng trong năm 2019 cả ‘việc tăng lương chung và tăng lương theo địa phương làm việc sẽ là 0’.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-h%E1%BB%A7y-t%C4%83ng-l%C6%B0%C6%A1ng-cho-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-li%C3%AAn-bang/4551462.html
Trump chưa vội sa thải Bộ trưởng Tư pháp
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm nói rằng Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vẫn yên vị ít nhất là cho tới cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11, Bloomberg News loan tin sau khi phỏng vấn nhà lãnh đạo của Mỹ.“Tôi chỉ muốn ông ta làm việc cho thật tốt,” Bloomberg dẫn lời ông Trump nói. Hãng tin này nói rằng Tổng thống từ chối bình luận khi được hỏi liệu ông sẽ cho ông Sessions tại chức sau tháng 11 hay không.
Ông Trump nhiều lần công kích ông Sessions vì ông Sessions đã rút khỏi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Sau khi ông Sessions thoái lui, Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu cuộc điều tra, mà Trump gọi là “săn phù thủy” (hàm ý ông bị bức hại chính trị).
Ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg News rằng ông xem cuộc điều tra của ông Mueller là “cuộc điều tra bất hợp pháp.”
Tổng thống tiếp tục các cuộc công kích nhắm vào ông Sessions vào tuần trước, cáo buộc ông này chưa bao giờ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát Bộ Tư pháp. Ông Sessions, trong một lời phản pháo hiếm hoi, đáp rằng ông nắm quyền kiểm soát bộ ngay từ ngày ông trở thành Bộ trưởng và sẽ không cho phép bộ “bị ảnh hưởng một cách sai trái bởi những toan tính chính trị.”
Ông Trump nói trong một dòng tweet đăng trên Twitter hôm thứ Bảy rằng ông Sessions “không hiểu chuyện gì đang xảy ra dưới quyền của mình.” Ông cáo buộc cuộc điều tra của ông Mueller bị “mâu thuẫn trầm trọng” và “không đả động gì tới sự nhũng nhiễu thực sự.”
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã dự đoán rằng ông Trump sẽ thay thế ông Sessions, người từng là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, sau cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 tới đây.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một người thân cận với ông Trump và là người bênh vực ông Sessions, tuần trước nói ông tin là ông Trump sẽ bổ nhiệm một Bộ trưởng Tư pháp mới nhưng nên đợi cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử mà trong đó phe Cộng hòa đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-chua-voi-sa-thai-bo-truong-tu-phap/4551451.html
Mỹ gia hạn lệnh cấm công dân đến Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm cho biết họ đã quyết định gia hạn thêm một năm nữa lệnh cấm công dân Mỹ du hành tới Triều Tiên, viện dẫn những lo ngại về nguy cơ công dân Mỹ có thể bị bắt giữ và giam cầm lâu dài ở đó.Hai nước hiện đang đàm phán nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa đôi bên và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6.
Kể từ đó quan hệ đã trở nên nguội lạnh và một chuyến thăm được lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên đã bị hủy bỏ vào tuần trước vì ông Trump nói chưa có đủ tiến bộ hướng tới việc giải trừ hạt nhân.
Lệnh cấm, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm 2017, được ấn định sẽ hết hạn vào ngày thứ Sáu, nay sẽ được gia hạn đến ngày 31 tháng 8 năm 2019, Bộ Ngoại giao cho biết. Thông cáo sẽ được công bố trong Đăng bạ Liên bang vào ngày thứ Sáu.
https://www.voatiengviet.com/a/my-gia-han-lenh-cam-cong-dan-den-trieu-tien/4551440.html
Lưỡng đảng Mỹ đòi Trump trừng phạt TQ
vì đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương
Một nhóm gồm 17 nghị sĩ thuộc cả hai chính đảng lớn của Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump hãy áp đặt các biện pháp chế tài đối với các quan chức cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.Hôm 29/8, nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi một bức thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, thư nói rằng hàng triệu người Uighur và những người Hồi giáo khác ở vùng tự trị Tân Cương “đã bị giam giữ tùy tiện, tra tấn, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do sinh hoạt tôn giáo và văn hóa,” tại các trại tập trung mà nhà cầm quyền gọi là “các trung tâm hay trại cải tạo chính trị.”
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gạt sang một bên lời kêu gọi của các nhà lập pháp Mỹ, nói rằng họ nên tập trung vào công việc của chính mình, “thay vì can thiệp vào công việc của nước khác”, và tự cho mình cái quyền được phán xét nước khác về vấn đề nhân quyền.
Hôm 29/8, các chuyên gia nhân quyền LHQ cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc giam giữ người Hồi giáo Uighur trong các trại “cải tạo chính trị”, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ dưới chiêu bài “chống khủng bố,” hãng tin Reuters tường thuật.
Ủy ban Xoá bỏ Phân biệt chủng tộc của LHQ trích dẫn một phúc trình ước tính là có “từ hàng chục ngàn đến hơn một triệu người Uighur” đang bị giam giữ ở Tân Cương.
https://www.voatiengviet.com/a/luong-dang-my-doi-trump-trung-phat-tq-vi-dan-ap-nguoi-hoi-giao-o-tan-cuong/4550967.html
Nạn nhân bị linh mục xâm hại đòi điều tra
cấp liên bang về Giáo hội Công giáo
Những người bị các linh mục xâm hại tình dục hiện vẫn còn sống đã biểu tình trước Tòa Khâm sứ Vatican ở Washington hôm 30/8 và kêu gọi những người có thẩm quyền cao hơn – Giáo Hoàng và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ – thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ xâm hại, cũng như buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm.Peter Isely, người phát ngôn của nhóm Chấm dứt việc linh mục xâm hại, nói: “Họ có rất nhiều bằng chứng. Hãy bắt đầu điều tra. Hãy làm ngay”.
Mạng lưới Những người bị linh mục xâm hại hiện còn sống (SNAP) và Trung tâm Quyền Hiến định cũng đã gửi một bức thư tới Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein yêu cầu “điều tra và truy tố giới chức cấp cao trong Giáo hội Công giáo” về tội phạm tình dục và các hành vi che đậy.
Trong thư, hai nhóm kể trên viết: “Đáng lẽ từ lâu rồi Bộ Tư pháp Mỹ đã phải điều tra toàn diện, trên toàn quốc về nạn hãm hiếp và bạo lực tình dục, và các hành vi che đậy trong Giáo hội Công giáo, và, trong những trường hợp phù hợp, phải thực hiện tố tụng hình sự và/hoặc dân sự đối với bộ máy đã cho phép vi phạm xảy ra”.
Khi được hỏi, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết: “Chúng tôi không xác nhận hay phủ nhận là có các cuộc điều tra như vậy”.
Bức thư của SNAP yêu cầu về điều tra cấp liên bang đề ngày 15/8, một ngày sau khi một bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania ra báo cáo chấn động, cho biết có bằng chứng đáng tin cậy rằng 301 “linh mục xấu xa” đã xâm hại hơn 1.000 trẻ em ở 6 giáo phận kể từ năm 1947.
Bởi vì thời hiệu đã hết đối với hầu hết các vụ phạm pháp hình sự này, chỉ có hai linh mục bị buộc tội sau cuộc điều tra kéo dài hai năm.
Nhưng báo cáo của Pennsylvania đã làm cho các quan chức ở một số tiểu bang khác, bao gồm cả Illinois và Missouri, tiến hành điều tra về những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái của các linh mục Công giáo.
SNAP cho biết họ đã yêu cầu điều tra cấp liên bang về Giáo hội Công giáo từ năm 2003, khi diễn ra vụ bê bối lạm dụng tình dục lớn gần đây nhất của giáo hội.
Những nạn nhân hiện còn sống của nạn xâm hại cũng kêu gọi Giáo Hoàng Phanxicô công bố các tài liệu có thể làm sáng tỏ về những gì giới chức Vatican hàng đầu biết về cựu Hồng y Washington, Tổng Giám mục Theodore McCarrick, người bị buộc tội xâm hại trẻ vị thành niên và các chủng sinh.
Ông McCarrick đã bác bỏ cáo buộc rằng ông xâm hại trẻ vị thành niên và không bình luận về những cáo buộc liên quan đến các chủng sinh.
(Fox 4, Yahoo News)
https://www.voatiengviet.com/a/nan-nhan-bi-linh-muc-xam-hai-doi-dieu-tra-cap-lien-bang-ve-giao-hoi/4552477.html
Mỹ : Tư pháp buộc Trump « mở khóa »
trong tài khoản Twitter
Một số người sử dụng mạng xã hội đã kiện lên tư pháp Mỹ, sau khi họ bị tổng thống Mỹ « khóa », không cho bình luận trong tài khoản Twitter của ông. Theo những người này, hành động ngăn chặn của ông Trump vi phạm quyền tự do ngôn luận, chiểu theo Hiến Pháp Hoa Kỳ.Hôm thứ Tư, 29/08/2018, trên Twitter, tổng thống Donald Trump đã phải « mở khóa » cho nhiều người thường chỉ trích ông. Việc « giải tỏa » này được tiến hành sau quyết định của một thẩm phán Liên Bang hồi tháng Năm vừa qua.
Theo Reuters, có 7 người đã kiện ông Trump ngăn cản quyền tự do ngôn luận qua việc ngăn chặn họ có những phản ứng về các tuyên bố của ông. Cụ thể là họ đã không thể xem và viết bình luận trên tài khoảng Twitter của ông Trump.
Ngày 23/05 vừa qua, thẩm phán Liên Bang Naomi Reice Buchwald đã ra lệnh cho nhà tỉ phú địa ốc hủy bỏ ngăn chặn, để những người này có thể tiếp cận tài khoản Twitter của ông. Vào lúc đó, Nhà Trắng tỏ thái độ khó chịu, thông báo ý định kháng nghị, nhưng sau không làm nữa.
Học viện Knight thuộc trường đại học Colombia Hoa Kỳ, chuyên theo dõi và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhân danh bẩy người bị chặn trên Twitter của Donald Trump đã đệ đơn kiện. Sau quyết định của thẩm phán Buchwald, viện này cho biết : Nhà Trắng đã tiến hành các biện pháp để tuân thủ quyết định của tòa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-my-donald-trump-twitter
Mỹ đòi Nga dừng “sách nhiễu”
tuyến hàng hải quốc tế trên biển Azov
Trọng NghĩaBộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào hôm qua, 30/08/2018 đã chính thức kêu gọi Nga chấm dứt cái gọi là « sách nhiễu tuyến hàng hải quốc tế » ở vùng biển Azov và eo biển Kerch. Washington cáo buộc Matxcơva cố tình làm cho láng giềng Ukraina mất ổn định.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert tố cáo : « Hành động của Nga nhằm cản trở các hoạt động quá cảnh hàng hải là những ví dụ tiếp theo về chiến dịch đang được Nga tiến hành nhằm làm suy yếu và gây bất ổn tại Ukraina ». Theo phía Mỹ, các hành vi này đồng thời thể hiện việc Nga « coi thường các chuẩn mực quốc tế ».
Theo phát ngôn viên Mỹ, trong những tuần lễ gần đây, Nga đã ngăn chặn ít nhất 16 tàu buôn đến các hải cảng của UKraina.
Còn theo phía Ukraina, chỉ riêng trong ba tháng vừa qua, Nga đã tăng cường gây khó khăn cho tàu thuyền đến hay đi khỏi các hải cảng Ukraina.
Cho đến năm 2014, việc thủ tục xác minh con tàu mà phía Nga được quyền thực hiện, chỉ mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Giờ đây, thủ tục này kéo dài tới 88 tiếng. Sự chậm trễ trong vận chuyển này đã làm chi phí vận tải của các doanh nghiệp Ukraina tăng vọt.
Biển Azov là một vùng biển quốc tế giáp với Ukraina về phía bắc, với Nga về phía đông, và với bán đảo Crimée về phía tây. Biển này được nối với Hắc Hải về hướng nam nhờ eo biển Kerch.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180831-my-doi-nga-dung-%E2%80%9Csach-nhieu%E2%80%9D-tuyen-hang-hai-quoc-te-tren-bien-azov-ok
Khủng hoảng di dân Venezuela :
Nam Mỹ kêu gọi quốc tế tăng cường tài trợ
Thùy DươngColombia, Peru và Ecuador muốn quốc tế hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa để giải quyết khủng hoảng di dân Venezuela. Theo Reuters, một đại diện chính quyền Peru hôm qua 30/08/2018 tuyên bố như trên, một ngày sau cuộc họp của các nước ở Lima nhằm giải quyết vấn đề di dân tại khu vực Nam Mỹ.
Colombia, Peru và Ecuador đã tiếp đón vài trăm ngàn người Venezuela rời bỏ đất nước vì khủng hoảng chính trị – kinh tế. Theo Liên Hiệp Quốc, 1,6 triệu người đã rời bỏ Venezuela từ năm 2015.
Đây là một trong những làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử Nam Mỹ. Cách nay một tuần, Tổ Chức Di Dân Quốc Tế thông báo làn sóng di dân Venezuela đã đạt mức tương tự làn sóng người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu.
Trong chuyến thăm Colombia hôm qua 30/08, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hứa Liên Hiệp Châu Âu sẽ tài trợ 35 triệu euro cho Nam Mỹ để giải quyết khủng hoảng di dân. Viện trợ của Mỹ trong hồ sơ di dân Venezuela, từ đầu năm tài khóa 2017, là 31 triệu đô la (26,5 triệu euro).
Đại diện bộ Ngoại Giao Peru đánh giá cao sự hỗ trợ nói trên nhưng hy vọng quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển, tăng cường tài trợ do làn sóng di dân Venezuela quá mạnh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180831-khung-hoang-di-dan-venezuela-nam-my-keu-goi-quoc-te-tang-cuong-tai-tro-ok
IAEA: Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Iran vẫn chưa vượt quá những giới hạn chính yếu áp đặt lên các hoạt động hạt nhân của nước này theo một thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc lớn, một báo cáo mật của cơ quan giám sát nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Năm.Trong báo cáo hàng quí lần thứ nhì kể từ khi Tổng thống Donald Trump loan báo vào tháng 5 rằng Mỹ sẽ từ bỏ thỏa thuận này và tái áp đặt chế tài, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran vẫn chưa vượt quá giới hạn đối với các mức tinh chế uranium, lượng uranium đã qua tinh chế và các tiêu chuẩn khác.
Trong báo cáo gần đây vào tháng 5, IAEA nói rằng Iran có thể làm nhiều hơn để hợp tác với các thanh sát viên và do đó “tăng cường sự tin tưởng,” nhưng không nói rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này khiến họ lo ngại. Reuters cho biết họ đã xem qua bản báo cáo này và nói nó có lời lẽ tương tự như báo cáo vào tháng 5.
Báo cáo nói cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc ở Vienna đã có thể thực hiện được tất cả các cuộc thanh sát tiếp cận bổ trợ mà họ cần thực hiện để xác minh sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận này.
“Sự hợp tác kịp thời và chủ động tích cực của Iran trong việc cho phép tiếp cận như vậy tạo điều kiện cho việc thi hành Nghị định thư Bổ sung và tăng cường sự tin tưởng,” báo cáo được phân phối cho các nước thành viên IAEA cho biết.
“Tỉ lệ sản xuất (uranium tinh chế) giữ nguyên. Không có thay đổi nào cả,” một nhà ngoại giao cao cấp nói thêm, theo Reuters.
Với việc Mỹ tái áp đặt các chế tài đối với Iran mà trước đó đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân, nhiều nhà ngoại giao và nhà phân tích giờ nghi ngờ thỏa thuận này sẽ đứng vững bất chấp những nỗ lực của Liên minh Châu Âu chống lại một số hệ lụy từ hành động của ông Trump.
EU đã thi hành một luật trong tháng này nhằm bảo vệ các công ti Châu Âu khỏi tác động từ các chế tài của Mỹ đối với Tehran và đã chấp thuận hỗ trợ cho lĩnh vực tư của Iran, dù các công ty lớn ở Châu Âu đang rút khỏi Iran.
Hôm thứ Tư, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nghi ngờ các nước EU có thể cứu vãn thỏa thuận này và nói Tehran có thể từ bỏ nó.
Ông Khamenei bảo Tổng thống Hassan Rouhani không nên lệ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của Châu Âu trong khi ông chịu áp lực ngày càng lớn ở trong nước về việc ông lèo lái nền kinh tế đối mặt với các chế tài của Mỹ, trong khi các bộ trưởng trọng yếu đang bị Quốc hội Iran công kích
https://www.voatiengviet.com/a/iaea-iran-tuan-thu-thoa-thuan-hat-nhan/4551434.html
EU-Mỹ bất đồng sâu sắc về thương mại
Sự hòa hoãn của Liên minh Châu Âu với Mỹ về thuế quan vẫn chưa giải quyết được “những bất đồng sâu sắc” về chính sách thương mại, trưởng phụ trách chính sách thương mại của EU nói hôm thứ Năm.Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 7 đã đồng ý khoan áp thuế quan lên xe hơi trong khi hai bên tìm cách xóa bỏ các rào cản thương mại khác, trong một hành động được chủ tịch Ủy hội Châu Âu mô tả là một sự nhượng bộ lớn.
Phát biểu trước ủy ban thương mại của Nghị viện Châu Âu hôm thứ Năm, Trưởng phụ trách thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom nói về một nhóm mà bà và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu để xác định thuế quan có thể được bãi bỏ như thế nào đối với các mặt hàng công nghiệp.
“Chúng tôi hiện không đàm phán bất cứ gì, chúng tôi có một nhóm công tác. Chúng tôi có những bất đồng sâu sắc với Mỹ về chính sách thương mại,” mà Malmstrom nói với các nhà lập pháp EU.
Một số trong số những nhà lập pháp đó là những người chỉ trích gay gắt một thỏa thuận Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương EU-Hoa Kỳ (TTIP) vốn đã được hoạch định. Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Các cuộc đàm phán chấm dứt sau chiến thắng bầu cử của ông Trump vào năm 2016.
“Chúng ta sẽ không khởi động lại TTIP … Đây có thể là một thỏa thuận thương mại hạn chế hơn, tập trung vào thuế quan đánh vào hàng hóa,” bà Malmstrom nói.
Bà cũng cho biết Liên minh Châu Âu sẽ sẵn sàng giảm thuế xe hơi xuống bằng không, nếu Mỹ sẵn lòng làm như vậy, vượt ra ngoài thỏa thuận tạm thời đạt được vào tháng 7 mà chỉ nhắc tới “hàng công nghiệp không phải xe hơi.”
Liên minh Châu Âu vẫn mâu thuẫn với Mỹ về chuyện Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới, liên quan tới thuế quan được áp đặt vì lí do an ninh quốc gia và lập trường cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc.
Bà Malmstrom cho biết nhiều công ty và chính trị gia Mỹ đã bày tỏ lo ngại về hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn ở Mỹ do thuế quan.
Liên minh Châu Âu đồng ý với Mỹ về những chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan tới trợ cấp công nghiệp, sự can thiệp của nhà nước và những vụ ép buộc chuyển giao công nghệ, nhưng tin rằng đối sách của Mỹ là sai, bà nói.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-my-bat-dong-sau-sac-ve-thuong-m%E1%BA%A1i/4551431.html
Biếm họa Mohamet :
Hà Lan và Pakistan « xuống thang »
Tú AnhLo ngại bạo động, Geert Wilders, dân biểu Hà Lan thuộc xu hướng chống nhập cư quyết định hủy bỏ cuộc thi vẽ tranh biếm họa tiên tri Mohamet, dự trù vào tháng 11. Ngay lập tức, từ Pakistan, nhóm Hồi giáo cực đoan cũng kêu gọi ngưng biểu tình chống đối.
Theo AFP, trong bản thông báo chiều thứ Năm 30/08/2018 tại La Haye, dân biểu Geert Wilders tuyên bố « hủy bỏ cuộc thi vẽ tranh biếm họa để tránh mọi nguy cơ bạo động Hồi giáo. Tính mạng của người dân quan trọng hơn hết ». Sáng kiến của dân biểu cực hữu này, loan báo hồi tháng 6, đã gây bất bình trong cộng đồng Hồi giáo trên thế giới mà đặc biệt tại Pakistan.
Ngày hôm qua, tại La Haye, một thanh niên, mang hộ chiếu Pakistan, bị nghi ngờ chuẩn bị tấn công trụ sở Quốc Hội và dân biểu Geert Wilders đã bị bắt sau khi đưa lên Facebook lời đe dọa kèm theo lời kêu gọi « cộng đồng Hồi giáo » hỗ trợ. Tại Pakistan, giáo sĩ cực đoan Khadim Husain Rizvi, kêu gọi xuống đường. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên hôm thứ Tư, cuộc biểu tình thứ hai đã được hủy bỏ sau khi dân biểu cực hữu Hà Lan thông báo không tổ chức cuộc thi vẽ tranh khiêu khích đạo Hồi.
Chính phủ Hà Lan kêu gọi công dân tránh các cuộc tuần hành ở Islamabad, Lahore và Karachi, Pakistan.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180831-biem-hoa-mohamet-ha-lan-va-pakistan-%C2%AB-xuong-thang-%C2%BB
Vì sao Đông Đức cũ là miền đất màu mỡ
của các nhóm cực hữu
Tú AnhThành phố Chemnitz, bang Sachsen của Đức trở thành điểm nóng chống chính sách nhập cư của thủ tướng Angela Merkel, với ba cuộc biểu tình, trong đó có một cuộc truy đánh người Trung Đông.
Sự hiện diện đông đảo của cảnh sát ngăn chận được bạo lực lan rộng nhưng không phải ngẫu nhiên mà các nhóm cực hữu bắt rễ ở vùng đất được xem là « địa linh nhân kiệt » của Đông Đức cũ.
Từ ba, bốn ngày nay, Chemnitz giống như một trung điểm phát xuất một cuộc nổi dậy của cực hữu phát-xít làm cả nước Đức rung chuyển. Nhìn bề ngoài, những cuộc mít-tinh chống di dân nhập cư tại thành phố trước đây mang tên Các-Mác, cũng dễ hiểu như những cuộc xuống đường ở các nơi khác trong bối cảnh tâm lý chống tị nạn và nhập cư đang dâng cao tại nước Đức của Angela Merkel.
Khởi đầu là chuyện một thanh niên người Đức bị đâm chết, nghi can là một thanh niên nhập cư người Irak có tiền án, và một người Syria, bị bắt. Những nhóm du côn « hooligan » khai thác vụ án để kích động đám đông đòi thủ tướng Đức từ chức. Theo nhận định của giáo sư chính trị Hans Vorlander, đại học Dresden, bất cứ ở đâu, phe cực hữu nào cũng có thể hành động như thế.
Nhưng tại Chemnitz, bên cạnh những thanh niên đầu trọc hung hăng, mặc quần áo đen như cán bộ « quốc xã », còn có người lớn tuổi ủng hộ.
Thành phố từng mang tên Marx
Những vụ truy đánh người khác màu da xảy ra tại thành phố trước đây mang tên tác giả « Tư bản luận » minh họa hiện tượng đặc thù của bang sát cạnh Ba Lan và Tiệp, nơi mà dưới thời cộng sản, người dân không có quyền nhắc đến từ « phát-xít ». Sabine Kuhnrich, nhạc sĩ, chủ tịch một Hiệp hội phát huy dân chủ và bao dung khẳng định với AFP. Thế mà bạo lực cực hữu tại Chemnitz đã vượt ra khỏi tầm mức có thể tha thứ được với hình ảnh hooligan, tân phát-xít cuồng nộ đánh đập người nước ngoài.
Câu hỏi ở đây là vì sao tâm lý bài ngoại dâng cao tại bang Sachsen ? Vì dân nhập cư lan tràn hơn những bang khác ? Không. Bang Sachsen chỉ nhận có 17 000 người tị nạn, chiếm 4,4%, chẳng là bao so với 15% ở các bang khác ở phía Tây Đức cũ.
Thật ra, có lẽ mầm mống cực hữu đã bắt rễ ở Sachsen từ trước khi thống nhất đất nước. Bởi vì, năm 1991, một trại tạm cư cho người xin tị nạn đã bị hooligan tấn công, đốt phá, trong tiếng vỗ tay của những người láng giềng. 230 dân nước ngoài phải di tản dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Theo tình báo Đức, bang Sachsen được xếp đứng đầu trong danh sách bạo lực cực hữu. Phong trào bài ngoại AfD giành được kỷ lục « quốc gia » với 25% trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2017. Trong khóa 2004-2009, nghị viện địa phương là nghị viện duy nhất có một đại biểu tân phát-xít NPD.
Theo giải thích của một chuyên gia Đức về hooligan, một trong những điều kiện thuận lợi cho những nhóm bài ngoại phô trương thế lực là tại bang Sachsen, các nhóm cổ động viên bóng đá cuồng tín có quan hệ thân hữu với các tổ chức cực hữu và các trường võ, do vậy, họ huy động lực lượng rất nhanh.
Địa linh nhân kiệt
Từ thập niên 1990, sau khi Đức thống nhất, các nhóm này khai thác tâm trạng bất bình của người dân địa phương cảm thấy khả năng, giá trị của họ không được nhìn nhận và sử dụng đúng mức. Sachsen là vùng « địa linh nhân kiệt », là nơi sản sinh « lực lượng kỹ sư của dân tộc» là nơi chào đời của các thiên tài âm nhạc như Robert Schumann, Jean-Sebastien Bach, của triết gia Gottfried Wilhelm Leibniz, các văn hào Erich Karstner và Karl Max. Tinh thần dân tộc cực đoan này dễ bị kích động nhất là Sachsen nằm cạnh Ba Lan và Tiệp, phồn thịnh hơn.
Thế mà các chính phủ Đức liên tục đã xem nhẹ nguy cơ này mà chỉ tập trung diệt cực tả. Tệ hơn nữa, các chủ tịch bang, đảng viên của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo từ chối nhìn nhận mối đe dọa tiềm tàng của phe cực hữu. Cho dù được báo động, Kurt Biendenkopt, nhiệm kỳ 1990-2002 còn tuyên bố như đinh đóng cột « dân Sachsen được miễn nhiễm với cực hữu ».
Theo giáo sư Hans Vorlander, phải đến 2017, tân chủ tịch bang Sachsen, Michael Krestchmer mới bắt đầu thay đổi chính sách « giải quyết bất công xã hội, tăng ngân sách và phương tiện » trong bối cảnh công luận Đức cứng rắn hơn trong vấn đề tị nạn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180831-vi-sao-dong-duc-cu-la-mien-dat-mau-mo-cua-cac-nhom-cuc-huu
Iran đưa tên lửa tới Iraq để cảnh báo kẻ thù
Các nguồn tin phương Tây, Iran và Iraq cho hay Iran mới đây giao tên lửa đạn đạo cho những người Shi’ite thân Iran ở Iraq, và đang phát triển năng lực chế tạo thêm tên lửa ở đó để ngăn ngừa các cuộc tấn công vào lợi ích của Iran ở Trung Đông cũng như giúp họ có phương tiện để đánh các kẻ thù trong khu vực.Bất kỳ dấu hiệu nào về việc Iran đang chuẩn bị cho một chính sách tên lửa hung hăng hơn ở Iraq đều sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Tehran và Washington, vốn đã tăng cao do quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có sự tham gia của các cường quốc thế giới.
Điều này cũng sẽ làm mất mặt Pháp, Đức và Vương quốc Anh, ba nước châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân, giữa lúc họ cố gắng cứu vãn thỏa thuận này bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Tehran.
Theo ba quan chức Iran, hai nguồn tin tình báo Iraq và hai nguồn tin tình báo phương Tây, Iran đã chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho các đồng minh ở Iraq trong vài tháng qua. Năm trong số các quan chức đó cho biết Iran đã giúp các nhóm này bắt đầu tự chế tạo tên lửa.
“Logic ở đây là phải có kế hoạch dự phòng nếu Iran bị tấn công”, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters. “Số lượng tên lửa không nhiều, chỉ vài chục chiếc, nhưng có thể tăng lên nếu cần thiết”.
Trước đây, Iran đã nói rằng các hoạt động về tên lửa đạn đạo của nước này hoàn toàn có tính chất phòng thủ. Các quan chức Iran đã từ chối bình luận khi được hỏi về những động thái mới nhất.
Chính phủ và quân đội Iraq đều từ chối bình luận.
Liên quan đến vấn đề này, các tên lửa Zelzal, Fateh-110 và Zolfaqar có tầm bắn khoảng 200 km đến 700 km. Như vậy, thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út hoặc thành phố Tel Aviv của Israel đều nằm trong tầm tấn công nếu các vũ khí này được triển khai ở miền nam hoặc miền tây Iraq.
Lực lượng Quds, tay chân ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Hồi giáo hùng mạnh của Iran (IRGC), có căn cứ ở cả hai khu vực đó. Tư lệnh của Lực lượng Quds, Qassem Soleimani, hiện điều hành chương trình, ba nguồn tin cho biết.
Các nước phương Tây đã cáo buộc Iran chuyển giao tên lửa và công nghệ cho Syria và các đồng minh khác của Tehran, chẳng hạn như phiến quân Houthi ở Yemen và Hezbollah của Lebanon.
Những nước theo Hồi giáo Sunni là láng giềng của Iran ở vùng Vịnh, và Israel, kẻ thù truyền kiếp của Iran, đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động trong khu vực của Tehran, coi đó là mối đe dọa đối với an ninh của họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói hôm 29/8 rằng bất cứ ai đe dọa xóa sổ Israel “cũng sẽ tự đặt mình vào nguy cơ tương tự”.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/iran-dua-ten-lua-toi-iraq-de-canh-bao-ke-thu/4552228.html
TQ: sử dụng nước đóng chai
làm dữ liệu kiểm tra nước sông
Trung Quốc cử điều tra viên tới tỉnh Hồ Nam sau khi các quan chức địa phương bị cáo buộc làm giả dữ liệu ở một trạm quan trắc nước, truyền thông nhà nước đưa tin.Thay vì dùng nước sông, các quan chức này được cho là đã đặt các bộ cảm biến phát hiện ô nhiễm nước trong các chai nước suối để đo chất lượng nước sông Lư Giang.
Con sông ở Chu Châu bị ô nhiễm nặng do nước thải, các nguồn tin cho hay.
Trung Quốc bức xúc với hình ảnh ô nhiễm
Trung Quốc thu mua không khí sạch
Có những nghi ngờ rằng một số quan chức địa phương và công ty ở Trung Quốc đã phớt lờ các chính sách môi trường.
Bộ trưởng môi trường cho biết họ đang điều tra tình hình ở Chu Châu và “sẽ trừng trị nghiêm khắc” bất kỳ “sai phạm” nào.
Một cảm biến quan trắc thậm chí được đặt trong một cốc nước trà thay vì ở sông Lư Giang, Tân Hoa Xã cho hay.
Việc quan trắc nước gần đây được thực hiện tại 2.050 điểm trên khắp Trung Quốc, theo tờ China Daily.
Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để theo dõi và chống ô nhiễm – nhưng vẫn lo ngại về chất lượng không khí và nước ở quốc gia này.
Trong năm 2016, báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết nước của hơn 80% giếng nông thôn ở vùng đông bắc không thể dùng làm nước uống.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát độc lập của chính phủ năm 2017 phát hiện hơn 13.000 công ty ở Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45354448
TQ lại cảnh báo hãng hàng không Mỹ
phải tuân thủ chính sách 1 Trung Hoa
Trung Quốc lại một lần nữa cảnh báo các hãng hàng không Hoa Kỳ phải tuân thủ chính sách một Trung Hoa, nếu còn muốn được hoạt động trong lãnh thổ của Bắc KinhBộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa đưa ra lời cảnh báo này sau khi hãng hàng không Mỹ United Airlines không tuân theo đề nghị của Trung Quốc sửa tên Đài Loan và HongKong trên website thành Trung Quốc.
Trong buổi họp báo vào hôm thứ năm ngày 30 tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không mềm dẻo khi nhắc đến nguyên tắc một Trung Hoa.
Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố rõ chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Hoa Lục và cho rằng điều này là một thực tế cơ bản, một ý thức chung đã được quốc tế đồng thuận.
Trước đó vào hôm 25 tháng 4, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã yêu cầu 44 hãng hàng không quốc tế sửa đổi các tên Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao trên trang web của họ để tuân thủ chính sách một Trung Quốc của Bắc Kinh. Thời hạn Trung Quốc đưa ra là 30 ngày. Tuy nhiên có nhiều hãng không trong đó có United, Delta và American Airlines chỉ thực hiện điều chỉnh này vào phút trót.
Hãng hàng không United của Mỹ đã sửa chút xíu bằng cách tiếp tục để tên Đài Loan, Hongkong và Trung Quốc trên website bằng cách khéo léo đưa đồng tiền của ba nơi là đô la Đài Loan, đô la Hồng Kông cùng với đồng nhân dân tệ Trung Quốc vào danh sách quốc gia của họ.
Biện pháp này đã được ca ngợi là một cách thông minh để tránh ghép Đài Loan và Hồng Kông vào Trung Quốc theo như chính sách một Trung Hoa của Bắc Kinh. Đài Loan lúc đó đã bày tỏ sự ủng hộ cho mọi nỗ lực của các hãng hàng không quốc tế nhằm tiếp tục tách biệt Đài Loan với Trung Quốc.
Cơ quan hàng không Trung Quốc đã phải gửi một lá thư phản đối cho hãng United, yêu cầu cải chính kịp thời và cảnh báo đừng đùa giỡn với Bắc Kinh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/beijing-reprimands-united-for-ducking-one-china-edict-08312018104134.html
Tư lệnh Hải quân Trung Quôc thăm Hoa Kỳ
giữa lúc có căng thẳng giữa hai nước
Tư lệnh hải quân Trung Quốc, ông Trần Kim Long sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng chín tới đây.Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói như vậy vào ngày thứ năm 30/8/2018.
Ngày giờ chính xác chưa được công bố nhưng ông Ngô Khiêm nói rằng chuyến đi của ông Trần Kim Long sẽ diễn ra trong khoảng từ giữa tháng chín đến cuối tháng.
Tại Mỹ người đứng đầu hải quân của Bắc Kinh sẽ dự một hội thảo về hải quân và có những chuyến thăm làm việc với Mỹ.
Chuyến thăm này sẽ diễn ra hai tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, James Mattis đến Bắc Kinh.
Bắc Kinh nói rằng chuyến thăm của ông Mattis đã mang lại những kết quả tích cực, và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là ông Ngụy Phương Hòa cũng đã chấp thuận lời mời sang thăm Hoa Kỳ và dự định sẽ lên đường vào trước cuối năm nay.
Tiếp tục khẳng định chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông
Chuyến đi sắp tới của ông Trần Kim Long diễn ra trong lúc căng thẳng lên cao giữa Bắc Kinh và Washington.
Một mặt là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên đang leo thang.
Mặt khác là Hoa Kỳ ngày càng có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc đối với những vấn đề quân sự.
Vào tháng năm vừa qua Mỹ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung ở Thái Bình Dương tên là RIMPAC, được tổ chức mỗi hai năm một lần.
Lý do được phía Mỹ đưa ra là những động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài ra hai bên còn bất đồng về những vấn đề như là phương cách đối xử với Bắc Hàn, và nhất là vấn đề Đài Loan, nơi Trung Quốc xem là lãnh thổ của mình, và hiện đang rất lo ngại thái độ ủng hộ đảo quốc ngày có vẻ đang lên từ phía Hoa Kỳ.
Bình luận về những chỉ trích của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, cũng như những chiến dịch tự do hàng hải của Washington tại khu vực này, ông Ngô Khiêm nói rằng Mỹ đã phóng đại ý tưởng cho rằng những hoạt động của Trung Quốc đã cản trở tự do hàng hải. Ông Ngô cũng lặp lại rằng các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc từ nhiều đời nay, nhấn mạnh đã có những tiến bộ gần đây trong việc đạt được một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không quên chỉ trích việc Hoa Kỳ cho máy bay bay qua các đảo do Trung Quốc chiếm đóng là hành động gây hấn. Ông khẳng định Trung Quốc chỉ xây lấp các đảo nhân tạo vì mục đích dân sự là chính.
Cũng liên quan đến hải quân Trung Quốc, ông Ngô Khiêm cho biết là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đang chạy thử nghiệm lần thứ hai tại vùng biển Hoàng Hải phía bắc Trung Quốc.
Chiếc tàu này được đóng tại cảng Đại Liên, bên bờ biển Hoàng Hải, và hiện vẫn chưa được đặt tên. Chiến đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh vốn được cải tạo lại từ một chiếc tàu cũ của Ukraine.
Việc xây dựng một hạm đội hiện đại được cho là một phần quan trọng trong tham vọng của ông Tập Cận Bình, chủ tịch nước Trung Quốc, nhằm làm cho Bắc Kinh đuổi kịp các quốc gia hàng hải khác.
Mặt khác Bắc Kinh cũng muốn loại bỏ ảnh hưởng của các quốc gia này trong những vùng nước mà Trung Quốc cho là của mình, như ở Biển Đông. Tại đây Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đang tiến tới một bộ qui tắc ứng xử tại các vùng biển tranh chấp. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách đưa vào bộ qui tắc này việc loại bỏ ra khỏi Biển Đông các cường quốc hải quân khác bên ngoài khu vực.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-navy-chief-to-visit-us-08312018110018.html
Đặc phái viên Hàn Quốc đến Triều Tiên
để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh
Hàn Quốc sẽ cử một đặc phái viên tới Triều Tiên vào tuần tới để thu xếp cho một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa lãnh đạo hai miền.Hôm 31/8, một phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc cho biết một phái viên chưa được nêu tên sẽ tới Bình Nhưỡng vào ngày thứ Tư 5/9.
Phát ngôn viên tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Đặc phái viên này sẽ thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên, phát triển mối quan hệ hai miền, giải trừ hạt nhân và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”
Tại Bàn Môn Điếm vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã đồng ý rằng Tổng thống Moon sẽ đến thăm Bình Nhưỡng vào cuối năm nay.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc sáng hôm 31/8 loan tin việc đề cử đặc phái viên và Triều Tiên đã chấp nhận lời đề nghị này bằng điện tín vào buổi chiều cùng ngày.
https://www.voatiengviet.com/a/dac-phai-vien-han-quoc-sap-den-trieu-tien-de-thu-xep-cuoc-gap-thuong-dinh/4552204.html
Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ : Bắc Triều Tiên
quyết tâm đàm phán với Hoa Kỳ
Thùy DươngĐại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, ông Cho Yoon Je hôm nay 31/08/2018 khẳng định Bắc Triều Tiên vẫn quyết tâm tiếp tục đàm phán với chính quyền Hoa Kỳ.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đại diện nước này tại Washington đã bác bỏ chuyện Bình Nhưỡng và Washington đối đầu trở lại. Đại sứ Cho cũng nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên biết rõ là sẽ không có việc Mỹ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, cũng như không có hợp tác kinh tế nếu Bình Nhưỡng không tiếp tục thương lượng và cải thiện quan hệ với Washington.
Kể từ khi Mỹ thông báo hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mike Pompe, Bắc Triều Tiên vẫn giữ im lặng. Đại sứ Cho cho rằng điều này cho thấy sự thận trọng của chính quyền Kim Jong Un.
Cũng trong ngày hôm nay, văn phòng phủ tống thổng Hàn Quốc cho biết thứ Tư tuần tới, 05/09, một đặc phái viên của tổng thống Moon Jae In sẽ sang Bắc Triều Tiên để chuẩn bị cho thượng đỉnh hai miền Nam Bắc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 09/2018. Đề xuất cử đặc phái viên được Seoul được đưa ra vào sáng hôm nay và ngay trong buổi chiều, Bình Nhưỡng đã chấp thuận.
Trong khi đó, vào ngày hôm qua 30/08, tại cuộc họp kín của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, Nga đã phủ quyết một bản báo cáo về việc áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên. Theo AFP, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia cho biết Nga phản đối một số điều trong báo cáo, đặc biệt về việc các chuyên giá đánh giá là năm 2018 Bắc Triều Tiên đã vượt quá hạn định nhập khẩu dầu lửa mà quốc tế ấn định hồi năm 2017
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180831-dai-su-han-quoc-tai-my-bac-trieu-tien-quyet-tam-dam-phan-voi-hoa-ky
Thủ tướng Mahathir từng bước
kéo Malaysia ra khỏi gọng kềm Trung Quốc
Mai VânNgày 27/08/2018, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác định rằng chính quyền của ông sẽ không cho phép người nước ngoài mua các căn hộ dân cư trong dự án Forest City của Trung Quốc, trị giá 100 tỷ đô la ở bang Johor. Đây là quyết định mới nhất của tân chính phủ Malaysia nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc mà chính phủ tiền nhiệm bị cho là đã chui vào. Động thái này đã nối tiếp theo quyết định hủy bỏ hai dự án lớn của Trung Quốc tại Malaysia, bị đánh giá là quá tốn kém nhưng không mang lại ích lợi cho đất nước.
Trong một bài phân tích ngày 20/08/2018 mang tựa đề : « “Chúng tôi không đủ sức gánh vác điều đó”: Malaysia kháng lại tầm nhìn của Trung Quốc – “We Cannot Afford This”: Malaysia Pushes Back Against China’s Vision », nhật báo Mỹ The New York Times đã nêu bật quyết tâm của tân thủ tướng Malaysia trong việc tránh không cho nước ông bị rơi vào bẫy nợ mà Trung Quốc đang giăng ra.
Malaysia, theo tờ báo Mỹ, là một ví dụ về « một đất nước từng ve vãn đầu tư Trung Quốc, giờ đây lo ngại mang nợ quá tải do những đề án to lớn vừa không sinh lợi, vừa không cần thiết – ngoại trừ đối với Trung Quốc ».
Dự án vô ích đối với nước sở tại nhưng có lợi cho Trung Quốc
Bài phân tích trước hết nêu bật một số dự án trọng điểm tại Malaysia đã được Trung Quốc đầu tư với mục tiêu không nói ra là phục vụ cho ý đồ bành trướng thế lực của Bắc Kinh.
Tại khu vực yết hầu trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới, nơi mà phần lớn thượng mại của châu Á trung chuyển, một tập đoàn năng lượngTrung Quốc đã đầu tư vào một cảng nước sâu lớn, có khả năng đón một hàng không mẫu hạm.
Một tập đoàn Nhà nước khác của Trung Quốc cũng đang tân trang một hải cảng ngay bên bờ Biển Đông, nơi đang có tranh chấp gay gắt.
Ở gần đó, một mạng lưới đường sắt, phần lớn do ngân hàng Nhà nước Trung Quốc tài trợ, cũng đang được xây dựng, hầu vận chuyển nhanh hàng hóa Trung Quốc dọc theo một Con Đường Tơ Lụa Mới.
Một tập đoàn khác nữa của Trung Quốc đang tạo ra 4 hòn đảo nhân tạo có thể dùng cho hơn 750 000 người ở, và dự án này đang được quảng cáo rầm rộ cho công dân Trung Quốc.
Tất cả các đề án nói trên đều được xây dựng ở Malaysia, một quốc gia dân chủ ở Đông Nam Á được Trung Quốc xem là một trọng tâm trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo New York Times, nếu trước đây Malaysia đi đầu trong việc ve vãn đầu tư Trung Quốc, thì hiện nay nước này lại đang ở tuyến đầu của một hiện tượng mới : Đó là phản kháng lại Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều quốc gia đang lo ngại bị chìm trong công nợ, với các đề án không sinh lợi, và cũng không cần thiết cho nước đó, nhưng lại có giá trị đối với Trung Quốc hoặc là về mặt chiến lược, hoặc là để đưa những nhân vật mạnh thân Bắc Kinh lên nắm quyền.
Đòn chống Trung Quốc của tân thủ tướng Malaysia
Sau 5 ngày viếng thăm Trung Quốc, thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, hôm thứ 21/08 đã chính thức cho biết là ông đã ngưng 2 dự án của Trung Quốc, trị giá hơn 22 tỷ đô la.
Chính phủ Malaysia tiền nhiệm bị cáo buộc là vẫn ký các thỏa thuận với Trung Quốc, dù biết rằng đó là các thỏa thuận tồi, chỉ vì muốn bù đắp cho một quỹ đầu tư Nhà nước bị tai tiếng tham nhũng, và có tiền để chi cho việc tiếp tục nắm quyền.
Thông điệp của ông Mahathir trong các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc hay trong những nhận định trước công chúng rất rõ ràng và không một chút mơ hồ.
Phát biểu hôm 20/08 tại Bắc Kinh sau khi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Malaysia cho biết : « Chúng tôi không muốn để xuất hiện một hình thức thực dân mới, vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với nước giàu ».
Ảnh hưởng Trung Quốc tại Malaysia gặp gió ngược
Theo New York Times, trước đây, kịch bản dùng tiền để tăng cường ảnh hưởng mà Trung Quốc thường áp dụng đã từng phát sinh hiệu quả tại Malaysia. Giờ đây tình thế đã khác.
Bắc Kinh đã thành công hoàn toàn trong việc chiêu dụ cựu thủ tướng Najib Razak với những khoản tín dụng dễ dãi và những đề án to lớn, qua đó ký kết được những thỏa thuận có tính chất chiến lược, phục vụ cho những tham vọng của Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 5 vừa qua, ông Najib đã bị thua trong cuộc bầu cử. Cử tri Malaysia đã quá mệt mỏi với các vụ tai tiếng tham nhũng vây quanh ông, trong đó có một số dính líu đến các thỏa thuận đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở Malaysia.
Còn ông Mahathir, 93 tuổi, được bầu vào chiếc ghế thủ tướng, với nhiệm vụ bao gồm việc đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, bị bóp nghẹt dưới khoản nợ kếch xù 250 tỷ đô la, mà một phần không nhỏ là nợ các công ty Trung Quốc.
Từ Sri Lanka, Djibouti cho đến Miến Điện hay Montenegro, những nơi nhận tiền từ các đề án hạ tầng cơ sở do Trung Quốc tài trợ trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, đều đã khám phá ra rằng đầu tư Trung Quốc đi kèm theo những điều không mấy thuận lợi như không được đấu thầu công khai, dẫn đến các hợp đồng bị đội giá.
Hiện nay, đã xuất hiện những mối lo ngại theo đó Trung Quốc tung tiền đầu tư ở nước ngoài để giành chỗ đứng ở một số nơi được xem là có giá trị chiến lược cao nhất thế giới, và có dấu hiệu là Bắc Kinh cố tình gài các nước gặp khó khăn vào bẫy nợ để gia tăng ảnh hưởng và uy thế thống trị trong lúc mà ảnh hưởng của Mỹ nhạt đi ở các nước đang phát triển.
Theo đánh giá của nhà kinh tế chính trị người Malaysia, Khor Yu Leng, nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc ở Đông Nam Á, thì « Trung Quốc chắc hẳn là đã nghĩ rằng “chúng ta có thể lấy được những hàng giá rẻ ở đấy”… Họ có đủ kiên nhẫn để chơi trò dài hạn, chờ cho những người tại chỗ lậm sâu vào nợ rồi đến lấy tất cả về cho Trung Quốc. »
Theo lời của ông Mahathir, khi có mặt ở Bắc Kinh, ông đã hủy một hợp đồng với tập đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc – CCCC (China Communication Construction Company) nhằm xây dựng tuyến đường xe lửa ở bờ biển phía đông – East Coast Rail Link, được cho là tốn kém cho chính phủ Malaysia 20 tỷ đô la.
Ông cũng hủy bỏ một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la, xây đường ống dẫn khí đốt với công ty con của một tập đoàn năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.
Trước đó ông đã ra lệnh tạm dừng các dự án đó, điều đã khiến cho một số nhà phân tích cho rằng ông muốn đàm phán lại hợp đồng nhân chuyến thăm Trung Quốc. Thế nhưng rốt cuộc ông đã loan báo việc hủy các hợp đồng đó, giải thích rằng « toàn bộ vấn đề là phải vay quá nhiều tiền, điều mà Malaysia không cáng đáng nổi và không thể trả nổi vì đó là những dự án mà Malaysia không cần ».
Một báo cáo ngày 16/08 của bộ Quốc Phòng Mỹ nói rằng « ý đồ của Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường BRI là nhằm phát triển quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia khác, bẻ quyền lợi các nước này đi theo quyền lợi của Trung Quốc và răn đe những động thái tranh chấp hay chỉ trích Trung Quốc trên những vấn đề nhạy cảm ».
Theo báo cáo này thì « kinh tế của những quốc gia tham gia vào Con Đường Tơ Lụa Mới có thể trở thành lệ thuộc vào vốn liếng Trung Quốc mà Trung Quốc có thể sử dụng để thu lợi cho chính mình ».
Tân bộ trưởng Tài Chính Malaysia, Lim Guan Eng, đã nêu lên ví dụ của Sri Lanka mà cảng nước sâu do một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc xây dựng đã không thu hút được khách hàng, và quốc gia Nam Á mang đầy nợ này đã bị buộc phải nhượng cảng và khu đất chung quanh cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm, và như thế là giao cho Trung Quốc một tiền đồn sát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất.
Ông Lim khẳng định : « Chúng tôi không muốn lâm vào tình cảnh như Sri Lanka, không thể trả nợ và rốt cuộc phải để cho Trung Quốc lấy đi dự án ».
Trả lời phỏng vấn gần đây của báo The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc : « Họ biết là khi cho một nước nghèo vay những khoản tiền lớn, thì cuối cùng họ có thể lấy dự án về cho chính họ ».
Thủ tướng Malaysia nói thêm : « Trung Quốc biết rất rõ là chính họ đã phải chấp nhận những thỏa thuận bất bình đẳng mà các cường quốc phương Tây đã áp đặt đối với Trung Hoa trong quá khứ ». Ông Mahathir ám chỉ các nhượng bộ của Trung Quốc sau thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến. « Do vậy, Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết là chúng tôi không gánh vác nổi các món nợ ».
Đối với The New York Times, ông Mahathir là một nhân vật không hề ngần ngại đứng lên chống lại các siêu cường. Lúc làm thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, ông đã chống lại Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác mà theo ông muốn kềm hãm những quốc gia đang phát triển như Malaysia.
Edmund Terence Gomez, chuyên gia chính trị kinh tế Đại Học Malaya nhận định : « Mahathir hiện đang cho rằng Trung Quốc là một thế lực bá quyền. Ông luôn luôn dè chừng trước các thế lực hùng mạnh. Trước đây là Mỹ, bây giờ là Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180831-thu-tuong-mahathir-tung-buoc-keo-malaysia-ra-khoi-gong-kem-trung-quoc-ok
Campuchia xử nhà làm phim người Úc
6 năm tù vì tội làm gián điệp
Hôm 31/8, một tòa án Campuchia đã xử một nhà làm phim người Úc 6 năm với cáo buộc làm gián điệp vì ông đã dùng máy bay camera ghi hình một cuộc vận động của đảng đối lập.Hãng tin Reuters cho biết nhà làm phim James Ricketson, 69 tuổi, đã bị bắt vào tháng 6/2017, khi dùng máy bay camera ghi hình một cuộc vận động của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) trước cuộc bầu cử cấp xã.
Thẩm phán Seng Leang nói: “Tòa án thành phố Phnom Penh đã kết án ông James Ricketson 6 năm tù vì tội làm gián điệp và thu thập thông tin có hại cho dân tộc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2010 đến tháng 6/2017.”
Phát biểu tại tòa án sau khi bị tuyên án, ông Ricketson, người bị giam cầm hơn một năm qua và không được cho tại ngoại, đã bày tỏ sự bực tức và đặt nghi vấn: “Thử hỏi tôi hoạt động gián điệp cho quốc gia nào?”
Gia đình ông Ricketson nói trong một tuyên bố: “James gần 70 tuổi rồi và sức khỏe lại không tốt, gia đình chúng tôi rất sợ hãi về những gì sẽ xảy ra với ông ấy khi mà mọi thứ đều rất tồi tệ.”
Tuyên bố nói thêm: “Ông James không phải là gián điệp. Ông James yêu đất nước và người dân Campuchia. Ông ấy là một nhà làm phim và là một người làm công tác nhân đạo.”
Trong suốt 20 năm qua, ông Ricketson đã thường xuyên đến thăm Campuchia, sản xuất phim tài liệu về đất nước và con người đất nước này.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng ông Ricketson có thể nhận được sự trợ giúp lãnh sự nhiều hơn nữa và rằng trước đây chính phủ Úc đã trực tiếp liên lạc với phía Campuchia để tìm hiểu vụ việc ông bị bắt.
https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-xe-nha-lam-phin-nguoi-uc-6-nam-tu-vi-toi-lam-gian-diep/4552287.html
Nhận xét
Đăng nhận xét