Nga bị "đánh" bầm dập, Đức kêu gọi châu Âu quay lưng với Mỹ?
16:12' 27/08/2018 (GMT+7)
- Những đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (27/8). Điều đáng chú ý là giới chức Đức đang kêu gọi nước này phản ứng với Mỹ về những đòn trừng phạt mà Mỹ tung ra với Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến này phơi bày mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh thân thiết châu Âu. Liệu mâu thuẫn này có khiến thế trận chống Nga mà Mỹ và châu Âu dựng lên trong những năm qua bị đổ vỡ?
Gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực
Những biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ tung ra với Nga vì lý do cáo buộc Moscow có dính líu đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (27/8).
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/8 bất ngờ thông báo nước này sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viện Nga Sergei Skripal và con gái Yulia của ông này hồi đầu năm nay.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ xác định Nga là thủ phạm sử dụng chất độc thần kinh Novichok để cố tình thực hiện vụ đầu độc cha con nhà cựu điệp viên Skripal. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp dụng nhằm vào Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh sẽ là ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu những mặt hàng an ninh nhạy cảm sang Nga. Trong quá khứ, những hoạt động xuất khẩu như vậy được cho là bao gồm cả những thiết bị và các bộ phận điện tử cũng như các thiết bị thử nghiệm và kiểm định máy dành cho ngành hàng không. Những mặt hàng xuất khẩu nói trên được đây vẫn được xuất khẩu sang Nga trên cơ sở phê duyệt từng trường hợp.
Gói biện pháp trừng phạt thứ hai được cho là sẽ được kích hoạt 3 tháng sau đó, trừ khi Nga cung cấp được những “đảm bảo đáng tin cậy” về việc họ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và đồng ý cho Liên Hợp Quốc tiến hành “các cuộc kiểm tra trực tiếp tại hiện trường” ở Nga. Gói biện pháp thứ hai được cho là sẽ mạnh tay hơn như giảm cấp quan hệ ngoại giao, cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga bay đến Mỹ và cắt đứt gần như tất cả các hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai bên.
Hồi đầu tháng Ba đã xảy ra một vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Salisbury, cách thủ đô London khoảng 154km. Nạn nhân của vụ đầu độc là cựu điệp viên hai mang của Nga - ông Sergei Skripal và con gái ông này. Ông Skripal và con gái được tìm thấy bất tỉnh nhân sự trên một chiếc ghế đá ngoài công viên vì bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Ông Skripal từng làm việc cho một cơ quan tình báo quân sự của Nga và sau đó là Bộ Ngoại giao Nga. Ông này bị bắt ở Moscow năm 2004 và đã thú nhận bị cơ quan tình báo Anh lôi kéo làm việc cho họ gần 10 năm trước. Ông này bị kết án 13 năm tù vào năm 2006, nhưng đã được tha tội như một phần của kế hoạch trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Nga.
Anh và các đồng minh phương Tây nhanh chóng đổ lỗi vụ đầu độc trên cho Nga dựa trên căn cứ chất độc được sử dụng trong vụ đầu độc là Novichok - một loại chất độc thần kinh cấp độ quân sự được Liên Xô phát triển vào những năm 1970.
Nga rất tức giận trước những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và đã lên tiếng cho biết họ đang chuẩn bị các đòn đáp trả tương ứng.
Đức kêu gọi châu Âu quay lưng với Mỹ
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vừa kêu gọi châu Âu hãy phản ứng lại với chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác kinh tế quan trọng khác của liên minh này.
"Washington đã buộc chúng ta phải tính đến việc tung ra đòn đáp trả của Châu Âu đối với chính sách trừng phạt của họ – một chính sách gắn liền với châu Âu và Đức. Chúng ta nên phản ứng đối với việc Mỹ đột ngột áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không có sự phối hợp – những biện pháp trừng phạt tương đối không cụ thể nhằm vào Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai có thể là cả đối với những đối tác thương mại quan trọng khác của chúng ta”, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh.
Ông Maas cho rằng, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cho thấy, “chúng ta không biết về nước Mỹ nhiều như chúng ta từng nghĩ."
Châu Âu “cần xây dựng một mối quan hệ đối tác mới, cân bằng với Mỹ”, ông Maas phát biểu.
Những phát biểu trên cho thấy, châu Âu nói chung và Đức nói riêng bất mãn với chính sách trừng phạt của Mỹ – một chính sách gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty châu Âu. Hơn nữa, châu Âu cũng bắt đầu bất mãn với mối quan hệ liên minh thiếu cân bằng giữa Mỹ và EU, theo đó Mỹ đang ở thế áp đảo và buộc EU phải đi theo.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét