Nhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ trên đảo Phú Lâm




Nằm trong cụm đảo An Vĩnh, đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tuy nhiên đảo này đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1956. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng phi pháp và quân sự hóa đảo Phú Lâm nhằm phục vụ ý đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Nguồn: Reuters/CNN
Trung Quốc chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm của Việt Nam
Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa và là đảo tự nhiên lớn nhất trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa, có chiều dài đến 1,7 km, chiều ngang 1,2 km.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Nhật chiếm đóng đảo Phú Lâm. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, vào tháng 6/1946, hải quân Pháp đã gửi chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm các đảo ở Hoàng Sa. Vì chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ dữ dội, vào tháng 9/1946 người Pháp rút quân khỏi Hoàng Sa. Ngày 26/6/1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 04 tàu chiến của Trung Hoa Dân quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân đội Nhật, việc lẽ ra phải làm từ năm 1945. Ngày 07/01/1947, chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Ngày 17/01/1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp bèn đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam chiếm giữ đảo Hoàng Sa. Đến tháng 4/1950, sau khi Trung Hoa Dân quốc chạy ra Đài Loan, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm và đảo Thái Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Mãi tới 7 năm sau khi làm chủ được lục địa, Trung Quốc mới bí mật cho quân chiếm đóng đảo Phú Lâm vào đêm 20 rạng ngày 21/2/1956. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng phi pháp ở đảo Phú Lâm cảng biển, sân bay và hàng loạt các công trình kiên cố khác. Tháng 7/2012, Trung Quốc cho xây dựng trên đảo lớn nhất này trụ sở hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã. Với tham vọng bá quyền, Trung Quốc muốn biến Phú Lâm của Việt Nam thành một trung tâm kinh tế và căn cứ quân sự để làm bàn đạp vươn ra thôn tính toàn bộ Biển Đông.
Những hoạt động núp bóng dân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm
Một là, đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống liên lạc giữa đảo với đất liền. Ngày 07/9/2015, Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile tuyên bố đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 23/7/2018, Cục quản lý Bưu chính tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố chính thức khai trương dịch vụ chuyển phát nhanh tới “thành phố Tam Sa” qua đường hàng không và dự kiến sẽ nâng tần suất vận chuyển hàng hóa đến đảo Phú Lâm từ 01 chuyến bay/tuần lên ít nhất 01 chuyến bay/ngày.
Hai là, tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Ngày 30/7/2018, Trung Quốc tiếp tục cho khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud... để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, theo truyền hình Trung Quốc (CCTV) đưa tin, rạp chiếu phim mang tên Ngân Long trên đảo Phú Lâm.
Ba là, vận hành trái phép mạng lưới điện cỡ nhỏ. Theo Asia Times, Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Các bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo ngang nhiên đưa tin rằng mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, mạng lưới điện phi pháp này sẽ giúp tăng khả năng cung cấp điện trên đảo thêm 08 lần, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về quân sự và dân sự. Báo Trung Quốc thậm chí còn đưa tin mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát nhằm quản lý các mạng lưới điện khác trên các đảo lân cận.
Bốn là, triển khai các chuyến bay “dân sự”. Từ năm 2016, Trung Quốc đã kheo khoang nước này sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Bắc Kinh đơn phương lập ra trái phép) trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực.
Hoạt động quân sự hóa quy mô lớn trên đảo Phú Lâm của Trung Quốc
Thứ nhất, các hoạt động mở rộng, xây dựng trái phép. Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác.
Thứ hai, qua các hình ảnh của tổ chức Image Sat International hôm 24/5/2018 cho thấy Trung Quốc đã triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó (2/2016), nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông.
Thứ ba, Tạp chí National Interest của Mỹ đưa tin Trung Quốc đã triển khai trái phép hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước sức ép của dư luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phải công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm. Như vậy sau hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, Trung Quốc lại tiến hành thêm một bước leo thang gây căng thẳng bằng việc mang tên lửa đối hạm tầm xa tới bố trí tại đây. YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm xa tốc độ cận âm thế hệ mới do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu chế tạo, chính thức được giới thiệu vào năm 2005. Tên lửa có chiều dài 6,1 m; đường kính thân 0,54 m; trọng lượng phóng 1,24 tấn; tầm bắn tối đa 400 km; tốc độ hành trình Mach 0,6 và tên tới Mach 0,8 khi bước vào giai đoạn công kích với độ cao bay 7 - 10 m; mang theo đầu đạn nặng 210 kg. Hệ thống dẫn đường của YJ-62 được kết hợp phương thức bay quán tính với sự tham chiếu qua GPS hoặc Bắc Đẩu trong giai đoạn đầu, đến khi tiếp cận mục tiêu nó sẽ chuyển qua dùng radar chủ động đặt trên tên lửa. Biến thể xuất khẩu của YJ-62 được định danh là C-602 có tầm bắn bị rút ngắn chỉ còn 280 km nhưng trọng lượng đầu đạn được tăng lên 300 kg. Phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-602G có đầu đạn lớn nhất, lên tới 400 kg. Trong lực lượng phòng thủ bờ biển, mỗi xe mang phóng tự hành (TEL) mang theo 3 quả YJ-62, còn trên các khu trục hạm Type 052C/D là 8 quả đặt trong 2 cụm 4 ống phóng xiên bố trí ở giữa tàu. Ngoài ra máy bay ném bom H-6K cũng được trang bị YJ-62.
Thứ tư, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm. Đây là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4, cũng là máy bay chủ lực của không quân TQ và được coi là phiên bản mô phỏng của máy bay Nga Sukhoi Su-27SK. Theo những hình ảnh vệ tinh mới của ImageSat International (ISI) công bố cho thấy, Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái công nghệ tàng hình ra đảo Phú Lâm. cho thấy một máy bay không người lái do thám tầm xa mang tên Harbin BZK-005 có mặt ở đảo Phú Lâm. Máy bay này có thể hoạt động trong 40 giờ.
Thứ năm, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển. Ngoài ra, theo Tân Hoa xã cho biết tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” đã được đưa đến đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa hai năm về trước. Chiếc tàu này có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Dư luận quốc tế, khu vực phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc
Giới chuyên gia các nước lên án hoạt động chiếm đóng, quân sự hóa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm nói chung, trong đó có việc đưa J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi vi phạm hàng loạt các hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc. Cụ thể, hành động của Trung Quốc đã vi phạm khoản 3, 4 trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970, 7 điều trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982. Việc triển khai máy bay chiến đấu ra Phú Lâm còn đi ngược lại những cam kết giữa các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với người đồng cấp Việt Nam về vấn đề giải quyết mâu thuẫn trên Biển Đông. Giáo Sư Jonathan London tại Đại học thành phố Hồng Kông cho rằng “Hành động của Trung Quốc khi cho việc làm này là trái với tinh thần luật pháp quốc tế và đó là một động thái lộ rõ ý muốn xâm lược của Trung Quốc và là hành vi hết sức ngu xuẩn vì tự cô lập mình”. Mục đích của Trung Quốc là muốn biến Phú Lâm thành căn cứ quân sự phục vụ các hoạt động kiểm soát tòan bộ Biển Đông. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nêu rõ đảo Phú Lâm là trung tâm hành chính và là căn cứ quân sự của Trung Quốc. Hoạt động nâng cấp, bố trí vũ khí tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa là cơ sở cho công tác bố trí tại những căn cứ trên những đảo khác ở Trường Sa trong thời gian tới.
Hành động xác quyết ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông cũng gây quan ngại cho thế giới và nhiều nước trong khu vực. Ngày 23/5/2018, người phát ngôn Lầu Năm Góc Trung tá Chris Logan thông báo: “Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực. Như một phản ứng ban đầu đối với hành động nói trên của Trung Quốc, chúng tôi đã rút lại lời mời Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018”. Trong tuyên bố về việc loại Trung Quốc khỏi RIMPAC 2018, Lầu Năm Góc nêu rõ: “Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử tới những thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Việc Trung Quốc hạ cánh máy bay ném bom xuống đảo Phú Lâm cũng làm gia tăng căng thẳng”. Lầu Năm Góc khẳng định: “Vị trí đặt các hệ thống vũ khí này chỉ phục vụ mục đích quân sự”. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, quan chức cấp cao phương Tây đầu tiên đến Trung Quốc kể từ khi có thông tin nước này đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm, nói rằng, bà đã nêu vấn đề quân sự hóa Biển Đông trong các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh. Vào ngày 25/5/2018; truyền thông Philippines loan phát biểu của thượng nghị sĩ đối lập Leila de Lima kêu gọi tổng thống Rodrigo Duterte phải triệu tập ngay cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nhằm giúp người đứng đầu chính phủ Manila xác định biện pháp ứng phó phù hợp. Theo Nghị sĩ Leila de Lima thì tổng thống Philippines cần đưa ra mọi giải pháp ứng phó với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, từ chính sách ngoại giao mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh cũng như các nước láng giềng, cho đến việc vận dụng phù hợp các cơ chế của Liên Hiệp Quốc. Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Philippines, ông Roilo Golez, được mạng báo Ngôi Sao Philippines dẫn lời vào ngày 25/5/2018 rằng cần phải tiến hành cuộc chiến pháp lý như là cách ôn hòa buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Hiến chương Liên hợp quốc về Luật biển (PCA) hồi tháng 7/2016, trong đó bác hỏ hoàn toàn tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đa nhiều lần phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc, tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. “Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”. “Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn