Lý do gì mà khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” ở huyện đảo Lý Sơn ngưng xây dựng?

Đàm Ngọc Tuyên
31-8-2018
Lời tác giả: Khi về thăm quê nhà, tôi được một người bạn ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, ở huyện đảo này có rất nhiều “chuyện lạ”. Cho nên tôi đã vượt biển đến Lý Sơn, để tìm hiểu thực tế, giúp người dân  cả nước hiểu thêm những câu chuyện kỳ lạ này.
Những chuyện kỳ lạ ở đây nhiều lắm, nhưng xin được ghi chép lại ba chuyện kỳ lạ nhất, để giúp độc giả có cái nhìn về những gì đang diễn ra ở huyện đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió này, qua bài viết ba kỳ. Kỳ 1: Lý do gì mà khu tưởng niệm Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn ngưng xây dựng? Kì 2: Thương hiệu tỏi Lý Sơn đang chết vì gian thương và chính quyền. Kì 3: Những chuyến tàu vượt biển đến đảo Lý Sơn chứa đựng những rủi ro chết chóc.
Qua ký sự ngắn này, xin được gởi lời cám ơn chân thành nhất đến những ngư dân kỳ cựu bám biển trên 30 năm, cũng như bà con nông dân trồng hành tỏi ở xã An Hải và An Vĩnh, đã cho biết thêm một số thông tin. Đặc biệt là chú em hữu duyên tên Đ.T.N đã hết sức nhiệt tình làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Nhờ N. mà tôi mới tìm được đến “hòn đá đầu tiên của khu tưởng niệm Hoàng Sa”.
Đồng thời, cũng xin được gởi lời xin lỗi đến anh Hai Lên (anh cho phép nêu tên) vì chưa thể thực hiện lời hứa viết về nỗi uất nghẹn của các ngư dân Lý Sơn khi đánh bắt ở Hoàng sa và Trường Sa, đã bị người của “nước lạ” tấn công, hành hạ…
***
Kỳ 1: Lý do gì mà khu tưởng niệm Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn ngưng xây dựng?
Tôi đến huyện đảo Lý Sơn vào buổi trưa. Sau khi, thu xếp được chỗ ở qua đêm, ăn trưa xong, tôi mượn xe người quen rồi lên đường tìm đến Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, được cho là có diện tích gần 2ha.
Theo chỉ dẫn của một người dân, từ bến cảng men theo con đường ven biển, đi khoảng 4km thì đến trung tâm huyện. Người này cho biết “Khu tưởng niệm” nằm bên phải. Nhưng đó không phải là khu tưởng niệm mà tôi muốn tìm, mà đây là tượng đài Hải đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải. Tiếp tục hỏi thêm vài người dân nữa, hầu hết ai cũng chỉ đến tượng đài Hải đội Hoàng Sa.
Cuối cùng, khi ghé vào quán nước hỏi thăm bốn người thanh niên đang uống nước về cái “hòn đá xây khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” ở trên núi Thới Lới, cả bốn người đều tận tình hướng dẫn: Đi tiếp 4km nữa, men theo con đường lên núi, có doanh trại quân đội đóng, thì sẽ thấy ngay. Họ nói “ngay chỗ có cái cờ rất cao”.
Khi hỏi thêm, ở trên đó có bán hương để thắp không? Họ cho biết: không có ai bán đâu, khu vực quân đội, mà cũng chẳng có lư hương để thắp! Nghe xong, tôi tiếp tục lên đường, dù trong lòng có sự hoài nghi rằng tại sao khu tưởng niệm lại không có chỗ thắp hương?!
Dưới cái nắng của vùng biển đảo, dù gió biển lồng lộng nhưng vẫn không ngăn được mồ hôi túa ra. Cuối cùng rồi tôi cũng tới nơi theo lời chỉ dẫn. Nhưng khi tới nơi rồi, tôi mới thấy thất vọng tràn trề, bởi đây không phải là khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, mà là cột cờ tổ quốc do Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng. Đã vậy, những hàng chữ khắc trên cột cờ rụng rơi gần hết!
Viết dài dòng như thế, để mọi người cảm nhận được rằng, rất nhiều người dân ở đây chẳng ai biết “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa rộng 2ha” ở chỗ nào! May mắn, tôi gặp được cậu em dân địa phương tên N. đang cùng với cô bạn ngồi chơi ở cột cờ. Tôi hỏi câu hỏi như đã hỏi những người dân trước đó, thì cậu ấy cũng chỉ tôi quay lại tượng đài Hải đội Hoàng Sa. Buộc lòng, tôi lên mạng tìm bài viết của báo VnExpress viết về lễ khởi công xây khu tưởng niệm này vào ngày 17/1/2016.
Các quan chức tại lễ khởi công. Ảnh: Nguyễn Đông/ VNE
Vừa nhìn bài báo, cậu N tức giận, la toáng lên: “Họ nói chứ không xây chú ơi! Chỉ có hòn đá đầu tiên dưới kia kìa!” Vừa nói, cậu N vừa tận tình chỉ tôi nhìn về hướng đảo Bé ở xã An Bình. Tôi nhìn thấy hòn đá bé nhỏ ấy giữa lưng chừng quả núi mà tôi đang đứng. Trông nó cô độc, trơ trọi và hoang phế quá!
Tôi chần chừ chưa kịp mở miệng định nhờ cậu ấy dẫn đường, thì cậu N đã nhiệt tình nói: “Chú muốn xuống đó thì cháu dẫn đi!”. Tôi, cậu ấy và cô bạn cậu men theo con đường mòn ít người qua lại, rộng chưa được nửa mét. Cả ba lần mò đến “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” có diện tích chưa đầy 1,2m2, thay vì “gần 2ha” như bài báo VnExpress viết. Vừa đi cậu ấy vừa nói thêm: Người ta nói với dân không xây nữa vì chuyện tâm linh gì đó, nhưng rất có thể họ bị áp lực từ “nước lạ”!
Tác giả Đàm Ngọc Tuyên tại “khu tưởng niệm”. Ảnh: Tác giả cung cấp
Đến nơi, tận mắt chứng kiến “khu tưởng niệm”, trong lòng trào dâng nỗi uất nghẹn. Trong tiếng gió biển, tiếng sóng rì rào từ khơi xa vọng lại, như tiếng oán than, kêu khóc của biết bao vong linh người Việt đã ngã xuống khi ra khơi, bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, nhưng giờ đây vong linh họ không có nơi chốn trở về…
***
Nội dung bài báo VnExpress ngày 17/1/2016 cho biết, dự án xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” có vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, trên diện tích gần 2ha tại núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn. Khu tưởng niệm này là công trình thứ hai trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động hồi tháng 3/2014.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, nói với báo VnExpress, “việc chọn Lý Sơn để xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa mang nhiều ý nghĩa, bởi nơi đây như một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di chỉ của Triều đình Nhà Nguyễn cho ngư dân ra khai phá, xác lập chủ quyền và quản lý ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.
Bức tượng “Người mẹ thắp lửa” do kiến trúc sư Trần Văn Dũng thiết kế đã được chọn để xây khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”, nói về “những người phụ nữ đứng trên đất liền, chiều chiều ra bãi biển đứng ngóng đợi chồng con. Những lần người thân không về, họ lại lặng lẽ thắp ngọn đèn cúng vọng”.
Bức tượng “Người mẹ thắp lửa” do kiến trúc sư Trần Văn Dũng thiết kế. Ảnh: Soha
Vào thời điểm tháng 1/2016, bí thư huyện ủy đảo Lý Sơn là bà Bùi Thị Quỳnh Vân. Bà Vân hiện là Ủy viên dự khuyết Trung ương và là Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Còn đường quan lộ của bà thênh thang, nhưng “khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” thì teo tóp lại!
Dư luận từ người dân Lý Sơn nói riêng và người dân Quảng Ngãi nói chung, cho rằng: Khi tiến hành khởi công đặt viên đá đầu tiên ở khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”, thật ra không phải vì mục đích tâm linh, mà là phục vụ mục đích chính trị. Vào thời điểm đó, ông Võ Văn Thưởng muốn “nhân tài” là bí thư huyện ủy Lý Sơn – bà Bùi Thị Quỳnh Vân – được cơ cấu vào Ủy viên dự khuyết Trung ương trong cuộc họp từ ngày 26 đến ngày 28/1/2016. Vì sao người dân Quảng Ngãi xem bà Vân là “nhân tài”, có lẽ do con đường quan lộ của bà xuất phát từ nhân viên tạp vụ, mà chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.
Bí thư huyện ủy Lý Sơn hiện nay là ông Nguyễn Viết Vy. Ông Vy nhận chức vào tháng 10/2016 khi mới 33 tuổi, mà báo chí đưa tin, ông là bí thư huyện trẻ nhất từ trước đến nay. Ông bí thư huyện đúng là rất trẻ, đối nghịch với nước mắt già nua đợi chờ của “Người mẹ thắp lửa” suốt gần 3 năm qua!
***
Tôi đem câu chuyện này hỏi thăm một vài người lớn tuổi ở địa phương, tất cả những người này đều có chung thắc mắc: Ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, từ trung ương đến địa phương khua chiêng gióng trống, báo chí rầm rộ đưa tin. Vậy hà cớ gì, gần ba năm qua, chính quyền lại bỏ “hoang phế” dự án này?! Phải chăng chính quyền bị áp lực từ “nước lạ” nên không thể tiếp tục xây dựng?! Hay vì đây là công trình tưởng niệm những người đã khuất, cho nên chính quyền làm một “dự án ma”?! Hay số tiền kêu gọi từ các doanh nghiệp (70 tỷ đồng) bị các doanh nghiệp, cá nhân hứa nhưng rồi “xù”, nên chính quyền không có kinh phí làm tiếp?! Ngược lại, nếu chính quyền đã nhận tiền từ doanh nghiệp rồi, thì số tiền đó nay đã về đâu?!
Hàng loạt câu hỏi được người dân đặt ra, mong muốn được chính quyền địa phương và trung ương giải đáp. Đây là việc khẳng định chủ quyền quốc gia, tưởng nhớ những vong linh nghĩa sĩ đã hy sinh xương máu, chứ không phải là một công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em để có thể ngưng một cách tùy tiện.
Có lẽ hàng triệu người Việt khắp nơi nghĩ rằng “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” đã xây xong từ lâu rồi. Nhưng không, đây có thể nói là sự lừa gạt của chính quyền đối với người dân cả nước nói chung, người dân Lý Sơn nói riêng, đặc biệt là những anh linh những người đã khuất.
(Còn nữa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?