Âu - Mỹ : Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ

RFI

Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tại Lisboa nhân Thượng Đỉnh NATO ngày 20/11/2010.
Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tại Lisboa nhân Thượng Đỉnh NATO ngày 20/11/2010. ASSOCIATED PRESS - Virginia Mayo

Hôm nay 29/09/2021, Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ (EU-US Trade and Technology Council - CCT) họp lần đầu tiên tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Hội đồng được tổ chức nhằm nối lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương về mặt kinh tế và công nghệ, vốn bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời Donald Trump.

Cuộc họp hôm nay có sự tham gia của nhiều bộ trưởng Mỹ và lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu. Về phía nước chủ nhà, có ngoại trưởng Antony Blinken, đại diện Thương Mại Katherine Tai. Về phía châu Âu có hai phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Margrethe Vestager phụ trách công nghệ số và ông Valdis Dombrovskis phụ trách thương mại. 

Tuy nhiên, cuộc họp lần đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh cuộc « khủng hoảng tàu ngầm », sau khi Úc bất ngờ hủy một hợp đồng đã ký từ nhiều năm với Pháp để chuyển sang mua tàu Mỹ, cùng lúc với việc liên minh Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) ra đời. « Khủng hoảng tàu ngầm » hiện vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, cho dù Pháp – Mỹ quyết định sang trang khủng hoảng, sau cuộc điện đàm ngày 22/09 giữa tổng thống Hoa Kỳ và nguyên thủ Pháp.  

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles : 

« Việc tổ chức Hội đồng về Thương mại và Công nghệ này là nhằm triển khai các cam kết của tổng thống Mỹ Joe Biden trong thượng đỉnh Liên Âu – Hoa Kỳ ngày 15/06, hướng đến khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông Joe Biden nói : ‘‘Châu Âu là đối tác tự nhiên của chúng ta. Lý do là vì chúng ta cùng tôn trọng các chuẩn mực và các định chế dân chủ, và những điều này ngày càng bị tấn công’’. 

Quyết tâm của tổng thống Mỹ tăng cường quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương và hợp tác công nghệ vấp phải nhiều trở lực với cuộc ‘‘khủng hoảng tàu ngầm’’. Việc tổ chức cuộc họp Hội đồng này tại Pittsburgh rút cuộc chỉ được chính thức thông báo vào thứ Năm tuần trước. Paris cũng đã tìm cách thu hẹp một phần mục tiêu của các thảo luận. 

Đối với các nước châu Âu, dù sao đối thoại giữa Hoa Kỳ và Liên Âu về chủ đề này vẫn là một sáng kiến tích cực, theo bà Léa Auffret, Văn phòng người Tiêu Thụ châu Âu, ít nhất nếu như Liên Hiệp thành công trong việc áp đặt được quan điểm của mình trong vấn đề các quy định điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số. Bà Léa Auffret nói : ‘‘Chúng ta có một cuộc đối thoại giữa những người ban hành quy định điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số, đây là điều rất tốt. Giờ đây, cần phải làm sao để điều này không được sử dụng với ý định xấu, có nghĩa là được sử dụng để kìm hãm thực sự các mục tiêu thay đổi luật của Liên Hiệp Châu Âu. Liên Âu đã thực sự mong muốn bảo vệ các công dân của mình trên thị trường kỹ thuật số hiện nay’’. 

Bất chấp bối cảnh ngoại giao căng thẳng, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng này khiến nhiều người châu Âu hy vọng quan hệ thương mại mới xuyên Đại Tây Dương sẽ hòa dịu trở lại và mang lại kết quả ».

Theo trang mạng châu Âu Euronews, « bất chấp các bất đồng, khối 27 nước và Hoa Kỳ có chung mục tiêu là tìm kiếm các động lực mới để xác lập các quy tắc quốc tế của thế kỷ 21, nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng đầu tư, phát triển các chuẩn mực, quy tắc và tăng cường cách tân », và « không để cho Trung Quốc, với các giá trị và chuẩn mực riêng, ấn định luật chơi quốc tế về mặt công nghệ ». 

Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu – Mỹ sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề cơ bản trong quan hệ song phương Âu – Mỹ, từ thương mại trên mạng, quản lý dữ liệu kỹ thuật số, vật liệu bán dẫn, đầu tư, khí hậu, « công nghệ xanh », y tế… 

Quan hệ Âu - Mỹ cần được gây dựng lại dần dần

Riêng về phần nước Pháp, hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giao châu Âu xin ẩn danh cho hay, Paris không muốn đưa vào tuyên bố chung kế hoạch họp Hội đồng lần thứ hai vào đầu năm 2022, thời điểm Pháp chuẩn bị bầu cử tổng thống. Pháp cũng không muốn đưa vào tuyên bố chung quan hệ đối tác Âu – Mỹ, phối hợp mật thiết trong lĩnh vực chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn. 

Quan điểm của Paris là Liên Âu cần thận trọng, quan hệ xuyên Đại Tây Dương phải được gây dựng trở lại từng bước một. Trả lời Reuters, các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh sự thận trọng của Pháp ít liên hệ đến bất đồng về « khủng hoảng tàu ngầm » hơn là quyết tâm xây dựng một châu Âu độc lập hơn. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?