Khi Mỹ tăng tốc chiến lược ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc
RFI
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Từ chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Barack Obama đến cuộc tấn công tổng lực ngoại giao, kinh tế và công nghệ của chính quyền Donald Trump qua đến thời tổng thống Joe Biden cuộc huy động ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, « mối đe dọa chiến lược » đối với Mỹ đang được đẩy mạnh thêm với quy mô rộng hơn.
Chín tháng sau khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ, quan hệ Washington và Bắc Kinh vẫn là cuộc đối đầu không khoan nhượng. Mọi ý định nhằm làm dịu căng thẳng quan hệ với Trung Quốc đều thất bại. Cuộc đối thoại ngoại giao đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden tại Anchorage kết thúc bằng cuộc đấu khẩu lên mặt dạy dỗ nhau. Các cuộc tiếp xúc lạnh nhạt của các quan chức Mỹ tại Bắc Kinh. Giới quan sát nhận thấy Trung Quốc không hề có dấu hiệu thiện chí nào để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đang ở mức thấp nhất kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 50 năm.
Đầu tháng 9/2021, tổng thống Biden có cuộc điện đàm trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để trao đổi các « vấn đề chiến lược », thế nhưng cuộc nói chuyện cũng không mang lại được chuyển biến nào thực chất. Tuần trước, qua diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Biden tiếp tục xa xôi đề cập đến quan hệ đối địch Mỹ -Trung với tuyên bố rằng « mọi cường quốc phải có nghĩa vụ xử lý thận trọng các quan hệ của mình không để cạnh tranh dẫn đến xung đột » và « chúng tôi (Mỹ) sẽ bảo vệ các đồng minh và bè bạn của chúng tôi …và chúng tôi chống lại các ý đồ của những nước lớn thống trị những nước yếu hơn ».
Trong hầu hết mọi lĩnh vực – ngoại giao, quân sự, kinh tế - giờ đây Hoa Kỳ luôn sẵn sàng đối mặt với một đối thủ ngày càng tỏ ra nguy hiểm cho vị trí cường quốc số 1 thế giới của Washington.
Chuyên gia Hal Brands, giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế John-Hopkins, được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn giải thích « Từ hai hay ba năm nay ở Washington tồn tại một quan điểm chung : Trung Quốc là một mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ ».
Điều thay đổi từ khi ông Biden lên nắm quyền, đó là với chính quyền mới, cuộc đối đầu với Trung Quốc mang đậm tính chất hệ tư tưởng, giữa nền dân chủ và toàn trị. Tổng thống Trump không nhìn sự việc như vậy mà chỉ tập trung vào thương mại. Một điểm khác nữa trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, theo chuyên gia Hal Brands là « Biden định đối đầu với Trung Quốc theo cách đa phương hơn, bằng cách dựa vào các đồng minh », trong khi người tiền nhiệm của ông thích một mình một ngựa.
Trong những tuần vừa qua, liên minh mới giữa Hoa Kỳ, Úc, Anh (AUKUS) bất ngờ được thành lập bổ sung thêm vào mặt trận chung để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp đó là cuộc gặp trực diện lãnh đạo Bộ Tứ (QUAD) gồm Hoa Kỳ-Ấn Độ-Nhật Bản và Úc, càng khẳng định ưu tiên chiến lược mới của Nhà Trắng là kiềm chế đà bành trướng của Trung Quốc. Chiến lược này dường như được tập trung và đẩy nhanh hơn sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng với vấn đề Đài Loan đang làm cho Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trở thành vùng căng thẳng quốc tế. Chuyên gia Hal Brands được trích dẫn ở trên, nhận định, « thực sự có mối nguy hiểm khi cuộc cạnh tranh này có thể chuyển thành một cuộc đối đầu quân sự », nhất là khi Washington can dự quá sâu vào chuyện Đài Loan. Bắc Kinh đã không giấu ý định thống nhất Đài Loan, kể cả bằng vũ lực.
Ngoài ra các chuyên gia đều có chung nhận định, nguy cơ xung đột quân sự trong vùng từ sự cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là vô cùng thấp. Các hoạt động quân sự như tập trận, tuần tra, hợp tác quốc phòng hay liên minh cũng chỉ là các động thái tạo áp lực, cảnh tỉnh cho Bắc Kinh thấy rằng, vươn lên thành cường quốc để bành trướng ảnh hưởng là phá vỡ trật tự thế giới hiện có, điều mà ngày càng nhiều nước nhìn nhận như là một mối đe dọa thực sự cho an ninh và sự ổn định quốc tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét